+Aa-
    Zalo

    Những cách nuôi lợn "bá đạo" nhưng hiệu quả cao

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tẩm bổ cho lợn bằng thuốc bắc, cho lợn nghe nhạc trẻ, xem phim con heo,... là những cách nuôi lợn "bá đạo" của một số hộ chăn nuôi nhưng hiệu quả cao...

    (ĐSPL) - Tẩm bổ cho lợn bằng thuốc bắc, cho lợn nghe nhạc trẻ, xem phim con heo,... là những cách nuôi lợn "bá đạo" của một số hộ chăn nuôi nhưng hiệu quả cao...

    Tẩm bổ cho lợn bằng thuốc Bắc


    Vừa dẫn khách tham quan trang trại, anh Đỗ Văn Chuyên (42 tuổi) ở thôn Trai Trang, thị trấn Yên Mỹ (Hưng Yên) vừa chia sẻ về quá trình đổi mới phương pháp chăn nuôi lợn sạch của gia đình. Năm 2006, gia đình anh bắt đầu nuôi lợn nhưng suốt những năm nuôi theo kiểu bán chuyên nghiệp kết quả chăn nuôi vẫn bấp bênh, không tìm được thị trường ổn định.

    Trong một lần đọc được bài báo về mô hình chăn nuôi lợn bằng thuốc thảo dược trên vùng đất Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, anh Chuyên lặn lội tới tận nơi với mong muốn được học tập tham khảo và được chia sẻ những bí quyết chăn nuôi lợn dùng thảo dược. “Khi trở về nhà, tôi nghĩ ngay đến việc áp dụng phương pháp mới này. Chỉ có mạnh dạn, dám đổi thay mới mong có kết quả tốt được”, anh Chuyên kể.

    Nghĩ là làm, đầu năm 2013 anh Chuyên áp dụng phương pháp "tẩm bổ" cho lợn bằng thuốc Bắc. Lúc đó, để có nguồn thức ăn cho lợn, anh đã đến các đại lý thuốc Bắc trong tỉnh để tìm mua đủ loại thảo dược, nhưng thấy giá thành không rẻ, anh đã nảy ra ý tưởng trồng các cây thuốc ngay trong khu trang trại của gia đình. Ban đầu, anh đã trồng 3 sào cây thảo dược kim ngân hoa. Kết quả sau 2 năm trồng, thu hoạch lá cây thoải mái làm thức ăn cho 100 con lợn thịt nên đã giúp giảm chi phí đầu tư thức ăn một cách rõ rệt.

    Về quy trình chăn nuôi, anh Chuyên cho hay: “Giai đoạn đầu, tức từ lúc lợn cai sữa đến khi đạt trọng lượng 50kg, vẫn chăm sóc và cho chế độ ăn bình thường giống cách nuôi lợn thông thường. Tới giai đoạn thứ 2, thì nới bắt đầu cho lợn ăn theo chế độ dinh dưỡng riêng, trong đó có sử dụng thuốc Bắc trong thành phần thức ăn”. Theo anh Chuyên, chế độ ăn riêng được áp dụng trong thời gian từ lúc lợn đạt 50kg đến lúc xuất chuồng bán, bởi đây là giai đoạn lợn bắt đầu sinh trưởng, phát triển mạnh nhất.

    “Đó không phải là bí quyết to lớn gì cả. Thức ăn lúc này của lợn chủ yếu là cám được chế biến từ gạo, ngô, đậu tương trộn cùng với các loại thuốc Bắc như hoa kim ngân, bồ công anh, thổ phục linh, sơn tra. Đều là những thành phần dược liệu tốt cho sức khỏe con người, nếu được dùng làm thức ăn cho lợn cũng rất tốt. Cho lợn ăn thuốc Bắc, cũng là một cách phòng trị bệnh, giúp tăng sức đề kháng cho lợn. Nhờ đó, đàn lợn của nhà tôi luôn khỏe mạnh và không hề mắc các dịch bệnh”, anh Chuyên chia sẻ.

    Nuôi lợn bằng máy lạnh ở Đà Nẵng


    Thông tin trên Tri thức trực tuyến, anh Nguyễn Duy Tuấn (SN 1982, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cùng vợ quyết chí thực hiện một quyết định táo bạo là nuôi lợn bằng máy lạnh.

    Anh Tuấn hiện là Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Hòa Khương. Dù khá bận bịu việc công sở nhưng anh lại rất mê kinh doanh, sản xuất nông nghiệp. Năm 2006, anh Tuấn cùng vợ mở trang trại nuôi lợn quy mô (khoảng 100 con) bằng phương pháp thủ công để kiếm thêm thu nhập.

    Để giảm chi phí, hằng ngày, anh cùng vợ sắp xếp thời gian tìm đến các quán ăn, nhà hàng mua thức ăn thừa mang về cho lợn ăn. Cách nuôi lợn thiếu đầu tư kỹ thuật này khiến heo dịch bệnh, chết triền miên.

    Không bỏ cuộc, anh đi khắp nơi học hỏi, tìm hiểu các mô hình nuôi lợn khác nhưng không thấy mô hình nào ưng ý. Trong lúc bế tắc thì cơ may đến, anh được một người quen giới thiệu mô hình nuôi lợn bằng máy lạnh khép kín ở Thái Lan.

    Anh như bị "thôi miên", đêm ngày đau đáu, nuôi khát vọng thực hiện bằng được mô hình nuôi lợn này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trước mắt là nguồn vốn. "Gom góp không bao nhiêu, tôi phải năn nỉ từng người thân gia đình cho mượn khoảng 10 sổ đỏ đi vay ngân hàng được gần 2 tỷ đồng về "liều" thực hiện...", anh Tuấn tâm sự.

    Năm 2007, anh quyết định "xả" gần hết số tiền trên để nhập 20 con lợn giống từ Mỹ về nuôi thử nghiệm. Dẫn chúng tôi đi tham quan chuồng nuôi, anh Tuấn cho biết, loại lợn này chỉ sống trong môi trường lạnh dưới 30 độ C. Đây là hệ thống lạnh công nghiệp, không phải "máy điều hòa" như nhiều người vẫn thường nghĩ. Lợn đạt nạc cao và đến kỳ xuất chuồng, mỗi con đạt từ 1 tạ trở lên.

    Hiện mỗi năm anh thu lại khoảng 300 triệu đồng. 

    Cho lợn nghe nhạc Mr. Đàm, xem phim con heo để dễ đậu thai


    Báo Pháp luật TP HCM ngày 28/12/2014 đã đăng tải bài viết về anh nông dân Nguyễn Vũ Phương (49 tuổi, ngụ khóm 1, phường 8, TP Vĩnh Long) với bí quyết nuôi lợn hết sứ độc đáo... cho nghe nhạc Đàm vĩnh Hưng.

    Anh Phương cho biết, để lợn tăng chất lượng thịt, anh đã mở rất nhiều thể loại nhạc cho đàn lợn của mình nghe. Trong số những đĩa nhạc anh hay mở gồm có: Đàm Vĩnh Hưng, Lý Hải, Cẩm Ly, Sơn Tùng M-TP... Và cứ mở đài là chúng im phăng phắc nằm nghe quên cả giờ ăn, còn tắt đài thì chúng lại chộn rộn, kêu inh ỏi.

    Tiết lộ về lý do áp dụng bí quyết nuôi lợn độc đáo, anh Phương cho hay vào cuối năm 2009, sau khi tìm hiểu về tình trạng nhiều lợn nái bị động thai, hư thai, heo con chết nhiều, anh Phương phát hiện nguyên nhân là do tiếng ồn gây ra.

    “Một lần tình cờ xem tivi, tôi thấy ở nước ngoài, họ cho bò nghe nhạc tăng sản lượng sữa. Tôi chợt lóe lên ý nghĩ sao mình không cho heo nghe nhạc để tăng tỷ lệ đậu thai” - anh Phương tâm sự.

    Nghĩ là làm, anh đi mua mốt chiếc radio về thử. Ban đầu, anh mở những bài nhạc êm dịu, qua một thời gian thấy lợn không còn bị giật mình, tỷ lệ đậu thai cao. “Bà trư” mắn đẻ cho ra đời từ 19-20 con/lứa, lợn con sinh ra khỏe mạnh, chất lượng thịt ổn định và không nhảy chuồng như trước.

    Ngoài cho nghe nhạc Đàm, anh Phương còn cho heo “rửa mắt” bằng phim 3D. Đây là một kế hoạch cực kỳ nghiêm túc của anh Phương. Mặc kệ ai mắt tròn mắt dẹt nghĩ anh đang toan tính làm chuyện bậy bạ, anh tỉnh queo trình bày: Thường các trại nuôi lợn lớn với quy mô cả trăm con lợn nái, để nhận biết và xử lý những con lợn nái nào đang lên giống, vào mỗi buổi sáng, chủ trại dắt một con lợn nọc đi một vòng quanh trại.

    Con lợn nọc với hình dáng, tiếng kêu và thứ mùi tỏa ra rất đặc trưng. Khi đó, những con lợn nái trong chuồng đã tới thời kỳ lên giống ngay lập tức sẽ bật nhổm dậy. Người chủ cứ thế lấy bút đánh dấu lên chúng để cho phối giống sau đó. Nhưng trong thực tế, giá một con lợn nọc rất đắt, ít nhất từ vài chục đến cả trăm triệu đồng một con.

    Với quy mô những trại lợn nhỏ như trại của gia đình anh, việc mua và sử dụng chưa hết công suất phối giống của một con lợn nọc sẽ rất tốn kém và gây lãng phí. Thay vào đó, trước nay người chủ của những trang trại nhỏ phải hồi hộp, rình rập nhận diện lợn nái tới thời kỳ lên giống rất cực mà lại dễ nhầm lẫn. Anh cho rằng nếu anh xách máy chiếu phim 3D đi một vòng quanh chuồng lợn nái, trong đó chiếu đoạn phim một con lợn nọc đi tới đi lui, phát ra tiếng kêu thì chắc chắn sẽ giải quyết được khâu nhìn cho các “nàng trư”.

    Còn mùi con lợn này thì sao? Anh Phương đã băn khoăn và tìm ra hướng giải quyết nốt: Trong khi di chuyển máy chiếu, anh sẽ cầm lọ tinh rắc theo. Những lọ tinh của lợn nọc bình thường vẫn được các chủ trại heo sử dụng phối giống cho lợn nái mà không cần heo nọc nhưng nó bốc mùi không kém mùi của con heo nọc.

    "Phim chỉ có độc một nhân vật là con heo, không gọi phim con heo thì là phim con gì?" Anh tếu táo cắc cớ rồi cười kha kha.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-cach-nuoi-lon-ba-dao-nhung-hieu-qua-cao-a109467.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.