Nhà Cường đô la: Những quý bà quyền lực và cậu ấm thanh thế


Thứ 7, 23/05/2015 | 08:12


(ĐSPL) - Quốc Cường Gia Lai là một trong những tập đoàn kinh tế được quan tâm bậc nhất tại VN. Hiện, tập đoàn này đang được "cai trị" bởi những nữ đại gia quyền lực

(ĐSPL) - Quốc Cường Gia Lai là một trong những tập đoàn kinh tế được quan tâm bậc nhất tại VN. Hiện, tập đoàn này đang được "cai trị" bởi những nữ đại gia quyền lực và một "cậu ấm" nổi tiếng như sao showbiz...

3 nữ đại gia quyền lực

Quốc Cường Gia Lai (QCG) là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực bất động sản, khai thác – chế biến gỗ, cao su,…

Tháng 12/2014, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) nhà đại gia phố núi Cường Đôla đã có đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ để chuyển đổi trái phiếu, cấn trừ công nợ.

Ba nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trong đợt phát hành cổ phiếu này là Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan (mẹ Cường Đôla), tiểu thư Nguyễn Ngọc Huyền My (con gái bà Loan) và bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (em gái bà Loan).

Đứng đầu và cũng là người chèo lái QCG, bà Nguyễn Thị Như Loan hiện đang là cổ đông lớn nhất tại tập đoàn này.

Hiện, bà Nguyễn Thị Như Loan là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Quốc Cường Gia Lai (QCG).

Bà Nguyễn Thị Như Loan đã nhận 41,3 triệu cổ phiếu trong đợt cấn trừ công nợ này.

Sau giao dịch này, bà Như Loan sở hữu gần 102 triệu cổ phiếu QCG (khoảng 37,05\% vốn của công ty), trị giá xấp xỉ 960 tỷ đồng.

Trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2014, bà Loan đang đứng ở vị trí thứ 21.

Bà Nguyễn Thị Như Loan là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Quốc Cường Gia Lai (QCG).

Tiếp đến là “tiểu thư” Nguyễn Ngọc Huyền My, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (em gái bà Loan), cuối cùng là “cậu ấm” Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla).

Một ngày sau khi danh sách Top 40 người dưới 40 tuổi giàu nhất trên sàn chứng khoán (40 under 40) được công bố, danh sách ngày đã ngay lập tức bị “xáo trộn” khi có thêm một nhân vật vừa lạ vừa quen gia nhập danh sách này.

Nhận thêm 39 triệu cổ phiếu sau đợt phát hành riêng lẻ để cấn trừ công nợ của CTCP Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Ngọc Huyền My (31 tuổi) đã gia nhập danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền My đã được nhắc đến một số lần khi Quốc Cường Gia Lai lên sàn vào tháng 8/2010. Tuy nhiên, khi đó, Huyền My cùng anh trai mình là ông Nguyễn Quốc Cường (thường được gọi là Cường Đô La) chỉ sở hữu lượng cổ phiếu rất khiêm tốn, tương ứng là 180 nghìn và 537 nghìn cổ phiếu.

Tính theo thị giá cổ phiếu QCG hiện đạt 9.400 đồng thì với tổng cộng 39,2 triệu cổ phiếu đang sở hữu, bà Huyền My hiện đứng trong Top 50 giàu nhất sàn chứng khoán và đứng trong Top 10 danh sách 40 under 40 với 368 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (em gái bà Loan) là cái tên đáng chú ý tiếp theo của gia đình quyền lực này. Trước đó, bà Nguyệt chỉ là một cổ đông “vô danh” với số vốn 0,01\%, tương ứng hơn 3.700 cổ phần QCG.

Theo kết quả được QCG công bố mới đây, trong số các cổ đông cá nhân nhận được nhiều cổ phiếu nhất, ngoài hai mẹ con Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan và Nguyễn Ngọc Huyền My, còn có bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, em gái bà Loan, dì của Cường đô la. Bà Nguyệt là người từng nắm giữ hơn 125.000 cổ phần của QCG trước thời điểm chuyển đổi.

Được biết, sau khi nhận hơn 9 triệu cổ phiếu để cấn trừ công nợ, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt hiện sở hữu hơn 3,5\% cổ phần của công ty, với giá trị khoảng 4 triệu USD.

Năm 2008, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt chỉ là một cổ đông nhỏ, nằm trong danh sách người có liên quan tới Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan. Thời điểm bắt đầu lên sàn, giá cổ phiếu của QCG được chuyển nhượng ở mức 65.500 đồng/đơn vị, nên gia tài cổ phiếu mà bà Nguyệt sở hữu có giá gần 250 triệu đồng. So với con số 90 tỷ đồng nữ đại gia đang nắm giữ hiện nay thì đó chỉ là một phần nhỏ giá trị.

Được biết, bà Nguyệt là một trong hai người em gái cùng sở hữu vốn với bà Loan tại QCG. Khi đó, Chủ tịch công ty nắm tới 50,32\% vốn, còn bà Nguyệt chỉ có 0,01\%, tương ứng hơn 3.700 cổ phần.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại, 3 nhân vật này đã sở hữu gần 55\% cổ phần của công ty và cả 3 đều lọt vào danh sách triệu phú chứng khoán với tổng tài sản gần 1.500 tỷ đồng. 

 Cường đô la vẫn là một tay chơi trong nhiều lĩnh vực, ít người sánh kịp.

Và "cậu ấm" thanh thế

Cuối cùng là “cậu ấm” Nguyễn Quốc Cường, mặc dù ở cương vị Phó Tổng Giám đốc công ty, nhưng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu của doanh nhân này lại vô cùng khiêm tốn.

Hiện Cường Đôla đang nắm giữ hơn 537 nghìn cổ phiếu QCG, tương đương với khoảng 5 tỷ đồng.

Với hơn 500 nghìn cổ phiếu QCG, Cường đô la là một trong những thiếu gia “nghèo” nhất trên TTCK. Sự khó khăn của Quốc Cường Gia Lai khiến doanh nhân sinh năm 1982 này đang có thu nhập hàng tháng ở mức không đủ sống.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Cường đô la vẫn là một tay chơi trong nhiều lĩnh vực, ít người sánh kịp.

Nếu so với bộ sưu tập siêu xe của Cường đô la thì số vốn đầu tư 4,6 tỷ đồng của Cường đô la tại Quốc Cường Gia Lai chưa bằng 2 chiếc Ferrari. Bộ sưu tập siêu xe của Quốc Cường đã từng được báo chí nước ngoài so sánh với sự “chịu chơi” ngang với một thiếu gia người Ả- rập.

Bài viết trên trang báo nước ngoài cách đây nhiều tháng có đề cập Quốc Cường là một doanh nhân trẻ nổi tiếng. Không nhớ bộ sưu tập xe của đại gia trẻ này là bao nhiêu chiếc, nhưng bài viết ngắn này cũng liệt kê các tên tuổi đình đám nhất trong làng siêu xe, như Lamborghini Gallardo SE, Lamborghini Gallardo, Ferrari 360 Spider, Ferrari F430, Ferrari F430 Spider…

Một số model xe khác cũng được nói tới như Audi R8, hay chiếc Bentley, Rolls-Royce Phantom, Porsche, Mini Cooper…

Vài ngày gần đây, tay chơi siêu xe Cường đô la xuất hiện tại cuộc chơi máy bay Fun-fly 2015 với hàng loạt các máy bay điều khiển hiện đại. Trước đó vài tuần, thiếu gia này cũng đã giới thiệu một chiếc xe sang Mercedes C250 AMG mới, với biển đăng ký ấn tượng, đuôi 268, có nghĩa là mãi lộc phát. Chiếc xe này không có giá trên trời hay có “sức mạnh” khủng khiếp như các siêu xe mà thiếu gia phố núi sở hữu: Lamborghini, Murcielago LP640, Audi A8L, Rolls-Royce Ghost, Bentley...

Mặc dù vậy, theo Autodaily, chiếc Mercedes C250 AMG mới Cường đô la vẫn là hàng độc với nội thất thửa màu đỏ chót cùng với biển đăng ký ấn tượng, đuôi 268, có nghĩa là mãi lộc phát. Và đây là dấu hiệu cho thấy, Cường đôla có thể sắp trở lại với niềm đam mê xế hộp của mình. Gần đây, doanh nhân này cũng đã đăng kí thương hiệu cho logo CarPassion, vốn một thời khá nổi tiếng trên nhiều tuyến đường của “Hành trình Siêu xe và Đam mê”.

Những đại gia nhận mức lương bèo bọt

Trong nhiều năm trở lại đây, dư luận không còn “sốc” với mức lương mà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) – Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai nhận được. Sau một năm lao động quần quật, Cường đô la chỉ được trả 36 triệu đồng/năm, tương đương 3 triệu đồng/tháng.

2014 cũng vậy, Cường đô la và các lãnh đạo cấp cao của Quốc Cường Gia Lai không hề được tăng lương. Theo báo cáo thường niên 2014 của Quốc Cường Gia Lai, mặc dù kiêm nhiệm cả chức danh thành viên Hội đồng quản trị, Cường đô la vẫn chỉ nhận được 3 triệu đồng/tháng.

Bảng lương bèo bọt của thành viên Hội đồng quản trị và ban kiểm soát Quốc Cường Gia Lai không có chút thay đổi nào trong nhiều năm qua.

Cùng nhận mức lương bèo bọt 3 triệu đồng/tháng như Cường đô la là ông Lại Thế Hà, thành viên Hội đồng quản trị Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc, ông Hà Việt Thắng, bà Đặng Phạm Minh Loan, hai thành viên Hội đồng quản trị và bà Đặng Thị Bích Thủy, Trưởng ban kiểm soát.

Hai thành viên Ban kiểm soát là bà Nguyễn Thị Diệu Phương, ông Nguyễn Đa Thời thậm chí còn nhận mức lương thấp hơn chỉ 2 triệu đồng/người/tháng.

Là người đứng đầu công ty Quốc Cường Gia Lai khi kiêm nhiệm hai vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc nhưng thù lao mà bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ Cường đô la nhận được còn khiêm tốn hơn mức lương trung bình của nhân viên ngân hàng nhỏ.

Cụ thể, trong năm 2014, thù lao của bà Như Loan chỉ là 7 triệu đồng/tháng, tương đương 84 triệu đồng/tháng.

Bảng lương bèo bọt của thành viên Hội đồng quản trị và ban kiểm soát Quốc Cường Gia Lai không có chút thay đổi nào trong nhiều năm qua.

Đây là mức lương khá phù hợp với tình hình lợi nhuận của công ty. Dù có số vốn ngàn tỷ nhưng trong những năm gần đây, lợi nhuận sau thuế của Quốc Cường Gia Lai rất khiêm tốn, chỉ đạt 7,8 tỷ đồng, 14,8 tỷ đồng và 32,9 tỷ đồng trong các năm 2012, 2013 và 2014.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính 2014 của Quốc Cường Gia Lai, số hàng tồn kho đến cuối năm 2014 của công ty nhà Cường đô la vẫn ở mức lớn: 4.184 tỷ đồng, tương ứng chiếm 60\% tổng tài sản của công ty. Tuy tỷ lệ hàng tồn kho/tổng tài sản của QCG có giảm so với 2013 (năm 2013 tỷ lệ này là 64\%), nhưng trên thực tế hàng tồn kho lại tăng nhẹ thêm 111 tỷ đồng.

Tỷ lệ trên giảm do tổng tài sản của QCG đã tăng từ 6.360 tỷ đồng lên 6.968 tỷ đồng trong năm 2014. Xét lượng hàng tồn kho trong 5 năm gần đây, hàng tồn kho của QCG liên tục tăng và luôn chiếm trên 50\% tổng tài sản hợp nhất của công ty.

Trong số các dự án dở dang hình thành nên giá trị hàng tồn kho của QCG, dự án khu dân cư Phước Kiển luôn là dự án có giá trị dở dang lớn nhất trong nhiều năm nay. Dự án này bắt đầu được hạch toán vào báo cáo tài chính của QCG từ năm 2009 với tên gọi Dự án đất nền Phước Kiển với giá trị dở dang là 762 tỷ đồng.

Đến nay, giá trị hàng tồn kho dở dang tại dự án này đã lên đến 2.983 tỷ đồng. Dự án này và một số dự án khác của QCG đều đã được đem đi thế chấp cho các khoản vay tại ngân hàng thương mại. Với lượng hàng tồn kho còn lớn, QCG sẽ phải rất chật vật mới có thể vực lại được mảng kinh doanh cốt lõi của mình.

Ngoài ra, vẫn còn một số dự án đã được triển khai nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất như dự án chung cư Giai Việt, dự án chung cư QCGL II, dự án khu dân cư Trung Nghĩa và dự án chung cư The Mansion.

Ngoài giá trị trên 4.000 tỷ đồng hàng tồn kho, QCG còn có hơn 1.051 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, chủ yếu nằm ở 4 dự án: Trung tâm thương mại Sài Gòn Plaza (739 tỷ), dự án nông trường cao su (228 tỷ), dự án nhà Võ Thị Sáu (64,3 tỷ đồng) và dự án Thủy điện Lagrai 2 (7,8 tỷ đồng). Trong khi lượng hàng tồn kho vẫn còn đang rất lớn, QCG đã lại tiếp tục lên kế hoạch mua thêm dự án mới.

Cụ thể, với hơn 1.417 tỷ đồng huy động được từ các khoản nợ theo các hợp đồng vay vốn thực hiện chuyển đổi thành vốn cổ phần, QCG sẽ chi ra 296 tỷ để mua dự án Bến Vân Đồn, Quận 4, TP.HCM và chi 353 tỷ đồng cho chi phí đền bù dự án Phước Kiển.

Số tiền còn lại cũng được phân bổ cho các dự án khác, bao gồm 133 tỷ cho dự án Mansion, 147 tỷ chi phí xây dựng dự án 6B, 98 tỷ đầu tư dự án Trung Nghĩa và 293 tỷ chi phí xây dựng dự án Giai Việt.

Kết quả kinh doanh của QCG đã bắt đầu tiến triển tốt khi ghi lãi 55,9 tỷ đồng năm 2014. Lợi nhuận này chủ yếu nhờ tới 915,9 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính của QCG, chủ yếu là doanh thu từ việc chuyển nhượng đầu tư tài chính (899 tỷ đồng), cơ bản từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần từ dự án Bến Vân Đồn được ghi nhận trong quý IV.

Tính chung cả năm 2014, QCG đạt 523.5 tỷ doanh thu thuần, giảm 46\% so với cùng kỳ 2013 và bằng 35\% kế hoạch năm. Nhờ giá vốn giảm đồng thời doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế đạt 55,9 tỷ đồng, gấp 9,3 lần lợi nhuận thu về 2013. So với mục tiêu 1.500 tỷ đồng doanh thu thuần và 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm, QCG mới chỉ đạt được 48\% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Tuy nhiên, với lượng hàng tồn kho còn lớn, QCG sẽ phải rất chật vật mới có thể vực lại được mảng kinh doanh cốt lõi của mình.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Video: [mecloud]HgcHEp9tvt[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-cuong-do-la-nhung-quy-ba-quyen-luc-va-cau-am-thanh-the-a95570.html