+Aa-
    Zalo

    Nhiều họa sĩ sao chép cả tranh của… chính mình! (Kỳ 2)

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều người băn khoăn, phải chăng chính những họa sĩ “vẽ chui” là người góp phần tạo nên tình trạng mất kiểm soát của thị trường tranh như hiện tại?

    Nhiều người băn khoăn, phải chăng chính những họa sĩ “vẽ chui” là người góp phần tạo nên tình trạng mất kiểm soát của thị trường tranh như hiện tại?

    Sự cộng sinh giữa phòng tranh và họa sĩ “vườn”

    Dạo quanh các phố bán tranh, chúng ta có thể dễ dàng tìm được tranh của những họa sĩ đương đại nổi tiếng ở Việt Nam với đủ các chất liệu như: Sơn dầu, sơn mài, lụa, tranh in, khắc, tổng hợp... Họa sĩ Lê Đạt cho biết, các phòng tranh tại Hà Nội thường phân loại theo các tiêu chí cụ thể như: Những bức tranh được tiêu thụ nhiều nhất, chia theo giá bán và dòng tranh “kén” người mua.

    Theo đó, người ta vẫn hay nhắc đến “tứ tử trình làng” ở tranh hội họa giá vẽ gồm: Thành Chương, Đỗ Quang Em, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, các họa sĩ này còn được coi như sự tiếp nối của “bộ tứ” Sáng, Nghiêm, Liên, Phái (Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái). Còn với, họa sĩ tranh in, là 4 nghệ sĩ Vũ Đình Tuấn, Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt và Trần Công Dũng.

    Giải trí - Nhiều họa sĩ sao chép cả tranh của… chính mình! (Kỳ 2)

    Khách xem tranh tại một phòng tranh ở Hà Nội. 

    Họa sĩ Lê Nam cho biết, các phòng có lượng tranh, nguồn hàng phong phú như vậy là nhờ sống “cộng sinh” với các họa sĩ “vườn”. Họa sĩ “vườn” là cụm từ để nói về những họa sĩ “nghiệp dư”, hay sinh viên mới ra trường làm nghề chép tranh.

    Họa sĩ Lê Nam kể, hồi mới tốt nghiệp trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, trong lúc chưa xin được việc làm, anh cũng từng đi... chép tranh thuê cho một số cửa hàng bán tranh ở Hà Nội.

    “Ở các cửa hàng này, không phải ai đến xin... chép tranh cũng được. Mà phải có người quen giới thiệu, hoặc có mối quan hệ với chủ cửa hàng mới được giao tranh để chép. Giá chép tranh dành cho sinh viên mới ra trường thường không cao từ 50.000 – 100.000 đồng với các tranh đơn giản và từ 200.000 – 300.000 đồng đối với những bức cầu kỳ hơn. Các cửa hàng này sẽ nắm bắt thị hiếu khách hàng mà giao tranh cho họa sĩ, chứ không phải mang tranh chép nào đến cũng được cửa hàng nhận” – họa sĩ Lê Nam cho biết.

    Giải trí - Nhiều họa sĩ sao chép cả tranh của… chính mình! (Kỳ 2) (Hình 2).

    Hoạ sĩ, nhà điêu khắc Phạm Sinh. 

    Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, họa sĩ – nhà điêu khắc Phạm Sinh cho biết: “Có một nghịch lý mà bất cứ ai nghe cũng phải lắc đầu, đó là nhiều họa sĩ sao chép cả tranh của chính mình. Khi họa sĩ vẽ một dòng tranh nào đó và nó được nhiều người mua thì các bức sau họ vẫn sẽ vẽ kiểu tương tự. Các họa sĩ khác cũng như vậy, khi thấy dòng tranh nào được bán được là sẽ vẽ theo xu thế ấy, phong cách ấy. Vì thế, ở Việt Nam, tính độc bản không có. Việc các phòng tranh chạy theo thị hiếu này đã làm cho tranh ở Việt Nam không còn tính sáng tạo nữa”.

    Họa sĩ Nguyễn Ngọc Cương cho biết: “Họa sĩ chép tranh cho các phòng tranh sẽ được trả tiền cao hơn các cửa hàng bình dân, từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng/bức. Để đạt mức thù lao này, người chép tranh cũng phải giao tranh với chất lượng tốt, hoặc các phòng tranh có thủ thuật riêng “hô biến” cho tranh chép. Với những bức tranh đã bị “hô biến”, họa sĩ có muốn nhận, đó là tranh của mình cũng không dễ. Ví dụ như, tranh gốc có 3 con thuyền, có mây bay, nhà tranh, ao cá thì ở tranh chép, phòng tranh yêu cầu họa sĩ vẽ 5 con thuyền, hai ngôi nhà tranh... Chỉ cần thay đổi như vậy, tranh đã khác rồi. Một số họa sĩ chỉ cần vẽ từ 5 – 6 bức mỗi tháng là cũng đã có mức thu nhập khá”.

    Cung cầu - cầu cung

    Chia sẻ về cách phân loại tranh hiện nay, họa sĩ  - nhà điêu khắc Phạm Sinh cho biết: “Cách đây  7 - 15 năm, các phòng tranh làm ăn rất phát đạt. Nhưng, giờ đây mọi chuyện đã trở nên khó khăn hơn. Sau năm 2008, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nghệ thuật cũng bị  “tuột” theo nền kinh tế, vì thế các phòng tranh cũng bị ảnh hưởng, khách hàng kén tranh và cũng cân nhắc hầu bao khi mua. Tôi cho rằng, đây chính là giai đoạn sàng lọc của ngành mỹ thuật, người nào lao động tử tế, có tầm vóc sẽ trụ lại được, còn ai làm ăn “lởm khởm” sẽ bị đào thải.

    Hiện nay, một số tranh gốc của các họa sĩ nổi tiếng như: Trần Lưu Hậu, Huy Hoàng, Nguyễn Phúc Lợi... vẫn được các tay “săn tranh” ở Việt Nam tìm mua, các phòng tranh chuyên nghiệp vẫn đặt tranh của các tác giả này để bán”.

    Giải trí - Nhiều họa sĩ sao chép cả tranh của… chính mình! (Kỳ 2) (Hình 3).

    Một bức tranh được cho là tranh nhái.

    Trả lời câu hỏi, vì sao nhiều họa sĩ nghiệp dư chọn việc chép tranh? Họa sĩ Nguyễn Giang cho biết: “Hiện nay, nhiều họa sĩ trẻ ra trường không tìm được việc làm. Một số phải học thêm 3D và kỹ thuật mới để về các công ty truyền thông, điện ảnh làm thiết kế đồ họa. Một số khác thì làm trái nghề. Số còn lại thì lấy vẽ  làm nghề và việc một số họa sĩ “vườn” nhận hợp đồng từ các phòng tranh để vẽ tranh chép không hiếm. Không riêng gì ở Việt Nam mà trên thế giới một số nước như Trung Quốc cũng có một số phòng tranh treo tranh chép của các họa sĩ nổi tiếng để bán.

    Tuy nhiên, việc này họ rất công khai. Họ công khai là tranh chép vì đã có ý kiến đồng thuận của tác giả tranh gốc. Điều này làm khách hàng không cảm thấy mình bị “lừa dối” khi không biết thông tin về bức tranh”.

    Giải trí - Nhiều họa sĩ sao chép cả tranh của… chính mình! (Kỳ 2) (Hình 4).
    Một hoạ sĩ đang miệt mài vẽ tranh tĩnh vật.

     Họa sĩ – nhà điêu khắc Phạm Sinh cho biết thêm: “Nhiều khách hàng cũng lạ lắm, họ có thể bỏ 1 tỷ đồng để mua một chiếc bồn tắm hiện đại, nhưng bỏ ra 100 triệu để mua một bức tranh treo ở phòng khách lại không có nhiều. Thay vào đó, họ đến phòng tranh và hỏi... tranh chép.

    Cũng khó trách được khách hàng, vì họ chưa có nhiều kiến thức về mỹ thuật, có thể trong thời gian tới, gu thưởng thức của khách hàng ở Việt Nam sẽ khác. Nhiều tỷ phú ở nước ngoài, khi đã có nhiều tiền họ sẽ quay lại tìm kiếm những tác phẩm nghệ thuật đích thực”.

    Người mua tranh làm sao để không bị “qua mặt”?

    Trả lời câu hỏi, làm thế nào để khách hàng không bị các cửa hàng “qua mặt”, mua những bức tranh chép đắt ngang ngửa tranh gốc? Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết: “Gần 20 năm nay, mỗi khi vẽ xong một bức nào đó, tôi đều dùng bút dạ để ký tên thêm ở mặt sau, bên cạnh chữ ký ở mặt trước. Khách hàng mua tranh của tôi đều có giấy chứng nhận bức tranh trong đó có: Tên tranh, kích cỡ, chất liệu, ảnh chụp... Tất  cả tranh của tôi đều đăng ký bản quyền qua một công ty luật lớn tại Việt Nam. Vì thế, nếu có nghi ngờ là đã có giấy tờ bản quyền chứng nhận ngay...”.

    Giải trí - Nhiều họa sĩ sao chép cả tranh của… chính mình! (Kỳ 2) (Hình 5).
    Hoạ sĩ Đặng Phương Việt.

    Họa sĩ Đặng Phương Việt cho biết: “Mỗi họa sĩ nên có một ký hiệu, mật mã riêng để khi nhìn vào tranh, biết ngay đâu là giả, đâu là thật. Nhiều năm nay, tôi đã tận dụng kỹ thuật để tranh không bị nhái như làm nhiều lớp màu rất kỹ với loại sơn dầu rất đặc biệt mà bên ngoài không thể có. Khi làm như vậy, tranh chép dù tinh vi đến đâu cũng không thể giống được tranh gốc.

    Mỗi khách hàng mua tranh của tôi đều có giấy chứng nhận riêng... Hơn nữa, khi mua tranh “chính chủ”, người mua nên tham khảo ý kiến những người có chuyên môn về mỹ thuật để tránh bị chủ cửa hàng tranh lừa gạt”.

    “Khách tìm đến mua tranh tại phòng tranh thường có hai cách tiếp cận: Thứ nhất là tiếng tăm của tác giả. Thứ hai là thông qua một đơn vị, đối tượng tư vấn. Danh tiếng của họa sĩ thường là “hữu xạ tự nhiên hương”, còn người tư vấn có thể do mối quan hệ cá nhân mà sẽ giới thiệu những họa sĩ không giỏi khiến người yêu tranh không mua được một tác phẩm như kỳ vọng.

    Có trường hợp, khách đến phòng tranh thông qua đơn vị tư vấn mà vẫn phải mua giả. Có điều này là do, khi phòng tranh thấy một dòng tranh bán được, họ sẽ thuê người vẽ hàng loạt những bức tranh như vậy, rồi ký hợp đồng với họa sĩ để họ ký tên vào những bức tranh nhái của chính mình“, họa sĩ – nhà điêu khắc Phạm Sinh chia sẻ.

    Lạc Thành

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 104

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-hoa-si-sao-chep-ca-tranh-cua-chinh-minh-ky-2-a200806.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan