+Aa-
    Zalo

    Nhà siêu nhỏ, nhưng tình người siêu rộng (Bài 1): Vợ chồng nằm trở đầu, ma chay phải mượn nhà người khác

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một vài ngôi nhà ở TP.HCM có diện tích thật nhỏ hẹp, áng chừng chỉ 2 đến 9 hoặc 10m2. Không gian có thể chật chội nhưng tình cảm gia đình lại rất mênh mông.

    Một vài ngôi nhà ở TP.HCM có diện tích thật nhỏ hẹp, áng chừng chỉ 2 đến 9 hoặc 10m2. Không gian có thể chật chội nhưng tình cảm gia đình dưới những mái nhà đặc biệt này vẫn mênh mông. Cha mẹ nhường chỗ sạch mát cho con, vợ loay hoay ngoài hiên nhà mặc nắng mặc mưa lo cho chồng bữa cơm ấm nóng... Cả đời, từng người trong gia đình cố gắng làm lụng cũng không đủ tiền sửa chữa hoặc đổi sang nhà mới rộng hơn nhưng với họ, dù có khổ thì nhà mình vẫn hơn nhà trọ.

    Nhường chỗ cho đoàn tàu Bắc - Nam lăn bánh, vài ngôi nhà trên đường Đỗ Tấn Phong thuộc phường 9 (Phú Nhuận, TP.HCM) chấp nhận cảnh từ nhà lớn thành nhà siêu nhỏ. Trong số đó, ngôi nhà của cụ Ngừng chỉ khoảng 2m2 , tạm bợ, tối tăm. Lúc chồng cụ Ngừng còn sống, hai người phải ngủ trở đầu, ăn cơm ngoài hẻm suốt gần chục năm.

    Xóm nhà siêu nhỏ bên đường tàu

    Ngôi nhà siêu nhỏ, siêu đặc biệt của cụ Phạm Thị Ngừng, 89 tuổi nằm trên con đường nhỏ Đỗ Tấn Phong. Tổng thể ngôi nhà như một tổ chim vắt vẻo bên cạnh những căn nhà kiên cố khác. Nếu chỉ tính chỗ ở của cụ Ngừng, ngôi nhà trông như một cái hang nhỏ tối tăm
    bên đường ray xe lửa.

    Cụ Ngừng đã sống ở ngôi nhà siêu nhỏ, có diện tích khoảng 2m2 hơn 10 năm. Khoảng năm 1997, hành lang đường sắt được mở rộng, nhà của cụ Ngừng nằm trong diện phải giải tỏa một phần. Ngôi nhà nhỏ đi một chút nhưng chưa siêu nhỏ như hiện tại. Bà Nguyễn Thị Xuân (57 tuổi, con gái của cụ Ngừng) cho biết: “Giải phóng mặt bằng hoàn tất, nhà tôi cũng không hẹp lắm nhưng cha tôi bệnh liên tục nên đành chia nhà ra, bán cho người ta. Từ đó, cha mẹ tôi sống trong khoảng diện tích nhỏ xíu còn lại, tôi thì sống trên gác cũng từng đó mét vuông, lên trên nữa là chỗ sinh sống của gia đình anh trai tôi”.

    Trong khu vực này, không chỉ có nhà của cụ Ngừng tồn tại với diện tích siêu nhỏ mà còn vài căn khác. Trong đó, căn nhà của bà Vũ Tuyết Nga (SN 1953) cũng đặc biệt không kém. Ngôi nhà của bà Nga chỉ có 8m2 nhưng có đến 10 người cùng chung sống. Con cái của bà Nga đã mất, chồng có vợ khác, cho nên bà cho em gái và mấy đứa cháu ở cùng.

    Căn nhà của cụ Ngừng như được treo lơ lửng. Cụ Ngừng sống ở tầng dưới cùng của ngôi nhà, phần trên các con của cụ sinh sống. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật

    Theo bà Nga, trước khi giải tỏa để làm hành lang đường sắt, nhà của bà khá rộng rãi. Sau đó, nhà còn bề ngang, chiều dài chỉ còn 1m. Bà Nga cố xây sửa để đủ chỗ ngả lưng cho 10 người, chứ chuyện bán nhà chuyển chỗ ở đã không còn khả thi khi rao bán chẳng ai mua.

    Nhà cũng chỉ có một phòng vệ sinh nên sáng nào cũng có cảnh người này chờ người kia. Cũng may, các cháu của bà Nga đều đi làm buổi tối nên bà còn có chỗ ngả lưng. Ban ngày, các cháu về nhà, bà và em gái phải xuống bếp ngồi, sẵn tiện trông xe. Những ngày mưa đêm, nước tạt vào nhà, mấy bà cháu loay hoay lấy giẻ lau nhà, khô chỗ này lại ướt chỗ kia.

    Lúc còn trẻ, bà Nga sống bằng nghề làm móng tay móng chân. Nay sức khỏe đã yếu, không còn đi đứng bình thường, bà trông chờ vào tình thương của con cháu, hàng xóm. “Bây giờ, tụi nhỏ làm gì có 3 triệu đồng để đóng tiền thuê nhà ở khu vực nội thành. Tôi già cũng chỉ mong có chỗ ngả lưng, ngủ chẳng bao nhiêu, ăn cũng ít đi rồi”, bà Nga chia sẻ.

    Ma chay phải mượn nhà làm đám

    Ngồi cạnh cụ Ngừng ở thềm của căn nhà nhỏ, tôi cảm nhận mùi dầu gió tỏa ra đến ngột ngạt. Đảo mắt một vòng, ngôi nhà của cụ như một hộp diêm bé tẹo, có chiếc tivi cũ kỹ không bao giờ mở, có bàn thờ cụ ông đơn sơ nhưng đủ đầy hương khói. Mệt, mắt mờ, tay cụ vẫn lần dò chỉnh sửa vật gì đó kê è è được che chắn kỹ phía sau chiếc gối. Hỏi con gái cụ thì được biết, cụ đang sửa chiếc radio cũ kỹ để nghe cải lương. Từ ngày chồng mất, cụ Ngừng chỉ biết bầu bạn với chiếc radio.

    Nén cơn thở dốc, cụ Ngừng nói: “Buồn lắm, có 2 vợ chồng mà giờ ổng đi, bỏ có mình tôi”. Ông mất vào tháng 9/2019, nhà không để được quan tài, tang lễ phải cậy nhờ nhà của chàng rể. Từ lúc chồng rời xa cõi tạm, cụ Ngừng thui thủi một mình, nhà nhỏ lại hóa thênh thang.

    Gần 70 năm, cụ Ngừng vẫn bên chồng, từ nhà to chuyển sang nhà nhỏ; từ chỗ ăn trắng mặc trơn sang bữa cơm tạm bợ; lúc trẻ trung tươi mới cho đến khi già cả mắt mờ, lãng tai, răng rụng. Nhớ lúc ông còn sống, ông thì lãng tai, bà thì mắt mờ. Cụ bà thường nhắc ông uống thuốc, còn ông thường kể cho bà nghe thời tiết hôm nay thế nào, đoàn tàu vừa chạy ngang đi về đâu... Cũng có lúc, hai vợ chồng cùng nhoẻn miệng cười khi đoàn tàu chạy qua làm nhà cửa rung rinh, tim người già chững lại.

    Nhắc đến ông, cụ lại bật chiếc radio mấy bản vọng cổ quen thuộc, nằm xuống sàn nhà, đầu hướng ra phía đường ray, mắt nhìn về di ảnh của chồng trên bàn thờ. Đôi mắt kèm nhèm, mờ mờ ảo ảo nhưng cụ biết ông vẫn đang ở đó, nằm quay đầu nhìn về phía mình.

    Tựa tường nhà, nhìn mẹ, bà Xuân nói: “Nhà nhỏ, mỗi ngày, chị gái tôi đều nấu cơm đưa sang cho mẹ, còn tôi ăn cơm tiệm hơn chục năm qua. Con của tôi phải mướn nhà ở riêng. Tôi đi phụ bán rau, thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng, cũng đủ lo điện nước. Lúc còn ông, hai ông bà nằm trở đầu, ông nằm trong bà nằm ngoài. Nay ông mất, bà vẫn giữ thói quen nằm ngoài, nói kiểu gì cũng không vào trong nằm cho ấm”.

    Nằm một lúc, cụ Ngừng ngồi dậy, vòng tay ôm lấy đầu gối. Giữa tiếng vọng cổ ngân nga trách than bạn tình rời bỏ, cụ Ngừng như chìm vào thinh lặng dẫu đoàn tàu vừa mới chạy ngang.

    (Còn nữa)

    Địa phương thường xuyên chăm lo, hỗ trợ Bà Bùi Thị Ánh Nguyệt -Tổ trưởng tổ 1A, khu phố 1, phường 9, Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Gia đình cũng khó khăn nên có những tiêu chuẩn dành cho ông bà. Nhà nhỏ xíu, lúc ông mất phải đưa sang nhà con rể làm ma chay. Tôi cũng có đề xuất UBND phường 9, UBND phường 9 đề xuất UBND quận Phú Nhuận xây nhà cho cụ. Thế nhưng, quận sang kiểm tra thì nhà nhỏ quá, không thể sửa chữa, vả lại phía trên lại có 2 căn gác của cácmcon cụ đang sinh sống. Những căn nhà siêu nhỏ trong khu vực đều có giấy tờ đầy đủ, không phải nhà tạm”.


    Ngọc Lài
    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (131)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-sieu-nho-nhung-tinh-nguoi-sieu-rong-bai-1-vo-chong-nam-tro-dau-ma-chay-phai-muon-nha-nguoi-khac-a335998.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan