Nhà máy đạm Ninh Bình bắt đầu có lãi sau khi thua lỗ gần 5.000 tỉ đồng


Thứ 5, 05/03/2020 | 04:52


Cùng sự kiện

Sau 9 năm đưa vào vận hành và sản xuất, Nhà máy đạm Ninh Bình rơi vào cảnh thua lỗ gần 5.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu nhà nước 2.600 tỉ đồng.

Sau 9 năm đưa vào vận hành và sản xuất, Nhà máy đạm Ninh Bình rơi vào cảnh thua lỗ gần 5.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu nhà nước 2.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2019, dự án này bước đầu có lãi khi doanh thu 6 tháng đầu năm xấp xỉ bằng cả năm 2018.

Nhà máy đạm Ninh Bình. Ảnh: Tuổi Trẻ

Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) rót 667 triệu USD vào đầu tư, trong đó chi phí xây lắp 110 triệu USD, chi phí thiết bị 349 triệu USD, chi phí khác 77 triệu USD, dự phòng 37 triệu USD, lãi vay trong thời gian xây dựng nhà máy 76 triệu USD.

Tuy nhiên, lỗ lũy kế của Nhà máy đạm Ninh Bình theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tính đến hết năm 2018 lên tới gần 5.000 tỉ đồng. Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình âm vốn chủ sở hữu hơn 2.600 tỉ đồng.

KTNN khẳng định, với tình hình tài chính hiện nay trong 3 năm tới Nhà máy đạm Ninh Bình không có khả năng tự chi trả các khoản nợ đến hạn.

Nguyên nhân dẫn đến sự thua lỗ của dự án nghìn tỷ là do ngay từ bước lựa chọn và phê duyệt dự án. Vinacem đầu tư Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình khi hội đồng thành viên tập đoàn chưa thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chưa có báo cáo thẩm định công nghệ của bộ Khoa học và công nghệ.

Mặc dù nhiều bộ, ngành đã có văn bản cảnh báo hiệu quả đầu tư dự án không cao, nhưng Vinachem vẫn làm ngơ và tiếp tục phê duyệt đầu tư, dẫn đến Nhà máy đạm Ninh Bình vận hành, sản xuất kinh doanh thua lỗ, mất vốn nhà nước.

Ngay trong khâu lập dự án, Vinachem lựa chọn chọn công nghệ khí hóa than của Shell và tiêu chuẩn đạm urê của Trung Quốc để đầu tư, trong khi hai nội dung quan trọng của Nhà máy đạm Ninh Bình là công nghệ khí hóa than của Texco, tiêu chuẩn sản phẩm đạm urê của Việt Nam.

Theo kết luận của KTNN, việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án dựa trên đàm phán giá gói thầu EPC giữa Vinachem với tổng thầu Tổng công ty thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu (HQCEC) Trung Quốc là không đúng quy định.

Cụ thể, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án khoảng 397 triệu USD, nhưng kết quả đàm phán ký kết giá hợp đồng EPC dự án tăng vọt lên 451 triệu USD.

Tổng thầu HQCEC lại tiếp tục đề xuất tăng giá trị hợp đồng EPC lên 480 triệu USD, buộc Vinachem phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư Nhà máy đạm Ninh Bình lên 667 triệu USD.

Không có cơ sở, căn cứ để tính toán nhiều hạng mục, khối lượng công việc tại dự án có giá trị khoảng 1.150 tỉ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án được Vinachem duyệt.

Đến nay, tổng thầu HQCEC đã về Trung Quốc nhưng không cung cấp đầy đủ hồ sơ hoàn công, hồ sơ quản lý chất lượng, nhiều hạng mục thi công không đúng thiết kế nên không thể nghiệm thu.

Kết quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy đạm Ninh Bình thua lỗ kéo dài trong thời gian qua, thời gian dừng nghỉ máy để khắc phục sự cố, hỏng hóc nhiều. Lỗ lũy kế của nhà máy đến 31/12/2018 hơn 4.900 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước âm hơn 2.600 tỉ đồng.

Trong giai đoạn 2013-2018, Nhà máy đạm Ninh Bình hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, giá than tăng trên 15%, sản lượng sản xuất tiêu thụ thấp hơn 95%, sản lượng thực tế tính theo năm không đạt so với công suất thiết kế và sản lượng sản xuất khiến phương án tài chính bị phá vỡ.

Chi phí sửa chữa thường xuyên của Nhà máy đạm Ninh Bình trong giai đoạn 2012-2018 khoảng 345 tỉ đồng.

Trong một diễn biến liên quan, tháng 10/2019, sau khi tiếp nhận nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án ngành công thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã làm việc trực tiếp với 9/12 dự án, doanh nghiệp; Xây dựng báo cáo và đề xuất một số giải pháp tại cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ 8.

Cũng theo Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, trong số 6 dự án trước đây hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đã có 2 dự án bước đầu có lãi. Đáng kể đến là Dự án Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình đạt doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 xấp xỉ bằng cả năm 2018.

12 dự án thua lỗ nghìn tỉ của ngành công thương diễn ra nhiều năm, thu hút không ít sự quan tâm cũng như sự bức xúc của người dân và xã hội.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ 8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu sớm giải quyết dứt điểm, nhất là những tồn tại vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại.

Bạch Hiền (t/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-may-dam-ninh-binh-bat-dau-co-lai-sau-khi-thua-lo-gan-5000-ti-dong-a314085.html