+Aa-
    Zalo

    Nhớ Nhà báo, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu: Người học trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một tâm hồn yêu thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh

    • DSPL
    ĐS&PL Chiều ngày 09/7/2019 nhận được tin, Đại tá, nhà báo Nguyễn Ngọc Châu quy tiên về với cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 97 tuổi. Thật bàng hoàng thương nhớ cụ biết bao...!

    (ĐS&PL) Chiều ngày 09/7/2019 nhận được tin, Đại tá, nhà báo Nguyễn Ngọc Châu quy tiên về với cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 97 tuổi. Thật bàng hoàng thương nhớ cụ biết bao...!

    Trước đó 02 ngày, tình cờ lấy tấm ảnh chụp cùng Đại tá, Nhà báo Nguyễn Ngọc Châu, Giáo sư Vũ Khiêu năm 2003 và đọc lại những tư liệu về cụ, tôi bồi hồi nhớ những kỷ niệm xưa về cụ, một người học trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một tâm hồn 30 năm trọn nghĩa vẹn tình với ngành Sinh Vật Cảnh Việt Nam.

    Nhà báo, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu

    Hoạt động cách mạng cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp!

    Đọc những tư liệu cho thấy, Đại tá, nhà báo Nguyễn Ngọc Châu sinh ngày 31/12/1923, quê quán làng Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội, là cán bộ lão thành cách mạng, hoạt động cách mạng từ năm 1938 trong phong trào thanh niên phản Đế trường Thăng Long Hà Nội cùng đồng chí Nguyễn Thành Lê và đồng chí Quốc Hùng. Ông cũng hưởng ứng phong trào đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp và tập hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân cùng những người thầy của mình là giáo sư Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp... 

    Từ năm 1946 đến năm 1984, ông công tác trong quân đội trải qua các chức vụ: Chuẩn úy Liên kiểm Việt Pháp (1946); Nhân viên Chính trị, Văn thư (1947); Chính trị viên Đại đội (1948); Cán bộ Đại hội Quân khu Việt Bắc (1949); Vào Đảng ngày 19/5/1950; Trợ lý Ban Tuyên huấn Quân khu Việt Bắc (1950 - 1952); Tiểu đoàn phó Quân khu Việt Bắc (1953 - 1954); Tiểu đoàn trưởng Cục Tuyên huấn Tổng Cục Chính trị (1954 - 1958); Trợ lý Tuyên huấn Quân khu Hữu Ngạn (1959 - 1967); Phó Phòng Tuyên huấn Quân khu Hữu Ngạn (1967 - 1976); Cán bộ Nghiên cứu Ban Tổng kết của Tổng Cục Chính trị (1976 - 1984). Sau khi nghỉ hưu tại Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vào tháng 10 năm 1984 với quân hàm đại tá, thụ lương Thiếu tướng, ông về địa phương và công tác Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập Hội năm 1989.

    Năm 2003, thấy Đại tá Nguyễn Ngọc Châu tuổi cao lại giúp việc cho nhiều đồng chí lãnh đạo Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam ít tuổi hơn nên e ngại bất tiện, Nhà báo Đỗ Phượng khi đó là Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội đã cử tôi giúp việc trực tiếp Đại tá, nhà báo Nguyễn Ngọc Châu.

    Ngay từ những ngày đầu được phụ tá giúp việc cho Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, đồng chí đã dẫn tôi đi gặp gỡ giới thiệu với nhiều vị tiền bối cách mạng sáng lập Hội, nhân sĩ trí thức tiêu biểu, chính khách lão thành như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Vũ Khiêu, nguyên Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Văn Trân, nguyên phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, nguyên Bộ trưởng Bộ lao động Nguyễn Thọ Chân, nguyên Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam nhà báo Trần Lâm, nguyên Thứ trưởng Bộ tài chính Trần Đình Long, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý, đồng chí Tô Thiện...

    Nhớ nhất là kỷ niệm tôi được đồng chí dẫn sang thăm và giới thiệu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm đó. Đại tá Nguyễn Ngọc Châu vốn là lớp học sinh đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại trường Thăng Long (Hà Nội). Hôm đó, ông và Đại tướng ôn lại những kỷ niệm của thầy trò ở trường Thăng Long những năm 30 của thế kỷ trước. Ông kể lại những kỷ niệm tham gia phát hành tờ báo Hồn Trẻ do thầy Võ Nguyên Giáp làm chủ bút.

    Đại tướng vui vẻ tiếp mạch chuyện, kể về việc Đại tướng cùng giáo sư Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Hải Triều cho ra đời tờ Hồn Trẻ, một tờ báo tiếng Việt đầu tiên công khai cổ động đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp và tập hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân...Tờ Hồn trẻ nhanh chóng phát huy được vị thế của mình, có lượng độc giả và phát hành lớn. Học sinh trường Thăng Long – Hà Nội tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ báo. Thấy rõ sự “nguy hại” của tờ Hồn trẻ, nhà cai trị thực dân vội vã đóng cửa tờ báo sau khi ra được 12 số.

    Đại tá Nguyễn Ngọc Châu hôm đó say sưa kể về lý do mà lớp học sinh trường Thăng Long khi đó lại nhiệt tình tham gia bán báo, giải truyền đơn giúp thầy Giáp. "Chúng em khi đó thấy thầy đảm nhiệm hầu hết các khâu của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung…cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morrasse, có khi làm cả việc phát hành...Vì thương thầy vất vả nên chúng em tự nguyện muốn giúp thầy một tay...", Đại tá Nguyễn Ngọc Châu chia sẻ.

    Ngưng những câu chuyện về quá khứ, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu và Đại tướng lại nói về mối quan hệ hài hòa giữa con người với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh. Đại tướng căn dặn Đại tá Nguyễn Ngọc Châu và những người làm Sinh Vật Cảnh cả nước cần phải hướng đến là một ngành kinh tế làm giàu cho đất nước chứ không phải là phát triển thú chơi cho nhà giàu, phải phát huy tư tưởng của Bác Hồ thể hiện qua phong trào Tết Trồng cây. Đó là một cuộc cách mạng cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái, "làm cho phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp", "làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta ngày càng được cải thiện".

    Trước khi ra về, Đại tướng đã ký tặng Đại tá Nguyễn Ngọc Châu một cuốn sách viết về Điện Biên Phủ. Đại tướng hỏi Đại tá Nguyễn Ngọc Châu: "Cậu thích mình xưng hô như thế nào khi ghi vào sách kỷ niệm. Thầy giáo cũ hay Đại tướng". Nhà báo Nguyễn Ngọc Châu có một chút bối rối rồi tươi cười đáp: "Tùy thầy ạ!".

    Trên đường từ 30 Hoàng Diệu về 19C phố Đặng Dung (Hà Nội) Đại tá Nguyễn Ngọc Châu đã khuyên nhủ tôi: "Cậu thấy đấy, cả cuộc đời Đại tướng gắn với vận mệnh dân tộc. Từ một nhà giáo dạy sử đến một vị tướng huyền thoại của dân tộc nhưng về già Đại tướng vẫn sống rất giải dị và gần gũi với mọi người. Nơi ở của Đại tướng bình dị giữa cỏ cây hoa lá không cầu kỳ như người ta vẫn nghĩ về nơi ở của lãnh đạo cấp cao. Chúng ta phải gắng sức học tập phong cách, tác phong và ứng xử của Đại tướng với con người và thiên nhiên".

    30 năm trọn nghĩa vẹn tình với ngành Sinh Vật Cảnh Việt Nam

    Đại tá, nhà báo Nguyễn Ngọc Châu tham gia Ban vận động thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam từ mùa xuân năm 1989. Sau khi Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định cho phép thành lập Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam và chỉ định ban lãnh đạo lâm thời vào ngày 13/5/1989, đồng chí Nguyễn Ngọc Châu là một trong những cán bộ chủ chốt của Hội khi đó. Sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ cán bộ Văn phòng, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Tổ chức - Phong trào. Sau khi, đồng chí Lê Thành, Phó Chủ tịch Hội qua đời, một giai đoạn dài ông đảm nhiệm công việc của Thường trực Trung ương Hội và địa chỉ gia đình ông ở 19C phố Đặng Dung cũng được lấy làm nơi hoạt động của Văn phòng Trung ương Hội.

    Đại tá, Nhà báo Nguyễn Ngọc Châu (người ngoài cùng bên trái) cùng người viết bài đến thăm Giáo sư Vũ Khiêu

    Trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức - Phong trào của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam không lương, không thưởng (chỉ có ít phụ cấp của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển Sinh Vật Cảnh Việt Nam và Tạp chí Việt Nam Hương Sắc) vậy mà ông vẫn luôn miệt mài với công việc không kể ngày nghỉ. Ông sẵn sàng bắt xe ô tô, đi tàu hỏa đến các tỉnh/thành khi có công việc Hội. Ở tuổi 90, ông vẫn minh mẫn, mắt sáng (tai hơi nặng) vẫn đạp xe đạp đi lại tới văn phòng và các cơ quan của Hội để làm việc đều đặn hàng ngày. Ngoài ra, ông còn viết báo và làm công tác Báo cáo viên tại Trung tâm Thông tin - Ban Tuyên giáo Trung ương.

    Từ tháng 6 năm 2005, khi thành lập Chi bộ Đảng của cơ quan Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đồng chí được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ đến tháng 5 năm 2011. Từ năm đồng chí 94 tuổi, thấy sức khỏe của đồng chí không còn tốt, lo ngại việc đi họp không an toàn, Chi bộ đã đề nghị đồng chí miễn sinh hoạt động theo hướng dẫn của tổ chức. Ban đầu đồng chí Nguyễn Ngọc Châu cương quyết không chịu, phải sau nhiều tháng gia đình và cơ quan thuyết phục đồng chí mới chấp thuận.

    Trong công việc đồng chí Nguyễn Ngọc Châu rất nghiên túc, cẩn trọng và gương mẫu từ những việc nhỏ nhất, luôn giữ vừng lập trường và tôn trọng ý kiến của mọi người xung quanh. Đồng chí sống ngay thẳng, giản dị, chan hòa, gần gũi, hòa đồng và luôn hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp. Nhất là những người trẻ tuổi như chúng tôi.

    "Sinh Vật Cảnh từ một thú chơi nhân văn tao nhã đến một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao trong những năm qua là một kỳ tích. Trong truyền thống 30 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam không thể không nhắc đến sự cống hiến thầm lặng của đồng chí Nguyễn Ngọc Châu, đồng chí Đắc Thị Ất và nhiều cán bộ khác Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Sinh Vật Cảnh Việt Nam...". Đó là lời nhận xét của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động xã hội gắn bó và dõi hoạt động của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam ngay từ những năm đầu hoạt động.

    Với người viết bài này, Đại tá nhà báo Nguyễn Ngọc Châu là người thầy mẫu mực, người đồng nghiệp đồng chí thủy chung, người ông hết mực yêu thương quan tâm chiều chuộng con cháu. Gần gũi đi lại với ông vì công việc lâu ngày đã trở thành một thành viên thân thiết của gia đình "gần giận, xa nhớ". Mỗi lần gặp mặt, bà Hiếu phu nhân của ông hay anh Trung, anh Nam và ngay cả những người con dâu của ông mọi người đều gần gũi thân tình thăm hỏi và chia sẻ buồn vui với nhau của cuộc sống.

    Nhà báo, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu quây quần bên con, cháu, chắt và người thân

    Ở tuổi cửu tuần, đồng chí và người bạn đời của mình vẫn sống trong căn nhà tập thể giản dị tại số 19C phố Đặng Dung (Hà Nội). Các con của Đại tá Nguyễn Ngọc Châu đều thành đạt, nhiều lần ngỏ ý đón hai cụ sang căn nhà khang trang hơn nhưng các cụ nhất quyết từ chối, thậm chí cụ còn từ chối con cái muốn sửa sang căn nhà tập thể này để thuận tiện cho sinh hoạt tuổi già.

    Câu chuyện trên đã đến tai đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Cách đây 6 năm ở tuổi 97 trên đường đi họp Quốc hội, đồng chí Nguyễn Văn Trân đã rẽ vào thăm Đại tá Nguyễn Ngọc Châu.

    Tận mắt thấy người bạn vong niên cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp chung ở tuổi ngoài 90 vẫn sống trong căn nhà đơn sơ sập sệ, đồng chí Nguyễn Văn Trân nói với Đại tá Nguyễn Ngọc Châu: "Tổ chức không đồng ý cho anh sống như vậy. Tôi đề nghị anh phải chấp hành. Anh từ chối con cái sửa nhà này thì được nhưng không thể từ chối cơ quan chức năng làm nhiệm vụ bảo dưỡng nhà theo quy định để đảm bảo an toàn".

    Thấy đồng chí Nguyễn Văn Trân nói rất cương quyết như vậy nên Đại tá Nguyễn Ngọc Châu phải vui vẻ chấp hành ý kiến của người anh, người đồng nghiệp thân thiết. Thấy vậy, đồng chí Nguyễn Văn Trân tươi cười rút điện thoại ra gọi ngay cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng đề nghị: "Tôi đến thăm anh Nguyễn Ngọc Châu, đại tá, nguyên cán bộ Tổng cục Chính trị. Anh ấy làm Sinh Vật Cảnh cùng tôi và anh Đỗ Phượng một thời gian khá dài. Nay tuổi anh đã cao nhưng phải sống trong căn nhà tập thể xuống cấp quá. Nếu có thể đề nghị anh quan tâm cho anh em sửa chữa lại, xây thêm nhà vệ sinh khép kín ngay tại phòng để sinh hoạt thuận tiện lúc tuổi già...".

    Thế là mấy ngày hôm sau, Văn phòng Bộ Quốc phòng cho nhân viên đến sửa chữa nhà cho Đại tá Nguyễn Ngọc Châu theo đúng đề nghị của đồng chí Nguyễn Văn Trân. Những ngày cuối đời Đại tá Nguyễn Ngọc Châu cùng người bạn đời sống trong căn nhà mới sửa luôn thấy ấm lòng tình đồng chí, đồng đội và sự quan tâm của tổ chức.

    Cuộc đời hoạt động sôi nổi 97 tuổi đời, 69 năm tuổi Đảng với những dấu ấn tự hào của Đại tá, nhà báo Nguyễn Ngọc Châu là một tấm gương kiên trung, đạo đức cách mạng sáng ngời, niềm tự hào của quê hương, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp, người thân đến những người làm công tác Sinh Vật Cảnh cả nước.

    Ghi nhận những đóng góp xuất sắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nhà báo, Đại tá Nguyễn Ngọc Châu, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng đồng chí: Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Sinh Vật Cảnh Việt Nam và nhiều Bằng khen của các Bộ, Ban ngành ở Trung ương.

    Vĩnh biệt Đại tá, nhà báo Nguyễn Ngọc Châu, chúng ta nguyện bước tiếp trên con đường và sự nghiệp đồng chí đã đi qua, cũng như góp phần đưa Sinh Vật Cảnh từ một thú chơi văn hóa của ông cha đến một mỹ tục mới trong thời đại Hồ Chí Minh phát triển nhanh, mạnh và bền vững thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao./.

    Vương Xuân Nguyên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nho-nha-bao-dai-ta-nguyen-ngoc-chau-nguoi-hoc-tro-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-mot-tam-hon-yeu-thien-nhien-va-sinh-vat-canh-a283703.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan