+Aa-
    Zalo

    Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam: Có công bằng trong giới thiệu hai bộ SGK mới tới các cơ sở giáo dục?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dư luận đang sôi sùng sục về việc NXB Giáo dục Việt Nam gần như “loại” hẳn bộ sách “Chân trời sáng tạo” ra khỏi danh sách giới thiệu ở các địa phương.

    Mấy ngày nay, dư luận đang sôi sùng sục về việc NXB Giáo dục Việt Nam gần như “loại” hẳn bộ sách “Chân trời sáng tạo” ra khỏi danh sách giới thiệu ở các địa phương. Sau khi nghe phản hồi từ các cơ sở giáo dục và đợi mãi không thấy được mời đi giới thiệu sách như đáng lẽ ra phải có, các Tổng Chủ biên, Chủ biên và tác giả bộ sách cũng như giáo viên cơ sở mới giật mình nhận ra sự bất thường này.

    Giờ học của học sinh một trường Tiểu học ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn.

    Phản ứng từ các tác giả biên soạn

    Tình cờ lướt trên Facebook, chúng tôi được đọc thư ngỏ gửi ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam của TS.Mai Thị Phú Phương, nguyên Trưởng khoa Lịch sử (trường đại học Quy Nhơn). TS.Phương được biết đến là người rất tâm huyết với giáo dục, có đóng góp không nhỏ cho bộ môn Lịch sử. Bà cũng là tác giả biên soạn sách Lịch sử và Địa lý lớp 6 bộ Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam).

    Tại Facebook cá nhân, ngày 2/3/2021, xuất hiện lá thư ngỏ của TS. Phương trên chế độ công khai với nội dung bộc lộ quan điểm thẳng thắn, nghiêm túc mang tính xây dựng, xoay quanh những bất bình thường trong việc giới thiệu sách giáo khoa (SGK), liên quan tới bộ Chân trời sáng tạo.

    Trong thư, đề cập: “...sau không dưới 10 lần sửa đến nát bét bản thảo theo góp ý từ hội đồng thẩm định, các chuyên gia, nhà khoa học, đến giáo viên các trường THCS (...), nhóm biên soạn đã thở phào nhẹ nhõm khi cuối cùng ngày 9/2/2021, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký phê duyệt 32/35 bản mẫu SGK lớp 2 và 40/44 bản mẫu SGK lớp 6 để chính thức sử dụng trong năm học 2020-2021”.

    Tưởng như đến đây, mọi việc đã xuôi chèo mát mái.... Tuy vậy, sự việc không phải dừng tại đây.

    Theo đó, “các tác giả của các môn đã được phê duyệt thuộc bộ Chân trời sáng tạo đang ráo riết xem lại nội dung tập huấn giới thiệu sách, tham gia quay video clip để sẵn sàng cho hội thảo giới thiệu sách trực tuyến (mà thời hạn Bộ quy định chỉ có 15 ngày (từ 25/2 đến 10/3), sau đó các tỉnh sẽ thành lập hội đồng để quyết định chọn SGK thuộc bộ nào, của Cánh Diều hay 2 bộ của NXB Giáo dục Việt Nam”... thì chúng tôi tới tấp nhận được điện thoại, tin nhắn từ hàng nghìn cựu sinh viên hiện đang là giáo viên dạy các bộ môn ở các trường THCS trên cả nước (đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Nam Bộ) rằng: “sao chỉ có Cánh Diều là được giới thiệu đủ 12 môn học”, trong khi 2 bộ sách của NXB, thì hầu hết chỉ giới thiệu bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, còn bộ Chân trời sáng tạo chỉ giới thiệu vài môn (chủ yếu là Giáo dục công dân; Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm...)” - (trích trên Facebook của TS. Mai Thị Phú Phương). Bà viết trên thư ngỏ “bộ Chân trời sáng tạo ở 28 tỉnh thành phía Bắc thì hầu như hoàn toàn vắng bóng”.

    Điều bà nói là có cơ sở. Vì qua tin các bình luận dưới bức thư, có rất nhiều ý kiến đồng tình, chia sẻ và bức xúc về việc NXB có những hành xử không công bằng với bộ Chân trời sáng tạo. Có nhiều tài khoản Facebook chứng minh điều đó là sự thật bằng những tin nhắn, hình ảnh kế hoạch giới thiệu hai bộ SGK lớp 2 và lớp 6 để giáo viên lựa chọn. Theo đó, NXB Giáo dục Việt Nam chủ yếu chỉ đưa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đến các tỉnh thành để giới thiệu, còn Chân trời sáng tạo thì họa hoằn mới có mấy cuốn sách môn phụ như Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Mỹ thuật, Giáo dục công dân xuất hiện ở mục giới thiệu sách.

    Kế hoạch loại bỏ - liệu có thật?

    Xin tạm thời chuyển tới độc giả một số hình ảnh kế hoạch giới thiệu SGK của NXB Giáo dục Việt Nam để thấy sự bất thường này. Tỉ lệ chọn SGK giữa hai bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam là có sự chênh lệch bất thường. Ở bộ Chân trời sáng tạo, không hề có môn chính nào được NXB Giáo dục Việt Nam đưa vào giới thiệu.

    Sau ý kiến của TS.Mai Thị Phú Phương, rất nhiều ý kiến khác đồng tình bày tỏ sự ủng hộ và mong muốn NXB Giáo dục Việt Nam cần minh bạch càng sớm càng tốt việc giới thiệu bộ Chân trời sáng tạo - bình đẳng như bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

    Bởi điều TS.Mai Thị Phú Phương hoài nghi đã trở thành sự thật, sau khi bà và đồng nghiệp biết kế hoạch tổ chức hội thảo giới thiệu SGK ở các tỉnh đã hầu như vắng bóng bộ Chân trời sáng tạo.

    Điều dư luận khó hiểu là, cùng chung NXB Giáo dục Việt Nam, tại sao NXB Giáo dục Việt Nam lại nỡ thẳng tay loại bỏ bộ sách thứ hai của mình, trong khi bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có quá nhiều lỗi, tới mức đứng đầu top lỗi của 5 bộ sách lớp 1 vừa qua - rồi vi phạm bản quyền... mà vẫn được NXB ưu ái lựa chọn số 1.

    Hiện nay, hầu hết các cuộc giới thiệu sách trực tuyến ở các địa phương, Chân trời sáng tạo xuất hiện rất mờ nhạt với vài cuốn hầu hết là các môn phụ. Nếu chỉ lướt qua, các địa phương rất dễ hiểu lầm là bộ Chân trời sáng tạo gần như không còn tồn tại nữa. Điều này cảnh báo về số phận bộ sách có giống như hai bộ Cùng học để phát triển, Vì sự dân chủ và bình đẳng trong giáo dục của NXB Giáo dục Việt Nam bị “bức tử” bất ngờ, như thể chưa từng tồn tại?

    Theo các nguồn tin, được biết, các tỉnh như Thừa Thiên - Huế (chỉ có Mỹ thuật), Bắc Kạn (chỉ có Mỹ thuật và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), Đắk Lắk (chỉ có Giáo dục công dân và Âm nhạc), Bình Dương, Kiên Giang... cũng chỉ có mấy môn phụ được đưa vào giới thiệu ở các tỉnh thành khác cho tới thời điểm này, cũng không được NXB Giáo dục Việt Nam đưa trọn bộ Chân trời sáng tạo vào giới thiệu.

    Ảnh minh họa.

    Bà Trần Thị Nhung, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam - mong muốn TS. Mai Thị Phú Phương gỡ thư ngỏ gửi Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam trên Facebook cá nhân. Tuy nhiên, trước khi gỡ bức thư ngỏ, ý kiến của TS.Phương đã nhận được sự ủng hộ và chia sẻ của hàng nghìn người. Chúng tôi cũng đã kịp lưu lại những ý kiến chia sẻ, tâm đắc và cả thất vọng... của các giáo viên khi mọi người biết bộ sách Chân trời sáng tạo bị đối xử không công bằng.

    Các tài khoản X, Y, Z... (chúng tôi tạm đặt tên, thay thế tên thật của tài khoản Facebook cá nhân khi bình luận dưới thư ngỏ của TS. Phương - PV) đều bộc lộ những thất vọng và cả những trăn trở tâm huyết với giáo dục.

    Tài khoản X sau khi biết tin đại diện NXB Giáo dục Việt Nam đã đứng ra cam kết sẽ công bằng trong việc giới thiệu hai bộ sách của NXB tới các cơ sở giáo dục không cố ý này đã hy vọng: “Tốt rồi cô ạ. Hy vọng các nhà chức trách sẽ có một sự lựa chọn sáng suốt vì giáo dục là quốc sách hàng đầu, đừng lăn tăn vì những lợi ích không đáng có”.

    Tài khoản Y thẳng thắn: “Ngành giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu khi lợi ích nhóm vẫn còn ngự trị”.

    Còn tài khoản Z đồng cảm, thất vọng và chia sẻ: “Tôi đã từng được bổ nhiệm làm Tổng Chủ biên bộ SGK Lịch sử - Địa lý đổi mới giáo dục (khu vực phía Nam) từ những năm 2016, nhưng đã vấp phải những rào cản không thể vượt qua được nên đành từ chức để tự giải thoát cho mình. Chúc các bạn đấu tranh thành công trong trường hợp này”.

    Giới thiệu và chọn SGK: Có vì giáo viên và học sinh?

    Công văn của Chủ tịch hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam mới chỉ giải tỏa phần nào sự bức xúc tức thời của các tác giả bộ Chân trời sáng tạo, mà không khiến họ dễ dàng tin hơn vào một viễn cảnh tốt đẹp trong tương lai về việc công bằng trong sự lựa chọn sách. Vì thực tế cho thấy, sự “định hướng” ngầm của NXB Giáo dục Việt Nam đối với các cơ sở giáo dục trên toàn quốc đã khiến việc chọn SGK của nhiều địa phương lúng túng, rơi vào sự áp đặt “đã rồi”.

    Một số tác giả của Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục cho rằng, cách hành xử của NXB Giáo dục Việt Nam như đã nêu trên, khiến họ “thấy bị tổn thương, xói mòn niềm tin nghiêm trọng”. Điều đó có cơ sở bởi vì hiện nay, việc một số cơ sở giáo dục, như Bắc Kạn có dấu hiệu “đi đêm” với NXB Giáo dục Việt Nam. Bởi năm học 2020-2021, có không ít trường của Bắc Kạn chọn bộ lớp 1 Cánh Diều, nhưng Hiệu trưởng, giáo viên lại được định hướng, nhắc giáo viên “chọn lại” bộ sách “chính thống” của NXB Giáo dục Việt Nam. Để cho chắc, cách đây hai ngày, sự “chính thống” ấy lại được nhắc lại, nhấn mạnh khi Hiệu trưởng và các giáo viên được giới thiệu sách trực tuyến, thì bộ Cánh Diều không được sở GD&ĐT Bắc Kạn đưa vào giới thiệu, dù bản mềm được gửi qua đường link. Duy nhất bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đưa vào gần như trọn vẹn và chỉ vài cuốn môn phụ bộ Chân trời sáng tạo là được NXB Giáo dục Việt Nam đưa vào giới thiệu cho giáo viên các tỉnh thành tham khảo, lựa chọn.

    Cho tới cuối ngày 4/3/2021, cuối cùng, ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam cũng ra Công văn số 576/ CV về việc giới thiệu SGK mới để gửi các NXB tại các miền và các đơn vị thành viên, công văn có đoạn: “do bị giới hạn bởi thời lượng chương trình của các buổi hội thảo giới thiệu sách và đặc thù của một số địa phương nên trong các buổi hội thảo chưa giới thiệu được đầy đủ, toàn bộ các môn học của hai bộ sách...” - (trích) .

    Câu hỏi đặt ra là, tại sao sự “chưa đầy đủ” đáng kể này lại rơi vào bộ Chân trời sáng tạo chứ không rơi vào bộ Kết nối tri thức với cuộc sống?

    Thiết nghĩ, hiện tượng nói lên bản chất sự việc. Dù có dùng các lý lẽ biện minh, thì sự bất thường ấy cũng khiến ai vô tâm nhất cũng phải giật mình. Vì bất kỳ ai cũng nhận ra dấu hiệu không công bằng trong việc giới thiệu hai bộ SGK về tỉ lệ.

    Lâu nay, học sinh, phụ huynh cứ đinh ninh, bằng sự tự do thẩm định và lựa chọn chính đáng của Hiệu trưởng, giáo viên các trường, thì những cuốn SGK tốt nhất sẽ được tới tay thầy trò. Hóa ra, ngay cái quyền được lựa chọn SGK của giáo viên cũng không có nốt. Hiện nay, vẫn có một số tỉnh công khai và trao quyền cho giáo viên chọn bộ sách tốt nhất cho học sinh của mình như Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh...

    Tuy nhiên, vẫn còn những cách “đi đêm” không vì thầy trò, mà vì lợi ích nhóm tạo nên sự bất thường như đã nêu trên.

    Điều này khiến dư luận ngán ngẩm, bởi thực chất, chúng ta đang làm giáo dục cho con em chúng ta hay bằng mọi giá để chiếm thị phần bằng cách “thôn tính” lẫn nhau bằng những chiêu trò...?

    Không chỉ TS. Phương, mà còn nhiều giáo viên trên cả nước - sau sự bất bình thường này, vẫn tin NXB Giáo dục Việt Nam sẽ sớm có hành động chứng tỏ sự thiện chí và công bằng, với bộ Chân trời sáng tạo không chỉ bằng văn bản. Bà “hy vọng đó không phải là lời nói suông. Hy vọng đó là sự khởi đầu tốt đẹp hơn...”. Điều kỳ vọng của TS. Phương, cùng giáo viên trên cả nước chọn bộ Chân trời sáng tạo liệu có thành hiện thực?

    Chúng ta hãy chờ đợi... Vì thực tế mới trả lời điều đó!

    * Bài viết thể hiện quan điểm của nhóm tác giả!

    Nhóm phóng viên Giáo dục

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (10)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-xuat-ban-giao-duc-viet-nam-co-cong-bang-trong-gioi-thieu-hai-bo-sgk-moi-toi-cac-co-so-giao-duc-a358998.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan