+Aa-
    Zalo

    Nhà báo Nguyễn Quang Vinh: Lười đọc làm mình cũ đi

    (ĐS&PL) - Nhà báo Nguyễn Quang Vinh - Nguyên Tổng Biên tập Báo Tin tức – TTXVN với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, ông đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả thông qua những bài báo, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Với tâm huyết và sự tận tụy với nghề, ông là một nguồn cảm hứng lớn cho các nhà báo trẻ.

    Trong những năm gần đây, báo chí đang trải qua một sự chuyển đổi đáng kể do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và truyền thông. Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023), nhà báo Nguyễn Quang Vinh đã có những chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật về vai trò và sự thay đổi của báo chí.

    Báo chí đòi hỏi sự tư duy, sáng tạo, trách nhiệm và đạo đức

    Trải qua nhiều năm làm việc đến khi nghỉ hưu, nhà báo Nguyễn Quang Vinh luôn quan niệm rằng, báo chí ngoài vai trò là nguồn thông tin còn là một cầu nối quan trọng giữa công chúng và chính quyền, tạo nên mối liên kết cộng đồng. Báo chí có khả năng tác động đến nhận thức và hành vi của công chúng, có chức năng hướng dẫn và hình thành nhận thức cộng đồng về các vấn đề quan trọng để tạo nên sự đồng thuận xã hội.

    Do đó, báo chí cần phải phản ánh sự thật và đưa thông tin chính xác, khách quan. Nhà báo không chỉ đứng vị trí của một người đưa tin đơn thuần mà còn phải biết phân tích, chọn lọc những tin tức để phản ánh nhiều chiều sao cho thông tin đưa ra đúng bản chất của sự việc, đảm bảo tính công bằng và trung thực đối với mọi đối tượng được phản ánh. Nhà báo phải được công chúng nhìn nhận là “sứ giả của sự thật”.

    nha bao nguyen quang vinh luoi doc lam minh cu di
    Nhà báo Nguyễn Quang Vinh.

    "Vai trò của báo chí không chỉ dừng lại ở việc thông tin và truyền tải tin tức, mà còn đòi hỏi tư duy sáng tạo, trách nhiệm và đạo đức. Xã hội luôn cần thông tin báo chí dũng cảm, mạnh mẽ, tin cậy, có tính định hướng để đóng góp vào sự phát triển", nhà báo nhấn mạnh

    Thời buổi công nghệ 4.0 đang mang lại những thay đổi sâu sắc cho ngành báo chí. Công nghệ thông tin và truyền thông xã hội đã tạo ra một môi trường truyền thông phong phú và đa dạng hơn bao giờ hết. Báo chí không chỉ đơn thuần là việc in ấn và truyền thông truyền thống nữa, mà đã mở rộng sang các nền tảng trực tuyến, video, podcast và truyền thông di động.

    Ông Vinh cho rằng, ngày nay, vai trò của báo chí trở nên càng quan trọng hơn bao giờ hết. Báo chí có trách nhiệm đảm bảo tính chính xác, tin cậy và đa chiều của thông tin. Với sự lan truyền nhanh chóng của tin tức trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến, việc kiểm soát thông tin và đánh giá độ tin cậy của nguồn tin trở thành một thách thức đối với báo chí. Nhà báo cần có khả năng phân tích và kiểm tra thông tin một cách cẩn trọng để đảm bảo rằng những thông tin được đưa ra là chính xác và đúng đắn.

    Theo ông Vinh, báo chí trong thời đại "mới" cũng cần thay đổi cách tiếp cận và tương tác với độc giả. Truyền thông xã hội đã tạo ra một môi trường tương tác, cho phép độc giả tham gia vào quá trình sản xuất và chia sẻ thông tin. Báo chí cần phải tận dụng công nghệ để tạo ra nội dung sáng tạo, tương tác và tương tác với độc giả. Việc sử dụng video trực tiếp, podcast, mạng xã hội và ứng dụng di động là những cách hiệu quả để giao tiếp và tương tác với độc giả trong thời đại công nghệ 4.0.

    Ông Vinh đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của nguyên tắc đạo đức và chất lượng trong báo chí. Trong khi công nghệ mang lại nhiều cơ hội mới, thì nó cũng mở ra cánh cửa cho việc lan truyền thông tin sai lệch, tin giả và tin tức mang tính chất chủ quan, phiến diện, vụ lợi của một người hay một tổ chức nào đó; thậm chí có cả những thông tin mang ý đồ tiêu cực, xấu xa đối với xã hội. Nhà báo khi tiếp cận vụ việc cần phải có có cái nhìn tỉnh táo, cái tâm trong sáng để bảo đảm mỗi thông tin được phản ánh phải thật chính xác, khách quan, thông tin phải được thể hiện bằng quan điểm tích cực mang tính xây dựng và nhân văn đối với cộng đồng. Nhà báo nhất định không được bị cám dỗ bởi bất cứ lợi lộc nào mà làm sai lệch bản chất sự việc, nhằm phục vụ cho những lợi ích không chính đáng và phi pháp; đó là đạo đức nhà báo.

    Cơ hội và thách thức đối với nhà báo trẻ

    Nhà báo Nguyễn Quang Vinh cho rằng, các nhà báo trẻ ngày nay hơn hẳn thế hệ những nhà báo như ông về môi trường và điều kiện làm việc. Nhà báo trẻ hiện nay không chỉ có sự đam mê, nhiệt huyết với việc viết báo, mà còn mang theo những kiến thức chuyên môn mới và khả nắng cập nhật công nghệ thông tin và những phương pháp làm báo hiện đại. Sự kết hợp giữa tài năng trẻ và kinh nghiệm của những nhà báo có thâm niên đã tạo nên một thế mạnh của báo chí trong việc đáp ứng các yêu cầu về thông tin của xã hội hiện đại.

    anh 2
    Nhà báo Nguyễn Quang Vinh cùng các đồng nghiệp TTXVN với
    đồng nghiệp TASS. Liên bang Nga.

    "Thế hệ chúng tôi phải học tập trong chiến tranh, làm báo trong nững năm đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, rất nghèo nàn và lạc hậu. Điều kiện làm việc thiếu thốn; phương tiện tác nghiệp thô sơ... Các nhà báo trẻ hiện nay, không những được đào tạo bài bản mà khi về các cơ quan báo chí còn được tạo điều kiện hỗ trợ nhiều mặt như phương tiện, thiết bị làm việc mà trước đây chừng hai chục năm thì người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung ra. Các nhà báo trẻ có môi trường làm việc rất thuận lợi, đất "dụng võ" của phóng viên khá phong phú. Và với điều kiện như vậy cùng với lòng yêu nghề, các phóng viên trẻ rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt thông tin, viết và thể hiện các vấn đề, sự kiện nhanh chóng, kịp thời, thông tin đã có thể tính bằng phút, trong khi ngày xưa chúng tôi phải tính bằng ngày.

    Đây là ưu điểm nhưng đồng thời cũng là nhược điểm bởi phóng viên trẻ thường gặp những sai sót do thông tin không chính xác, do thiếu kinh nghiệm. Một số doanh nghiệp khi gặp tôi có tâm sự rằng họ ngại tiếp xúc với một số nhà báo trẻ vì các nhà báo này thường đưa ra câu hỏi “không đâu vào đâu”. Vì vậy chưa tạo được cho họ niềm tin và không khí làm việc không thoải mái. Điều này khiến ta nghĩ đến vấn đề kiến thức của các nhà báo trẻ về vấn đề họ đang tiếp cận, tìm hiểu".

    Theo nhà báo Nguyễn Quang Vinh: "Làm báo là phải đọc nhiều, càng nhiều lĩnh vực càng tốt, để mở mang kiến thức, không chỉ đọc tài liệu, báo chí mà rất cần đọc cả sách văn học để lĩnh hội những từ ngữ trong văn chương rồi từ đó vận dụng vào nghề nghiệp. Lười đọc sẽ làm mình cũ đi, báo chí thành khô khan, kém hấp dẫn".

    Về những thách thức hiện nay với những người làm báo, nhà báo Nguyễn Nguyễn Quang Vinh cho rằng thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành báo chí. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và truyền thông xã hội, việc truyền tải thông tin đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc có nhiều nguồn thông tin và cạnh tranh khắt khe trong việc thu hút và giữ chân độc giả. Nhà báo trẻ phải tìm cách đưa thông tin vừa nhanh chóng, chính xác vừa nổi bật và hấp dẫn trong một môi trường đầy cạnh tranh này để khẳng định chất lượng thông tin của mình, qua đó khẳng định “đẳng cấp” của cây bút.

    Thách thức tiếp theo mà nhà báo Nguyễn Quang Vinh đề cập là sự thích nghi với công nghệ và các xu hướng truyền thông mới. Sản phẩm báo chí là sàm phẩm đa phương tiện. Do đó, nhà báo hiện nay phải sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông để tạo ra nội dung nhanh nhất và tạo ra sự tương tác với độc giả. Họ phải có kiến thức về các nền tảng trực tuyến, kỹ năng làm việc với video, âm thanh và đa phương tiện, cùng với khả năng phân tích dữ liệu và tương tác trên cộng đồng mạng. Người phóng viên phải làm cùng lúc nhiều việc; chẳng hạn trong một vụ việc phóng viên làm cả tin, ảnh, truyền hình, có nhiều cơ quan báo chí gọi là “phóng viên 3 trong 1”, có nghĩa là phóng viên phải biết làm cả báo viết, báo ảnh, báo mạng, báo nói, báo hình. Điều này đòi hỏi phóng viên, nhất là phóng viên trẻ, phải luôn học hỏi, cập nhật các xu hướng và phương pháp tác nghiệp báo chí để không bị lạc hậu.

    Một thách thức quan trọng khác mà nhà báo Nguyễn Quang Vinh nhắc đến là áp lực thời gian đối với công việc. Ngành báo chí là một ngành cần làm việc nhanh chóng, sự cạnh tranh về thông tin đã được tính bằng giây. Phóng viên luôn phải đối mặt với áp lực thời gian, đôi khi được yêu cầu hoàn thành nhiều nhiệm vụ trong cùng thời gian, trong khi có vấn đề cần phải suy nghĩ phân tích thấu đáo thì mới tìm ra bản chất của nó. Điều này đòi hỏi phóng viên phải có kiến thức phong phú (có kiến thức thì nắm bắt vấn đề nhanh, phân tích sự việc chính xác) và sử dụng thời gian một cách hợp lý và khoa học.

    Nhà báo Nguyễn Quang Vinh dù đã nghỉ hưu nhiều năm và dành phần lớn thời gian để viết văn (đầu năm ngoái bộ tiểu thuyết Thần Hậu bốn tập, gần 2.000 trang của ông do nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản) nhưng tình yêu của ông với nghề báo vẫn nguyên vẹn. Mấy chục năm làm báo, ông đã có hàng chục tác phẩm báo chí được bạn đọc ghi nhớ, và được vinh danh bằng các giải thưởng báo chí. Những bài báo về đồng bằng sông Cửu Long, về Tây Nguyên, về Trường Sa, Tây Bắc…của ông hẳn nhiều người còn nhớ. Trong lòng người đọc, Nguyễn Quang Vinh không chỉ là một nhà báo thành công trên nhiều lĩnh vực, nhiều mảng đề tài, mà còn là một biểu tượng của tình yêu và sự đam mê với nghề báo.

    Thủy Tiên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-bao-nguyen-quang-vinh-luoi-doc-lam-minh-cu-di-a579763.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan