+Aa-
    Zalo

    Nhói lòng mẹ già 88 tuổi nuôi con điên dại

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) – 25 năm nằm gai nếm mật, không một lời oán thán, người mẹ già còm cõi hướng mắt nhìn về phía cô con gái điên dại đang lảm nhảm, lòng bà lại quặn thắt.
    (ĐSPL) – 25 năm nằm gai nếm mật, không một lời oán thán, người mẹ già còm cõi hướng mắt nhìn về phía cô con gái điên dại đang lảm nhảm những câu nói trong vô thức, lòng bà quặn thắt những nỗi niềm trái ngang.
    Vào một buổi sáng đầu đông, men theo con đường trơn trượt phủ đầy rêu, PV báo Đời sống và Pháp luật tìm đến ngôi nhà của bà Trần Thị Kiệm (88 tuổi, tên thường gọi là bà Sâm), trú tại xóm Kỳ Sơn, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Thấy có khách tới chơi, từ trong căn nhà lụp xụp, rách nát, cụ Kiệm lom khom đưa mắt nhìn ra ngoài hiên, lưng còng, dáng liêu xiêu lò dò từng bước ra.
    Căn nhà lụp xụp, được che tạm bằng vài tấm bạt rách nát, nơi mẹ con bà Kiệm sinh sống.
    Bước vào nhà, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cô con gái của bà Kiệm, chị Dương Thị Hương (SN 1965) đang co mình, rên rỉ vì đau nhức cơ thể trên chiếc giường gỗ ọp ẹp. Khi được hỏi về chuyện gia đình, bà Kiệm rưng rưng nước mắt tâm sự: “Sau khi lấy chồng, tôi mang bầu được 8 đứa con nhưng chỉ sinh hạ được 7 đứa, đứa cuối cùng do sơ suất mà sẩy thai. Con đông, cuộc sống đã khổ cực rồi nhưng ông trời cũng chẳng thương tôi khi đã sớm cướp đi người chồng trụ cột của gia đình. Từ khi ông ấy mất, một tay tôi bươn chải, quần quật nuôi nấng chúng nên người. Giờ sống trong cái nhà này chỉ có mình tôi và con Hương thôi. Khổ thân nó, đi bộ đội 3 năm ở Lào, về quê chưa được bao lâu thì đổ bệnh điên dại, có biết gì nữa đâu, đến giờ cũng chẳng biết nó đổ bệnh do bùa ngải hay là do ảnh hưởng của bom đạn nữa ”.
    Được biết, những người con khác của bà Kiệm đều đã lập gia đình và đã ra riêng. Hoàn cảnh gia đình của họ rất khó khăn, công việc chính cũng chỉ là làm thuê cuốc mướn, thu nhập thiếu thốn chẳng đủ điều kiện để có thể lo lắng chu tất cho cuộc sống của bà và chị Hương. Không muốn là gánh nặng của con cái, bà Kiệm cắn răng chịu khổ, gánh vác trách nhiệm chăm lo cho cô con ái điên dại.
    Mỗi tháng, bà Kiệm và con gái được trợ cấp xã hội hơn 400 nghìn đồng nhưng số tiền đó không thể đủ trang trải cuộc sống của mẹ con khi bà Kiệm giờ đã già, lại đau ốm, riêng tiền thuốc thang đã chiếm hơn số tiền trợ cấp. Hàng ngày, dù đôi mắt đã kém, lưng đã còng, bà Kiệm vẫn phải lò dò ngoài vườn kiếm thêm ít cọng rau để bữa cơm có cái để ăn.
    Hơn 25 năm, một tay bà chăm sóc chị Hương từ bữa ăn giấc ngủ cho đến việc tắm giặt, vệ sinh cá nhân. Bà chia sẻ thêm: “Mỗi khi lên cơn, nó lại vùng khỏi nhà chạy khắp làng khắp xóm, khi thì xuống hồ bắt cá sống để ăn, khi thì rúc bờ rúc bụi bứt lá bẻ cành cho vào miệng nhai ngấu nghiến, làm tội tôi cất công đi tìm khắp nơi không kể nắng mưa”.
    Bà Kiệm chỉ mong đứa con gái tội nghiệp có sức khỏe, sớm lành bệnh để có thể tự lo cho mình sau khi bà mất.
    Cứ mỗi lần trái gió trở trời, có thể do ảnh hưởng của bom đạn từ thời đi bộ đội mà cơ thể chị Hương lại đau nhức. Mãi đến về sau, khi đã có tuổi chẳng còn sức chạy nhảy quanh làng, chị Hương đành thui thủi nằm ì một chỗ, rên hừ hừ suốt ngày khiến bà Kiệm chỉ biết thở dài trước số phận. Nhìn bàn tay xương xẩu, khóe mắt in hằn vết chân chim, chúng tôi phần nào thấu hiểu được nỗi khổ mà bà phải gánh chịu.
    Ngôi nhà nhỏ, chỗ hai mẹ con bà trú ngụ theo năm tháng cũng đã trở nên xập xệ và xuống cấp đi nhiều. Những mảng tường được xây bằng lớp đất bùn trộn lẫn với rơm rạ, tưởng chừng chỉ một trận mưa lớn là đã đủ xiêu vẹo, dột nát. Trong căn nhà chẳng có gì giá trị ngoài chiếc quạt cây cùng đôi ba chiếc ghế nhựa dùng để tiếp khách lúc này cũng chẳng còn lành lặn. Đầu mùa Đông năm nay, để mỗi đêm trong giấc ngủ đỡ lạnh hơn, bà Kiệm đành dùng những tấm bạt đã rách lỗ chỗ che chắn trước nhà.
    Cuộc sống vốn khốn khó nay lại càng khó khăn hơn khi bà Kiệm ngày một già yếu, chẳng thể tự mình nấu ăn hay làm bất cứ việc gì trong nhà, việc chăm sóc chị Hương bà cũng không thể làm nổi. Trong mấy đứa con của bà Kiệm, gia đình đứa con trai cả là có cuộc sống khá hơn nhưng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình chứ không đủ để chăm lo cho người mẹ già yếu và người em gái đáng thương.
    Xem thêm clip: Xót xa cảnh mẹ già 88 tuổi nuôi con điên dại
    Ông Đoàn Văn Hào, hàng xóm nhà bà Kiệm chia sẻ: “Cái số bà Kiệm vất vả. Thân già ốm yếu lại còn phải còng lưng phục vụ cô con gái điên dại, chúng tôi cũng thương lắm. Những lúc trong nhà có thức ăn, đồ uống gì có thể chia sẻ được bà con trong xóm luôn sẵn sàng giúp đỡ”.
    Trước hoàn cảnh khó khăn của bà Kiệm, ông Đặng Đình Thuận, Chủ tịch UBND xã Thạch Đài cho biết: “Đối với trường hợp của bà Kiệm, chính quyền luôn cố gắng tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình bà. Ngoài ra, các dịp lễ tết, chúng tôi vẫn thường có chút quà nhỏ đển biếu bà và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác”.
    “Thân làm mẹ khổ đến mấy tôi cũng cam chịu, chỉ mong đứa con tội nghiệp của tôi có sức khỏe, sớm lành bệnh là tôi hạnh phúc lắm rồi”. Câu nói chan chứa tình yêu thương của bà Kiệm vẫn còn văng vẳng trong tâm trí khiến chúng tôi dù đã rời xa ngôi nhà bé nhỏ đó nhưng trong lòng vẫn còn nặng trĩu tâm tư.

    Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về địa chỉ:

    Bà Trần Thị Kiệm (bà Sâm)

    Xóm Kỳ Sơn, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh

    Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung:

    Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

    ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010;

    Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhoi-long-me-gia-88-tuoi-nuoi-con-dien-dai-a77835.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan