+Aa-
    Zalo

    Những cái chết thương tâm vì bệnh dại: Làm sao phòng tránh?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bệnh dại tưởng chừng đơn giản, có vaccine phòng bệnh nhưng không ít người chủ quan dẫn đến những cái chết rất thương tâm.

    Bệnh dại tưởng chừng đơn giản, có vaccine phòng bệnh nhưng không ít người chủ quan dẫn đến những cái chết rất thương tâm.

    Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại.

    Những cái chết thương tâm

    Thời gian qua xảy ra rất nhiều trường hợp tử vong thương tâm do bệnh dại, xảy  ở nhiều địa phương. Điển hình, gần đây nhất, ngày 05/10, một cụ bà ở thôn Đông Lai, xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã tử vong vì chó nhà cắn.

    Trước đó, bà cụ bị con chó của nhà cắn vào hai ngón tay với vết cắn nông, chảy ít máu. Bệnh nhân chủ quan không đi tiêm vắc-xin phòng dại mà chỉ rửa vết thương và cắt thuốc nam tại nhà một thầy lang trong vùng. 

    Đến ngày 29/9, khi thấy bệnh không có chuyển biến, có dấu hiệu lên cơn dại do chó cắn, người nhà đưa bà vào Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và được chẩn đoán theo dõi lên cơn dại do chó cắn. Nhưng do bệnh đã trở nặng khiến nạn nhân tử vong.

    Được biết, theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang ghi nhận 8 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

    Khi không may bị chó cắn, bị vết xước chân tay khi chăm chó ốm, hãy theo dõi con chó và đến bác sĩ để được tư vấn tiêm phòng bệnh dại. Ảnh minh họa

    Trước đó, từ tháng 6 đến tháng 8/2017, Trung tâm Y tế dự phòng, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì nhiễm bệnh dại do chó cắn.

    Nạn nhân trong 2 trường hợp này là bà Trần Thị Tình (52 tuổi, ở thôn Quang Trung, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) và anh Nguyễn Văn Hồng (33 tuổi, ở tổ dân phố 8, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo). Cụ thể, sáng 20/8, người nhà phát hiện bà Trần Thị Tình có biểu hiện buồn nôn, ho khan, sợ gió, mất nước, sức khỏe yếu ớt người nhà đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp cứu, nhưng đã tử vong ngay ngày hôm sau. Bệnh viện xác định: bệnh nhân tử vong do bội nhiễm virus bệnh dại.

    Theo người nhà bà Tình, hồi tháng 6 vừa qua, bà Tình bị chó thả rông cắn lên mu bàn chân. Do chủ quan nên gia đình đã không đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để tiêm phòng.

    Cũng bị chó dại cắn vào tháng 6 vừa qua và chủ quan không tiêm phòng, anh Nguyễn Văn Hồng, ở thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo được gia đình đưa tới bệnh viện Nhiệt đới TP HCM khi các triệu chứng của bệnh dại đã phát mạnh. Do bị nhiễm đã quá nặng, đến ngày 6/7, bệnh viện trả ca bệnh về địa phương và bệnh nhân đã tử vong sau đó 1 tuần.

    Tháng 11/2016, ở Thái Bình, một gia đình có 2 chú cháu bị chó dại cắn. Người chú 40 tuổi thì tiêm phòng, còn đứa cháu 6 tuổi, gia đình đưa đi khám thầy lang gần nhà. Thầy lang thử vết chó cắn và bảo không phải chó dại, nên gia đình không đưa cháu đi tiêm. Chỉ hôm sau, cháu lên cơn dại và tử vong.

    Cũng trong năm 2016, một bệnh nhân 67 tuổi ở Hưng Yên bị lên cơn dại, tử vong.. Theo chia sẻ của người nhà, trước đó, khi thấy chó nhà ốm bỏ ăn liền bắt chó ốm để bán. Không may, bà bị chó cắn nhưng cũng vì chủ quan không tiêm phòng nên 3 tháng sau bị phát dại.

    Trường hợp khác là một bệnh nhân 6 tuổi ở Yên Bái tử vong vì lên cơ dại sau 4 tháng ổ chó con chết. Nguyên nhân là do bệnh nhân yêu quý chó nhưng do gia đình không để ý tình trạng ốm yếu của đàn chó con sau khi chó mẹ bỏ đi.

    Năm 2014, trên địa bàn Thanh Hóa đã xảy ra 3 trường  hợp chết vì bệnh dại. Cụ thể, hồi cuối tháng 1, người đàn ông 55 tuổi (ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân) và bé trai mới 4 tuổi (ở xã Thiệu Dương, TP. Thanh Hóa) cũng đã qua đời vì bệnh dịch nguy hiểm này.

    Đến ngày 22/2/2014, Trung tâm y tế dự phòng Thanh Hóa ghi nhận thêm thêm một ca tử vong do bị chó dại cắn. Nạn nhân là ông Phạm Quang Ngọc (52 tuổi), trú thôn Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa.

    Xử trí khi bị chó dại cắn

    BS Cấp khuyến cáo, nếu không may bị chó cắn, thì nên tiêm phòng ngay và theo dõi con chó trong khoảng 10 ngày. Ảnh: Dân Việt

    Theo Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mỗi năm, bệnh viện ghi nhận khoảng hơn 10 ca bị chó dại cắn nhưng không tiêm dự phòng vaccine mà lại tìm thầy lang để điều trị và được tư vấn là không phải bị dại. Những ca bệnh này khi đến bệnh viện thì đã lên cơn dại và không thể cứu chữa.

    Bs Cấp cũng cho biết, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi lên cơn dại, người bệnh sẽ tử vong. Hiện nay vaccine phòng dại rất an toàn, nếu bị chó, mèo nghi dại cắn nên tiêm vaccine dự phòng càng sớm càng tốt.

    Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, số ca bệnh dại nhập viện ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó thường gặp trong những năm gần đây là ở Thái Nguyên, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình…

    Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, cả nước đã ghi nhận 56 người tử vong do bệnh dại.

    “Bệnh dại tưởng chừng đơn giản, có vaccine phòng bệnh nhưng không ít người chủ quan dẫn đến những cái chết rất thương tâm. Nếu sau khi bị chó, mèo nghi dại cắn, người bệnh được tiêm vaccine thì có thể cứu sống được cả 56 người trong năm nay”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay.

    Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc xin đúng và đầy đủ.

    Ngành y tế khuyến cáo người dân, khi bị chó, mèo nghi dại cào, cắn cần rửa vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước chảy và nhanh chóng tiêm vắc-xin phòng dại, tuyệt đối không điều trị bằng thuốc nam.

    Nếu không may bị chó cắn, thì nên tiêm phòng ngay và theo dõi con chó trong khoảng 10 ngày. Nếu đến lúc đấy mà con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Không nên mạo hiểm chờ đợi bởi nhiều con chó 2 - 3 tuần sau mới phát bệnh. Lúc đó tiêm thì đã muộn. Trong khi đó, vắc xin phòng bệnh hiện không còn những tác dụng phụ gây di chứng thần kinh như trước đây.

    Vũ Đậu(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-cai-chet-thuong-tam-vi-benh-dai-lam-sao-phong-tranh-a204732.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan