+Aa-
    Zalo

    Nhạc sĩ khiếm thị: Tìm yêu trong câu hát...

    ĐS&PL Người ta vẫn nói rằng, khi một cánh cửa khép lại thì sẽ có một cánh cửa khác lại mở ra.

    Người ta vẫn nói rằng, khi một cánh cửa khép lại thì sẽ có một cánh cửa khác lại mở ra. Điều này có lẽ đúng với những nhạc sĩ khiếm thị đã có những cống hiến tài năng của mình cho âm nhạc, để lại những tiếng vang không chỉ với cộng đồng những người khiếm thị, mà đối với cả những người yêu âm nhạc.

    Những cú đúp ấn tượng

    Nhạc sĩ Nguyễn Thanh Bình thường ngồi trong quán cà phê yên tĩnh của Hà Nội. Anh lúc nào cũng bảnh bao và đầy thư sinh với bộ vest sang trọng và lịch lãm. Không hề trong ý nghĩ của tôi và Bình, có một cảm giác, anh là người khiếm thị, bởi những cảm giác mà Bình mang lại cho người đối diện, thực sự là đầy thi vị bởi trong trí óc và trái tim của Nguyễn Thanh Bình, là một khung trời âm nhạc với những cung bậc cảm xúc đã đầy tràn và lan tỏa, có một sức hút mãnh liệt.

    Nhiều người gắn bó với “Bài hát Việt” hẳn chưa quên một thời dậy sóng, nơi Bình từng giành cú đúp: Nhạc sĩ ấn tượng và Nhạc sĩ trẻ triển vọng cho sáng tác “Những giấc mơ” tại đêm chung kết Bài hát Việt 2009, rồi đến tháng 8-2012, lại tiếp tục nhận giải Phối khí hiệu quả cho ca khúc “Lắng nghe” của tác giả Phạm Thanh Hà. Không chỉ thế, Nguyễn Thanh Bình cũng là một cái tên ấn tượng tại Vietnam’s Got Talent 2013, khi một người khiếm thị mà có thể chơi được tới 15 loại nhạc cụ. Bình được nhiều ca sĩ chuyên nghiệp “chọn mặt gửi vàng” bởi những bản phối của Bình được đông đảo khán thính giả yêu thích. Không ai khác, chính Bình là tác giả của nhiều bản phối đã góp phần làm nên thành công của những bản hit gần đây như “Tình yêu màu nắng” (Đoàn Thúy Trang); “Lạc bờ” (Mỹ Linh); “Nắm lấy tay anh” (Tuấn Hưng)...

    Kể câu chuyện về cuộc đời mình, Bình chia sẻ: Anh sinh ra trong gia đình có ba anh em trai nhưng chỉ một mình Bình là người khiếm thị. Ngày anh ra đời, cả gia đình ngỡ ngàng khi con mình rơi vào hoàn cảnh không ai mong muốn này. Chăm chút con từng ly từng tí với tình yêu thương vô bờ bến nhưng vẫn có chút lo sợ mai này con lớn khôn, rời xa vòng tay cha mẹ thì biết ai nâng đỡ.

    Nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Thanh Bình. 

    Nhưng rồi, điều khiến cha mẹ Bình vui nhất là từ khi mới hai, ba tuổi đã thấy Bình mê mẩn với chiếc đài cassette. Thời ấy xã Quan Lạn (Quảng Ninh) quê Bình còn nghèo lắm, chỉ mỗi nhà Bình là có đài cassette. Bố mẹ bảo, vì Bình cứ nghe nhạc trên đài là ôm lấy cọc tre nhún nhảy nên bố mẹ chiều mà mua cho.

    Khi Bình lên 6, bố mẹ đã cho Bình học nhạc với giáo viên ở làng. Tiếc là Bình vừa tập tành làm quen với cây đàn chừng một tháng thì cô giáo lại chuyển đi. Thế là việc học nhạc của cậu bé khiếm thị bị gián đoạn cho đến khi lên Hà Nội. 9 tuổi, Bình lên Hà Nội theo học Trường Nguyễn Đình Chiểu. Không người thân thích và phải tự lập tất cả, Bình có chút hoang mang, song cũng dần quen đi. Ban đầu, các thầy cô hướng cho Bình và các bạn học massage, bấm huyệt và chơi nhạc.

    Học và chơi được nhiều loại nhạc cụ nên Bình quyết định gắn bó với âm nhạc vừa để mưu sinh lại vừa thỏa đam mê. Năm 16 tuổi (2005) Bình thi vào Nhạc viện Hà Nội học về đàn dân tộc, về sau chuyển qua guitar bass, với hy vọng dễ kiếm việc làm hơn. Hồi đó Bình có cơ hội thử sức ở quán Jazz Club của nghệ sĩ Quyền Văn Minh.

    Số mệnh an bài

    Mỗi con người đi trên một con đường như là định mệnh, thì Nguyễn Thanh Bình khẳng định rằng, với anh, định mệnh đã an bài bên cạnh những nốt nhạc cuộc đời. Những ngày đầu gian khó đầy áp lực từ nhiều phía tưởng rằng anh không vượt qua được mọi chuyện một cách dễ dàng, thì âm nhạc chính là một mối duyên bất ngờ và may mắn nhất. Cũng thực sự hạnh phúc hơn vì Bình được chín muồi qua những chương trình thử thách mang tính chuyên môn cao và được cả xã hội quan tâm.

    Sau khi tham gia các chương trình âm nhạc lớn nhỏ, Bình đã được hợp tác với nhiều nhạc sĩ, ca sĩ có chuyên môn cao và có tên tuổi trên thị trường âm nhạc hiện đại. Đối với Bình, tiền bạc là một phần nhưng điều quan trọng nhất là Bình thực sự được ghi nhận trên thị trường âm nhạc. Bình cảm thấy may mắn bởi đã gặp được những người thầy dạy nhạc rất ân cần và tâm huyết. Họ cầm từng ngón tay của Bình đặt lên những phím đàn.

    Việc cảm nhận tốt từng nốt nhạc, từng thanh âm làm cho Bình thích thú với nhiều loại nhạc cụ. Dần dần, Bình có thể đi chơi nhạc thuê tại các quán bar để kiếm tiền. Rồi Bình quay sang làm cả các chương trình sản xuất âm nhạc nữa. Công việc này đòi hỏi khả năng cảm âm rất cao...

    Bây giờ thì Bình đã có phòng thu và một ê-kíp sản xuất các chương trình âm nhạc. Nó là một động lực lớn lao để Bình cảm thấy càng phải cố gắng hơn nữa trên con đường mình đã chọn. Bình bảo, làm âm nhạc, ngoài cảm xúc thì phải vận dụng chất xám và chuyên môn thực sự thì mới thành công được. Một dàn nhạc có nhiều dụng cụ, sử dụng với một người sáng mắt đã khó, với một người khiếm thị thì càng khó khăn hơn, chính vì thế, những lúc làm việc là lúc Bình tập trung cao độ và đòi hỏi sự chỉn chu lớn nhất có thể.

    Những gì cần thì vẫn phải nhờ anh em, bạn bè và những người bên cạnh mình hỗ trợ tích cực để làm việc như một người bình thường. Với Bình, khiếm khuyết đôi mắt thì bù lại, Bình có một tai nghe cực chuẩn và tinh tế. Bởi vậy, Bình tự thấy mình có thể cảm nhận âm nhạc chi tiết hơn.

    Với Bình, mỗi ngày cố gắng chọn một niềm vui và cảm ơn số phận vì đã được chọn lựa để mang trên vai một công việc mà trong mọi lúc mọi nơi, Bình đều thể hiện bằng một đam mê cháy bỏng. Không gì sung sướng bằng việc được làm việc mình thích. Bởi vậy, Bình làm rất tốt, nhận được nhiều đơn đặt hàng của các nghệ sĩ nổi tiếng và được ghi nhận như một nhạc sĩ giỏi trong làng nhạc trẻ.

    Nhạc sĩ Anh Quân, một người kỹ tính trong làng nhạc, đã chia sẻ: anh biết Thanh Bình từ năm 2009, khi ngồi ghế giám khảo “Bài hát Việt”. Cảm giác đầu tiên là choáng, sau khi biết đến hoàn cảnh của Bình. Vì công việc mà Bình làm (sáng tác, hòa âm, phối khí) - một công việc liên quan rất nhiều đến công nghệ, khả năng cập nhật, trình độ thẩm âm cùng độ kiên trì... với một người bình thường đã vất vả, huống hồ là với một người khiếm thị.

    Vậy mà, bản phối của Bình lại cho thấy một tay nghề chuyên nghiệp hết sức. Nhiều người, khi biết đến Thanh Bình, đều chỉ có thể nói là khâm phục và tin rằng bình còn tiến xa hơn nữa trên con đường đã chọn.

    Gần đây, Bình cùng anh trai chuyển sang thuê một ngôi nhà bên Long Biên, vừa để ở, vừa làm phòng tập và phòng thu riêng của mình. Anh thổ lộ dù không nhìn thấy nhưng anh rất thích những chỗ có không gian và không khí trong lành gần với thiên nhiên. Thói quen ngồi những quán café ngoài trời cũng từ đó mà ra.

    Mỗi ngày, Bình dành 3-4 tiếng cho công việc. Thời gian còn lại, anh thích café, mua sắm, câu cá, cập nhật Facebook hoặc đi du lịch cùng bạn bè. Đối với Bình khiếm thị chỉ là không nhìn thấy gì phía trước bằng ánh sáng, nhưng anh có thể nhìn bằng trái tim, bằng khối óc, bằng đôi tai của mình để cảm nhận được rằng, anh có đủ đầy mọi thứ gia đình, anh em, bạn bè, công việc để có thể cảm ơn ông trời vì đã ưu ái cho anh quá nhiều điều.

    Bình cũng hằng ngày góp công sức của mình cho việc đào tạo và khơi nguồn cho những người khuyết tật để mang lại cảm hứng sống và làm việc cho họ. Đối với Bình, không có điều gì là không thể, miễn là mình quyết tâm và dành niềm đam mê cho nó.

    P.LỮ
    Bài đăng trên ấn phẩm Hôn nhân & Pháp luật giấy số 96
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhac-si-khiem-thi-tim-yeu-trong-cau-hat-a239853.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan