+Aa-
    Zalo

    Nhiều phụ nữ Hàn quốc lựa chọn đông lạnh trứng bởi chi phí nuôi con tăng cao

    • DSPL
    ĐS&PL Ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc đi đông lạnh trứng để trì hoãn việc làm mẹ do lo ngại các chi phí nuôi dạy trẻ cao.

    Chi phí nuôi dạy trẻ cao ngất ngưởng được cho là nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc lựa chọn đông lạnh trứng để trì hoãn việc sinh nở trong bối cảnh kinh tế suy thoái kéo dài và giá nhà đất tăng chóng mặt.

    sbepdufmefmqpdzzjbwsbtyewa
    Một nhân viên kiểm tra bể sinh học đông lạnh trứng trong phòng thí nghiệm Nghiên cứu khả năng sinh sản tại Trung tâm Sinh sản CHA ở Bundang, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

    Cô Lim Eun-young, một công chức 34 tuổi tại Hàn Quốc, chia sẻ rằng cô ấy vẫn chưa sẵn sàng để lập gia đình do chi phí nuôi con quá lớn. Tuy nhiên, cô lo lắng “đồng hồ sinh học” của mình đang hoạt động nên đã chọn đông lạnh trứng của mình vào tháng 11 năm ngoái.

    Cô Lim là một trong số khoảng 1.200 phụ nữ độc thân chưa kết hôn tại Hàn Quốc đã làm thủ thuật bảo quản đông lạnh tế bào trứng vào năm ngoái tại Trung tâm Y tế CHA - chuỗi phòng khám sinh sản lớn nhất Hàn Quốc.

    Sự gia tăng mạnh mẽ ở phụ nữ sử dụng dịch vụ của Trung tâm CHA đã giải tỏa đáng kể gánh nặng kinh tế cũng như các hạn chế xã hội gây ra vấn đề trì hoãn hoặc thậm chí từ bỏ việc sinh con của phụ nữ Hàn Quốc.

    Đông lạnh trứng để “câu giờ” sinh sản là một lựa chọn ngày càng được nhiều phụ nữ trên toàn thế giới tìm hiểu. Trước đó, tại Hàn Quốc, việc bảo quản tế bào trứng bằng phương pháp đông lạnh thường được áp dụng với những phụ nữ phải tiến hành phương pháp bức xạ trị liệu để điều trị ung thư và các căn bệnh khác nhằm đề phòng nguy cơ bị mất khả năng sinh sản sau điều trị.

    Tuy nhiên, ngày càng có nhiều phụ nữ Hàn Quốc có xu hướng kết hôn muộn để ưu tiên cho sự nghiệp và hệ quả của việc này là họ khó mang thai hơn sau khi kết hôn. Vì vậy, phụ nữ tại quốc gia này đã được phép bảo quản đông lạnh tế bào trứng nếu họ lo lắng sẽ bị giảm sút chức năng sinh sản vì tuổi tác và các vấn đề khác.

    tss3z3h2mzp5vn4e77gtme5pwm
    Quy trình làm việc kỹ càng trước khi đông lạnh trứng trong phòng thí nghiệm Nghiên cứu khả năng sinh sản tại Trung tâm Sinh sản Cha ở Bundang, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

    Hàn Quốc là nước duy nhất trong số 37 nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD) có tổng tỷ suất sinh dưới 1%. Kể từ năm 2018, tổng tỷ suất sinh trung bình ở các nước thành viên OECD là 1,63 con/phụ nữ.

    Năm 2021, chính phủ Hàn Quốc đã chi 46,7 nghìn tỷ won (hơn 800 nghìn tỷ VNĐ) để thúc đẩy các chính sách nhằm giải quyết tỷ lệ sinh thấp của đất nước. Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc liên tiếp tung gói hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích người dân sinh con, nhưng hiệu quả của các chính sách này lại không như ý muốn.

    Phần lớn nguyên nhân cho việc Hàn Quốc không muốn có con là do hệ thống giáo dục có tính cạnh tranh cao và đắt đỏ khiến cho các trường luyện thi và dạy thêm trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hầu hết trẻ em Hàn Quốc từ khi còn nhỏ.

    Cô Lim tâm sự: “Chúng tôi nghe từ các cặp vợ chồng đã kết hôn và xem các chương trình truyền hình thực tế về việc nuôi dạy con cái tốn kém như thế nào về chi phí giáo dục và mọi thứ, và tất cả những lo lắng này dẫn đến việc ít kết hôn và sinh con hơn”.

    dtter4bpmril5lsbi5eawlhe44
    Cô Lim Eun-young, một bệnh nhân tại Trung tâm Sinh sản Cha, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Reuters tại phòng khám, ở Bundang, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

    Chi phí nhà ở cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ Hàn Quốc không muốn sinh con. Hiện nay, một căn hộ trung bình ở Seoul có giá ước tính bằng 19 năm thu nhập hộ gia đình trung bình hàng năm của Hàn Quốc, tăng so với 11 năm vào năm 2017.

    Cô Cho So-Young, một y tá 32 tuổi tại CHA, người dự định đông lạnh trứng của mình vào tháng 7 tới đây, mong muốn sẽ có được nơi ở tốt hơn trước khi có con. "Nếu bây giờ tôi kết hôn và sinh con, tôi không thể cho con tôi môi trường như tôi đã có khi lớn lên. Tôi muốn có nhà ở tốt hơn, khu phố tốt hơn và thức ăn ngon hơn để ăn", cô nói.

    Giáo sư Jung Jae-hoon- nghiên cứu viên phúc lợi xã hội tại Đại học Phụ nữ Seoul, lưu ý rằng hôn nhân ở Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 192.500 vào năm 2021. Con số này giảm khoảng 40% so với một thập kỷ trước. Ngay cả khi xem xét mức độ kết hôn vào năm 2019 để giảm bớt ảnh hưởng của đại dịch, thì mức suy giảm vẫn là 27% rất lớn.

    Ông chia sẻ: “Điều ít nhất mà chính phủ có thể làm là không cản đường những người sẵn sàng gánh vác gánh nặng tài chính khi sinh con”.

    Trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, phụ nữ thường phải chọn giữa lập gia đình hoặc công việc. Kết quả là họ có xu hướng sinh con muộn hơn, ít hơn và thậm chí không sinh con. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2020 của Bộ Gia đình và Giới tính Hàn Quốc, khoảng 52% người dân nước này ở độ tuổi 20 không có kế hoạch sinh con khi họ kết hôn, mức tăng vọt so với 29% vào năm 2015.

    “Đồng hồ sinh học” ở phụ nữ đề cập đến thực tế là việc mang thai sau này thường khó khăn hơn. Có bằng chứng khoa học đáng tin cậy cho thấy số lượng và chất lượng của trứng ở phụ nữ sẽ suy giảm khi họ già đi. Nhưng ý tưởng về đồng hồ sinh học cũng tượng trưng cho cảm giác áp lực tâm lý mà một người phụ nữ có thể cảm thấy khi chưa có con ở một độ tuổi nhất định.

    Trang Lê (Theo Reuters)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-phu-nu-han-quoc-lua-chon-dong-lanh-trung-boi-chi-phi-nuoi-con-tang-cao-a537431.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan