+Aa-
    Zalo

    Nhận chức danh Giáo sư do Viện ĐH Kỷ lục thế giới trao tặng, "bầu" Đệ kinh doanh gì?

    • DSPL
    ĐS&PL "Bầu" Đệ được Viện Đại học Kỷ lục thế giới công nhận chức danh Giáo sư do những thành tựu đạt được trong suốt sự nghiệp xây dựng và phát triển Tổng Công ty CP Hợp Lực cùng những đóng góp tích cực cho cộng đồng - xã hội.

    Mới đây, vào ngày 12/11/2021 giờ Anh quốc (tức 16h00 theo giờ Việt Nam), Hội đồng xét duyệt chức danh Giáo sư Viện Đại học Kỷ lục thế giới (World Records University – WRU) đã chính thức thông qua hồ sơ và công nhận TS. Nguyễn Văn Đệ (bầu Đệ) - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Hợp Lực đủ tiêu chuẩn đạt chức danh Giáo sư.

    nhan bang giao su do vien ky luc the gioi trao tang bau de kinh doanh gi dspl 2
    Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ. Ảnh: Nhà Đầu Tư

    Được biết, Viện Đại học Kỷ lục thế giới không phải là trường ĐH hàn lâm bình thường nhằm đào tạo sinh viên, các nghiên cứu sinh về các lĩnh vực khác nhau, có phân khoa đào tạo như trên thế giới hiện nay mà hoạt động theo mô hình đặc thù tinh gọn như một Viện tư liệu và nghiên cứu tổng hợp về những giá trị sáng tạo và nội dung kỷ lục của cộng đồng kỷ lục gia trên thế giới, hoạt động ngoài hệ thống hàn lâm, chuyên tìm kiếm giá trị các kỷ lục, lưu giữ các chất xám, vinh danh các kỷ lục gia có đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội, quảng bá tất cả các giá trị nội dung về kỷ lục trên toàn thế giới.

    WRU ra đời nhằm tìm kiếm, giới thiệu quảng bá các kỷ lục mang tính sáng tạo, có giá trị nội dung về các tác phẩm, các sự kiện và công trình của kỷ lục gia đem lại giá trị phục vụ cộng đồng xã hội.

    WRU liên kết và hợp lực với các tổ chức kỷ lục các quốc gia trên thế giới ban đầu như Tổ chức Kỷ lục Châu Á, Tổ chức Kỷ lục Đông Dương,Tổ chức Kỷ lục Ấn Độ, Tổ chức Kỷ lục Nepal, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, .v..v...

    Theo WRU, đối với một kỷ lục gia, sự vĩ đại không đến từ những danh hiệu, có thể họ không được học hành đào tạo từ trường lớp mà được học từ những bài học trong cuộc sống, từ sự trải nghiệm của cá nhân có khi mất gần cả cuộc đời mới thực hiện được một tác phẩm, một sự kiện, một công trình mang giá trị nội dung kỷ lục. Theo đó, tất cả những giá trị sáng tạo vì cộng đồng đều phải được lưu lại cho mai sau.

    Với những thành tựu đạt được trong suốt sự nghiệp xây dựng và phát triển Tổng Công ty CP Hợp Lực (Tổng Công ty Hợp Lực) cùng những đóng góp tích cực cho cộng đồng - xã hội, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ đã được Viện Đại học Kỷ lục thế giới công nhận chức danh Giáo sư.

    Được biết, bầu Đệ là người sáng lập và dẫn dắt Tổng Công ty Hợp Lực hơn 20 năm nay.

    Doanh nghiệp này tiền thân là Hợp tác xã vận tải Hợp Lực, được thành lập năm 1996 với gần 20 Công ty thành viên trải rộng ở khắp các tỉnh thành trong nước.

    Địa chỉ trụ sở chính tại số 595 Nguyễn Chí Thanh, phường Đông Thọ, TP.Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

    Hợp Lực hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Y tế, vận tải, giáo dục, bất động sản, công viên vĩnh hằng, nhà hàng, khai thác - chế biến khoáng sản, nông nghiệp công nghệ cao.

    Tổng Công ty Hợp Lực được biết đến là đơn vị sở hữu Bệnh viện đa khoa Hợp Lực với quy mô hơn 700 giường bệnh và trở thành bệnh viện tư nhân thứ 2 ở Việt Nam được bộ Y tế đưa vào danh sách bệnh viện vệ tinh.

    Trong những năm gần đây, lĩnh vực bất động sản của Hợp Lực phát triển rất mạnh mẽ.

    Cụ thể, Hợp Lực là nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp (CCN) phía Đông Bắc, TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), với tổng mức vốn đầu tư vào khoảng 156 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có của doanh nghiệp là 31,2 tỷ đồng; vốn vay, vốn hỗ trợ khác là 124,8 tỷ đồng.

    Ngoài ra, tháng 7/2020, liên danh Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực - Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát - CTCP đã trúng sơ tuyển dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án Khu dân cư kết hợp công viên thể thao Đình Hương, TP.Thanh Hóa. Nhà đầu tư khác "đối đầu" với liên danh nói trên tại dự án này là Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC.

    Về kết quả kinh doanh, từ năm 2016-2019, doanh thu của Hợp Lực duy trì quanh mức 300 tỷ đồng nhưng báo lãi khá hạn chế.

    Trong năm 2019, Hợp Lực ghi nhận doanh thu đạt 386 tỷ đồng, tuy nhiên lãi thuần chỉ vỏn vẹn ở mức 16 tỷ đồng.

    Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Hợp Lực đạt 1.284 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu 622 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 35% và 57% so với thời điểm đầu năm.

    Ngoài linh vực kinh doanh, cái tên "bầu" Đệ còn gắn bó với vị doanh nhân xứ Thanh này từ khi ông bước chân vào làng bóng.

    "Bầu" Đệ đến với Thanh Hóa FC và trở thành Chủ tịch CLB này vào năm 2011 theo kiểu gánh lên trách nhiệm, khi mà UBND tỉnh Thanh Hóa không tìm được doanh nghiệp tài trợ cho đội bóng quê hương.

    So với các "ông bầu" đại gia khác của V-League, "tầm vóc" bầu Đệ chỉ giới hạn ở một doanh nghiệp địa phương. Thế nhưng, trong suốt nhiều năm, ông là người cáng đáng chính cho Thanh Hóa FC dù tỉnh này là quê hương của những đại gia số má bậc nhất.

    Năm 2016, khi FLC "nhảy vào", "bầu" Đệ rời ghế Chủ tịch Thanh Hóa FC. Chỉ sau đó ba năm ông nhận lại đội bóng khi nhà tài trợ chính đột ngột ra đi.

    Đến tháng 11/2020, "bầu" Đệ gây xôn xao dư luận khi rời ghế Chủ tịch CLB Thanh Hoá, nhường lại vị trí này cho ông Cao Tiến Đoan, một đại gia có tiếng trong lĩnh vực bất động sản tại Thanh Hoá.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhan-chuc-danh-giao-su-do-vien-dh-ky-luc-the-gioi-trao-tang-bau-de-kinh-doanh-gi-a520248.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan