+Aa-
    Zalo

    Nhân duyên kỳ lạ giữa người lính bộ binh và nữ thanh niên xung phong

    ĐS&PL Cô gái TNXP cũng không thể ngờ cuộc gặp ngắn ngủi ở cung đường ác liệt Truông Bồn với chàng lính bộ binh chính là mối duyên tiền định của mình.

    Cô gái TNXP cũng không thể ngờ cuộc gặp ngắn ngủi ở cung đường ác liệt Truông Bồn với chàng lính bộ binh chính là mối duyên tiền định của mình. Những cánh thư chứa chan tình cảm chân thật của anh đã làm trái tim cô gái TNXP rung động. Họ cùng nhau viết nên câu chuyện tình đẹp như trong cổ tích.

    Tình yêu đơm hoa sau tháng ngày sinh tử

    Câu chuyện tình yêu chúng tôi muốn nhắc đến là của nữ TNXP Trần Thị Thông (SN 1946), trú tại phường Đông Vĩnh, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An và anh chàng lính bộ binh Lê Hải Diên. Chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng cựu TNXP Trần Thị Thông trong một ngày nắng hè gay gắt. Bà Thông đang chuẩn bị bữa trưa, còn ông Diên vẫn thì đang làm đồng. Đã qua cái dốc bên kia cuộc đời, nhưng ông bà vẫn tự lập vì không muốn phiền hà con cháu.

    Vợ chồng bà Thông chụp ảnh kỷ niệm.

    Mặc dù, sức khỏe đã yếu trí nhớ cũng giảm sút nhưng những ngày tháng cùng đồng đội mở đường cho xe vào miền Nam chiến đấu thì bà nhớ như in. Trong câu chuyện, bà Thông kể cho chúng tôi nghe về mối duyên tiền định của mình với chồng.

    Bà Thông sinh ra và lớn lên ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Khi bước sang tuổi 20, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc cô gái này tham gia vào lực lượng TNXP. Trần Thị Thông được phân công về Tiểu đội 2, Đại đội 317, đóng quân tại Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Sau khi được kết nạp vào Đảng, Trần Thị Thông được giao nhiệm vụ làm Tiểu đội trưởng. Còn với chồng bà, ông Lê Hải Diên khi nhập ngũ được phân công về làm lính bộ binh ở Sư đoàn 308, đóng ở Sơn Tây.

    Truông Bồn thời điểm cuối thập niên 60 là huyết mạch giao thông, chi viện nhân lực và vật lực cho chiến trường miền Nam. Tiểu đội của Thông được phân công túc trực trên Quốc lộ 15A để lấp hố bom, thông đường cho những chuyến xe vào Nam.

    Vào tháng 8/1968, xe chở đơn vị của Lê Hải Diên trên đường vào Nam chiến đấu đi qua Quốc lộ 15A đoạn qua Truông Bồn thì họ gặp các cô gái TNXP đang miệt mài san lấp hố bom cho xe đi. “Thời điểm đó, đoàn xe của các anh ấy cất lên những điệu hò trao duyên rất hóm hỉnh. Tiểu đội của tôi cũng không vừa nên đáp trả lại khiến cho không khí thêm vui tươi hừng hực sức sống. Trời tối nên chúng tôi không nhìn rõ mặt nhau mà chỉ nghe tiếng nói. Khi đó, ông Diên hỏi “Các o ơi, ở đây có ai người Hưng Nguyên không? Chúng tôi đáp lại không có người Hưng Nguyên nhưng có người Nghệ An là đồng hương cả. Chàng trai đó đã trao lại bức thư chưa kịp gửi cho gia đình của mình nhờ các cô gái TNXP chuyển giùm và tiếp tục lên đường hành quân. Lá thư đó, chúng tôi gửi bưu điện đến địa chỉ của bố mẹ ông Diên”, bà Thông nhớ lại.

    Vào đêm 30, rạng sáng 31/10/1968, Đại đội TNXP 317 nhận được thông tin 7h sáng có đoàn xe quân sự qua. Khoảng 6h30 khi hố bom cuối được san lấp thì tiếng kẻng báo động vang lên. Ngay sau đó, máy bay Mỹ đã ném hàng trăm quả bom xuống Truông Bồn. Cả tiểu đội chưa kịp vào hầm trú ẩn thì nhiều tiếng nổ chát chúa vang lên khiến Truông Bồn chìm trong biển khói. 13 chiến sĩ TNXP (11 nữ, 2 nam) đã vĩnh viễn ra đi khi vừa tròn mười tám, đôi mươi.

    Điều đau thương là 7 người trong số họ đã không tìm được thi thể. Máu và thịt của họ đã hòa vào đất nơi đây, tạo nên một Truông Bồn linh thiêng, bất tử. Tại hiện trường ngổn ngang sau đó, đồng đội, người dân địa phương ai cũng dồn sức đào bới, để tìm kiếm nhưng chỉ còn duy nhất nữ TNXP Trần Thị Thông may mắn được cứu sống nhưng bị thương nặng.

    Đối với bà, được sống, có gia đình hạnh phúc là may mắn hơn các chị em đã ngã xuống.

    Mối lương duyên kỳ lạ

    Năm 1969, khi hết thời gian dưỡng thương chị được đơn vị cho về TP.Vinh để học nghề may. Điều vô cùng bất ngờ chị được đơn vị bố trí ở trong nhà cụ Lê Văn Đèo, là bố của anh bộ đội Diên. Cụ Đèo có mấy người con trai thì đều đi bộ đội. Vì thấy nhà ông Đèo neo người nên nữ TNXP này xin ông bà nhận làm con nuôi.

    Đến khi bố lâm bệnh nặng gia đình báo tin nên Lê Hải Diên đã xin phép đơn vị cho về nhà thăm bố. Trong lần về phép đó họ đã gặp nhau. Thấy cô em nuôi tận tình chăm sóc bố mẹ mình ông Diên cảm thấy biết ơn. Từ đó, ông có cảm tình hơn với cô em nuôi này. Qua những lần nói chuyện, hai người mới biết họ từng gặp nhau ở cung đường ác liệt Truông Bồn.

    Hết phép, ông Diên trở lại đơn vị. Những ngày tháng trong quân ngũ ông gửi những lá thư chan chứa tình cảm cho “cô em gái nuôi”. Mỗi lá thư ông Diên đều xịt nước hoa vào mùi thơm nức. Tình yêu của họ được nhen nhóm bằng những cánh thư dài. “Thời đó, yêu đương trong sáng. Tình cảm được gửi gắm qua những cánh thư dài. Chính tình cảm chân thật của ông Diên đã làm cho trái tim tôi rung động. Chúng tôi hứa hẹn sẽ làm đám cưới trong lần ông ấy về phép tới”, bà Thông chia sẻ về cảm xúc của mình.

    Đến năm 1970, ông Diên xin về phép và cưới “cô em gái nuôi” làm vợ. Cưới được một tuần thì ông Diên phải về đơn vị. Thật may mắn trong 3 ngày ngắn ngủi đó, bà Thông đã có bầu và sinh hạ cho chồng một chàng trai bụ bẫm và kháu khỉnh. Họ đặt tên cho con trai của mình là Sơn. Rồi lần lượt 3 người con trai ra đời khiến cho hai vợ chồng hết sức hạnh phúc. Giờ con cái đã yên bề gia thất nhưng vợ chồng bà vẫn chăm lo đồng ruộng, sống tự lập không phải phiền lòng con cháu.

    HÀ HẰNG

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (19)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhan-duyen-ky-la-giua-nguoi-linh-bo-binh-va-nu-thanh-nien-xung-phong-a323507.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan