+Aa-
    Zalo

    Những bài học ý nghĩa về quản lý tiền bạc, cuộc sống một cách hạnh phúc cho trẻ

    • DSPL
    ĐS&PL Cốt lõi của giáo dục là tạo cho trẻ cái nhìn chuẩn xác, hệ thống về tiền bạc và cuộc sống, dùng tài nguyên hữu hạn của mình để có thể tạo lập hạnh phúc.

    Cốt lõi của giáo dục là tạo cho trẻ cái nhìn chuẩn xác, hệ thống về tiền bạc và cuộc sống, dùng tài nguyên hữu hạn của mình để có thể tạo lập hạnh phúc.

    Có một thực tế là việc giáo dục về FQ - chỉ số thông minh tài chính cho trẻ hiện nay còn tập trung phiến diện vào giáo dục quản lý tiền bạc. Trong khi đó, cốt lõi của giá trị này là tạo cho trẻ cái nhìn chuẩn xác, hệ thống về tiền bạc và cuộc sống, dùng tài nguyên hữu hạn của mình để có thể tạo lập hạnh phúc. Tại châu Âu và châu Mĩ, trẻ từ 3 tuổi đã bắt đầu được giáo dục FQ và giai đoạn 5 - 12 tuổi là lý tưởng nhất để bồi dưỡng FQ cho trẻ.

    Bộ sách Bồi dưỡng FQ cho trẻ đã phát hành được 10 tập như: “Tiền từ đâu tới”, “Đồng tiền quý giá”, “Tiền có mua được tất cả”, “Tự mình kiếm tiền”, “Lựa chọn thông minh”... Hai nhân vật xuyên suốt bộ sách đó là Thỏ Co Co và Lừa La La. Đằng sau mỗi diễn biến câu chuyện về đôi bạn thân này, trẻ sẽ học được những bài học ý nghĩa và thiết thực về giá trị của đồng tiền, về cách tự mình kiếm tiền, về cách đầu tư để kiếm tiền... cũng như bài học nhân sinh về tình bạn.

    Đặc biệt, ở phần cuối của mỗi tập đề có phần đối thoại tương tác giữa sách và độc giả vô cùng bổ ích. Qua các mục “đối thoại” này, cuốn sách sẽ trả lời cho các em các câu hỏi như “Tiền từ đâu tới?”, “Sức khỏe và tiền bạc, cái nào quan trọng hơn?”, “Cho đi có thiệt thòi hơn?” hay “Tiền có mua được tất cả”...

    Nguồn gốc và giá trị của đồng tiền

    Tiền của các bạn từ đâu mà tới? Tiền không tự động sinh ra như chiếc ví thần kì của Thỏ Co Co đâu. Hiểu được tiền từ đâu tới và thuộc về ai là khái niệm quan trọng trong giáo dục FQ. Thực tế, của cải trong gia đình thường do cha mẹ kiếm ra từ công sức lao động. Mỗi đồng tiền mình tiêu đều do cha mẹ vất vả mới có, đều thuộc về cha mẹ và không phải nguồn vô tận, nên chúng ta phải biết nâng niu quý trọng.

    Câu chuyện chú Thỏ Co Co bị thương, Lừa La La tận tình chăm sóc, mỗi ngày đều mang thức ăn và tiền đến cho bạn. Khi khỏe lại, La La ngừng chu cấp thì Co Co nổi giận… sẽ là cách để bố mẹ giúp trẻ hiểu được biếu tặng không phải là nghĩa vụ, giúp đỡ không phải là bắt buộc. Mỗi lần nhận giúp đỡ, ta hãy biết ơn và nghĩ cách làm sao để báo đáp. Việc hiểu được tiền bạc, tài sản ấy của ai và học cách biết ơn, thì mới giúp quan hệ gia đình mới hòa hợp, tình bạn mới vững bền.

    Mặt khác, tiền có thể tạo nên sự giàu có, nhưng không đem lại niềm vui. Khi hết tiền, chỉ có bạn bè thật sự mới luôn ở bên ta. Câu chuyện trúng xổ số của chú Thỏ Co Co sẽ cùng bố mẹ tạo dựng cho trẻ quan điểm đúng đắn về của cải, để trẻ hiểu rằng, tiền không mua được tất cả. Tình thân, tình bạn, vui vẻ, hạnh phúc… mới là tài sản quý giá nhất đời người mà tiền không thể mua được.

    Làm sao để có thể tiết kiệm tiền?

    Với những câu chuyện từ bộ sách, bố mẹ có thể giúp trẻ hiểu khi tiền bạc có hạn, phải phân biệt rõ cái gì cần, cái gì muốn để định hướng lựa chọn cho trẻ. Việc chú ý bồi dưỡng năng lực kiểm soát ham muốn sẽ giúp trẻ có quan điểm chi tiêu đúng đắn. Mỗi lần trẻ muốn mua thứ gì, đừng ngại phân tích kĩ. Tránh thỏa mãn mọi yêu cầu, mong muốn của trẻ. Hãy để trẻ hiểu prẻ phải cố gắng mới có được thứ mình muốn, như vậy sẽ tăng cảm giác hạnh phúc. Đạt được quá dễ dàng, trẻ sẽ không học được cách trân trọng.

    Câu chuyện trong cuốn Đừng phung phí chỉ ra, một quả trứng gà, bạn có thể ăn hết, hoặc ấp nở thành con, gà sinh trứng, trứng lại nở ra gà, sớm muộn cũng thành đàn gà đông đúc. Vì vậy đừng bao giờ lãng phí một đồng tiền nhỏ, tiết kiệm và đầu tư hợp lí, tích lũy dần rồi sinh lời, sẽ thành khoản tiền lớn. Vì thế, sớm quản lí tốt tiền bạc, khi trưởng thành, của cải của bạn sẽ tăng càng nhiều, sẽ là học ý nghĩa có thể rút ra cho trẻ.

    Tự mình kiếm tiền không khó

    Thực tế, không ít các bậc cha mẹ thường có suy nghĩ bản thân lớn lên trong cảnh thiếu thốn vật chất, nên khi điều kiện tốt hơn, họ không muốn con mình chịu thiệt thòi. Tuy nhiên để trẻ hưởng thụ cuộc sống vật chất quá sớm và quá nhiều, cũng không tốt. Việc để trẻ tiêu tiền phải có mức độ, không thể để trẻ mắc thói xấu tiêu tiền không suy nghĩ. Nếu trẻ đã quen với sự sung túc, thì khi trưởng thành, nếu thu nhập ban đầu không cao, không thể duy trì cuộc sống đủ đầy như trước, sẽ dễ trở thành kẻ ăn bám cha mẹ, thậm chí vì tiền mà mắc sai lầm lớn.

    Câu chuyện hiểu lầm của chú Thỏ La La trong bộ sách sẽ giúp trẻ hiểu hơn về  cuộc sống vật chất của cha mẹ hiện giờ là kết quả của quá trình nhiều năm phấn đấu. Sau này trẻ cũng phải tự mình nỗ lực để có cuộc sống tốt đẹp, báo đáp công ơn cha mẹ. Bắt đầu từ những công việc nhỏ, những hành động nhỏ để có thể giúp trẻ xây dựng dần ý thức về việc tự lập.

    Lựa chọn thông minh

    Co Co phải đối mặt với nhiều lựa chọn: Thời gian rảnh rỗi sẽ đi làm thuê hay đọc sách? Mua sách hay mượn sách? Làm chủ nông trại hay quay về Đoàn nghệ thuật?... Những lựa chọn này đều có tính biệt lập, chọn cái này phải bỏ qua cơ hội khác. Điều đó liên quan đến khái niệm “Chi phí cơ hội”. Không ai có thể làm hai việc cùng lúc, quyết định làm việc này thì phải từ bỏ lợi ích mà việc kia có khả năng mang lại. Khả năng lợi ích này được gọi là “Chi phí cơ hội”.

    Không chỉ kiếm tiền hay đầu tư, mà bất kì chuyện gì cũng có “Chi phí cơ hội”. Ví dụ, khi đi chơi chọn chơi gì, phân bố thời gian sao cho hợp lí, đều ẩn chứa khái niệm “Chi phí cơ hội”. Trước khi lựa chọn, đứng ngại tìm hiểu thông tin, hỏi kinh nghiệm người khác, rồi mới quyết định. Với câu chuyện thú vị này, cha mẹ có thể cùng bé rút ra nhiều bài học ý nghĩa.

    Nam Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-bai-hoc-y-nghia-ve-quan-ly-tien-bac-cuoc-song-mot-cach-hanh-phuc-cho-tre-a247359.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan