Những cái Tết xúc động và tự hào bên Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh


Chủ nhật, 29/01/2017 | 03:30


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Tết đến, xuân về, trăm hoa đua nở bên Lăng Bác Hồ. Mùi hương trầm lan tỏa khắp không gian như níu hết thảy những yêu thương của triệu trái tim bên vị cha già.

(ĐSPL) - Tết đến, xuân về, trăm hoa đua nở bên Lăng Bác Hồ. Mùi hương trầm lan tỏa khắp không gian như níu hết thảy những yêu thương của triệu trái tim bên vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Được góp phần giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác Hồ là nhiệm vụ đặc biệt và đầy tự hào của những nhân viên đang làm việc tại ban Đón tiếp thuộc Văn phòng ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (BQL Lăng).

“Đến với Bác bằng trái tim chứ không chỉ nhờ đôi mắt”

Đã nhiều lần vào Lăng viếng Bác nhưng có dịp ngồi lại với các nhân viên làm nhiệm vụ tại Văn phòng BQL Lăng, tôi mới hiểu hơn về công việc thầm lặng mà đầy tự hào của họ - những người nguyện một đời canh cho Bác giấc ngủ ngon. Đặc biệt, với những người làm công tác tiếp đón đoàn vào Lăng viếng Bác, họ luôn thấy may mắn và hạnh phúc khi chứng kiến sự kính trọng và tình yêu thương vô hạn của đồng bào cả nước dành cho vị lãnh tụ vĩ đại qua nhiều cung bậc cảm xúc, cách thể hiện khác nhau.

Học sinh trường tiểu học Pú Xi (huyện Tuần Giáo) đứng trước Lăng Bác hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. (Ảnh: NVCC).

Chị Nguyễn Thị Vân Phương, công tác tại ban Đón tiếp, thuộc Văn phòng BQL Lăng chia sẻ, những người đến viếng Bác ở những độ tuổi khác nhau, đến từ khắp mọi miền. Nhưng họ cùng về bên Bác với lòng thành kính, sự tôn thờ một lãnh tụ vĩ đại. Đó là ý nghĩa để những người như chị làm việc một cách trách nhiệm hơn. “Chúng tôi mong muốn góp sức nhỏ bé để đồng bào về với Bác như về với chính ngôi nhà thân yêu: Có những tình cảm đầm ấm, gần gũi, có hơi ấm của tình thân ruột thịt. Bởi cho dù là ai, đến từ đâu, người Việt Nam hay du khách nước ngoài, họ đều về bên Bác với lòng thành kính và yêu mến vô hạn”, chị Phương chia sẻ.

Công tác ở bộ phận đón tiếp nhiều năm, các chị luôn tự nhận mình là những người giàu có về cảm xúc. Anh chị em trong đơn vị luôn coi nhau như người nhà. Mỗi lượt đồng bào về bên Bác đều đọng lại một xúc cảm đặc biệt khó quên. Đặc thù công việc đón tiếp, các chị luôn sẵn sàng tinh thần làm việc hăng say, phục vụ hết mình.

Chị Bùi Thị Hoa (mặc áo dài) làm nhiệm vụ dẫn đoàn vào Lăng viếng Bác. (Ảnh: NVCC).

“Làm dâu trăm họ” tuy khó nhưng lại có những niềm vui riêng. Sự cởi mở, thân tình với những người xung quanh giúp các chị rèn luyện bản lĩnh vững vàng trong những câu chuyện cuộc sống. “Ai về với Bác cũng luôn sẵn trong lòng những tình cảm thiêng liêng, trân quý và trang nghiêm. Bởi thế, chúng tôi không quản đi sớm về muộn, gác lại mọi công việc riêng tư để đón tiếp đồng bào một cách ân cần, niềm nở; chăm sóc các đoàn đến viếng, tạo ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng bào cũng như khách quốc tế khi đến viếng Lăng Bác”, chị Phương nói.

Cũng vì thường xuyên đón tiếp đồng bào, các chị hiểu sâu sắc tình cảm của đồng bào và du khách nước ngoài dành cho Bác cao quý và thiêng liêng biết nhường nào. Từ cụ già gần 100 tuổi đến các cháu thiếu nhi, Bác Hồ luôn sống trong tim họ.

“Có bác là cựu chiến binh bị mất một chân theo đoàn đến viếng. Chúng tôi ngỏ lời muốn bố trí một chiếc xe lăn giúp bác đỡ vất vả trên quãng đường vào Lăng, nhưng bác nhất định từ chối. Bởi bác muốn đến thăm Người bằng chính đôi chân của mình, bằng ý chí và sự chân thành của một người lính. So với công lao to lớn của Người thì những bước chân của bác không đáng nhọc nhằn. Cũng có người bị hỏng hoặc mờ mắt, chúng tôi đề nghị được giúp đỡ, nhưng họ cũng từ chối. Họ nói đến với Bác bằng cả trái tim chứ không chỉ nhờ đôi mắt”, chị Phương xúc động nhớ lại.

Hai vợ chồng cùng ăn Tết bên Bác

Cùng công tác tại ban Đón tiếp, chị Bùi Thị Hoa không thể quên hình ảnh xúc động khi các em học sinh trường tiểu học Pú Xi (Tuần Giáo, Điện Biên) lần đầu tiên về Hà Nội vào Lăng viếng Bác. Các em còn bé, lại ở xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn, chân đã quen đi đất nên xỏ đôi dép lê cũng cảm thấy ngượng ngùng. Thế mà đến lúc xếp hàng vào Lăng, những lạ lẫm, ngơ ngác nhường chỗ cho sự hào hứng, trang nghiêm khiến người chứng kiến xúc động nghẹn ngào.

Vợ chồng chị Bùi Thị Hoa vinh dự và tự hào khi cùng góp phần canh giấc ngủ cho Người. (Ảnh: NVCC).

“Tôi thực sự thấy yêu và trân trọng công việc của mình bởi chúng tôi được gặp, được chia sẻ cảm xúc với rất nhiều đoàn người. Ngoài công việc đón và hướng dẫn các đoàn vào Lăng viếng Bác, chúng tôi còn góp phần tuyên truyền về công tác bảo vệ giữ gìn thi hài Bác cũng như xây dựng công trình Lăng. Tôi luôn thấy vinh dự và tự hào khi mỗi ngày được gần bên Bác, giúp đồng bào gần Bác nhiều hơn”, chị Hoa tâm sự.

Có những cụ già rưng rưng nước mắt, những niềm háo hức mong nhanh được gặp Bác, lại có những đoàn khiếm thị cứ bám chặt vào nhau để cảm nhận Bác bằng trái tim của họ... Đó đều là những xúc cảm đặc biệt níu chân những con người như chị Hoa ở lại với công việc ý nghĩa này.

Ở ban Đón tiếp, có người đã lên chức bà, người con nhỏ, người còn trẻ thuộc thế hệ 9X, nhưng tất cả đều yêu công việc bằng nhiệt huyết và lòng yêu kính vô hạn với lãnh tụ vĩ đại.

Cá nhân chị Hoa còn có chồng công tác ở Đoàn 275 (trực thuộc bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng). Bởi vậy, phần lớn thời gian của hai vợ chồng là ở đơn vị. Họ làm việc hầu như không có ngày nghỉ lễ. Riêng thứ Hai, thứ Sáu, Lăng Bác đóng cửa nhưng lại bận rộn với các lớp học nghiệp vụ. Những ngày đi làm có khi sáng đón tiếp các đoàn, chiều học nghiệp vụ. Công việc chăm sóc con cái phải cậy nhờ ông bà. Nhưng với niềm tôn kính đặc biệt với lãnh tụ vĩ đại, họ sắp xếp thời gian để luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Gần 6 năm về công tác tại ban Đón tiếp, chị Hoa chưa từng ở nhà vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Chồng chị cũng thường xuyên đón Tết ở đơn vị do đặc thù công việc. Nhưng họ vẫn hạnh phúc, vẫn tự hào bởi công việc là cơ duyên gắn kết tình cảm.

“Phòng sinh hoạt nhỏ của ban Đón tiếp luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi công việc gấp gáp, bận rộn. Có những ngày phục vụ lễ lớn phải chuẩn bị từ 4-5h sáng thì chúng tôi hẹn nhau ngủ ngay tại văn phòng từ 21h ngày hôm trước. Càng ngày lễ, Tết, chúng tôi càng sẵn sàng tinh thần tốt nhất đón tiếp đồng bào đến viếng Lăng”, chị Hoa chia sẻ.

Sau buổi gặp gỡ chào các chị ra về, hình ảnh người nữ thương binh hạng 3/4 trong đoàn huyện Hoài Ân (Bình Định) mà chị Hoa kể khiến tôi nhớ mãi. “Sau bao năm chiến tranh rồi hòa bình lập lại, gần 70 tuổi mới lần đầu tiên ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác. Bà nói đây là lần đầu và có thể là lần cuối được gặp Bác, rồi rơi nước mắt trong dòng cảm xúc khó kìm nén”, chị Hoa bộc bạch.

Thời khắc giao thừa linh thiêng

Đại diện ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Thời điểm giao thừa hàng năm thường có đông đảo nhân dân Thủ đô đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi, giao thừa là thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới, mọi người đến Lăng Bác tâm niệm cầu mong một năm mới an lành và hạnh phúc. Trong những lời thì thầm như muốn nói với Bác: Một mùa xuân nữa lại đến, đất nước bước sang một năm mới, một chặng đường mới để hội nhập và phát triển bền vững”.

Thời gian viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức vào các buổi sáng trong tuần, trừ ngày thứ Hai và thứ Sáu. Mùa nóng (từ 1/4-31/10) mở cửa từ 7h30-10h30; mùa lạnh (từ 1/11-31/3 năm sau) mở cửa từ 8h- 11h. Thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ mở cửa thêm 30 phút. Riêng ngày 19/5, ngày 2/9 và ngày mùng 1 Tết Nguyên đán nếu trùng ngày thứ Hai hoặc thứ Sáu vẫn tổ chức lễ viếng. Năm 2016 đã có hơn 2,5 triệu người vào Lăng viếng Bác (tăng 72,7% so với năm 2015) trong đó 505.121 lượt khách nước ngoài. Ngày 2/9 là ngày có lượng người vào viếng cao nhất với 31.650 người.


Dương Thu

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-cai-tet-xuc-dong-va-tu-hao-ben-lang-chu-tich-ho-chi-minh-a179255.html