+Aa-
    Zalo

    Những câu chuyện ngắn hay nhất về tình thầy trò cho báo tường ngày nhà giáo Việt Nam 20/11

    • DSPL
    ĐS&PL Những câu chuyện ngắn hay về tình thầy trò sẽ là món quà tinh thần đặc biệt cho dịp 20/11. Dưới đây là một số câu chuyện ngắn hay nhất về thầy trò có thể đưa vào báo tường dịp 20/11 này.

    Để bày tỏ tình cảm yêu mến của mình tới thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 ngoài những món quà, những bó hoa tươi, các bạn có thể gửi tới thầy cô những câu truyện ngắn cảm động về tình thầy trò thông qua tờ báo tường. Những câu chuyện ngắn về tình thầy trò vừa là một món quà tinh thần có ý nghĩa với thầy cô, đồng thời cũng giúp chúng ta nhận ra một điều rằng: "Một lời cảm ơn chưa bao giờ là thừa".

    Người thầy và những tờ tiền cũ

    Người đầu tiên nó muốn thông báo tin quan trọng ấy không phải là ba hay mẹ nó mà là người thầy kính yêu của nó…

    Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học. Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình “làm sao mà chọi với người ta”. Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng “mình có thể”. Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó… Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó. Rồi thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học “nhân-lễ-nghĩa” của thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “bí kíp” rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra. Nó đã không “cảnh giác” thừa. Gói “bí kíp” mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000đ bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm! 900.000 đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

    truyen ngan hay ve thay tro
    Câu chuyện về người thầy luôn khiến bao thế hệ học sinh xúc động. 

    Đã hai năm kể từ cái ngày thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về. Sau đó thầy chuyển công tác. Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những đồng 10.000 của thầy (lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất!)… Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm thầy. Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: “Thầy H. mất rồi!”. Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: “Sao thầy mất?”, rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã…”. Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh… Đến bây giờ nó mới để ý thấy thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm… Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: “Thầy ơi… sao không đợi con về…!?”. Vì nó cứ đinh ninh: nếu đổi những đồng 10.000 kia thành thuốc, thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về.

    Có một người thầy dạy tôi như thế

    Trò yêu Thầy bởi những bài học mà Thầy đã truyền tải trong mỗi giờ học. Qua những áng văn, những vần thơ, thầy đã cho trò biết hiểu đời, hiểu người, hiểu chính mình và biết sống đẹp hơn. Giọng Thầy ấm áp, nồng đượm, cách giảng bài rất duyên của thầy đã khiến mỗi giờ văn bỗng trở nên thú vị hơn. Tất cả các trò dường như bị lôi cuốn, hút mình vào bể kiến thức vô tận của Thầy. Trò thực sự ngưỡng mộ Thầy và mong sao mình có thể lĩnh hội, tiếp nhận hết những gì mà Thầy đã truyền đạt.

    Trò yêu Thầy bởi những tính cách rất đặc biệt của Thầy. Các bạn ai cũng bảo: “Thầy mình rất thích khoe”. Thầy khoe nhiều lắm, nhưng trò nhớ nhất là thầy hay kheo về những chị học trò cũ của Thầy vừa xinh, vừa giỏi, lại rất thành đạt. Ban đầu trò luôn khó chịu và thấy sao Thầy kiêu thế. Rồi trò chợt nhận ra, trong lời khoe đó ẩn chứa biết bao niềm vui, niềm tự hào về những thành quả mà Thầy đã vun đắp. Và trò biết rằng, Thầy muốn chính lời khoe đó sẽ trở thành nguồn động lực thôi thúc các trò cố gắng.

    Trò yêu thầy bởi vóc dáng mang đầy chất nghệ sỹ của Thầy. Các chị khóa trước của thầy vẫn bảo Thầy rất có duyên, trò cũng thấy thế. Đến bây giờ trò vẫn không quên được ngày đầu tiên thầy bước vào lớp với mái tóc hơi dài, trên đầu đội một chiếc mũ nồi, trông thầy thật nghệ sỹ. Và cả cặp kính thầy vẫn thường mang theo nữa. Trò thích được nhìn Thầy đeo cặp kính đó ngồi đọc sách, ánh mắt của thầy xa xăm và đăm chiêu đến khó tả. Có lẽ hình ảnh ấy của Thầy sẽ mãi đậm in và tươi nguyên trong ký ức của trò.

    Và cuối cùng, không chỉ dừng lại là lòng kính yêu của một học trò dành cho Thầy giáo, mà hơn thế là tình yêu của một người con gửi tới người cha kính yêu. Con thực sự xúc động và luôn thấy ấm áp vô cùng về tình cảm ân cần, sự quan tâm sâu sắc thầy dành cho các con. Con còn nhớ, mùa đông năm ấy, chân con bị đỏ, ngứa và sưng tấy. Thầy biết và đã chỉ cho con cách ngâm chân vào nước ấm hòa với muối. Mùa đông năm nay đang về, chân con có lẽ sẽ không bị đau nữa, nhưng con mãi không quên bài thuốc đó của Thầy. Bởi đấy không chỉ là một bài thuốc mà còn chứa đựng tình yêu thương của một người cha.

    Thầy ơi, thầy còn buồn nhiều không? Các trò biết đã nhiều lần làm thầy lo nghĩ, bận lòng. Mỗi lần các trò lười học, trò bỗng nhận ra trên nét mặt thầy một thoáng nhớ tiếc, âu lo. Nhớ tiếc Thầy dành cho thế hệ học trò hôm qua, âu lo thầy gửi vào các trò hôm nay. Trò muốn được cùng các bạn nói lời xin lỗi thầy, các trò sẽ cố gắng nhiều hơn nữa. 

    Một ngày 20/11 nữa đang đến. Với thầy ngày này năm nay đã khác, Thầy đã xa bảng đen, phấn trắng và xa biết bao học trò thân thương. Trò cũng không còn ở ngôi trường thân quen, được nghe tiếng Thầy giảng bài, được Thầy quan tâm hay được thấy nét trầm ngâm của Thầy nữa. Vậy nên, phút giây này trò muốn được tiếp nối các chị nói lời kính yêu thầy, muốn được cùng các bạn của bao thế hệ học trò gửi tới Thầy lời tri ân sâu sắc nhất. Có một người Thầy luôn miệt mài, lặng lẽ, tận tụy suốt đời cho sự nghiệp trồng người. Có một người Thầy luôn chiếm vị trí đặc biệt trong lòng biết bao thế hệ học trò. Đó là thầy giáo dạy văn của tôi.

    "Cô ơi! Là con đấy ạ"

    Cô Thùy, giáo viên dạy trung học cơ sở, kể rằng cũng nhờ việc ứng xử khéo léo cô đã giúp một học sinh hối lỗi và một học sinh khác không lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi mất đi món tiền với em là khá lớn.

    Hôm ấy có tiết dạy ở lớp chủ nhiệm. Vào lớp thấy vắng cô bé Như, lớp trưởng nói rằng ngày qua ở lớp, bạn ấy bị mất toàn bộ tiền đóng học nên bạn ấy nói có lẽ sẽ nghỉ học luôn.

    ke ve mot thay giao hay mot co giao
    Thầy cô giáo luôn là người giúp học sinh vượt qua khó khăn và cả những sai lầm. 

    Cô đã liên lạc với bà của Như và được biết “ngày qua đi học về, Như nói con sẽ phải nghỉ học thôi vì số tiền nội đưa đóng học đã bị bạn nào lấy hết”. Nội cô bé cũng nói giờ thì chẳng biết sẽ lấy tiền đâu mà đóng cho trường… Cô giáo đã khuyên nội cứ cho Như đi học, chuyện tiền mình sẽ sắp xếp được.

    Cô Thùy nói mình đã biết hoàn cảnh của Như. Ba mẹ bỏ nhau và mỗi người đều có gia đình riêng. Như ở với nội, bà cháu tự đùm bọc nhau để sống.

    Hằng ngày, bà đi bán vé số, cái lưng còng cúi gần sát đất nên đi lại cũng chẳng lanh lẹ gì. Dù bán suốt ngày cũng chỉ đủ hai bà cháu ăn uống qua ngày.

    Góp nhặt được chút xíu để đóng tiền học và thuốc men khi trái gió trở trời. Thế nên gần một triệu đồng bà đưa Như đóng tiền học, bà cũng phải để dành mấy tháng trời mới có được. Giờ thì chẳng biết sẽ lấy tiền ở đâu mà nộp.

    Trở lại lớp, cô Thùy kể câu chuyện gia cảnh của Như, nỗi khốn khổ khi em phải sống xa cha mẹ. Sự thiếu thốn tinh thần cộng với điều kiện kham khổ về vật chất nên mất đi số tiền ấy Như đành phải nghỉ học.

    Không khí lớp học chùng xuống, nhiều bạn buồn bã đưa mắt nhìn nhau, có cả tiếng sụt sịt cuối lớp.

    Cô nói tiếp “cô biết bạn nào lở lấy tiền của bạn giờ biết rõ hoàn cảnh này cũng đang ân hận lắm đây. Chắc chắn bạn đang muốn trả lại tiền cho bạn nhưng chưa biết làm cách nào. Giờ cô gợi ý nhé. 

    Cả lớp hồi hộp, cô Thùy tiếp lời “Cô phát cho cả lớp mỗi bạn một tờ giấy, các em ghi suy nghĩ của mình vào đây và nộp lại cho cô”. 

    Sau khi mở 50 mảnh giấy, cô Thùy cảm thấy thất vọng vì gần như đọc được câu trả lời con không có lấy. Bất ngờ ở tờ giấy cuối cùng trông có vẻ nhàu nhỉ hơn “cô ơi, là con đấy ạ”.

    Cô Thùy nói viết câu này ra cô học trò này phải đắn đo dữ lắm nên vày vò tờ giấy đến nhàu đi. Hôm sau, cô đã bí mật gặp riêng em và nhận lại khoảng 2/3 số tiền vì em đã trót xài rồi.

    Cô nói mình sẽ bù vào số tiền thiếu hụt ấy nhưng em hãy hứa với cô đừng bao giờ làm thế nữa vì tính tắt mắt rất xấu và ai cũng ghét.

    Nhiều năm học sau dù không học cô nữa nhưng cô bé vẫn thường xuyên đến thăm cô. Có lần cô bé nói "nếu ngày ấy, cô công khai tên của em trước lớp chắc em chỉ còn nước nghỉ học vì xấu hổ với bạn bè".

    Giờ thì cô bé ấy cũng là đồng nghiệp với cô. Chắc chắn cô bé cũng đã học được cách ứng xử đầy nhân văn của cô giáo mình. Chuyện riêng của quá khứ sẽ mãi là bí mật của hai cô trò.

    Minh Hạnh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-cau-chuyen-ngan-hay-nhat-ve-tinh-thay-tro-cho-bao-tuong-ngay-nha-giao-viet-nam-2011-a517147.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan