Nhìn lại hành trình 18 năm lãnh đạo nước Nga của Tổng thống Putin


Thứ 2, 19/03/2018 | 07:48


Cùng sự kiện

Suốt 18 năm qua, ông Vladimir Putin đã thành công khi đưa nước Nga trở thành một quốc gia lớn mạnh, đồng thời thay đổi góp phần thay đổi cục diện thế giới.

Suốt 18 năm qua, ông Vladimir Putin đã thành công khi đưa nước Nga trở thành một quốc gia lớn mạnh, đồng thời thay đổi góp phần thay đổi cục diện thế giới.

Thay đổi đất nước, thay đổi thế giới

Kết quả sơ bộ Bầu cử Tổng thống Nga đã được Ủy ban bầu cử Trung ương Nga thông báo với chiến thắng áp đảo thuộc về ông Vladimir Putin với hơn 70% số phiếu bầu. Ông Putin dự kiến ​​sẽ tiếp tục có những sự thay đổi trong việc tìm cách tái thiết Nga trở thành một cường quốc toàn cầu.

Trong một buổi họp báo đêm khuya trên truyền hình, khi được hỏi liệu ông có lên kế hoạch thay đổi Hiến pháp để tiếp tục lãnh đạo đất nước sau năm 2024 hay không, nhà lãnh đạo Nga nói rằng đó thật sự là câu hỏi kỳ quái. Ông Putin khẳng định mình không thể làm Tổng thống đến năm 100 tuổi được.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, cuộc bỏ phiếu diễn ra tương tự như một cuộc trưng cầu dân ý hơn là bầu cử chính trị. Tuy nhiên, không ai có thể hoài nghi uy tín của ông Putin với người dân Nga. Hình ảnh của ông và khẩu hiệu chiến dịch "Tổng thống mạnh mẽ, nước Nga hùng mạnh" đã phủ kín quốc gia này.

Ông Putin tái đắc cử Tổng thống Nga với số phiếu áp đảo. Ảnh: Getty

Ông Vitaly T. Tretyakov, Trưởng khoa Báo chí Truyền hình tại Đại học Lomonosov Moscow State, sau khi bỏ phiếu tại Trạm kiểm soát số 148, cho biết: "Ông ấy (Vladimir Putin) là một chính trị gia, một Tổng thống mạnh mẽ, người đã dẫn dắt nước Nga tái sinh”.

Trong quá khứ, khoảng vài ngày trước khi được bầu vào ghế Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử năm 2000, ông Putin nói với BBC rằng Nga là "một phần của văn hoá châu Âu" và rằng ông "sẽ không loại trừ khả năng tham gia NATO”.

"Tôi không thể tưởng tượng được viễn cảnh nước Nga cô lập khỏi châu Âu và cái mà chúng ta vẫn gọi là một thế giới văn minh", ông Putin nói, thời điểm này ông còn giữ chức tổng thống tạm quyền sau khi ông Boris Yeltsin từ chức vào đêm giao thừa năm 2000.

Thế nhưng, gần 2 thập kỷ sau đó, gần 18 năm cầm quyền trôi qua, ông Putin đã đưa nước Nga đã thay đổi vượt trội, xóa bỏ hoàn toàn sự hỗn loạn dưới thời Yeltsin. Trên bình diện quốc tế, mặc dù Nga vẫn đang phải đối mặt với sự cô lập, trừng phạt kinh tế song vị thế của Nga đã hoàn toàn khác đi, trở thành đối trọng chính của Mỹ. Ở trong nước, bất chấp suy giảm kinh tế, tỷ lệ ủng hộ ông Putin vẫn ở mức cao ngất ngưởng, hơn 80% vào cuối năm 2017.

Cho dù có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến quá trình cầm quyền của Vladimir Putin, thật khó để phủ nhận rằng ông đã có những ảnh hưởng rất lớn đến đất nước và thế giới.

Đối trọng với NATO

Nga trở thành đối trọng với NATO trong những năm gần đây. Ảnh: Getty

Dưới thời Yeltsin, người Nga theo đuổi chính sách hợp tác miễn cưỡng với NATO. Tuy nhiên, kể từ cuộc phỏng vấn đầu tiên của trên cương vị Tổng thống Nga với BBC, ông Putin nhấn mạnh rằng sự mở rộng về phía Đông của NATO là một mối đe dọa đối với đất nước ông. Bây giờ Moscow cuối cùng cũng đã có cơ chế quân sự để đẩy đáp trả các động thái của NATO.

Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của mình, ông Putin đã cải cách mạnh mẽ bộ máy quân sự. Năm 2015, nước Nga chi 81 tỷ USD cho hệ thống phòng ngự quân đội, chiếm nhiều phần trăm tỷ trọng GDP của quốc gia hơn cả Mỹ.

Cải cách kinh tế

Khi ông Putin nhậm chức Tổng thống, Nga chỉ mới bắt đầu phục hồi từ cuộc cải cách thị trường sai lầm trong những năm 1990 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Tổng thống mới có tầm nhìn kinh tế vĩ đại: trong khi cắt giảm thuế để có lợi cho kinh doanh, ông Putin cũng đã tái hợp các ngành then chốt như dầu mỏ. Năng suất, sản lượng và giá dầu tăng trong hoạt động xuất khẩu đã giúp mở ra kỷ nguyên thịnh vượng chưa từng thấy với thu nhập thực tế tăng gấp đôi từ năm 1999 - 2006.

Trước khi ông Putin lên nắm quyền, GDP quy đổi theo sức mua tương đương bình quân đầu người của Nga là 9.889 USD. Đến năm 2017, chỉ số này đã tăng gần gấp ba, lên đến 28.000 USD, cao nhất trong số Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Quốc gia đứng thứ 2 là Trung Quốc chỉ đạt 16.624 USD.

Tăng trưởng dân số

Ông Putin thúc đẩy kinh tế, quân sự của đất nước, đồng thời quan tâm đến chính sách dân số nhằm trẻ hóa quốc gia. Ảnh: Getty

Nga là quốc gia có dân số khoảng 150 triệu người vào thời điểm Liên Xô sụp đổ. Trong nhiều năm sau đó, dân số Nga già hóa nhanh đến mức báo động, giảm khoảng 1 triệu người mỗi năm, chủ yếu là do tâm lý không muốn sinh con hoặc có nhiều nam giới tử vong sớm.

Tuy vậy, đến năm 2010, dân số bắt đầu tăng trở lại. Bí mật của sự thay đổi này phần lớn liên quan đến kinh tế: khi tình hình tài chính được cải thiện dưới thời ông Putin, người Nga bắt đầu có thêm con. Theo thống kê hiện tại, tính đến tháng 3/2018, dân số Nga là 143.991.012 người, chiếm 1,91% dân số toàn thế giới.

Xoay trục sang châu Á

Trong những năm gần đây, chính phủ Tổng thống Nga Putin đã chuyển sang hợp tác kinh tế và quân sự với các nước châu Á, chủ yếu là những nước đang phát triển.

Năm 2014, Nga và Trung Quốc đạt thỏa thuận mua bán khí đốt tự nhiên trong vòng 30 năm trị giá hơn 400 tỷ USD. Sau khi mối quan hệ với phương Tây căng thẳng vì khủng hoảng Ukraine, Nga tập trung vào việc khai thác thị trường Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế. Dự kiến đến năm 2020, Trung Quốc sẽ tiêu thụ của Nga khoảng 420 tỷ mét khối khí đốt một năm.

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức tập trận chung. Moscow tăng cường hoạt động xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia châu Á. Thậm chí, công nghệ đường sắt của Nga cũng được bán cho Triều Tiên.

Tổng thống Putin đẩy mạnh quan hệ hợp tác với châu Á. Ảnh: Getty

Một thế giới đa cực

Trong giai đoạn 2001 - 2009, thế giới xuất hiện trật tự mới: Nhất siêu (Mỹ), đa cường, đa trung tâm. Giai đoạn này, Nga đang từng bước phục hồi, lấy lại vị thế kinh tế và chính trị sau thời kỳ chiến tranh lạnh với Mỹ. Vào những năm đầu thế kỷ XXI, Mỹ và Nga đã thiết lập một mối quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh, vừa kiềm chế, vừa chống nhau quyết liệt, kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Tầm nhìn trong các chính sách ngoại giao của ông Putin là cùng với Trung Quốc trở thành các cực đối lập với phương Tây, cân bằng về mặt quân sự và chính trị với Mỹ. Quan điểm của ông Putin thể hiện qua vai trò của Nga trong cuộc chiến Iraq và Afghanistan, lập trường của ông về cuộc nội chiến Syria và sự ủng hộ vững chắc cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad khiến Mỹ cũng các đồng minh điêu đứng.

Quân đội

Khi mới lên nắm quyền, Vladimir Putin thừa hưởng một đội quân không phù hợp với mục đích. Trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, ông đã lên kế hoạch cải cách đội quân lỗi thời - một quá trình chỉ được đẩy nhanh sau chiến thắng của Nga trong cuộc chiến tranh Gruzia. Nga hiện đang dành nhiều chi phí cho quốc phòng hơn Mỹ, đạt kỷ lục 81 tỷ USD vào năm 2015.

Vừa qua, Tổng thống Putin cũng có những tuyên bố gây chú ý về kho vũ khí siêu khủng, giúp Nga tự tin đứng trước bất kỳ đối thủ nào khi xảy ra các cuộc xung đột trong tương lai. Theo bảng xếp hạng sức mạnh quân sự năm 2017 của trang Hỏa lực Toàn cầu (Global Fire Power), Nga đứng vị trí thứ 2, ngay sau Mỹ.

PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo Guardian, RT, NYTimes)
 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhin-lai-hanh-trinh-18-nam-lanh-dao-nuoc-nga-cua-tong-thong-putin-a223017.html