Nhiều người mất tiền tỷ khi làm cộng tác viên trên sàn thương mại điện tử


Thứ 3, 15/03/2022 | 21:03


Cùng sự kiện

Nhiều người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới hàng trăm triệu vì nhận làm cộng tác viên bán hàng online trên không gian mạng.

Ngày 15/3, theo nguồn tin của Tiền Phong, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Gia Lai cho biết đang mở rộng điều tra nhóm lừa đảo mạo danh các sàn thương mại điện tử để chiếm đoạt tài sản.

Pháp luật - Nhiều người mất tiền tỷ khi làm cộng tác viên trên sàn thương mại điện tử
Chiêu trò tuyển cộng tác viên bán hàng online hưởng hoa hồng cao chỉ là trò lừa đảo. Ảnh minh họa

Theo thông tin ban đầu, khoảng tháng 2-3/2022, chị V.T.N.H (trú xã Chư Á), chị T.N.H (trú phường Yên Đỗ, cùng TP. Pleiku) và chị V.T.T.T (trú tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) vào facebook tìm các trang tuyển dụng để kiếm việc làm thêm online. Những người này thấy các trang quảng cáo có tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử lớn...

Theo hướng dẫn của bên tuyển dụng, công ty không yêu cầu mua hàng mà chỉ cần chuyển số tiền, vờ mua hàng cho công ty là hoàn thành nhiệm vụ. Khoảng 5-10 phút sau, công ty sẽ tự động chuyển lại số tiền hàng cùng với 3% - 20% “hoa hồng”. Mục đích được mô tả là “làm tăng lượt tương tác cho các mặt hàng trên các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam” cho công ty.

Một vài lần đầu, công ty chuyển trả lại toàn bộ số tiền gốc mà “nhân viên” bỏ ra mua hàng cùng với hoa hồng từ 3% - 20%. Khi nạn nhân bắt đầu tin tưởng, nhóm lừa đảo gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị vài triệu đến hàng chục triệu đồng như: đồ trang sức, mỹ phẩm, điện thoại, xe máy…

Cho tới khi nạn nhân chuyển số tiền lớn, người tự xưng của công ty “lặn mất tăm”. Với thủ đoạn trên, chị V.T.N.H bị lừa hơn 760 triệu đồng đồng, chị T.N.H bị lừa hơn 200 triệu đồng và chị V.T.T.T mất hơn 40 triệu đồng.

Không những vậy, tất cả các sim, số điện thoại đối tượng sử dụng đều là sim rác, tài khoản ngân hàng cũng là tài khoản rác được các đối tượng mua bán từ các hội, nhóm trên mạng xã hội; các trang facebook chúng lập ra cũng là giả mạo các trang bán hàng uy tín nhằm dẫn dụ, lừa đảo tài sản các nạn nhân.

Trước đó, báo Công thương cũng từng đưa tin, Công an thành phố Hà Nội cho biết, mới đây, cơ quan này đã nhận được đơn trình báo của chị N. (1993) ở quận Cầu Giấy. Theo đơn trình báo, chị N. nhận được lời mời làm cộng tác viên chạy quảng cáo cho các sàn thương mại điện tử Tiki, Shopee... Sau khi tham gia công việc, chị N. được hướng dẫn làm nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng để được hưởng tiền hoa hồng. Mỗi ngày có 7-15 nhiệm vụ với số tiền thưởng dao động từ 20 nghìn đến 50 nghìn đồng, tùy vào nhiệm vụ.

Chị N. đã thanh toán nhiều đơn hàng với tổng số tiền là gần 1 tỷ đồng và được hứa sẽ nhận tiền công khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng sau đó chị N. không nhận được tiền gốc và phần chiết khấu. Biết mình bị lừa, chị N. đã đến Công an phường Dịch Vọng Hậu trình báo sự việc.

Không chỉ ở Hà Nội, tại nhiều tỉnh thành cũng xảy ra tình trạng tương tự. Đơn cử như tại Lâm Đồng, Công an huyện Đơn Dương cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện nổi lên tình trạng nhiều người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới hàng trăm triệu vì nhận làm cộng tác viên bán hàng online trên không gian mạng.

Trên thực tế, chiêu trò lừa đảo thông qua những lời mời gọi dưới dạng tuyển cộng tác viên bán hàng online đã được cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, nhưng thời gian gần đây, chiêu bài này lại bắt đầu nở rộ trở lại. Nạn nhân thường là những bà mẹ “bỉm sữa”, người thất nghiệp, người muốn có thêm thu nhập…

Thủ đoạn của các đối tượng đó là mạo danh nhân viên của sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… rồi đăng tải thông tin quảng cáo tuyển nhân sự với những lời hứa hẹn làm việc ít, đơn giản, thu nhập cao.

Theo cơ quan công an, thủ đoạn chính, chủ yếu của loại hình lừa đảo dưới hình thức kêu gọi làm cộng tác viên bán hàng qua mạng này đánh vào lòng tham của bị hại, nạn nhân. Các đối tượng kêu gọi mức tiền đầu tư thấp, lãi cao, công việc nhẹ nhàng và mức lợi nhuận hấp dẫn để dẫn dụ. Các kịch bản, thủ đoạn dễ đi vào lòng người. Do vậy, người dân cần hết sức cảnh giác, bởi không có việc gì nhẹ nhàng, đầu tư ít tiền mà tạo ra siêu lợi nhuận.

Cơ quan công an cũng yêu cầu khi phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho lực lượng chức năng để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm.

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-nguoi-mat-tien-ty-khi-lam-cong-tac-vien-tren-san-thuong-mai-dien-tu-a531193.html