+Aa-
    Zalo

    Nhật Bản để mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới về tay một quốc gia châu Âu

    (ĐS&PL) - Theo báo cáo mới nhất về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản, nước này đã đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào tay Đức trong năm 2023.

    Tạp chí Tri thức dẫn thông tin trên Reuters, dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 15/2 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa năm 2023 của Nhật Bản tính bằng USD là 4.200 tỷ USD. Trong khi đó, con số này của Đức là 4.500 tỷ USD.

    Như vậy, Nhật Bản đã mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới về tay quốc gia châu Âu.

    nhat ban de mat vi tri nen kinh te lon thu 3 the gioi ve tay mot quoc gia chau au 2
    Cơ cấu dân số già là một trong những lý do khiến kinh tế Nhật Bản chững lại. Ảnh: Yoshikazu Tsuno

    GDP Nhật Bản đi xuống chủ yếu do đồng yen mất giá mạnh so với USD. Đồng tiền này đã mất giá gần 20% trong hai năm qua.

    Một phần nguyên nhân khiến yen yếu đi là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) duy trì chính sách lãi suất âm, trái ngược với làn sóng nâng lãi của các nền kinh tế lớn khác trên thế giới suốt những năm qua. Việc này khiến nhà đầu tư rời đồng yen để tìm đến các rổ tiền tệ khác sinh lời cao hơn.

    GDP quý IV/2023 của Nhật Bản cũng giảm 0,1% so với quý trước đó. Đây là quý thứ 2 liên tiếp quốc gia này tăng trưởng âm. Mức tiêu dùng tư nhân trong giai đoạn này cũng không thay đổi, làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu bên ngoài.

    Theo thông tin trên báo VnExpress, kinh tế Nhật Bản dựa nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt là xe hơi. Đồng yen yếu sẽ có lợi cho các hãng xuất khẩu. Tuy nhiên, quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do suy giảm dân số và tỷ lệ sinh ở mức thấp.

    Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn nhì thế giới, sau Mỹ, từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn bùng nổ thập niên 70 và 80, quốc gia này còn được dự báo trở thành nền kinh tế số một.

    Tuy nhiên, bong bóng giá tài sản vỡ vụn đầu thập niên 90 đẩy nước này vào "thời kỳ mất mát", khiến kinh tế trì trệ và giảm phát suốt vài thập kỷ qua. Đến năm 2010, Nhật Bản mất ngôi nền kinh tế lớn nhì thế giới vào tay Trung Quốc.

    Khi yen được dự báo còn tiếp tục giảm, sức ép lên Thủ tướng Fumio Kishida sẽ càng tăng. Tháng 11/2023, ông đã công bố gói kích thích trị giá 17.000 tỷ yen (118,5 tỷ USD).

    Hiện cả nền kinh tế Đức lẫn Nhật Bản đều đang có những vấn đề chung là dân số già, khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, phụ thuộc vào xuất khẩu và sản xuất ôtô.

    Theo TTXVN, trong khi Đức đang phải đối mặt với nguồn cung lao động đang thu hẹp, xu hướng này rõ ràng hơn ở Nhật Bản, nơi dân số đã giảm liên tục kể từ khoảng năm 2010. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu lao động kinh niên và tình hình dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn do tỷ lệ sinh vẫn thấp.

    Trong khi đó, nền kinh tế Ấn Độ có triển vọng vượt qua cả hai nền kinh tế này trong vài năm tới. Theo số liệu của IMF, nền kinh tế Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2026 và Đức vào năm 2027.

    Dân số Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc vào năm ngoái và quốc gia này dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng trong nhiều thập kỷ tới.

    Với hơn 2/3 số người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi), Ấn Độ được kỳ vọng sẽ sản xuất nhiều hàng hóa hơn và thúc đẩy đổi mới công nghệ, trái ngược với nhiều quốc gia châu Á khác đang phải đối mặt với tình trạng dân số ngày càng giảm và già đi.

    Chuyên gia kinh tế tại Ấn Độ của Goldman Sachs Research, Santanu Sengupta, cho rằng dân số đông của Ấn Độ rõ ràng là một lợi thế, nhưng thách thức là sử dụng lực lượng lao động một cách hiệu quả với việc tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động.

    Ấn Độ có thể giành được lợi thế hơn nữa trước Trung Quốc nếu nước này giảm bớt các quy định và giảm thuế quan để thu hút nhiều đầu tư hơn khi các công ty tìm cách giảm thiểu rủi ro địa chính trị liên quan đến Trung Quốc.

    Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang cung cấp các ưu đãi tài chính trị giá hàng tỷ USD để thúc đẩy sản xuất trong nước và biến Ấn Độ thành trung tâm xuất khẩu toàn cầu.

    Chương trình trị giá 24 tỷ USD đang cho thấy một số thành công khi các công ty như Apple và Samsung Electronics xây dựng nhiều cơ sở hơn tại quốc gia này. Mục tiêu là tăng mức đóng góp của ngành này vào GDP lên 25% vào năm 2025.

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhat-ban-de-mat-vi-tri-nen-kinh-te-lon-thu-3-the-gioi-ve-tay-mot-quoc-gia-chau-au-a610646.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan