Nhạc trẻ phải dựa hơi chiêu trò mới thành công?


Thứ 6, 08/09/2017 | 12:06


Cùng sự kiện

Thật đáng buồn khi cụm từ “thảm họa” xuất hiện ngày càng nhiều trong nhạc trẻ Việt.

Thật đáng buồn khi cụm từ “thảm họa” xuất hiện ngày càng nhiều trong nhạc trẻ Việt. Hàng loạt chỉ trích, phê phán, cân đo đong đếm bùng nổ mỗi khi có sản phẩm “thảm họa” được tung ra. Nhưng rồi, đâu lại vào đó, các nghệ sĩ vẫn cứ vô tư “xả rác” vào thị trường âm nhạc.

Nước cờ thất bại

Gần đây nhất, ồn ào xoay quanh MV Như cái lò – sản phẩm mới của nhạc sĩ trẻ Khắc Hưng kết hợp với Huyền Sambi, như giọt nước làm tràn ly, dư luận đã bùng nổ xung quanh cụm từ “thảm họa nhạc Việt”.

Trước khi ra mắt, ê-kíp đã PR rất hoành tráng, nhưng tiếc thay, Như cái lò lại không thể thuyết phục người xem và không được công nhận là một sản phẩm đáng để thưởng thức. Sản phẩm gây tranh cãi ngay từ tựa đề ca khúc, theo kiểu "muốn hiểu sao thì hiểu”. Tuy nhiên, chính suy nghĩ này đã khiến sản phẩm của Khắc Hưng và Sambi thất bại trong việc gây cảm tình với khán giả.

"Như cái lò" bị nhiều người cho là một "bước lùi" của Khắc Hưng.

Chưa biết sản phẩm này sẽ nổi tới đâu, nhưng với một nhạc sĩ được mệnh danh là “cỗ máy tạo hit”, từng được vinh danh tại giải Cống hiến như Khắc Hưng, một Huyền Sambi từng gây ấn tượng với 11 chiếc cúp giải thưởng Bài hát Việt, thì đây là một nước cờ thất bại.

Tranh cãi về MV Như cái lò lại khiến người ta liên tưởng đến các “thảm họa nhạc Việt” trước đó như: Ô mai chuối (Sĩ Thanh), Nói dối (Phương My), Phiếu bé ngoan (Yanbi ft Mr. T), Mượn xe nhớ đổ xăng (Yuki Huy Nam), Da nâu (Phi Thanh Vân), Đừng yêu em (Lê Kiều Như) hay Tự sướng (Mai Khôi)...

Với ca từ nhảm nhí, vô nghĩa, hình ảnh phản cảm, thậm chí bị cho là dung tục, những ca khúc này đã khiến người nghe được phen... hoảng sợ ngay từ khi ra mắt. Dẫu vậy, không ít người tinh ý nhận ra, đây hẳn là một “bài toán” đã được ê-kíp tính rất kỹ. Trước khi tung ra thị trường, họ đã lường trước được những phản ứng chỉ trích, “ném đá” tả tơi của khán giả. Mặc dư luận khen, chê, miễn sao sản phẩm gây chú ý tức thời với khán giả là họ đã thành công.

Trước vấn nạn “thảm họa” đang bát nháo trong thị trường nhạc trẻ Việt, ca sĩ Nathan Lee cho rằng: “Có thể thấy, với nhạc trẻ hiện nay, những yếu tố thảm họa, nhảm nhí,... sẽ giúp các bạn trẻ nổi nhanh nhất. Trái khoáy ở chỗ, những thứ không hay đó giờ đây lại được lan truyền rất nhanh. Hơn nữa, nhu cầu cười của khán giả lại ngày càng lớn, nhưng không phải họ nghe vì thấy hay, mà nghe để biết dở. Tuy nhiên, những yếu tố đó chỉ là một phần rất nhỏ trong nhu cầu giải trí của khán giả. Trước nay, trong âm nhạc, tôi luôn chọn những điều hay và đẹp đẽ nhất để truyền tải, cống hiến cho khán giả. Còn với những thứ không hay ho, nhảm nhí, tôi tuyệt đối không bao giờ nghe, vì không muốn làm “bẩn” tai, ngứa mắt mình”.

Nam ca sĩ Nathan Lee.

Đồng quan điểm, ca sĩ Hải Yến Idol bày tỏ: “Với một số hiện tượng âm nhạc nổi lên nhất thời, tôi tuyệt đối không quan tâm. Bởi, đã mang danh nghệ sĩ, thì phải có những sản phẩm mang tính nghệ thuật, cống hiến cho khán giả, được công nhận qua các cuộc thi hay các nhà chuyên môn chứ không phải bằng chiêu trò PR, scandal nào đó để tung bài hát hay MV. Bản thân là người gắn bó với nghiệp ca hát từ lâu, tôi cảm thấy buồn khi một số sản phẩm không mang tính nghệ thuật vẫn được khán giả quan tâm, theo dõi, chia sẻ trên mạng xã hội. Việc làm của họ đã vô tình đưa tiền vào túi người khác một cách quá dễ dãi. Lắm lúc, tôi cũng có ý định chia sẻ lên facebook những suy nghĩ của mình, nhưng rồi nghĩ, nếu làm thế chẳng khác nào mình đang vô tình PR cho sản phẩm của họ”.

Nói về chất lượng âm nhạc, nữ ca sĩ Hải Yến Idol cho biết: “Dòng chảy âm nhạc vận động không ngừng, nhưng chất lượng âm nhạc luôn là điều cốt lõi. Vậy nên, nếu ai đó cứ cố chạy theo chiêu trò để nổi tiếng thì chắc chắn sẽ bị đánh bật ra khỏi dòng chảy của nhạc Việt vào một thời điểm nào đó. Bản thân người nghĩ ra chiêu trò hẳn phải là người có đầu óc, nhưng lâu dài không thể cứ chiêu trò mãi được. Điều quan trọng, sản phẩm âm nhạc phải chất lượng mới có thể tồn tại lâu dài trong lòng khán giả”.

Nhạc Việt không thể thiếu chiêu trò?

Trong dòng chảy của nhạc Việt hiện nay vẫn đang tồn tại nghịch lý, những ca khúc chất lượng, không được quảng bá nhiều khó gây được chú ý, trong khi những sản phẩm kém chất lượng nhưng PR rầm rộ lại được tung hô. Phải chăng nhạc Việt bây giờ phải “dựa hơi” chiêu trò, scandal mới nổi tiếng, thành công?

Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa bày tỏ: “Điều này thì Khoa đồng tình. Khoa biết, ngoài kia có rất nhiều ca khúc hay, nhưng chẳng có cơ hội được nhiều người biết đến. Thật sự rất tiếc nuối. Nhưng biết làm sao được khi giới trẻ bây giờ đại đa số đều đang nghe nhạc bằng lỗ tai của người khác. Các bạn thấy người khác khen hay thì sẽ thấy hay, thấy bài nào nằm trong bảng xếp hạng thì mới nghe.

Điều này vô tình đã khép lại cơ hội của rất nhiều những ca khúc xứng đáng, nhưng không có tiềm lực hậu thuẫn phía sau. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, điều kiện quyết định ca khúc có thành công hay không, không đơn giản nằm ở chất lượng ca khúc mà còn nhiều yếu tố khác như người ta hay nói, đó là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa.

Mỗi ca khúc một số phận! Mọi người đều hiểu những ca sĩ nổi tiếng nhất, chưa chắc là những ca sĩ hát hay nhất, nhưng chắc chắn họ có bản sắc riêng và là sự dung hoà của nhiều yếu tố. Với bản thân ca khúc cũng tương tự vậy”. Hầu như năm nào Vpop cũng có những sản phẩm “mì ăn liền” bị chỉ trích dữ dội vì phản cảm, nhảm nhí. Thực trạng đáng buồn này liệu có khiến cho thị trường nhạc trẻ Việt đi theo hướng tiêu cực?

Ca sĩ Nathan Lee cho rằng: “Nếu nhìn khách quan, những kiểu nhạc này không thể làm cho nhạc trẻ Việt đi xuống được. Bởi, khán giả có quyền lựa chọn loại nhạc họ muốn nghe, đơn giản đó chỉ là nhu cầu giải trí thôi. Còn việc, nghệ sĩ muốn phát triển sự nghiệp theo hướng nào tùy thuộc vào sự lựa chọn của từng người. Thế nên, mới có chuyện những người ít tài năng chọn cách bùng nổ trong giây phút.

Suy cho cùng, âm nhạc phát triển hay thụt lùi phụ thuộc nhiều vào sự quyết định của khán giả - những người trực tiếp đón nhận và thưởng thức. Bằng những tiêu chí, thẩm mỹ của mình, họ là người quyết định số phận của mỗi ca khúc. Thời gian qua, khán giả Việt cũng đã cho thấy sự tinh ý và khắt khe khi không để cho những sản phẩm phản cảm được tồn tại dễ dàng”.

Làng nhạc Việt có rất nhiều nghệ sĩ tài năng, họ luôn chỉn chu và đầu tư nhiều công sức cho các sản phẩm âm nhạc. Đôi khi, họ chịu thiệt thòi hơn, vì không có được hiệu ứng mạnh mẽ như những sản phẩm nhảm nhí. Nhưng, khi người nghệ sĩ có lòng tự trọng và trách nhiệm với “đứa con tinh thần” của mình, thì sớm muộn sẽ được khán giả đón nhận”, ca sĩ Nathan Lee nhấn mạnh.

Hà Linh

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 107

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhac-tre-phai-dua-hoi-chieu-tro-moi-thanh-cong-a201304.html