Nhật ký giãn cách - Những ngày yêu thương


Thứ 7, 02/10/2021 | 11:30


Cùng sự kiện

Những ngày Hà Nội giãn cách là khoảng thời gian để tôi thực hiện một trò chơi mang tên “Dịch nghĩa cuộc sống”, dịch những điều tiêu cực thành tích cực.

Trở về ngày tháng vợ chồng son

Đợt dịch bùng phát lần thứ 4, gia đình tôi cũng như nhiều bạn bè ở Hà Nội đều thực hiện nghiêm chỉ thị Thành phố. Trong khoảng thời gian này, vợ chồng tôi có nhiều thời gian dành cho nhau hơn mà ngày thường không có cơ hội vì bận rộn. Tôi gọi đó là “Nhật ký giãn cách – những ngày yêu thương”.

Đời sống - Nhật ký giãn cách - Những ngày yêu thương

Sự thật là trong thời gian ở nhà chống dịch thì vợ chồng tôi còn “chiến tranh” nhau bằng một trận cãi vã "long trời lở đất". Nếu là lúc bình thường thì kiểu gì anh bạn cùng giường sẽ phóng ngay ra ngoài tụ tập chiến hữu nhậu nhẹt quên thời gian.

Anh ấy biết thừa tính tôi khi giận dỗi sẽ không bao giờ thèm gọi điện hay nhắn tin nên những lúc đó sẽ là cơ hội vàng cho chàng xả láng. Các chị em hẳn sẽ hiểu cảm giác cố lạnh lùng, vô tâm bên ngoài nhưng thực ra trong lòng thì như lửa đốt vì không biết lúc nào lão chồng mới dẫn xác về, liệu có say xỉn gây chuyện gì không... Cảm giác ấy còn khó chịu hơn việc giận hờn.

Thế nhưng, trong cái rủi lại có cái may, giãn cách cũng có cái hay. Đồng chí chồng chỉ lon ton từ trong nhà ra đến ngoài sân làm dăm ba ngụm nước chè rồi ngắm cá lượn lờ. Nhìn cảnh đấy thì tôi khoái chí, hả hê lắm. Ở nhà rảnh rỗi hơn nên có nhiều thời gian ngẫm nghĩ, tự thấy bản thân mỗi đứa đều sai chứ chẳng ai đúng hết. Đi ra đi vào lại đụng nhau, chạm cái tay, đá cái chân... thế là nhanh chóng lập lại hoà bình. Chứ như trước thì sau xung đột sẽ là cuộc chiến tranh lạnh lê thê như phim dài tập.

Chúng tôi còn trở về ngày tháng vợ chồng son vì vô tình gửi các con về quê chỉ trước ít ngày Hà Nội giãn cách. Thế nên, nhiều hôm hai đứa rúc rích ôm nhau cày phim kinh dị đến tận 2, 3h sáng hay thảnh thơi nằm nghe nhạc rồi lọ mọ lục lại những bức ảnh kỷ niệm hồi tình yêu bọ xít. Trong khi đó, các bé nhà tôi về quê thì được thêm thời gian ở gần ông bà ngoại vì chỉ cần hết dịch, ông bà sẽ phải bay ngay về Úc.

Biến điều tiêu cực thành tích cực

Đây cũng là khoảng thời gian để tôi thực hiện một trò chơi mang tên “Dịch nghĩa cuộc sống”, dịch những điều tiêu cực thành tích cực: Nhà đang xây sửa thì phải dừng lại. Tuy mọi thứ có bừa bộn, ngổn ngang, bất tiện một chút nhưng nghĩ tích cực thì gia đình sắp có nhà mới đón Tết.

Công việc tổ chức sự kiện, làm phim của một đạo diễn như tôi gặp Covid cũng phải đóng băng nhưng nghĩ tích cực thì khoảng thời gian nghỉ này để tôi chăm chút thiết kế các ý tưởng, lên kịch bản cho những dự án sắp tới. Hơn nữa, công việc của chồng vẫn ổn định nên xem như tôi đang hưởng thụ cuộc sống được chồng nuôi. Một phụ nữ độc lập bỗng dưng trở thành “bánh bèo vô dụng” cũng có đôi chút thú vị.

Đời sống - Nhật ký giãn cách - Những ngày yêu thương (Hình 2).

Nghĩ tích cực thì việc ở nhà 24/7 giúp tôi có thời gian chăm sóc bản thân nhiều hơn như dưỡng da, đắp mặt mà không cần tốn tiền đi spa. Làm đẹp cho mình rồi làm đẹp cho chồng. Lần đầu cắt tóc cho ông xã bằng cái kéo thủ công của ông con và kết quả là anh hàng xóm thấy ưng quá nên sang nhờ tỉa tót hộ.

Mà tôi khoái vụ nghịch ngợm dao kéo này lắm, cứ như chơi trò cắt tóc cho búp bê ngày nhỏ. Nếu các tiệm cắt tóc không đóng cửa thì làm sao tôi có được thú vui giải trí mùa dịch này.

Cũng nhờ là “tỷ phú thời gian” nên tôi có thể chăm chút nhiều hơn cho câu lạc bộ mà mình đồng sáng lập mang tên “Hạnh phúc tuổi trung niên”.

Các thành viên đều có tuổi lại độc thân, đơn thân, thậm chí nhiều người sống trong tâm dịch đầy rẫy sự chết chóc nên dễ bị stress, trầm cảm. Bởi vậy, tôi cùng các thành viên đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu, gặp mặt online bổ ích nhằm động viên, khích lệ nhau cùng vượt qua đại dịch...

Kỳ giãn cách kéo dài nên khiến tôi càng trân trọng những gì mình đang có và đặc biệt là quan tâm nhiều hơn đến những người thân xung quanh. Có những ngày tôi chỉ ngồi gọi điện, nhắn tin để biết những người thân yêu, người mình quen biết có bình an hay không.

Đợt dịch này cũng giúp vợ chồng tôi có cơ hội huy động chòm xóm cùng mình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Họ là những người thợ xây, phụ hồ, buôn bán phế liệu gần nơi tôi sống bị kẹt lại Thủ đô. Những túi quà lương thực được trao tận tay và tôi hạnh phúc khi nhận lại là những ánh mắt rạng rỡ niềm vui của bà con dân mình. Tình người sao mà ấm áp!

Thế nhưng có một điều tôi không ngờ tới đã xảy ra, khiến tôi thấm thía sự thật khủng khiếp của đại dịch này. Ông nội, người tôi yêu thương, tôn kính qua đời nhưng vì giãn cách nên tôi đã không thể về quê nhìn mặt ông lần cuối. Không chỉ là nỗi đau mất đi người thân mà còn là nỗi day dứt, bất lực khi không thể bên cạnh ông nói lời từ biệt.

Điều này, khiến tôi vô cùng cảm thương những ai có người thân qua đời vì Covid. Hậu quả khủng khiếp của đại dịch là cướp đi những giây phút bên nhau cuối đời của tình thân, là sự ra đi trong đơn độc của người mất và sự đau đớn tận cùng của người còn sống. Vậy nên, khi cuộc sống trở lại bình thường, việc chúng ta nên làm là yêu thương nhau nhiều hơn và nguyện cầu cho những ai đã chịu mất mát, thương đau có đủ nghị lực để vượt qua biến cố...

*Chia sẻ những ngày giãn cách của Đạo diễn Hoàng Lê Na

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật Thứ 5 (số 157)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhat-ky-gian-cach-nhung-ngay-yeu-thuong-a514990.html