+Aa-
    Zalo

    Nhân vụ Bảo Tín Minh Châu bị tố bán vàng giả: Lật lại quá khứ!

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Những vụ việc liên quan đến vàng nhái SJC không chỉ khiến tiệm vàng, các NH, công ty kinh doanh vàng lớn bối rối mà ngay đến những người dân cũng hoang mang.

    (ĐSPL) - Vụ việc Bảo Tín Minh Châu bị tố bán vàng giả tuy chưa có kết luận cuối cùng nhưng cũng khiến khách hàng lo lắng và hoang mang. Bởi thực tế, trước Bảo Tín Minh Châu, cũng đã có không ít doanh nghiệp, tiệm kinh doanh vàng dính "nghi án" bán vàng giả, vàng nhái.

    Mới đây, công ty Bảo Tín Minh Châu bị khách hàng Lê Thị Hà Giang (SN 1984, Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội) "tố" bán vàng giả.

    Phía Bảo Tín Minh Châu đã lên tiếng khẳng định công ty có đầy đủ video, hình ảnh chứng minh tiệm không bán vàng giả cho khách, vụ việc vẫn chờ kết luận của cơ quan điều tra, tuy nhiên vụ việc cũng làm dấy lên nỗi lo ngại vàng giả,vàng nhái của khách hàng.

    Bởi thông tin vàng SJC bị làm giả đã từng xuất hiện rất nhiều lần tại thị trường Việt Nam. Thủ đoạn làm giả tinh vi tới mức người tiêu dùng khó phân biệt vàng thật và vàng giả nếu chỉ dùng mắt thường. 

    Hàng trăm người vây tiệm vàng vì nghi mua phải vàng giả

    Còn nhớ, vào ngày 3/7/2012, tin đồn tiệm vàng Kim Sơn (thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên - Bình Dương) bán vàng giả khiến hơn 400 người dân từng mua vàng ở đây kéo đến đòi chủ tiệm phải mua lại vàng đã bán. Khách hàng quả quyết vàng của cửa hàng bán ra chỉ có lớp áo bên ngoài là thật, còn lõi là dởm.

     Hàng trăm người dân có mặt tại tiệm vàng Kim Sơn (Ảnh: Người Lao Động).

    Theo tin tức được đăng tải trên tờ Người Lao Động, chỉ trong vòng 2 giờ cửa hàng đã thu mua số vàng trị giá hơn 2 tỷ đồng. Khi cửa hàng hết tiền mặt mà lượng người muốn bán vẫn còn rất đông, chủ tiệm phải ra ngân hàng rút khẩn gần 2 tỷ nữa để giải quyết.

    Trước thông tin về vụ việc, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng vào cuộc, lấy mẫu vàng ngẫu nhiên từ những người đem vàng tới tiệm bán lại để giám định. Công an huyện Tân Uyên cho biết kết quả giám định cho thấy mẫu vàng giám định là vàng thật. Thông báo giám định được dán ngay trước tiệm vàng, để khách hàng yên tâm ra về. 

    ACB ngừng mua vàng vì lo ngại vàng SJC giả

    Vụ việc xảy ra tại Bình Dương chưa lắng xuống, vào giữa tháng 9/2012, thị trường vàng trong nước lại xôn xao khi xuất hiện vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC bị làm giả.

    Nếu vài tháng trước đó, chỉ có vàng SJC loại 2 chỉ bị phát hiện làm nhái, giả thì nay một số tiệm vàng phát hiện cả vàng miếng SJC loại 1 lượng cũng bị làm nhái. Theo một số công ty vàng lớn, loại vàng giả thương hiệu SJC này được sản xuất khá tinh vi, rất khó phát hiện nếu nhân viên thiếu kinh nghiệm và không kiểm tra kỹ.

    Ngay khi có thông tin vàng miếng SJC giả tái xuất hiện, thị trường vàng lập tức phản ứng. Ngân hàng Á Châu (ACB) ngừng thu mua vàng miếng SJC để chờ được cung cấp các dấu hiệu phân biệt vàng SJC thật - giả. Phải đến khi nhận được cách thức phân biệt từ Công ty SJC, ACB mới giao dịch vàng miếng này trở lại.

    Đến ngày 23/9, một số nơi như Công ty Vàng bạc Đá quý Hà Nội (SJC Hà Nội), thuộc Tập đoàn DOJI, Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu… yêu cầu khách hàng bán vàng SJC phải cung cấp hóa đơn hoặc ngừng mua vào.

    Những vụ lùm xùm vàng giả SJC

    Vàng thật bên ngoài, Vonfram bên trong

    Trước đó thời điểm khoảng tháng 5/2011, trên báo Đất Việt đăng tải thông tin, thị trường vàng trong nước bị lao đao vì vàng giả “tái xuất”. Hầu hết vàng “bẩn” đều có nguồn gốc từ nước ngoài tuồn vào Việt Nam bằng đường xách tay. Kẻ gian đã dùng vàng nóng chảy để đúc bao quanh một khối vonfram hoặc kim loại nặng ở bên trong.

    Hình thức tinh vi này tạo thành một lớp vàng bao bọc bên ngoài lõi vonfram mà mắt thường không thể phát hiện ra được vì nhìn toàn diện miếng vàng vẫn vàng óng.

    Thậm chí, vàng bẩn đều “qua mặt” được hầu hết các loại máy đo tuổi vàng ở Việt Nam thời điểm đó. Sự kiện này đã không chỉ khiến người dân hoang mang, lo ngại mà còn gây thiệt hại không nhỏ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

    Vàng bẩn xuất hiện khiến các doanh nghiệp buôn bán vàng trong nước chỉ đạt 30 – 40\% doanh thu so với cùng kỳ các năm trước. Thậm chí, vài doanh nghiệp đã đóng cửa, một số dự định chuyển sang ngành nghề khác.

    Vàng hiện có hai hình thức: một là miếng vàng vẫn đủ tuổi và đúng trọng lượng giới kinh doanh gọi là vàng nhái. Một số khác bị thiếu tuổi, không đủ bốn số 9 giới kinh doanh gọi là vàng giả.

    Theo giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng, việc làm giả vàng miếng SJC không khó bởi máy dập vàng miếng các doanh nghiệp như: Bảo Tín Minh Châu, vàng AAA... đều có thể dập được. Việc mua khuôn vàng từ Hồng Kông không khó. Khoảng 3 tháng lại đây tại biên giới Lào, Campuchia nhập vàng theo con đường chính thống để bán cho người Việt Nam sang mua vàng.

    Cũng theo một chuyên gia thì hiện phía SJC đổi bao bì mới và khuyến cáo người dân nên xem xét cẩn thận từng số xêri. Nhiều nghi ngờ nghiêng về vàng miếng SJC giả xuất hiện trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc với số lượng không hề nhỏ. Theo tính toán, nếu vàng miếng nhái vàng SJC nhập lậu vào Việt Nam trót lọt, bán ra thị trường lãi lên tới 5 triệu đồng/lượng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhan-vu-bao-tin-minh-chau-bi-to-ban-vang-gia-lat-lai-qua-khu-a52258.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan