+Aa-
    Zalo

    Đại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thành đống sắt vụn nếu không có thêm tiền?

    • DSPL
    ĐS&PL Với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, theo ông Trần Sỹ Thanh, tài chính là điểm nghẽn lớn nhất. Không có tiền, dự án sẽ đóng cửa trong vài tháng tới.

    Với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, theo ông Trần Sỹ Thanh, tài chính là điểm nghẽn lớn nhất. Không có tiền, dự án sẽ đóng cửa trong vài tháng tới.

    Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 còn ngổn ngang. Ảnh: VietNamNet

    Báo Dân Trí đưa tin, sáng nay (23/7), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và đại diện nhiều bộ ngành, Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình Nguyễn Hồng Diên có buổi làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 để bàn cách "giải cứu dự án này. 

    Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, đây là dự án trọng điểm quốc gia, Thủ tướng đã chỉ đạo cần có những đánh giá, sớm tháo gỡ khó khăn, báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị để có hướng đảm bảo hiệu quả, thành công cho dự án, và cân đối cung cầu điện quốc gia.

    Theo báo Thanh Niên, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV PVN, cho biết dự án đang gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là do trong quá trình làm, tổng thầu EPC là Tổng Công ty xây lắp dầu khí (PVC) có nhiều sai phạm hình sự, bị khởi tố, bắt bớ. Vì thế các tổ chức tài chính cắt tín dụng, dự án không thể vay được nữa.

    “Đến giờ, thực sự là PVC tan nát vì dính rất nhiều dự án khác, bắt bớ liên tục không còn người để mà làm. Nhưng nếu Nhiệt điện Thái Bình 2 thay tổng thầu thì còn nguy hiểm hơn, bởi ai sẽ làm?”, ông Thanh nêu vấn đề, đồng thời cho biết thêm: “Bản chất hiện nay, Tập đoàn PVN đang làm thay, trực tiếp vào cuộc, chỉ đạo, vận hành mọi vấn đề từ con người, vốn… PVN đã lên kế hoạch triển khai tiếp khi có tiền”, ông Thanh nói.

    Với dự án này, theo ông Sỹ Thanh, tài chính là điểm nghẽn lớn nhất. "Nếu không có tiền, dự án sẽ đóng cửa trong vài tháng tới", chủ tịch PVN nói, theo VnExpress.

    Dự án được cấp vốn theo cơ cấu 30/70 (vốn vay/vốn chủ sở hữu). Việc giải ngân vốn vay nước ngoài còn lại và tìm kiếm nguồn vay tiếp gần như là không thể. Đã cơ bản hoàn thành lắp đặt các thiết bị chính nhưng một số công việc và thiết bị phụ vẫn chưa kết thúc công tác lắp đặt dẫn đến công tác chạy thử bị chậm. Đồng thời, việc tranh chấp về thời hạn bảo hành thiết bị kéo dài, tiềm ẩn rủi ro cho tổng thầu cũng như chủ đầu tư...

    "Không có tiền không thanh toán được lương, không trả được cho nhà cung cấp... Anh em hoang mang, nhiều cán bộ đã bỏ đi. 32.000 tỷ đồng nằm chềnh ềnh. Đau xót và lo lắng vô cùng. Các bộ ngành cứ chần chừ, không quyết sách cụ thể. Một ngày chậm, phải trả lãi ngân hàng hơn 6 tỷ đồng với các khoản đã vay. Trong khi đó, có câu hỏi đặt ra: Dự án làm tiếp hay không làm tiếp thực sự đã khiến cả hệ thống hoang mang”, ông Trần Sỹ Thanh bức xúc nói, Dân Trí cho biết.

    Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch PVN kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương, xem xét báo cáo Thủ tướng chấp thuận, cho phép PVN sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh.

    Theo Dân Trí, báo cáo về tiến độ dự án, ông Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng ban quản lý dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cho biết, dự kiến dự án sẽ phát điện vào năm 2020, hiện nghiệm thu vốn đầu tư giải ngân 32 nghìn tỷ đồng, tiến độ đạt trên 84%, thiết kế đạt trên 90%, mua sắm trên 95%...

    Tuy nhiên, theo ông Hải, do dòng tiền chậm nên đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ dự án. Nhân sự tại công trường cũng ngày càng giảm, từ chỗ có 800 người giờ chỉ còn 300-400 người. Nhiều cán bộ kỹ thuật bỏ đi. Dự án còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế tổng thầu trong nước, quá trình triển khai xảy ra nhiều bất cập…

    Lãnh đạo Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước và đại diện các bộ, ngành liên quan đi kiểm tra tiến độ công trình. Ảnh: Dân Trí

    Đáng lưu ý, theo ông Hải, dự án cũng đang gặp nhiều khó khăn liên quan tới vấn đề tài chính.

    “Tập đoàn đã giải ngân đến năm 2018. Năm 2019, PVN đang đề xuất, xử lý nhưng tiền vẫn chưa về. Những gì chủ đầu tư làm được đã làm hết rồi, tổng thầu thì rất khó khăn, nhân sự bỏ đi nhiều, thưởng chậm, những người có kinh nghiệm không còn nhiều. Chúng tôi mong muốn có nguồn lực để thực hiện dự án trong bối cảnh năng lực ngày càng yếu đi, dòng tiền mất cân đối, ngoài tầm xử lý của chủ đầu tư”, ông Hải nói.

    Về phía đại diện Tổng thầu EPC, ông Nguyễn Đình Thế, Tổng giám đốc PVC cũng nhắc tới những vướng mắc trong dòng tiền thực hiện dự án. “Phần xây dựng bằng tiền Việt đã thực hiện 80%, giải ngân 84%. Trong quá trình thực hiện đã phải dùng nguồn khác bù vào, trong đó có cả tiền tổng thầu tự chi ra, thậm chí còn nhiều hơn tiền từ chủ đầu tư giải ngân”, ông Thế cho hay.

    “Nhiều khoản chưa giải ngân được do chưa có hướng dẫn, do sợ trách nhiệm quản lý. Nhiều khoản dở dang, nếu xử lý được thì dự án có thể đẩy tiến độ lên ngay được. Nguồn tài chính do đơn vị tự bỏ tiền ra từ vay ngân hàng, vốn chủ sở hữu… Nhưng do tái cơ cấu các đơn vị, hầu hết các đơn vị thua lỗ, nhiều dự án có vướng mắc nên tổng thầu không có nguồn bổ sung. Tập đoàn và công ty đã kiến nghị cần có gói khẩn cấp để xử lý. Cái gì quyết toán được thì quyết toán, giải quyết dòng tiền cho các đơn vị”, ông Thế nhấn mạnh.

    VnExpress thông tin, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận Nhiệt điện Thái Bình 2 cho rằng, nếu đảm bảo giải ngân chặt chẽ, đúng tiến độ thì đây là giải pháp quan trọng nhất để bảo toàn vốn đầu tư nhà nước cho những công trình điện quan trọng. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các bộ gửi ý kiến để Bộ tổng hợp trình Thủ tướng, thường trực Chính phủ dựa trên các đề xuất của PVN. Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính gia hạn các khoản vay nước ngoài cũng như Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện giải ngân cho dự án.

    Theo ông, Nhiệt điện Thái Bình 2 cần rà soát, khẳng định lại các phương án kỹ thuật tương ứng với cơ cấu vốn đầu tư thay đổi; kế hoạch, giải pháp nhằm đảm bảo năng lực của PVN.

    PVN cũng cần chịu trách nhiệm các phương án để tổ chức quản lý, triển khai... đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án, đảm bảo năng lực tổng thầu, quản trị dự án, các hợp đồng với các nhà thầu khác... khi đề xuất được thông qua.

    Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, nếu dự án này vận hành chính thức thì mỗi năm hệ thống điện quốc gia có thêm 7 tỷ kWh. Ngược lại, nếu không kịp vận hành từ năm 2020, mỗi năm sẽ phải tốn chi phí rất đắt, khoảng 35.000 tỷ đồng, để chạy dầu bù sản lượng điện của nhà máy này.

    "Không nên nghĩ rằng đã chi ra 32.000 tỷ đồng và giờ dự án khó khăn, bế tắc thì xem xét lại mà không tìm cách tháo gỡ", ông Vượng nói.

    Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng mức đầu tư hơn 42.000 tỷ đồng và hiện đã giải ngân trên 32.000 tỷ, hoàn thành hơn 84% khối lượng công việc, thiết kế đạt trên 90%, mua sắm hơn 95%...

    Mộc Miên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-du-an-nhiet-dien-thai-binh-2-thanh-dong-sat-vun-neu-khong-co-them-tien-a285556.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan