+Aa-
    Zalo

    Nhiều cô gái phương Tây không dám về nhà vì sợ IS hành quyết

    ĐS&PL Sau khi gia nhập phiến quân IS, thiếu nữ người Pháp đã không thể trở về quê hương vì bị tên chỉ huy đe dọa hành quyết.
    Sau khi gia nhập phiến quân IS, thiếu nữ người Pháp đã không thể trở về quê hương vì bị tên chỉ huy đe dọa hành quyết.
    Foad, một tài xế xe tải người Pháp gốc Morocco, đi một mình xuyên Syria nhằm giải cứu cô em gái 15 tuổi khỏi một nhóm Hồi giáo cực đoan đang bắt giữ cô. Nhưng khi hai người gặp lại nhau, nước mắt giàn giụa, cô em gái lại nhất quyết không chịu về.
    Foad tin rằng em gái Nora của mình, mà theo lời anh kể là một cô gái yêu thích phim Disney trước khi đi Syria vào 1 buổi chiều tháng Giêng, đã ở lại vì bị tên chỉ huy của nhóm cô bé gia nhập đe dọa hành quyết.
    Cô nữ sinh Nora chỉ là một trong hàng chục cô gái châu Âu, nhiều người trạc tuổi Nora, đang sống trong các nhóm như thế này ở Syria.
    Nhiều cô gái phương Tây không dám về nhà vì sợ IS hành quyết

    Foad và người em gái của mình.

    Xu hướng mới này khiến cho nhiều chính phủ châu Âu phải lo lắng. Trước kia họ chủ yếu tập trung vào vấn đề các nam thanh niên gia nhập hàng ngũ tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) và các nhóm khủng bố khác.
    Trong số các cô gái trẻ nhất, có nhiều em bị lừa bởi những lời hứa đi làm công việc trợ giúp nhân đạo. Các bậc cha mẹ, người thân của các nạn nhân, cũng như các chuyên gia về cực đoan hóa cho biết, chỉ đến khi ở Syria họ mới phát hiện ra thân phận của mình: Bị ép cưới 1 chiến binh nào đó, phải tuân theo luật Hồi giáo hà khắc, phải sống trong cảnh bị theo dõi, và ít có hy vọng trở về nhà.
    Foad, 37 tuổi, nói với Reuters: “Khi nhìn thấy tôi vào phòng, con bé đã không thể kìm được nước mắt và ôm lấy tôi. Nhưng khi tôi hỏi "Em cùng về với anh chứ" thì con bé bắt đầu đập đầu vào tường rồi nói "Em không thể, không thể”.
    Foad yêu cầu không nêu tên đầy đủ của anh nhằm bảo vệ gia đình mình ở Pháp. Anh cho biết Nora có nói với anh rằng địa điểm đầu tiên mà cô đến là Aleppo. Foad không cung cấp thông tin về địa điểm cuộc gặp lần 2 do cảnh sát Pháp yêu cầu anh giữ kín các thông tin thích hợp cho quá trình điều tra.
    Foad có nghe lén được một cuộc hội thoại giữa em gái mình và viên tư lệnh phiến quân (viên chỉ huy này nói được tiếng Pháp). Trong cuộc hội thoại đó, viên tư lệnh cảnh cáo em gái anh không được bỏ đi. Nora đã liên tục yêu cầu qua điện thoại được giải cứu khỏi các chiến binh mà cô gọi là những kẻ đạo đức giả và những kẻ nói dối.
    Trong khi các chính phủ phương Tây tập trung vào hàng ngàn nam chiến binh Jihad tình nguyện sang Syria và Iraq, các quan chức an ninh châu Âu lại đang báo động về một dòng các nữ thanh niên - tuy số lượng ít nhưng ổn định - di chuyển sang các nước đó để tham gia thánh chiến.
    Các phụ nữ trẻ chiếm khoảng 10\% số người di chuyển sang các khu vực do người Hồi giáo chiếm giữ ở khu vực nói trên. Theo các quan chức chính phủ và các chuyên gia khủng bố, phụ nữ trẻ được xem là phần thưởng cho các chiến binh muốn cưới vợ.
    Những kẻ tuyển dụng là nữ giới trung niên thường nhắm tới những thanh thiếu niên phương Tây. Chúng vốn đa số ở ngay châu Âu, đã sử dụng truyền thông xã hội, điện thoại và các mối quan hệ bạn bè giả để thuyết phục các bạn tuổi teen sang làm công tác từ thiện ở vùng chiến sự. Một số bạn trẻ dễ dàng bị thuyết phục vì vốn đã thích tham gia thánh chiến.
    Nhiều cô gái phương Tây không dám về nhà vì sợ IS hành quyết

    Anh trai Nora nói về câu chuyện em gái bị dụ dỗ sang Syria.

    Một đoạn video do một phụ nữ ghi hình bí mật bên trong thành phố Raqqa do IS kiểm soát ở Syria và được phát vào tháng trước trên kênh France 2 đã phản ánh phần nào thực tế ở đó: Cảnh tượng phụ nữ đi lại trong trang phục burqa (chùm kín người) và một người đã bị cảnh sát Hồi giáo gọi lại do không che mặt đúng cách.
    Phụ nữ không trực tiếp tham gia chiến đấu (dù rằng một số người có tham gia lực lượng cảnh sát), nhưng nơi ở của họ gần với khu vực giao tranh và chịu nguy cơ hứng phải bom đạn từ các máy bay thuộc liên quân chống IS.
    Foad cho biết mọi liên lạc với em gái của mình đã bị cắt đứt kể từ lần anh thăm cô vào tháng 5.
    Dounia Bouzar, một nhà nhân khẩu học người Pháp phụ trách việc “cải tạo” lại các ứng viên Jihad nói: “Trong số các phụ nữ trẻ mà chúng tôi theo dõi, không ai trở về còn sống”.
    Bị giám sát chặt chẽ
    Cũng như nhiều em gái khác, trường hợp Nora theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan khiến cho gia đình cô bị sốc. Nora có cuộc sống hai mặt. Ở nhà cô tỏ ra chăm chỉ, nhạy cảm, và thậm chí tính tình còn khá trẻ con nữa. Nhưng đồng thời, cô sử dụng một máy điện thoại khác, tài khoản Facebook riêng và các bộ đồ Hồi giáo. Foad chỉ phát hiện ra những thứ này sau khi Nora biến mất.
    Foad cho biết: “Bạn bè con bé nói cho tôi về tài khoản Facebook thứ 2 của nó. Khi tôi kết nối, thì mọi thứ trở nên rõ ràng: Tài khoản đó đầy những lời kêu gọi thánh chiến, đầy những bức ảnh các đứa trẻ Syria bị tùng xẻo… Ba ngày sau chúng tôi nhận được một tin nhắn từ em tôi nói rằng nó đang ở Aleppo, rằng nó đang rất vui và được cho ăn uống đầy đủ như thể là đang ở Thế giới Disney”.
    Nguyện vọng đưa em gái về nhà đã mang Foad sang vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ở đó các tay súng IS đã tiếp nhận Foad rồi đưa anh tới thành phố mà anh không dám tiết lộ tên. Theo lời của Foad, thành phố này đầy những người nước ngoài, mỗi quốc tịch có một khu cung ứng riêng, trong đó có một khu hoàn toàn là nói tiếng Pháp.
    Em gái của Foad hiện sống với trợ lý thân cận của viên chỉ huy IS và chịu trách niệm trông nom con cái các chiến binh Jihad vào ban ngày. Nora trước đó đã thoát khỏi một cuộc hôn nhân cưỡng ép do một nhà tuyển binh người Pháp dàn xếp. Tay này đã trở về Pháp và bị bắt giữ.
    Foad cho biết em gái mình xác định được gã này là một người Pháp gốc Morocco và là cựu thành viên nhóm Hồi giáo al-Nusra. Y trở về Pháp hồi tháng 9và đang bị điều tra do nhiều cáo buộc liên quan đến khủng bố.
    Nhiều cô gái phương Tây không dám về nhà vì sợ IS hành quyết

    Bố mẹ Sarah lo lắng khi biết con gái đã sang Syria.

    Cô con gái Sarah 17 tuổi của chị Severine Mehault ở miền bắc nước Pháp là một trường hợp khác. Sarah biến mất cách đây 6 tháng. Chị Mehault tin rằng con gái mình cũng bị giám sát chặt chẽ.
    Mehault nói: “Khi chúng tôi nói chuyện, mọi thứ luôn là: “Con khỏe, con có mọi thứ cần thiết, con sẽ không quay về nhà… Nhưng tôi biết ai đó đang lắng nghe, thậm chí là viết gì đó ở ngay tại đó. Những lần mà nó ở một mình  thì giọng khác hẳn…”.
    Lần nói chuyện gần đây nhất của Mehault với con gái là vào ngày 27/9.
    Theo các chuyên gia an ninh, nhiều phụ nữ bị cực đoan hóa xuất thân từ các gia đình Hồi giáo ôn hòa. Nhưng cũng có các tình nguyện viên đến từ các gia đình vô thần, Công giáo và Do Thái, có thể là giàu hoặc nghèo, ở nông thôn hoặc đô thị.
    Chuyên gia Bouzar cho biết những kẻ tuyển binh dùng nhiều thủ đoạn và phương tiện khác nhau, như qua Facebook, chat chit trên trang hẹn hò…
    Theo chuyên gia này, một số phụ nữ nghĩ rằng mình đang yêu sau khi bị một số đàn ông tán tỉnh qua mạng hoặc điện thoại.
    Hans-Georg Maassen, người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa của Đức, cho biết nhiều phụ nữ đã sử dụng chiêu tình ái Jihad để lôi kéo các phụ nữ khác.
    Theo ông Hans-Georg Maassen, có 400 người Đức đã bỏ sang Syria, trong số này có 10\% là phụ nữ.
    Còn chuyên gia tình báo Magnus Ranstorp của Đại học Quốc phòng Thụy Điển thì cho biết, trong số 85 chiến binh Jihad rời bỏ Thụy Điển có tới 15-20 người là phụ nữ.
    “Họ muốn cưới những kẻ tử vì đạo”, Ranstorp nói. “Gần như ai cũng bị ám ảnh về thiên đường và cuộc sống sau cái chết… Cái chết có ý nghĩa nhiều hơn là sự sống… Phụ nữ cũng được sùng bái. Khi trở thành góa phụ, một phụ nữ sẽ trở thành thầy của các phụ nữ trẻ tuổi hơn và có vị thế hơn”.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-co-gai-phuong-tay-khong-dam-ve-nha-vi-so-is-hanh-quyet-a55151.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan