Nhà trồng cây cảnh: Cẩn trọng với những cây đẹp nhưng độc khiến cả nhà hôn mê


Thứ 6, 13/04/2018 | 05:21


Đã có rất nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong vì bị ngộ độc cây cảnh trồng trong nhà.

Đã có rất nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong vì bị ngộ độc cây cảnh trồng trong nhà.

Tháng 7/2015 ở tỉnh Tiền Giang có 3 cháu nhỏ phải nhập viện khẩn cấp khi có các triệu chứng nôn ra máu, đau rát cổ họng, sưng phù môi... sau khi ăn phải lá cây kim phát tài (kim tiền). Y học thế giới cũng ghi nhận một bé gái 12 tuổi ở Cộng hòa Czech bị ngộ độc sau khi nuốt phải lá Vạn niên thanh và bị thủng động mạch chủ thực quản, gây xuất huyết ồ ạt, phải can thiệp bằng phẫu thuật…

Tháng 6/2016, cậu bé Esteban 5 tuổi người Mexico bị ngộ độc nặng suýt chết, vì ăn phải lá cây môn trường sinh. Cậu bé này bị đau bụng dữ dội và được đưa tới bệnh viện cấp cứu trong hơn 3h đồng hồ, mới qua cơn nguy kịch.

Như vậy đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại việc trồng cây cảnh trong nhà để lọc không khí, cải tạo phong thủy cho gia đình. Bởi có một số loại cây tuy rằng có tác dụng lọc khí độc rất tốt, hình thức đẹp, dễ trồng nhưng lại là những cây có chất kịch độc, gây nguy hại cho sức khỏe con người nhất là người già, trẻ nhỏ.

Theo TS Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học – Công nghệ (tác giả cuốn “Loài hoa và cây độc có thể gây chết người”), trong những cây cảnh trồng trong nhà có tác dụng hút bụi, lọc vi khuẩn như Kim phát tài (kim tiền), môn trường sinh, vạn niên thanh, hồng môn, trầu bà, lan ý... lại đều chứa chất độc với đường ruột - canxi oxalat - có thể gây kích ứng các phần da nhạy cảm, niêm mạc môi, lưỡi, màng nhầy trong họng, kết mạc mắt, mềm, kết mạc mắt, nặng hơn có thể gây nôn nao, khó thở, co giật, hôn mê, thậm chí là tử vong.

Cần tìm hiểu kĩ về loại hoa, cây cảnh trước khi đem về nhà trồng để tránh trúng độc.

Cây đỗ quyên (hoa báo xuân) hoa sắc màu đẹp, mang ý nghĩa cầu sự sung túc cho gia chủ, không những vậy, nó còn có thể giúp thanh lọc chất formaldehyde và benzen từ chất tẩy rửa hay đồ nội thất gỗ dán. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận của cây đều có chứa độc tố mang tên andromedotoxin và arbutin glucosit. Theo các nghiên cứu, một lượng từ 100-225 g lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho 1 đứa trẻ nặng 25 kg. Khi nhiễm phải độc tố này, người nhiễm sẽ có triệu chứng buồn nôn, chảy nước dãi, ói mửa, uể oải, chóng mặt, khó thở, mất cân bằng.

Lá và củ cẩm tú cầu có chứa độc tố Hydragin-cyanogenic glycoside. Trong trường hợp nặng, độc tố này còn có thể dẫn đến hôn mê và co giật. Phấn hoa cẩm tú cầu phát tán làm da người bị dị ứng, nhất là trẻ em.

Các nhà khoa học khuyên người dân hạn chế trồng các cây hoa cảnh có độc xung quanh nhà như cây ngô đồng, trúc đào… vì cây độc nhưng hoa đẹp nên nhiều trẻ sẽ bị thu hút bứt ngắt, "nếm" thử. Kể cả nếu không tiếp xúc trực tiếp thì khi mùa hoa nở, phấn hoa của nó cũng khiến cho da người dị ứng. Hít lâu mùi hoa có thể khiến cơ thể khó chịu, bải hoải chân tay, chóng mặt, buồn nôn.

Tránh để trẻ em tiếp xúc với những cây cảnh có độc trồng làm cảnh.

Vì cây có đặc tính là hút ôxy và thải carbonic vào ban đêm nên cây cảnh trong nhà tuyệt đối không để trong phòng ngủ, phòng đóng kín vì sẽ gây thiếu ôxy, ngạt thở.

Nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên trồng các loại hoa, cây cảnh vì có thể chúng có độc mà không biết. Nếu nhà có cây hoa cảnh, hãy để cây thật xa khỏi tầm tay trẻ em, nhằm tránh việc trẻ hiếu động, hay sờ mó, bứt, ngắt hoa lá cảnh cho vào miệng. Trẻ còn hay nghịch đất trong chậu cảnh vừa bẩn, vừa dễ nhiễm giun sán.

Bạn cũng không nên dùng hóa chất tưới bón cây cảnh, gây ô nhiễm sẽ gây họa cho trẻ và người thân. Những người hay bị dị ứng, cơ địa mẫn cảm cũng không nên trồng cây hoa cảnh trong nhà, đặc biệt là loại có hương nồng, vì có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Minh Minh (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-trong-cay-canh-can-trong-voi-nhung-cay-dep-nhung-doc-khien-ca-nha-hon-me-a225970.html