+Aa-
    Zalo

    Nhiều dịch bệnh ồ ạt bùng phát tại TP. HCM

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ngoài dịch sốt xuất huyết, TP HCM tiếp tục đối phó với sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt phát ban, quai bị.

    (ĐSPL) - Ngoài dịch sốt xuất huyết, TP HCM tiếp tục đối phó với sự gia tăng của các bệnh truyền nhiễm khác như tay chân miệng, sốt phát ban, quai bị.

    Chùm thủy đậu xuất hiện tại trường học

    Công an TP. HCM đưa tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, số ca sốt xuất huyết nhập viện đến hết tuần qua là 9.357, tăng 72\% so với cùng kỳ năm 2014.

    Trung tâm Y tế dự phòng cảnh báo, sốt xuất huyết tiếp tục chiều hướng gia tăng, lan rộng. Đến thời điểm này TP có 3 ca tử vong do sốt xuất huyết.

    Bên cạnh sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng bùng phát. Đến nay, toàn TP ghi nhận 274 ca mắc tay chân miệng, tăng 8\% so với tuần trước. Nếu tính số ca mắc của 4 tuần gần đây, đã tăng 72\% so với 4 tuần cùng kỳ năm trước. Năm nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh này.

    Dịch bệnh SXH gia tăng khiến bệnh viện quá tải.

    Đáng lo ngại, trong tuần vừa qua, xuất hiện 2 chùm ca bệnh thủy đậu bùng phát tại các trường học của thành phố vào ngày 15/9.

    Chùm ca bệnh thủy đậu thứ nhất bùng phát tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (phường Hiệp Thành, quận 12) với 19 học sinh tại 8 lớp mắc bệnh.

    Chùm ca bệnh thứ 2 xảy ra tại Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) với 4 học sinh mắc thủy đậu.

    Trung tâm Y tế dự phòng các quận đã tiến hành điều tra xử lý dịch tại trường học, cộng đồng, tiếp tục giám sát hàng ngày tại các trường học nói trên.

    Việt Nam xếp thứ 3 các quốc gia có sốt xuất huyết

    Theo ông Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, hiện có khoảng 3,9 tỷ người sống tại 30 quốc gia có sốt xuất huyết lưu hành. Hàng năm có khoảng 500.000 trường hợp mắc nặng phải nhập viện và 12.500 người trong số này đã tử vong do sốt xuất huyết (chiếm tỷ lệ 2,5\%).

    "Tại Việt Nam, số ca mắc sốt xuất huyết trung bình luôn cao thứ 3 trong số 30 quốc gia có sốt xuất huyết. Nước ta có đủ 4 type virus gây sốt xuất huyết lưu hành", ông Hữu cho biết.

    Riêng tại khu vực phía Nam, số ca mắc sốt xuất huyết chiếm 77,8\% tổng số ca mắc và chiếm 95\% tổng số ca tử vong của cả nước trong năm vừa qua.

    Đáng lưu ý, tại miền Nam, còn có sự dịch chuyển độ tuổi mắc bệnh từ trẻ em sang người lớn. Tỷ lệ người lớn mắc sốt xuất huyết đã tăng đều qua các năm tại miền Nam.

    Năm 2014, số người lớn mắc sốt xuất huyết đã chiếm 44\% tổng số bệnh nhân. Như thế, hiện số người lớn mắc sốt xuất huyết đã tăng hơn gấp đôi so với mốc năm 1999 và tăng hơn 5 lần so với 1990.

    Cùng với sự gia tăng về độ tuổi mắc bệnh, còn có dấu hiệu chuyển dịch sang khu vực đô thị, công nghiệp, từ khu vực Tây Nam Bộ sang Đông Nam Bộ.

    Nhà cao tầng vẫn có thể là ổ muỗi gây dịch bệnh

    Nhiều người nghĩ, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết chỉ có thể sống ở nơi ao tù, nước đọng, môi trường ô nhiễm. Thế nhưng, nhà cao tầng và chung cư cao tầng vẫn có thể là “ổ” muỗi gây dịch bệnh.

    Trao đổi với Báo GĐ&XH, TS Nguyễn Công Tảo – nguyên Trưởng khoa Xử lý dịch bệnh Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, không ít người nghĩ, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue chỉ sinh sản và gây bệnh SXH ở môi trường ao tù, nước đọng.

    Còn ở các khu vực nội thành, sống trên các tòa nhà cao tầng, chung cư cao tầng không có muỗi vằn gây bệnh SXH. Bởi vậy, họ thường chủ quan không mắc màn khi đi ngủ. Đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm" ông Tảo cho biết thêm.

    Cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh.

    Cũng theo ông Tảo, mặc dù nguy cơ bị SXH ở nhà chung cư cao tầng ít hơn nhà mặt đất, khu nhà trọ nhưng không phải là không có. Loại muỗi vằn truyền bệnh SXH thường sinh sống ở trong nhà và đẻ trứng sinh ra bọ gậy/lăng quăng tại những khu vực có chứa nước trong nhà như: Lọ hoa để trên bàn thờ, các dụng cụ kê chân chạn cho khỏi kiến, chậu hoa, cây cảnh chứa nước và các dụng cụ phế thải xung quanh nhà như vỏ chai lọ, lốp cao su, gáo dừa, chum vại... chứa nước mưa lâu ngày trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can.

    Đặc biệt, trứng muỗi còn có đặc điểm bám vào thành chum vại có thể tồn tại đến 6 tháng để khô, chỉ cần khi có nước thì lập tức trứng đó phát triển thành lăng quăng rồi hình thành muỗi. Chính vì vậy mà ngay cả những nhà cao tầng, chung cư cao tầng vẫn có thể là “ổ” muỗi gây dịch bệnh khi có các dụng cụ chứa nước là muỗi có khả năng sinh sản và phát triển.

    Tại buổi họp báo cung cấp thông tin phòng chống dịch mới đây, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đặc điểm của muỗi truyền bệnh SXH thường đẻ ở những nơi có nước trong, chứ không có đẻ nơi nước bẩn, cống rãnh. Hơn nữa, việc phun hóa chất diệt muỗi cũng chưa bao phủ được mọi hộ gia đình, tất cả các tầng, phòng trong nhà, nhất là các phòng ở trên tầng cao vẫn gây ra nguy cơ mắc SXH Dengue.

    Bởi trong cùng một khu vực nếu còn một số hộ không phun hóa chất diệt muỗi thì muỗi từ những hộ này vẫn sinh sôi nảy nở, bay sang các hộ bên cạnh lây truyền bệnh. Thậm chí, muỗi SXH sống từ tầng trệt đến tầng thượng, chung cư cao đến 12 tầng vẫn có, vì thế phun hóa chất cho tất cả các tầng rất quan trọng.

    Ông Phu nhận định, muỗi truyền bệnh SXH có khả năng sinh sản mạnh và phát triển vào mùa mưa. Thường cứ vào mùa mưa, dịch SXH lại có chiều hướng gia tăng, phát triển mạnh từ tháng 4 - 10 và đỉnh dịch từ tháng 8 - 10. Đây là thời điểm lý tưởng cho muỗi truyền SXH sinh sôi, gây bệnh.

    Các cách chống muỗi hiệu quả

    Theo các chuyên gia, môi trường là nguyên nhân cơ bản để muỗi bùng phát. Để diệt muỗi hiệu quả, mọi người cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, loại bỏ những nơi muỗi có thể trú ngụ.

    Nước là môi trường để muỗi đẻ trứng nên cần vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, dụng cụ chứa nước lâu ngày như lọ hoa, cây phát lộc, bát nước, phi vại… để loại bỏ các ổ bọ gậy/lăng quăng sinh muỗi truyền SXH.

    Thả cá vào bể nước để cá ăn lăng quăng, thay nước thường xuyên, cọ rửa để diệt nơi trứng muỗi sinh sôi. Không có lăng quăng, không có muỗi vằn sẽ không có bệnh SXH vì không có vật trung gian truyền bệnh. Ngoài ra, mắc màn, mặc quần áo dài.

    Người dân nên mặc những trang phục màu trắng hay có gam màu nhẹ sẽ không gây chú ý đối với côn trùng để phòng muỗi đốt. Trồng một số cây chống muỗi như húng thơm, cây sả… hoặc nếu có điều kiện nên lắp các thiết bị cửa lưới chống muỗi. Tại các điểm tích nước trong nhà như kệ kê chân giường, lọ hoa… người dân nên cho muối vào trong đó. Khi muỗi đẻ trứng vào đó cũng không nở được mà muối có thể diệt được lăng quăng.

    Cũng theo chuyên gia, hiện thị trường có nhiều sản phẩm quảng cáo diệt muỗi hiệu quả và không gây hại như kem, đèn chống muỗi, máy đuổi muỗi.

    Các chuyên gia khuyên, để phòng tránh muỗi, người dân có thể dùng hương muỗi hay thuốc xịt muỗi đã được Bộ Y tế cấp giấy phép và làm đúng hướng dẫn khi sử dụng sản phẩm. Nên đốt trong nhà khi mọi người đi vắng, sau khoảng 2 – 3 tiếng mới vào nhà trở lại. Các sản phẩm bôi trực tiếp vào da cần bôi thử trước khi dùng để tránh kích ứng, chọn sản phẩm có uy tín, chất lượng và đã được công bố tiêu chuẩn chất lượng của cơ quan y tế.

    Với những loại thuốc xịt muỗi không đảm bảo chất lượng chỉ làm muỗi ngã gục một thời gian chứ không thể chết. Vì vậy, sau khi dùng thuốc xịt muỗi cần quét và gom lại để đốt, tránh tình trạng muỗi sống lại và bay đi.

    Việc phun hóa chất chỉ được chỉ định phun khi có dịch, không nên tự ý phun hóa chất diệt muỗi. Hóa chất nào cũng có chất độc hại, ngay cả những hóa chất diệt côn trùng được cấp chứng nhận về độ an toàn, tiếp xúc thường xuyên cũng không có lợi cho sức khỏe. 

    Đức An(Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]DkmO1QTT0Y[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-dich-benh-o-at-bung-phat-tai-tp-hcm-a111681.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.