+Aa-
    Zalo

    Nhận diện thủ đoạn "mượn xe buôn lậu" của tội phạm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bằng biện pháp nghiệp vụ, hoàn toàn có thể biết được các lái xe bị "lợi dụng" hay đang cố tình vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.

    (ĐSPL) - Trao đổi với PV, Đại tá Nguyễn Viết Hòa, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45 Công an tỉnh Nghệ An) cho rằng, nhiều lái xe vì tiền sẵn sàng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm và sẽ chối tội khi bị phát hiện.

    Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ, hoàn toàn có thể biết được các lái xe bị "lợi dụng" hay đang cố tình vận chuyển hàng cấm, hàng lậu.

    Đại tá Nguyễn Viết Hòa.

    Thủ đoạn làm ăn của các đối tượng

    Liên quan đến việc thời gian qua, nhiều vụ vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng dễ cháy nổ trên xe khách bị phát hiện, bắt giữ, ông nhìn nhận về thực trạng này như thế nào?

    Có thể nói, do việc kiểm tra còn hạn chế nên các đơn vị kinh doanh vận tải cũng chưa thể quản lý được dịch vụ này, trong khi lái xe, phụ xe vẫn coi đây là khoản thu nhập thêm. Do đó, rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, vô tình tiếp tay trong việc vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng dễ cháy nổ. Nói như vậy cũng không phải là quá khó khăn để tìm chủ hàng ký gửi trên xe khách nếu Cơ quan điều tra vào cuộc quyết liệt trong những vụ bắt hàng cấm.

    Tôi được biết, nhiều trường hợp, chính tài xế và phụ xe cố tình không khai rõ về vị khách thuê gửi hàng cấm hoặc hàng lậu, nhưng thực tế là họ biết rõ người đó. Chỉ đến lúc Cơ quan điều tra đấu tranh khai thác, họ mới khai ra.

    Phải chăng những quy định quản lý của chúng ta trong vấn đề này còn nhiều "kẽ hở"?

    Đó là một thủ đoạn làm ăn của các đối tượng. Nói là còn nhiều "kẽ hở" trong quản lý thì cũng không hẳn như vậy. Tôi lấy ví dụ đơn cử, chủ hàng thuê chuyển mấy cái ti vi từ Vinh ra Hà Nội, nếu ra đó mà thiếu hàng, chắc chắn nhà xe phải có trách nhiệm với người gửi. Vì vậy, chắc chắn khi phụ xe nhận hàng, anh cũng phải khẳng định được, hàng đó là của ai, có thông tin về chủ hàng rồi thì mới nhận chuyển hàng thuê. Hàng càng có giá trị thì cước vận chuyển càng cao. Thậm chí, hàng lậu thì cước càng cao.

    Khi bị bắt, phụ và lái xe lại muốn "phủi tay", họ nói không biết gì. Nhưng như vậy không có nghĩa là Cơ quan điều tra không thể tìm ra sự thật. Cần phải quyết liệt triệt phá tội phạm lợi dụng xe khách để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, chất nổ. Đừng để đến khi nó bùng phát mạnh, không thể kiểm soát được nữa.

    Nhà xe tiếp tay sẽ bị xử lý nghiêm

    Ông có nghĩ, vì không có quy định cụ thể về hàng ký gửi trên xe khách nên các đối tượng lợi dụng để vận chuyển hàng cấm, hàng lậu?

    Đúng vậy. Việc không có quy định lái, phụ, nhà xe phải chịu trách nhiệm khi trên xe của mình bị phát hiện có hàng cấm chính là nguyên nhân khiến họ không kiểm soát kỹ hàng trên xe. Thậm chí, họ tham gia cả vào quá trình vận chuyển hàng lậu và dễ dàng "phủi tay" khi bị bắt. Điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc chống hàng lậu.

    Như tôi đã nói, khó không có nghĩa là Cơ quan điều tra không thể tìm ra chân tướng sự việc. Nếu anh biết rõ đó là hàng cấm mà vẫn nhận chở, thu cước phí cao, anh vẫn phải chịu trách nhiệm. Bởi vì, nếu hành khách gửi hàng mà nhà xe vẫn để ở các vị trí bình thường trên xe như các hàng hóa khác và bản thân anh ta không biết gì về món hàng này thì không thể xử lý được. Còn nếu anh chở hàng cấm mà cất giấu trong các vị trí đặc biệt trên xe (các vị trí cụ thể chỉ nhà xe mới có thể cất được), ví dụ anh hàn một vị trí bí mật nào đó để cất giấu, nhận vận chuyển thuê heroin hoặc, hàng cấm đó được bỏ trong lốp ô tô thì chỉ nhà xe mới có thể làm việc đó nên vẫn có cơ sở để xử lý về tội vận chuyển trái phép hàng cấm.

    Tiêu biểu như vụ mìn ký gửi trên xe khách tại Nghệ An mà chính ông là người chỉ đạo tìm thủ phạm, làm cách nào để cơ quan công an phát hiện ra kẻ đứng sau gửi bưu kiện đó?

    Ở vụ gửi mìn trên xe khách dưới dạng hàng ký gửi xảy ra tại Nghệ An vừa qua, để tìm được đối tượng gây án đúng là rất khó, nhưng càng làm, càng vỡ ra được nhiều vấn đề. Mặc dù chủ xe không nhớ đặc điểm của người gửi hàng, thời gian gửi hàng lại rất lâu không có người nhận, thông tin liên quan rất ít, Cơ quan điều tra đã phải tìm manh mối từ nạn nhân, sàng lọc rất nhiều trường hợp liên quan, khi thấy mối quan hệ của bị hại "sạch" rồi, nghĩa là không có căn cứ để xác định có người thù tức muốn trả thù, Cơ quan điều tra mới chuyển hướng làm rõ các manh mối khác.

    Bản chất của vụ án đã dần lộ rõ khi chúng tôi áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Cuối cùng, kẻ gửi đôi loa trên xe khách mà bên trong có chứa thuốc nổ tự chế đã phải trả giá trước pháp luật.

    Xin cảm ơn ông!

    Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Thượng úy Nguyễn Quang Đăng, Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát (Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Kiểm tra hàng lậu, gian lận thương mại trên xe khách rất khó, họ thường ngụy trang lẫn hàng hóa thông thường của hành khách để trên xe. Nhà xe cố tình giấu hàng lậu trong lô hàng có đầy đủ hóa đơn sẽ rất khó khăn cho lực lượng tuần tra kiểm soát. Hơn nữa, nhiều khi bắt lô hàng lậu lại chỉ có tên, địa chỉ người nhận chứ không có địa chỉ người gửi nên rất khó xử lý người gửi. Trong khi, người nhận sẽ nói rằng, hàng họ đặt là hàng khác, không phải loại hàng lậu. Cần có một chế tài xử lý nghiêm minh những lái xe, phụ xe vì lợi nhuận, bất chấp các quy định khi nhận những gói hàng không rõ nguồn gốc, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản của hành khách trên xe.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhan-dien-thu-doan-muon-xe-buon-lau-cua-toi-pham-a82903.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan