Những chứng minh nhân dân bị mất với hậu quả nghiêm trọng


Thứ 2, 20/04/2015 | 03:31


(ĐSPL) - Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Tân mua một số chứng minh nhân dân tại một hiệu cầm đồ.

(ĐSPL) - Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Tân mua một số chứng minh nhân dân tại một hiệu cầm đồ, trong đó có chứng minh nhân dân mang tên Vũ Phan Quốc Việt. 
Theo tin tức trên báo Pháp Luật Việt Nam, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố các đối tượng Phùng Đình Tân (38 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh), Nguyễn Tấn Chương (25 tuổi, ngụ quận 10), Nguyễn Thị Diệu Minh (24 tuổi, ngụ quận 10) cùng về tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Vụ án được phát hiện từ đơn tố cáo của một số khách hàng về việc họ bị lừa đảo khi mua hàng trực tuyến. Trước đó, chị Nguyễn T.H (ngụ phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM) sau khi truy cập vào website www.iphonehot.net, thấy tại website này đăng thông tin giới thiệu là website bán hàng trực tuyến của Công ty TNHH Viettel, có địa chỉ tại số 106 đường 3/2, phường 14, quận 10, TP.HCM.
Chị đã đặt mua 2 điện thoại di động nhãn hiệu iPhone5 và 1 máy ảnh nhãn hiệu Canon 600D (tất cả các sản phẩm mới 100\%, chính hãng) với giá niêm yết tổng số tiền 25,8 triệu đồng.
Chị H. đã chuyển số tiền trên vào tài khoản mang tên Vũ Phan Quốc Việt, mở tại Ngân hàng Đông Á. Tuy nhiên, sau đó chị H. nhận được hàng là 2 máy tính bảng đã qua sử dụng, không rõ nhãn hiệu.
Tương tự, anh Hồ Nguyên H. (ngụ phường 24, quận Bình Thạnh) cũng truy cập vào website www.iphonehot.net đặt mua 1 máy ảnh nhãn hiệu Canon 600D, mới 100\%, hàng chính hãng với giá 8,5 triệu đồng. Sau đó anh H. được các đối tượng bán hàng trên website yêu cầu chuyển tiền mua hàng vào tài khoản mang tên Vũ Phan Quốc Việt mở tại Ngân hàng Agribank – Chi nhánh 10 ở TP.HCM.
Anh H. đã chuyển tiền theo yêu cầu và đã nhận được hàng là 1 máy quay kỹ thuật số đã qua sử dụng do Trung Quốc sản xuất. Không chỉ lừa khách hàng ở TP.HCM, các đối tượng còn lừa rất nhiều người ở Hà Nội, Khánh Hòa, Tiền Giang, Sóc Trăng...
Trong khi các đối tượng vẫn tiếp tục giở trò lừa đảo, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an cùng Công an phường 15, quận 10, TP.HCM tiến hành kiểm tra hành chính tại địa chỉ 575/31/27L đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 15, quận 10, phát hiện Phùng Đình Tân, Nguyễn Tấn Chương và Nguyễn Thị Diệu Minh đang quản trị website www.iphonehot.net.
Cơ quan công an cũng phát hiện nhóm đối tượng đang sử dụng nhiều số điện thoại, lưu trữ nhiều thẻ ATM của nhiều ngân hàng, trong đó có thẻ ngân hàng mang tên Vũ Phan Quốc Việt mở tại Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Đông Á.

Các đối tượng tại cơ quan điều tra. 

Theo báo Công an Nhân dân, tại cơ quan điều tra, Tân và Chương khai nhận đã thực hiện hành vi lừa đảo trên. Theo đó, để tránh bị Công an bắt nếu hành vi gian lận trên bị phát hiện, các đối tượng bàn bạc phải sử dụng CMND giả.
Theo phân công nhiệm vụ, Phùng Đình Tân đến một cửa hiệu cầm đồ ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh mua một số CMND. Sau khi “nhận dạng”, phát hiện ảnh trong CMND có tên Vũ Phan Quốc Việt có khuôn mặt hao hao giống Nguyễn Tấn Chương nên Tân yêu cầu Chương mạo danh Vũ Phan Quốc Việt mở tài khoản thanh toán và làm thẻ ATM tại ngân hàng, sử dụng tài khoản này để lừa các nạn nhân mua hàng chuyển tiền vào.
Khi mở xong tài khoản, Chương tiếp tục sử dụng CMND của Vũ Phan Quốc Việt đăng ký tên miền website có địa chỉ www.iphonehot.net. Tân và Chương đã đăng thông tin rao bán hàng điện tử của các hãng nổi tiếng như Apple, Samsung, Sony, Canon... tại trang web www.iphonehot.net.
Lời rao “hàng mới 100\% nhưng giá chỉ bằng 60\% giá bán trên thị trường” đã thu hút nhiều khách đăng ký mua hàng. Sau khi khách hàng thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng (do Chương mạo danh người khác mở tại Ngân hàng Agribank - chi nhánh 10 và Ngân hàng Đông Á), Tân và Chương không giao hàng hoặc giao sản phẩm có giá trị thấp, không đúng như cam kết với khách hàng. Bằng thủ đoạn này, Tân và Chương chiếm đoạt 706 triệu đồng, trong đó Tân hưởng 2/3 và Chương hưởng 1/3. Còn Minh dù biết hành vi lừa đảo của Tân, Chương nhưng vẫn tham gia việc bán hàng, hướng dẫn khách hàng chuyển tiền vào tài khoản.
Tuy nhiên, đến khi nhận hàng, không phải là hàng chính hãng, hàng mới 100\% mà là hàng cũ đã qua sử dụng, không rõ xuất xứ... nên nhiều người tố cáo đến cơ quan điều tra.
Từ CMND trên, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã tiến hành xác minh và làm việc với Vũ Phan Quốc Việt (SN 1991, tỉnh Khánh Hoà). Việt cho biết, năm 2009 trong thời gian đi học, Việt thuê trọ gần Trường Đại học Lâm nghiệp (quận Thủ Đức TP Hồ Chí Minh) và có làm mất CMND do Công an tỉnh Khánh Hoà cấp. Sau đó, Việt đã trình báo và được Công an tỉnh Khánh Hoà cấp lại CMND mới. Trong thời gian sử dụng CMND cũ, Việt không mở tài khoản tại ngân hàng nào và cũng không cho người khác mượn.
Ngoài việc sử dụng giấy CMND giả để mở tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, các đối tượng còn sử dụng CMND giả để thành lập DN “ma”, đăng ký giám đốc “khống”. Điển hình, Công ty TNHH Tân Đại Thành do Trần Phát làm Giám đốc (trụ sở ở quận 2) đã lừa nhiều DN chuyển tiền mua hàng vào tài khoản nhưng không giao hàng. Quá bức xúc, các DN đã “truy tìm” đến tận nhà giám đốc Trần Phát thì sự thật lúc này mới bị phơi bày: Người có tên Trần Phát không hề biết gì về công ty do mình làm giám đốc. Phát mất giấy CMND tháng 8/2011 và đã làm thủ tục cấp lại ngày 8/11/2011. Ảnh dán trên CMND photo cũng không phải của Phát...
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng giấy CMND bị mất của Nguyễn Công Danh (28 tuổi, ngụ quận 2) giả làm người đại diện Công ty Tân Đại Thành để rút tiền lừa đảo từ các tài khoản.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh (PC46) cho biết, tình trạng sử dụng CMND giả để thực hiện các thủ đoạn lừa đảo hiện đang xảy ra khá phổ biến. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng CMND giả, CMND của người khác hoặc tìm mua CMND tại chợ Dân Sinh (quận 1), chợ An Đông (quận 5), các hiệu cầm đồ, nhà nghỉ, khách sạn… sau đó thay ảnh trong giấy CMND. Tất cả các loại CMND giả này, các đối tượng mang đến ngân hàng, sở kế hoạch – đầu tư… để đăng ký.
Tình trạng trên cho thấy, do việc kiểm chứng thực tế giữa người và CMND của các cơ quan chức năng chưa được chú trọng nên đã dẫn đến hệ lụy là các đối tượng lợi dụng sơ hở này để thực hiện việc lừa đảo. Đó cũng là lý do loại tội phạm này chưa được ngăn chặn triệt để.
Giám đốc lừa đảo, “ẵm” hơn 200 triệu đồng
Kim Thành (Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-chung-minh-nhan-dan-bi-mat-voi-hau-qua-nghiem-trong-a91657.html