Nhiều đàn ông Trung Quốc lựa chọn sống độc thân vì không đủ tiền cưới vợ


Chủ nhật, 26/02/2017 | 08:00


Ở các vùng nông thôn Trung Quốc, nhiều đàn ông cho dù có ý trung nhân nhưng cũng không đủ khả năng để cưới về nhà.

Ở các vùng nông thôn Trung Quốc, nhiều đàn ông cho dù có ý trung nhân nhưng cũng không đủ khả năng để cưới về nhà.

Trong nhiều thập kỷ qua, gia đình của chú rể chỉ cần nộp sính lễ là TV màu, máy giặt và tủ lạnh là đủ để được phép kết hôn. Nhưng ngày nay, gia đình của cô dâu khó bị đả động hơn nhiều.

Ở những tỉnh như Hà Bắc, Sơn Tây, Nội Mông, Tân Cương và tỉnh Cam Túc, giá trung bình cho một cô dâu lên tới 200.000 NDT (680 triệu đồng), tức là tăng gấp 3 lần chỉ trong vài năm ngắn ngủi so với trước. Đó là còn chưa kể đến xe ô tô, căn hộ và đồ trang sức mà họ phải tặng thêm vào trong nhiều nghi thức khác nhau.

Số lượng các làng ế vợ tăng nhanh ở nhiều vùng của Trung Quốc.

Tờ Thời báo Nhân Dân Trung Quốc nhận xét: "Ở những nơi càng nghèo, giá cô dâu lại càng cao”. Điều này đã tạo thành những "làng đàn ông ế vợ" ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc. Ở đó những người đàn ông phải cạnh tranh nhau để có thể cưới được các cô gái chưa chồng hiếm hoi còn sót lại tại những khu có kinh tế khó khăn.

Mạng xã hội Weibo đã đăng một bài viết của trang thông tin Kankanews kể về một thanh niên 24 tuổi sống ở vùng nông thôn tỉnh Cam Túc. Anh này cho hay mình đã tìm kiếm người bạn đời trong suốt 7 năm trời cuối cùng mới tìm thấy một cô gái thích hợp. Tuy nhiên khi đưa ra đề nghị cưới hỏi, gia đình cô gái đòi 180.000 NDT trong khi anh chỉ lo được có 120.000 NDT. Vì lý do như vậy nên đám cưới đã không thành.

Theo những số liệu mới nhất, dân số Trung Quốc hiện có tới 33.590.000 đàn ông nhiều hơn phụ nữ, đây là một sự chênh lệch có nguyên nhân từ những vụ phá thai lựa chọn giới tính hay giết hại trẻ sơ sinh, phản ứng phụ của chính sách 1 con ở nước này.

Để giúp lấp đầy khoảng cách chênh lệch giới tính, nạn buôn bán và bắt cóc người đang bùng nổ. Các nhóm tội phạm đã bắt cóc phụ nữ từ các nước láng giềng như Việt Nam, Campuchia để bán họ làm vợ cho những người đàn ông ở các vùng nông thôn Trung Quốc.

Trước tình hình đó, đã có những giải pháp khác nhau được đưa ra để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học này. Trong năm 2015, một giáo sư Đại học Chiết Giang đề xuất đến việc những người có thu nhập thấp nên chọn cách chung vợ, như vậy gánh nặng tài chính cần thiết sẽ được san sẻ bớt và họ sẽ có thể có cơ hội được lập gia đình.

Theo SH

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-dan-ong-trung-quoc-lua-chon-song-doc-than-vi-khong-du-tien-cuoi-vo-a182239.html