+Aa-
    Zalo

    Sinh viên “vỡ mộng” khi đi làm thêm: Nhọc nhằn đòi lương và cú lừa từ chiếc bẫy ngọt ngào

    ĐS&PL Đánh vào tâm lý ham kiếm tiền và thích thể hiện bản thân, không hiếm các "ông chủ, bà chủ" hay thậm chí cả công ty đã nghĩ ra vô số mánh khoé nhằm lợi dụng tân sinh viên.

    Vừa chân ướt chân ráo bước vào giảng đường Đại học, nhiều tân sinh viên muốn tìm kiếm một công việc để kiếm thêm thu nhập, nâng cao kỹ năng giao tiếp cũng như thử thách bản thân. Đánh vào tâm lý này, không ít các "ông chủ, bà chủ" hay thậm chí cả công ty đã nghĩ ra vô số mánh khoé nhằm để dụ dỗ các "chú cừu non".

    Trương Thị Ánh Tuyết (sinh năm 2002, quê Bắc Ninh) kể về câu chuyện đi làm thêm của bản thân bằng hai từ “vỡ mộng”. Sau khi lên Hà Nội và ổn định được chỗ ở, Tuyết đặt mục tiêu phải nhanh chóng tìm kiếm một công việc ngoài giờ học, với mong muốn phụ giúp một phần cho gia đình. Thông qua dòng tin tuyển dụng xem được trên mang xã hội, cô tới phỏng vấn vị trí nhân viên phục vụ tại một quán ăn ở đường Nguyễn Văn Lộc (Hà Nội).

    “Lần đầu gặp gỡ, chị chủ quán rất vui vẻ và tâm lý. Công việc theo em thấy cũng chỉ loanh quanh rửa bát, dọn dẹp đơn thuần. Sau buổi nó em được nhận và đi làm ngay”, Tuyết kể. Bằng thoả thuận miệng, chủ quán và Tuyết thống nhất mức lương là 20.000 đồng/giờ.

    Sau nửa tháng làm việc, Tuyết bắt đầu cảm thấy “quá tải” vì công việc vất vả hơn cô tưởng tượng: “Ngày nào em cũng phải rửa bát liên tục, đôi lúc quán đông quá thì phải kiêm một lúc nhiều việc. Sau cùng, không chịu nổi nên em quyết định xin nghỉ”.

    Những ngày sau đó là chuỗi hành trình “đòi lương” kéo dài hàng tháng trời. Sau 3 tháng kể từ ngày xin phép nghỉ việc, Tuyết cho biết hiện tại cô vẫn chưa được thanh toán tiền lương.

    “Ban đầu chủ quán hẹn tháng sau sẽ chuyển khoản trả lương nên em yên tâm chờ đợi. Sau đó chị ý lại bảo đến lấy lương trực tiếp vì thẻ hết tiền. Càng lúc em càng thấy vô vọng vì chủ quán viện hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn”, Tuyết kể.

    Khi mới nghỉ việc, Tuyết nói cô vẫn có thể gọi điện cho chủ quán để hỏi lương. Nhưng dần dần, các cuộc gọi sau đó luôn trong tình trạng “thuê bao”. “Em liên tục nhắn tin qua Facebook nhưng chị chủ trả lời nhát gừng, qua loa rồi mất hút như thể cố tình cắt liên lạc”, Tuyết chán nản kể về hành trình đòi tiền lương của bản thân.

    Tuyết cho biết chủ quán liên tục đưa ra các lý do khác nhau để trì hoãn việc thanh toán lương. Ảnh: NVCC.

    Càng bi hài hơn khi gần đây, Tuyết tình cờ biết được thông tin chủ quán đang muốn sang nhượng quán ăn cho người khác: “Em rất hoang mang vì chẳng hiểu nổi sẽ đòi ai tiền lương. Số tiền không nhiều, chỉ hơn 1 triệu đồng nhưng nó cũng là công sức lao động”, Tuyết nói thêm.

    Các nhân viên khác của quán ăn này thậm chí còn bị nợ lương với số tiền lên tới hơn 10 triệu đồng. Theo Tuyết, cô và những “nạn nhân” khác đang cân nhắc chuyện đăng thông tin chủ quán lên mạng xã hội để mong đượ dư luận “giúp sức”.

    “Theo em đó là phương án cuối cùng vì cũng chẳng hay ho gì. Bọn em đều đi làm không có giấy tờ hợp đồng nên chắc chắn không thể báo công an. Thực sự em rất chán nản vì đây là lần đầu tiên đi làm them đã bị lừa, đúng là cạch đến già”, Tuyết tâm sự.

    Sau vụ việc trên, Tuyết vẫn đang sống nhờ vào tiền phụ cấp của bố mẹ. Về số tiền lương bị quỵt, Tuyết ngậm ngùi: “Em xác định đòi được thì là may mắn, không thì phải chấp nhận mất thôi. Chỉ trách bản thân suy nghĩ quá đơn giản, muốn kiếm tiền hoá ra chẳng hề dễ dàng”.

    Tương tự như Tuyết, sinh viên Nguyễn Thị Thu Vân (quê Hà Tĩnh) lại mắc phải chiêu lừa tinh vi hơn. Đang là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Vân xác định sẽ tìm kiếm công việc làm thêm phù hợp với sở trường viết lách. 

    “Mình nộp đơn xin việc qua mạng vào một công ty truyền thông. Sau khi gửi CV (sơ yếu lý lịch – PV), công ty có phản hồi qua thư điện tử, yêu cầu phải thực hiện một bài kiểm tra để đánh giá năng lực”, Vân kể lại.

    Lúc này, Vân không hề mảy may nghi ngờ, thậm chí còn cho rằng đây là một công ty lớn nên đòi hỏi ứng viên có trình độ nhất định. Yêu cầu của bài kiểm tra là nghĩ ra nội dung quảng cáo, ý tưởng cho chiến dịch truyền thông sắp tới. Công ty cũng ghi rõ sẽ không sử dụng sản phẩm của ứng viên.

    “Thực sự mình rất hy vọng vào công việc này nên đã thức nhiều đêm để chau chuốt, hoàn thành ý tưởng. Sau khi gửi bài kiểm tra, công ty cho biết sẽ báo lại kết quả cho ứng viên trong thời gian sớm nhất”, Vân nói.

    Một tuần, rồi hai tuần mà không có hồi âm, Vân bắt đầu tìm hiểu thông tin về công ty và cảm thấy “chột dạ” vì nhận ra một chi tiết bất thường, đó là việc công ty tuyển người quanh năm. Mối nghi ngờ càng trở nên rõ ràng hơn khi một ngày, Vân nhìn thấy sản phẩm của mình được công ty sử dụng mà không hề xin phép hay thông báo cho cô. 

    “Rõ ràng công ty đã vi phạm cam kết ban đầu. Sau này mình mới biết thực tế đó chỉ là chiêu trò để đánh cắp chất xám, chỉ cần dựng lên một tin tuyển dụng là có thể thu hút ý tưởng, sản phẩm của hàng trăm ứng viên mà không tốn một xu nào”, Vân bức xúc chia sẻ.

    Cũng theo Vân, chiêu trò trên rất khó để phòng tránh vì đối tượng mà các công ty này nhắm tới phần nhiều là tân sinh viên – những người đang có sẵn sự sáng tạo và khát khao chứng tỏ bản thân.

    Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, Ths Phạm Tuyên - Trưởng phòng Công tác chính trị và Hỗ trợ sinh viên (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, thực tế các trường hợp bị quỵt tiền khi đi làm thêm đều là sinh viên năm nhất, năm hai, vốn thiếu kinh nghiệm và ngại va chạm xã hội.

    Sinh viên cần lưu ý khi tìm kiếm công việc qua mạng. Ảnh minh họa

    Đưa ra lời khuyên cho các tân sinh viên, Ths Phạm Tuyên nhấn mạnh các sinh viên cần lưu ý 3 điểm sau:

    Thứ nhất, cần có hợp đồng làm việc cụ thể (đầy đủ thông tin về nội dung việc, thời gian làm việc, mức lương, thời hạn trả lương...) nếu không thực hiện được bằng văn bản thì cần ghi nhớ những nội dung cơ bản.

    Thứ hai, nắm kỹ những thông tin liên quan đến nơi mình làm việc để có thể can thiệp khi xảy ra việc bị chậm hay không trả lương hoặc các việc khác.

    Thứ ba, nếu bị chậm hay quỵt lương cần làm văn bản đề nghị thanh toán với chỗ làm thêm, sau đó liên hệ phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thuộc UBND Quận nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.

    “Việc làm thêm là quyền lợi của sinh viên. Các em cần biết cân đối giữa việc học và việc làm thêm để thực hiện tốt nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập và rèn luyện. Để đảm bảo quyền lợi của mình, sinh viên cần thông báo tới cố vấn học tập thời gian, địa điểm làm thêm để thầy cô có thể hỗ trợ tốt nhất. Nếu có vấn đề xảy ra sinh viên liên hệ với các thầy cô phụ trách để đồng hành và hỗ trợ sinh viên trong mọi chuyện, không chỉ chuyện bị chậm hay không trả lương làm thêm”, Ths Phạm Tuyên khẳng định.

    Hiếu Nguyễn

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sinh-vien-vo-mong-khi-di-lam-them-nhoc-nhan-doi-luong-va-cu-lua-tu-chiec-bay-ngot-ngao-a352272.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan