+Aa-
    Zalo

    Truyền 15 lon bia cứu bệnh nhân ngộ độc rượu: Thông tin chính thức từ Bộ Y tế

    • DSPL
    ĐS&PL Bộ Y tế vừa tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thức về trường hợp điều trị ngộ độc rượu methanol bằng bia.

    Bộ Y tế vừa tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thức về trường hợp điều trị ngộ độc rượu methanol bằng bia do các bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị thực hiện.

    Bộ Y tế tổ chức họp báo để công bố thông tin chính thức về việc bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị dùng bia khi cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu. Ảnh: Zing.vn

    Trị ngộ độc rượu bằng bia là có cơ sở khoa học

    Tại buổi họp báo, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Methanol hay Ethanol khi ngộ độc lúc đầu giống nhau là hạ thân nhiệt, hạ huyết áp, sau đó nếu là ngộ độc Ethanol sẽ có cách điều trị khác. 

    Còn ngộ độc Methanol quá trình diễn tiến nửa ngày hoặc 1, 2 ngày sau mới có biểu hiện. Lúc này do acidfomic gây ra bệnh nhân thấy mờ mắt, mệt mỏi, thở nhanh, chậm chạp thậm chí hôn mê, có thể có nôn ọe lúc này quá muộn.

    Người dân rất khó để biết ngộ độc methanol. Trong chai rượu mua về uống có thể bị pha lẫn cả ethanol và methanol nó làm chậm quá trình ngộ độc hơn.

    Theo bác sĩ Nguyên, hiện nay, có 3 biện pháp để cấp cứu ngộ độc cồn Methanol. 

    Đầu tiên là phương pháp cấp cứu hồi sức, ổn định tình trạng bệnh nhân.

    Biện pháp giải độc thứ hai là dùng thuốc giải độc (có 3 thuốc giải độc truyền tĩnh mạch) nhưng thuốc này khá đắt, tốn vài nghìn USD một lần. Dạng thứ hai là truyền Ethanol y tế dạng tĩnh mạch, phương pháp này là tốt nhất và chúng ta đang cố gắng nhập về cho thuận tiện.

    Một giải pháp khác để cứu chữa bệnh nhân kịp thời là bác sĩ sử dụng Ethanol dạng uống (là loại rượu thông thường, rượu an toàn, bia), với liều lượng, cách dùng hợp lí. Sử dụng phương pháp này, các y bác sĩ phải giám sát và lựa chọn phù hợp để giảm thiểu tác hại của Methanol cho bệnh nhân. 

    “Trong 3 biện pháp để cấp cứu ngộ độc cồn Methanol thì phương pháp lọc máu được coi là tuyệt đối nhất”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

    Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng khẳng định, theo hướng dẫn xử trí ngộ độc Methanol của Bộ Y tế, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải Methanol ra khỏi cơ thể người bệnh. 

    Trong quá trình lọc máu thải độc, Ethanol trong bia cũng có thể được sử dụng truyền vào cơ thể bệnh nhân ngộ độc rượu theo đường tiêu hóa để tranh chấp chuyển hóa với Methanol có trong máu. 

    Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này chỉ có thể tạm thời trì hoãn việc chuyển hóa Methanol thành các độc chất (axit formic và format) gây hại cho người bệnh và phải được thực hiện, theo dõi sát tại cơ sở y tế có đủ điều kiện, theo hướng dẫn chuyên môn và chỉ định của bác sỹ. 

    Trước đó, trong 2 ngày ngày 24 - 25/12/2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị lần lượt tiếp nhận 3 bệnh nhân là Lê Văn X. (64 tuổi), Nguyễn Văn N. (47 tuổi) và Lê Văn T. (24 tuổi) đều thường trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

    Qua khai khác cả 3 bệnh nhân này cùng dự liên hoan vào chiều ngày 23/12/2018 và cùng uống chung một loại rượu. 

    Triệu chứng ban đầu là đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi, sau đó vật vã kích thích, hôn mê, rối loạn hô hấp, suy hô hấp, thở yếu, suy tuần hoàn, nhìn mờ. Đây là dấu hiệu quan trọng để phát hiện bệnh nhân ngộ độc Methanol.

    Bệnh nhân Lê Văn X. được chẩn đoán choáng nhiễm độc từ đường tiêu hóa, nghi ngờ do ngộ độc Methanol, chuyển Bệnh viện Trung ương Huế điều trị vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 25/12/2018 do bệnh tiên lượng rất nặng. Bệnh nhân Nguyễn Văn N. và Lê Văn T. được chẩn đoán theo dõi ngộ độc Methanol.

    Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn N. có hàm lượng Methanol trong máu là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. Bệnh viện đã tiến hành xử trí theo phác đồ điều trị ngộ độc Methanol của Bộ Y tế, kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn và lọc máu cấp cứu để thải độc Methanol. 

    Bên cạnh đó, trong quá trình lọc máu thải độc, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác, một trong số đó là truyền bia (có Ethanol) vào dạ dày qua ống thông. Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và xuất viện ngày 2/1/2019.

    Mối nguy hiểm khi tự giải rượu bằng bia tại nhà

    Bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật được truyền gần 5 lít bia để giải ngộ độc rượu. Ảnh: Zing.vn

    Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý nhiều người dân sau khi đọc thông tin về trường hợp này đã hiểu sai về việc ngộ độc rượu. “Chúng ta đang nói hai chất và hai loại ngộ độc methanol và ngộ độc rượu thông thường (có thể gây ngộ độc nếu uống nhiều hay gây xơ gan).

    Cồn công nghiệp methanol là chất dùng trong công nghiệp và không dùng trong cơ thể con người, độc tính mạnh có thể gây mù, tổn thương não. So với tổng thể bệnh nhân ngộ độc chung, ngộ độc methanol ít hơn. Ngộ độc ethanol là uống rượu, bia, đồ uống có cồn, nếu uống quá nhiều cũng có thể gây ngộ độc.

    Trong phác đồ chẩn đoán điều trị, không được uống thêm rượu, bia chữa cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu, kể cả các chất có cồn khác. Chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol chỉ có nhân viên y tế”, bác sĩ Nguyên thông tin.

    Thông qua sự việc này, Bộ Y tế khuyến cáo:

    - Sử dụng rượu bia có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân nên hạn chế sử dụng rượu, bia.

    - Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Người dân tự ý không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia dây ra, không phải cứ uống bia là giải độc được rượu. Nếu đã ngộ độc ethanol (có trong rượu) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia có ethanol thì mức độ ngày càng nghiêm trọng.

    - Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, giả, vì có thể chứa methanol.

    Theo bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết nhiều người nghĩ rằng có thể uống rồi nghỉ, cầm chừng sau đó uống tiếp sẽ giảm tác hại của rượu, bia, tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm. Về mặt nguyên lý, khi sử dụng 1 g cồn, tức tương đương với 2/3 chai hoặc lon bia 330 ml (5%), 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%), 1 cốc bia tươi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%) gan sẽ mất 1 giờ để thải độc, bởi thói quen của người dân không ai chờ 1 giờ mới tiếp tục uống 1 đơn vị cồn. Lượng cồn cao gan không thể chuyển hóa hết, ethanol còn lại sẽ biến thành chất độc.

    “Thực tế, bia hay rượu đều có chưa ethanol gây hại sức khỏe, không có chuyện uống bia sẽ không gây hại cho cơ thể. Chúng tôi mong người dân sử dụng rượu, bia văn minh, có điểm dừng để tránh hậu quả đáng tiếc”, bà Trang khẳng định.

    NGUYỄN QUỲNH (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truyen-15-lon-bia-cuu-benh-nhan-ngo-doc-ruou-thong-tin-chinh-thuc-tu-bo-y-te-a258995.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan