+Aa-
    Zalo

    Những cuộc giao dịch kín tiếng trên sàn chứng khoán của Bách Khoa Việt

    (ĐS&PL) - Nhiều năm hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực xây dựng cầu đường, công trình dân dụng, bất động sản và thị trường kinh doanh xăng dầu, Bách Khoa Việt còn được nhiều nhà đầu tư biết đến với những giao dịch khủng trên sàn chứng khoán khi là đối tác ngầm của nhiều pháp nhân trên sàn.

    Loạt bê bối nợ thuế và buôn bán xăng dầu "lậu"

    Vừa qua, Bộ Công an đã phát thông tin liên quan đến vụ án xảy ra tại Bộ Công thương, Công ty cổ phần Thương mại, Tư vấn, Đầu tư, Xây dựng Bách Khoa Việt (Công ty Bách Khoa Việt).

    Theo đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đang tiến hành điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty Bách Khoa Việt và các đơn vị có liên quan. Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Bộ Công thương, Công ty Bách Khoa Việt và các đơn vị liên quan; đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với:

    Nguyễn Lộc An (sinh năm 1965) Chuyên viên Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương) về tội Nhận hối lộ, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;

    Trần Trác Việt Đức (sinh năm 1990), Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt và Đỗ Thị Tuyết Nga, sinh năm 1979, Kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt, cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

    da8032817c35a96bf024
    Các bị can bị bắt liên quan đến vụ án tại Bộ Công thương và công ty Bách Khoa Việt. Ảnh: Bộ Công an

    Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên đúng quy định của pháp luật. 

    Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản. 

    Chỉ khi vụ án bị phanh phui, thông tin hoạt động của Bách Khoa Việt mới dần được hé mở. Bách Khoa Việt được thành lập vào tháng 10/2007, hiện đóng trụ sở tại số 457 Tân Kỳ Tân quý, phường Tân Quý, TP.HCM.

    Cơ cấu cổ đông tính đến tháng 5/2016, gồm: Bà Trần Thị Loan Phương (64,407%), bà Huỳnh Tư (35%) và ông Nguyễn Ngọc Tuấn (5%). Bên cạnh vai trò cổ đông lớn nhất, bà Trần Thị Loan Phương còn là Chủ tịch HĐQT công ty.

    Ban đầu thành lập có vốn điều lệ 66 tỷ đồng. Lần gần nhất cập nhật đăng ký kinh doanh là đến tháng 6/2018, Bách Khoa Việt tăng vốn lên 456 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ. 

    Sau nhiều năm hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực xây dựng cầu đường, công trình dân dụng và kinh doanh bất động sản, đến năm 2014, 2015 doanh nghiệp này từng bước tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu.

    Ngoài việc phát triển mảng khách hàng bán buôn và khách hàng công nghiệp, công ty phát triển hệ thống các cửa hàng bán lẻ, hệ thống kho bãi và logistics rộng khắp khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây.

    Bách Khoa Việt được biết đến hợp tác với nhiều đơn vị để thiết lập hệ thống kho chứa xăng dầu trải rộng như: Tổng kho xăng dầu Nhà Bè của Công ty Xăng dầu Khu vực II TNHH MTV (Petrolimex Saigon); Kho xăng dầu ngoại quan Hiệp Phước (huyện Gò Công Đông, Tỉnh Tiền Giang); Kho xăng dầu Phúc Thành (quận Ô Môn, TP Cần Thơ); Kho xăng dâu Châu Thanh (huyên Châu Thanh, tinh Bên Tre); Kho xăng dâu BKV PETRO Tây Ninh (huyên Hoa Thanh, tinh Tây Ninh)…. Đây đều là những kho xăng dầu đầu mối tại miền Đông và Tây Nam Bộ.

    Sau đó, hoạt động kinh doanh của Bách Khoa Việt đã gặp nhiều vấn đề. Liên quan đến đường dây buôn lậu hơn 136 triệu lít xăng dầu (hồi năm 2022), bà Trần Thị Loan Phương, Chủ tịch HĐQT Bách Khoa Việt đã bị khởi tố về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng Phương đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Cơ quan CSĐT Bộ Công an sau đó đã ban hành quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can Trần Thị Loan Phương để tiến hành điều tra xử lý sau.

    cong ty bach khoa viet bi vietinbank rao ban no 800 ty lam an nhu the nao 0f3 4940012 1655501063
    Hoạt động kinh doanh của Bách khoa Việt từng dính nhiều bê bối. Ảnh: Thương hiệu & Công luận.

    Trước đó, năm 2020, công ty Bách Khoa Việt cũng nằm trong danh sách nợ thuế của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Đến ngày 13/05/2020 là 541 tỷ đồng. Ngoài ra, số lãi cộng đến nay cũng là hơn 49 tỷ đồng, kèm khoản lãi phạt chậm trả 23,6 tỷ đồng.

    Theo phía Ngân hàng, tổng khoản nợ liên quan khách hàng nói trên đang là 541 tỷ đồng, đi kèm hàng loạt tài sản bảo đảm giá trị như bất động sản, ô tô sang, cửa hàng xăng dầu…

    Những giao dịch ngầm với các pháp nhân chứng khoán

    Không chỉ hoạt động trong các lĩnh vực trên, những nhà đầu tư lớn trong giới còn biết đến hoạt động giao dịch trong lĩnh vực chứng khoán của Bách Khoa Việt khi hợp tác với nhiều pháp nhân kín tiếng trên sàn chứng khoán. 

    Cụ thể, CTCP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt từ ngày 10/8 – 16/10/2022 đã huy động 44,2 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất cố định 12%/năm. Toàn bộ nguồn vốn kể trên được Danh Việt dùng để tăng quy mô vốn hoạt động và nhận chuyển nhượng tòa nhà văn phòng tại địa chỉ số 79/14, đường số 12, TP. Thủ Đức, TP.HCM.

    Được biết, đây cũng là một trong các tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Bách Khoa Việt mà VietinBank AMC thông báo đấu giá hồi tháng 5/2020.

    Bên cạnh đó, Bách Khoa Việt cũng là đối tác quen thuộc với CTCP In Sách Giáo Khoa Hòa Phát (HNX: HTP) – công ty mẹ Danh Việt. Hồi tháng 8/2020, nhóm công ty thuộc HTP đã đầu tư 530 tỷ đồng vào Dự án Nhà máy pha chế xăng nhiên liệu sinh học E5 (tỉnh Quảng Nam). Sau đó, do dự án chậm tiến độ, hai các bên đồng ý thanh lý hợp đồng vào tháng 8/2022. Điều đáng nói, HTP, Danh Việt đều là những "mắt xích" quan trọng có liên hệ với doanh nhân Lại Minh Hậu.

    Cùng với một số pháp nhân như CTCP Hưng Vượng Developer, Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát, CTCP Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Long Thượng Lộc, nhóm này trong giai đoạn 2019-2022 đã huy động thành công 3.924 tỷ đồng trái phiếu. Kỳ hạn các lô trái phiếu này dao động từ 12 – 48 tháng, lãi suất 11 – 12%. Nếu tính các lô còn lưu hành, dư nợ trái phiếu nhóm này hiện là 2.068,7 tỷ đồng (tính tại ngày 30/6/2023 với lô DVCCH2224001 của Danh Việt).

    Dù vậy, đáng chú ý là có đến 3 lô trái phiếu dù đã đáo hạn nhưng chưa trả hết gốc và/hoặc lãi, gồm: HVDCH2123001 (600 tỷ đồng), PCCH2122001 của Công ty TNHH Xây dựng Hưng Phát (250 tỷ đồng) và DTCCH2122001 của CTCP Kinh doanh Đá quý và Trang sức Đức Tiến (500 tỷ đồng). Trong khi đó, lô DGTH2224001 của DGT (350 tỷ đồng) chậm trả lãi trái phiếu.

    Nguồn vốn nghìn tỷ thu về từ các đợt phát hành trái phiếu là động lực quan trọng giải thích cho sự nổi lên nhanh chóng thời gian qua của nhóm HTP - TCO - DGT, kèm theo đó là các sóng cổ phiếu dồn dập của 3 mã chứng khoán này trong giai đoạn 2020-2022.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-cuoc-giao-dich-kin-tieng-tren-san-chung-khoan-cua-bach-khoa-viet-a592364.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bộ Công Thương vẫn muốn tính thêm khoản lỗ vào giá điện

    Bộ Công Thương vẫn muốn tính thêm khoản lỗ vào giá điện

    Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về dự thảo quyết định thay thế Quyết định 24/2017 cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, sau khi Bộ Tư pháp thẩm định. Đáng chú ý liên quan tới việc đưa các khoản lỗ, chênh lệch tỉ giá chưa được phân bổ vào các chi phí khác trong công thức tính giá điện.