+Aa-
    Zalo

    Nhiều ý kiến quanh việc Nhật Bản diễn giải lại hiến pháp

    • DSPL
    ĐS&PL Phía Mỹ cho rằng, động thái này của Nhật Bản là biểu hiện của sự chín muồi trong mối quan hệ đồng minh giữa 2 nước.
    Phía Mỹ cho rằng, động thái này của Nhật Bản là biểu hiện của sự chín muồi trong mối quan hệ đồng minh giữa 2 nước.
    Ngày 1/7, Mỹ đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ và hoan nghênh Nhật Bản giải thích lại bản Hiến pháp hòa bình, mở rộng vai trò của quân đội nước này. Phía Mỹ cho rằng, đây là bước đi quan trọng giúp Tokyo đóng góp nhiều hơn cho an ninh, hòa bình ổn định trong khu vực và thế giới.
    Nhiều ý kiến quanh việc Nhật Bản diễn giải lại Hiến pháp

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho rằng việc Nhật Bản điều chỉnh Hiến pháp sẽ làm liên minh Mỹ - Nhật trở nên hiệu quả hơn (Ảnh: AP).

    AFP dẫn lời phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Marie Harf cho hay:"Chúng tôi theo dõi sát sao và dành sự quan tâm đặc biệt tới quá trình thảo luận của Nhật Bản về việc tham gia phòng vệ tập thể theo Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chúng tôi hoan nghênh chính sách mới về phòng vệ tập thể và vấn đề an ninh liên quan của Nhật Bản".

    Bà Harf cho biết thêm, liên minh Mỹ - Nhật Bản là "một trong những mối quan hệ an ninh quan trọng nhất" với Washington và Mỹ luôn coi trọng những nỗ lực của Tokyo nhằm tăng cường khả năng hợp tác an ninh giữa hai nước.

    Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã hoan nghênh quyết định trên của Tokyo và cho rằng, điều này sẽ làm liên minh Mỹ - Nhật trở nên hiệu quả hơn.

    Về phần mình, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama “rất ủng hộ” quyết định của Chính phủ Nhật Bản. Ông Obama gọi đây là biểu hiện của sự chín muồi trong mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật. Tuy nhiên, ông Rhodes khuyên Nhật Bản nên "hoàn toàn minh bạch" về chính sách mới và "phải bày tỏ rõ ràng những mục tiêu mà họ hướng đến".

    Trung Quốc, nước được cho là quan tâm nhất đến những thay đổi trong chính sách của Nhật Bản cũng đã có những phản ứng đầu tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, Nhật Bản nên tính tới lợi ích của các nước láng giềng khi thông qua các quyết định về quốc phòng và an ninh.

    Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi nói: "Chúng tôi phản đối hành động Nhật Bản cố ý thêu dệt về mối đe dọa từ Trung Quốc hòng phục vụ cho các mục đích chính trị trong nước".

    Ông Hồng Lỗi cũng cảnh báo rằng, bất chấp việc nước này thay đổi cách diễn giải đối với bản Hiến pháp như thế nào, Tokyo "không được xâm phạm chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc cũng như phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực".

    Truyền thông Trung Quốc có phần gay gắt hơn, bài xã luận đăng tải trên Tân Hoa xã cho rằng, việc Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe bất chấp sự phản đối kịch liệt của dư luận trong nước để diễn giải lại bản Hiến pháp hòa bình có thể hủy hoại tư tưởng dân chủ.

    Bài bình luận nhận định: "Động thái sửa đổi để quân đội Nhật Bản có thể tham chiến tại các điểm nóng là vi phạm nghiêm trọng tinh thần của Hiến pháp hòa bình hiện hành của Nhật Bản… Chủ trương của ông Abe sẽ thay đổi quan điểm quốc phòng của Nhật Bản từ sau Thế chiến II và có thể kéo đất nước này vào những xung đột đẫm máu trong tương lai".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhieu-y-kien-quanh-viec-nhat-ban-dien-giai-lai-hien-phap-a39201.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan