+Aa-
    Zalo

    Nhà báo Phùng Huy Thịnh: Ngòi bút thăng hoa từ “lửa chiến”

    • DSPL
    ĐS&PL Bén duyên nghề báo từ năm 21 tuổi, sự nghiệp 40 năm cầm bút của nhà báo Phùng Huy Thịnh dường như vẫn chưa thể dừng lại sau dấu mốc nghỉ hưu.

    Bén duyên nghề báo từ năm 21 tuổi, sự nghiệp 40 năm cầm bút của nhà báo Phùng Huy Thịnh dường như vẫn chưa thể dừng lại sau dấu mốc nghỉ hưu. “Lửa nghề” trong trái tim và hơi thở vẫn còn nồng nàn, ngòi bút của ông vẫn vẹn nguyên sắc sảo và thăng hoa sau khi bước ra từ “lửa chiến”.

    Sau khi nghỉ hưu, nhà báo Phùng Huy Thịnh vẫn đang đi tiếp con đường số phận mình.

    Cây bút xuất thân từ làng văn, tôi luyện từ “lửa chiến”

    Là một cây bút sắc sảo lăn xả nơi chiến trường suốt bao năm, nhưng nhà báo Phùng Huy Thịnh (SN 1953, quê gốc ở Gia Lâm, Hà Nội) lại xuất thân từ một chàng sinh viên Văn khoa lãng mạn của đại học Tổng hợp.

    Có lẽ, văn chương chính là thiên phú, ngay từ khi học lớp 7, ông đã được tuyển vào học lớp năng khiếu Văn của sở GD&ĐT Hà Nội, được nghe các nhà văn, nghệ sĩ giảng về văn chương, nghệ thuật. Sau đó, ông lớn dần trong “cái nôi” muôn sắc của văn chương Việt Nam và thế giới.

    Mộc mạc, hồn hậu và say mê, nhà báo Phùng Huy Thịnh bắt đầu hóm hỉnh kể về sự nghiệp làm báo của mình.

    Năm 1971, khi đang là chàng sinh viên năm hai đại học Tổng hợp, ông lên đường nhập ngũ, khoác trên mình màu áo lính và chiến đấu trong đại đội trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325 lên bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

    Tháng 5/1974, ông trở thành một trong những phóng viên mặt trận đầu tiên tại Sư đoàn, bắt đầu sự nghiệp cầm bút giữa lửa đạn chiến trường.

    Nhấp một ngụm nước vối nóng, nhà báo Phùng Huy Thịnh nhớ lại hồi ức những chuyến tác nghiệp đầy hiểm nguy, gian khó: “Năm 1974, phóng viên đi tác nghiệp chỉ thường đi lẻ và được trang bị súng ngắn, chỉ cần gặp thám báo là “toi”. Rất may mắn, tôi chưa từng bị phục kích như vậy. Nhưng tôi còn nhớ, hồi đầu năm 1975, khi nhận được tin báo mỏm 303 (vùng bị địch tạm chiếm) đã giải phóng, cử phóng viên đến đưa tin.

    Tôi và một anh quay phim đi cùng Sư đoàn 324, đi từ sáng đến trưa, khi mới đang leo đến lưng chừng dốc vì mỏm 303 rất cao thì phát hiện đã bị tái chiếm. Bị địch phát hiện và lia súng rầm rầm, tôi cuống quá, ném một quả lựu đạn nhưng lại quên không tháo chốt. Tuy nhiên, địch thấy tôi ném lựu đạn cũng nằm xuống nấp nên chúng tôi mới có thể lăn xuống phía chân dốc. Trận đó tí chết! Vì hồi đó không có phương tiện liên lạc nên khi bị tái chiếm thì không kịp báo cho phóng viên”.

    Hàng trăm chuyến tác nghiệp, có những chuyến vào sâu trong rừng Lào suốt nhiều ngày; cũng có những chuyến tác nghiệp phải “bám” suốt cả một chiến dịch kéo dài vài ba tháng, song, có lẽ lần suýt chết đó là lần tác nghiệp đáng nhớ nhất đối với nhà báo Phùng Huy Thịnh.

    Tuy nhiên, ông vẫn còn nhiều ám ảnh với hình ảnh đồng đội hy sinh ngay “sát nách” mình. “Có bữa, tôi đang cùng 5 đồng đội ngồi ăn cơm, bị địch càn, 3 anh em hy sinh ngay tại chỗ, 1 người bị thương, nhưng trên đường vận chuyển về trại quân y cũng ra đi vì mất máu quá nhiều. Tôi và một đồng đội may mắn sống sót, nhưng cũng không khỏi bàng hoàng, vẫn phải nhanh chóng vùi xác những người đồng đội vừa hy sinh. Tôi cũng luôn tâm niệm, mình may mắn còn sống sót trở về sau cuộc chiến là nhờ anh em đồng đội “che đỡ” cho mình”, ông ngậm ngùi.

    Mùa xuân 1975, nhà báo Huy Thịnh theo các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 trong chiến dịch giải phóng Huế, Ðà Nẵng; theo Lữ đoàn tăng 203 đánh tiên phong suốt từ Ðà Nẵng đến Phan Rang. Sau đó, ông ngồi trên xe của Thượng tá Lê Khả Phiêu tiến vào giải phóng Sài Gòn. Suốt dọc đường chiến dịch, người phóng viên, chiến sĩ trẻ đã viết rất nhiều bài báo về cuộc sống trận mạc, tường thuật các trận đánh... để ngay sau đó, cùng các đồng nghiệp ở báo Chiến sĩ giải phóng làm số đặc biệt 30/4 và 1/5 in hàng vạn bản phát đến tận tay bộ đội và nhân dân. Khi đó, phóng viên mặt trận Phùng Huy Thịnh vừa tròn 22 tuổi.

    Ngừng lại một chút, ông chậm rãi kể tiếp: “Sau giải phóng, tôi tiếp tục học đại học và sau đó trở thành phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Theo yêu cầu công tác, sau khi học tiếng Khơ- me trong 5 tháng, tôi sang Campuchia làm chuyên gia của TTXVN, giúp đỡ đào tạo cán bộ và xây dựng TTX nước bạn. Từ 1980 đến 1989, gần một thập kỷ thường trú tại đây cũng là thời gian tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm cho nghề báo.

    Hồi mới sang Campuchia năm 1980, cũng không biết đâu là địch trà trộn, đâu là ta. Tối đến, tôi cứ giả vờ đi bắt tắc kè, rồi lại thức ôm súng canh chừng, chờ đồng đội ngủ hết, mãi đến đêm muộn mới dám ngủ. Suốt 3 năm ròng rã mới xác định được đâu là người của ta thật, đâu là địch”.

    Phóng viên Phùng Huy Thịnh tại Quân trường Thủ Đức năm 1975. (Ảnh: NVCC).

    “Chuyên gia chữa cháy” và sức sáng tạo diệu kỳ

    Đối với nhà báo Phùng Huy Thịnh, có lẽ, nghiệp báo chí đã trở thành định mệnh không thể rời xa. Năm 1976, sau khi rời chiến trường, chàng chiến sĩ về học tiếp khoa Văn đại học Tổng hợp và được giữ lại làm giảng viên bộ môn Văn học Trung Quốc từ năm 1979. Tuy nhiên, đam mê báo chí lại trỗi dậy, chàng trai trẻ Huy Thịnh từ giã giảng đường để tiếp tục với “lửa nghề” rạo rực.

    Từ năm 1991, trong vai trò là một phóng viên của TTXVN, cái tên Phùng Huy Thịnh trở nên đặc biệt ấn tượng trong làng báo. Đó là thời làm việc hiệu quả nhất của ông, “làm tại một nơi tỏa những ánh sáng muôn nơi”. Trong thời kỳ đó, ông cộng tác và đảm bảo bài vở cho 35 tuần báo Trung ương, 6 tờ địa phương của TTXVN. Chỉ trong năm 1993, ông đã tạo ra một kỷ lục của báo giới Việt Nam, cho in hơn 1.300 bài báo đủ các thể loại từ tin tổng hợp, phóng sự, ký sự, bình luận, ghi chép, đến bút ký văn nghệ.

    Những năm tháng này, ông được mệnh danh là một “chuyên gia chữa cháy” trong làng báo. Bất kể thời gian gấp rút đến đâu, các tác phẩm của ông vẫn được hoàn thiện kịp thời, chất lượng và trở thành “cứu cánh” cho nhiều trang báo. Giai đoạn này, mới độ ngoài 40, ông đã là một tác giả có tri thức sâu sắc và trở thành một con người của công chúng. Ông thủ thỉ: “Hồi ấy, một ngày tôi chưa bán được 3-5 bài báo là coi như vẫn chưa làm gì”.

    Quả thực, nhắc đến Phùng Huy Thịnh là nhắc đến một nhà báo đa tài, không chỉ viết, ông còn dịch, diễn, MC,... Khí chất đậm đặc trong ngòi bút và sức làm việc của ông khiến cả thế hệ những người làm báo trẻ phải thực sự “ngả mũ”.

    Từng đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong các giai đoạn của sự nghiệp báo chí, song, nhà báo Huy Thịnh lại đặc biệt yêu nhất cái vị trí Trưởng ban Hà Nội Mới cuối tuần. Bởi lẽ, từ khi về làm báo Hà Nội Mới cuối tuần, ông có thời gian nhất định cho sáng tạo văn học - nghệ thuật, để lại dấu ấn trong sự thay đổi cho diện mạo, chất lượng tờ báo. Đồng thời, ông cũng xuất bản được 4 cuốn sách và những người cộng tác giai đoạn đó cũng ra được nhiều đầu sách.

    Phơi bày hiện thực, các giá trị thông tin chân thực, đòi hỏi tính chân xác, giữ một thái độ đúng mực trong trái tim để có thể nhìn nhận các vấn đề quốc tế và xã hội có ảnh hưởng đến quốc nội.

    Nghệ thuật đối với nhà báo Phùng Huy Thịnh giống như suối nguồn giúp ông “tắm mát”, nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp thêm vốn sống, vốn hiểu biết xã hội, “thăng hoa” sáng tạo để mỗi bài báo viết ra là một trải nghiệm thực thụ, bộc lộ rõ nét, chân thực nhất muôn hình vạn trạng của cuộc sống.

    Ông thừa nhận: “Chính cái “chất” nghệ thuật ấy cùng những kiến thức chuyên sâu về sân khấu, văn hóa đã giúp tôi viết được những tác phẩm báo chí đậm chất văn hóa, có những góc nhìn mới lạ... Phông kiến thức, sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình viết là điều quan trọng để “chiết suất” một tác phẩm hay và đặc sắc”.

    Đó cũng là điều cần thiết trau dồi làm hành trang bước vào nghề mà nhà báo Phùng Huy Thịnh muốn nhắn nhủ với những người làm báo trẻ hôm nay: “Thành thật mà nói, điều quan trọng nhất đối với một nhà báo chính là có phông văn hóa rộng và tri thức uyên bác, nếu thiếu tri thức, nhà báo không thể thuyết phục được độc giả. Đồng thời, mỗi nhà báo cũng phải thực tế và nhanh nhạy và phải giỏi tiếng Việt.

    “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, bởi vì nghề báo càng viết nhiều thì càng có kỹ năng, không có cách nào tôi luyện tốt hơn là luyện bút. Vì thế, mỗi nhà báo nên tự làm mới mình, học cách diễn đạt phong phú... đó vừa là năng khiếu vừa là sự rèn luyện, học hỏi của người cầm bút”.

    Là một nhà báo đi ra từ khói lửa chiến tranh, Phùng Huy Thịnh cho biết, ông nể trọng những phóng viên chiến trường vì sự lăn xả trên mọi mặt trận. Tuy nhiên, ông cũng luôn dành một khối tình cảm đặc biệt, thần tượng vị lãnh tụ vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các học trò của Người, những cái tên Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp vẫn luôn ngập tràn trong tư tưởng, tâm hồn, hơi thở và ngòi bút của ông.

    Có lẽ vì học tập tư tưởng “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ”, mà nhà báo Phùng Huy Thịnh vẫn luôn tâm niệm dùng ngòi bút để cứu người, sẵn sàng chiến đấu trên mọi mặt trận trong suốt những năm tháng say nghề.

    Cẩm Mịch

    Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 99, 100, 101

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-bao-phung-huy-thinh-ngoi-but-thang-hoa-tu-lua-chien-a280668.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan