+Aa-
    Zalo

    Lớp học đặc biệt trên lòng hồ Trị An

    ĐS&PL Mặc dù đều đã lớn tuổi nhưng mọi người rất háo hức, mong chờ từng ngày, thậm chí bỏ luôn buổi làm để được tới lớp học.

    Mặc dù đều đã lớn tuổi nhưng mọi người rất háo hức, mong chờ từng ngày, thậm chí bỏ luôn buổi làm để được tới lớp học.

    Người dân được chỉ bảo tận tình từng nét chữ trong lớp dạy chữ cho những người Việt kiều Campuchia lớn tuổi trên lòng hồ Trị An. Ảnh: TTXVN

    Khu vực lòng hồ Trị An (trải dài trên nhiều huyện thuộc tỉnh Đồng Nai), hiện có trên 1.200 hộ sinh sống với trên 6.000 nhân khẩu. 70% trong số những nhân khẩu trên là Việt kiều trở về từ Campuchia. Do không biết chữ, hầu hết họ chỉ đánh bắt cá để kiếm sống qua ngày.

    Tại đây, gần một năm nay, cứ tới hai ngày cuối tuần, tiếng đánh vần từng con chữ lại vang lên.  Đây là lớp học đặc biệt khi người thầy  là anh Nguyễn Hoàng Nam, cán bộ kiểm lâm, Bí thư Đoàn Thanh niên Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, còn học sinh là những người lớn tuổi, thậm chí có những cụ già gần 80 tuổi.

    Theo anh Nam, trong một chuyến đi làm từ thiện, tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên lòng hồ Trị An, anh nhận thấy có rất nhiều người không biết chữ, không thể ký tên mình khi được trao quà. Có người chỉ đánh chữ X cho nhanh, người cẩn thận hơn lăn vân tay, nhưng cũng có những người đọc tên nhờ người biết chữ viết hộ.

    Anh Nam nhận thấy, mọi người không biết chữ sẽ khó khăn trong công tác bảo vệ, quản lý đánh bắt trên lòng hồ. Khi tuyên truyền về pháp luật, người dân không biết và cũng không thể tự tìm hiểu. Do đó, anh đã xin ý kiến lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, mở lớp dạy chữ cho những người lớn tuổi này với mục đích xóa mù, dạy cho họ biết đọc và biết viết.

    Bước đầu những tưởng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc “chiêu sinh” cho lớp học, vì đối tượng đều là những người lớn tuổi, lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, nhiều người rất háo hức, mong chờ từng ngày, thậm chí bỏ luôn buổi làm để được tới lớp học.

    Lớp học không phân biệt độ tuổi, số người trong một gia đình, tất cả mọi người chỉ cần có nhu cầu học để biết chữ đều có thể tham gia. Có những gia đình gồm bố chồng, con dâu cùng tham gia một lớp.

    Sau thời gian triển khai, hơn 30 người lớn tuổi đã có thể “tốt nghiệp” lớp học, biết đọc chữ hoặc ít nhất là biết viết tên mình. Cụ Nguyễn Văn Lời (71 tuổi) sau hơn 2 tháng học tập, cụ đã có thể tự viết tên mình, mặc dù nét chữ còn nguệch ngoạc.

    Khi được mọi người hỏi, tại sao lớn tuổi như vậy mà vẫn đi học, cụ Nguyễn Văn Lời cho biết: “Từ nhỏ tới lớn không được tiếp xúc với con chữ, cuối đời chỉ có một ước nguyện đó là có thể tự viết tên mình. Biết chữ, biết đọc, viết để mai mốt có được đi đâu đó, biết chỗ này chỗ kia, ai hỏi còn biết trả lời”.

    “Thầy Nam dặn 7 giờ phải có mặt ở lớp học, nhưng đường đến lớp xa lắm, phải tranh thủ đi chứ không kịp đâu. Mùa này do nước xuống, lòng hồ đã cạn đáy nên nhiều nơi xe máy mới chạy được, chứ vào giữa mùa mưa, nước hồ lên cao phải đi ghe gần 1 giờ đồng hồ mới tới được lớp”, ông Tống Văn Rớt (54 tuổi, sống trên lòng hồ Trị An, Đồng Nai) cho biết.

    Kết thúc mỗi buổi học, những “học trò” ở lớp học đặc biệt này lại hồ hởi khoe với nhau hôm nay đánh vần được bao nhiêu chữ, có người giỏi hơn khoe đã ráp được 3 chữ lại với nhau và đọc được. Ánh mắt của họ ánh lên niềm hy vọng vào một cuộc sống mới mà không còn phải lo chạy ăn từng bữa như hiện nay.

    Mộc Miên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lop-hoc-dac-biet-tren-long-ho-tri-an-a302017.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Thầy giáo tật nguyền 22 năm dạy học miễn phí

    Thầy giáo tật nguyền 22 năm dạy học miễn phí

    (ĐSPL) - Sau một cơn bạo bệnh vào mùa hè năm 1990, thầy Nguyễn Minh Quang nguyên là giáo viên dạy anh văn cho trường Nguyễn Văn Sơ, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đành rời xa bục giảng...Thực hiện: Phùng Sơn - Mỹ Lệ