+Aa-
    Zalo

    Những cựu điệp viên tiết lộ gì về nghề gián điệp?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nghề điệp viên được coi là một trong những nghề bí ẩn, và những điệp viên phải chịu áp lực rất căng thẳng bởi họ phải hết sức tỉnh táo và hoạt động bí mật

    (ĐSPL) - Nghề điệp viên được coi là một trong những nghề bí ẩn, và những điệp viên phải chịu áp lực rất căng thẳng bởi họ phải hết sức tỉnh táo và hoạt động bí mật trong mọi hoàn cảnh. Những cựu điệp viên quốc tế đã tiết lộ gì về nghề này?

    Bí mật luôn được giữ đến phút chót

    Trong một bài phỏng vấn trên New York Times hồi tháng 5/2015, ông Kim Dong-shik, người tự nhận là một cựu điệp viên Triều Tiên, đã tiết lộ về cuộc đời điệp viên của mình, từ khi được cử đi đào tạo cho đến khi thôi hành nghề này.

    Khác với những điệp viên của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), vốn thường được tuyển mộ từ các trường đại học danh giá, những tình báo viêc của CHDCND Triều Tiên thường được chọn lựa ngay từ thời trung học. Thậm chí lúc được tuyển mộ, họ còn không biết sứ mệnh tương lai của mình là gì.

    Cựu điệp viên Triều Tiên Kim Dong-shik. (Ảnh: NYTimes)

    Ông Kim cho biết, ông được tuyển chọn năm 1981 khi còn học trung học, và được gửi tới một trường đại học chuyên biệt trong 4 năm. Ở đó, ông học về các kỹ năng như võ thuật, lặn, bắn súng và cài thuốc nổ. Nhiều năm sau khi hoàn thành đầy đủ các bài huấn luyện, ông mới được biết mình được chọn làm điệp viên.

    Trường hợp khác là Kim Hyun-hee, được giới chức tình báo Bình Nhưỡng chú ý vào thập niên 1970, khi còn là cô nữ sinh trung học nhờ trí thông minh sắc sảo, vẻ bề ngoài ưa nhìn và khả năng ngoại ngữ. “Một ngày nọ, một chiếc xe mui kín màu đen đỗ xịch trong sân trường. Họ đến từ trung ương đảng và nói rằng tôi được chọn”, Kim kể lại trong cuộc phỏng vấn với ABC News năm 2013.

    Kim thậm chí không được phép từ giã bạn bè, phải thu xếp hành lý ngay và chỉ được ở lại với gia đình một đêm.

    Học nghề trong điều kiện khắc nghiệt

    Sự khắc nghiệt trong môi trường tình báo thể hiện ngay ở thời gian “học nghề”, đặc biệt là với các điệp viên nữ. Trong Blowing My Cover - My Life as a CIA Spy (Phá vỡ lớp vỏ bọc - Đời làm điệp viên CIA của tôi) phát hành năm 2004, cựu nữ điệp viên Lindsay Moran đã tiết lộ một số chi tiết liên quan thời gian học tập tại “nông trại” - từ lóng chỉ trung tâm huấn luyện CIA.

    Trong một bài tập tình huống giả định, Moran bị bịt mắt, được đưa đến con đường vắng và bị tấn công. “Một nhóm lạ mặt từ đâu bất ngờ xuất hiện với gậy gộc đập túi bụi vào chiếc xe của tôi. Một tên trong bọn thậm chí mang AK47 và bắn chỉ thiên liên thanh…” - Moran kể. Việc của cô là phải làm thế nào tự tháo băng bịt mặt và lái xe chạy thoát.

    Lần khác, “tôi bị vây kín gần như bốn bề, trừ phía trước, nơi hai chiếc xe đậu ngang thành hàng rào chỉ chừa lối đi hẹp. Một tên bắt đầu đập cửa sau và định bò vào trong bóp cổ tôi. Trong tình huống như vậy, dù biết là giả định, tôi vẫn hoảng hốt thật sự. Bản năng sinh tồn đã giúp tôi đạp mạnh chân ga lao thẳng về phía trước. Tôi chỉ kịp nhìn thấy hai chiếc xe rào chắn bị đụng bẹp móp bên sườn…”.

    Bài tập về trực nghiệm tù binh gây cho Moran cũng như các học viên nữ khác cảm giác sợ hãi tột độ, thậm chí kinh khủng hơn. Sau khi bị “bỏ lạc” trong rừng nhiều ngày, nhóm Moran bị “bắt” và bị giam trong xà lim bê tông tối bưng như hũ nút. Những gì xảy ra tiếp theo là các tình huống hệt như thật: họ bị tra tấn, hỏi cung, hù dọa…

    Để trở thành một điệp viên giỏi, họ đã phải rèn luyện cả khả năng đánh giá người, khả năng lắng nghe, thậm chí cả khả năng tán tỉnh, ve vãn.

    Còn trường hợp của Kim Hyun-hee , năm 1980, Kim được gửi đến một trường huấn luyện điệp viên ưu tú nằm trên một dãy núi hẻo lánh. Cô được đặt một cái tên mới là Ok Hwa, được huấn luyện võ thuật, sử dụng vũ khí và ngoại ngữ. Cuối khóa huấn luyện dài gần 8 năm, Kim phải trải qua quá trình thử thách hết sức khắc nghiệt. Một trong những bài kiểm tra mà cô phải thực hiện là bí mật xâm nhập vào một đại sứ quán giả, bẻ khóa két sắt và đọc thuộc lòng một tài liệu được đặt bên trong.

    Làm điệp viên là không được yêu

    Theo chia sẻ của Norris (tên giả) – một điệp viên mới của làng tình báo Mỹ, sau thời gian làm chuyên gia phân tích ảnh tình báo, cô được bổ nhiệm làm điệp viên hoạt động nước ngoài (với vỏ bọc nhân viên sứ quán).

    Trong một buổi tiệc, Norris gặp một nhà ngoại giao Trung Đông rồi hai người yêu nhau. Gần như tất cả chi tiết trong quan hệ tình cảm riêng đều được Norris báo cáo đầy đủ cho cấp trên (như cam kết bắt buộc). Tuy nhiên, có một nguyên tắc bất thành văn là khi đã trở thành CIA thì chẳng yêu đương gì cả, đặc biệt với nữ.

    Do đó, Norris bị yêu cầu chấm dứt quan hệ, đồng thời bị triệu hồi về Mỹ. Hè năm 2002, khi người tình của cô đến Mỹ, CIA gây sức ép với đề nghị chỉ được chọn một trong hai - sự nghiệp hay tình yêu. Norris đã chọn sự nghiệp.

    Chưa dừng lại ở đó, tại phòng An ninh CIA, Norris vẫn bị hỏi cung nhiều giờ, bị kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối, bị yêu cầu đưa thanh tra nội bộ CIA đến nhà tải tất cả thông tin lưu trong ổ cứng máy tính. Cuộc điều tra kéo dài một năm và cuối cùng Norris bị… sa thải với lời “nhắc nhở” rằng không được hé môi chuyện trên cho bất kỳ người nào…

    Nữ điệp viên Lora Griffith là một ví dụ khác. Trong những ngày sau vụ khủng bố 11/9/2001, Griffith được chỉ định phối hợp làm việc với một viên chức tình báo thuộc đồng minh Mỹ tại châu Âu. Thế rồi “chúng tôi trở thành bạn thân” - Griffith kể. CIA cho rằng cô quan hệ thân với viên chức tình báo kia quá mức cho phép, rằng cô đã tiết lộ không ít bí mật… Một ngày năm 2003, cô được yêu cầu đến phòng An ninh nội bộ. Tại đó, một nhân viên nữ ngồi ở chiếc bàn tròn yêu cầu Griffith trao lại huy hiệu hành nghề! Thế là sau 19 năm làm việc cho CIA, Griffith bị sa thải với tội danh không rõ ràng và bằng chứng mơ hồ!...

    Phải sẵn sàng hi sinh, kể cả việc tự kết liễu đời mình nếu bị bắt

    Điệp viên Kim Dong-shik từng chia sẻ: “Khi nghe nói sẽ trở thành điệp viên, tôi cảm thấy choáng váng. Đã có rất nhiều tai nạn xảy ra với các điệp viên trước đó. Và nhiều người được phái đến Hàn Quốc đã bỏ mạng, nên tôi nghĩ mình chết chắc”.

    Theo ông, huấn luyện thể lực chỉ là một phần, và quan trọng nhất vẫn là sự chuẩn bị về tâm lý. “Chúng tôi được dạy rằng phải sẵn sàng hi sinh vì chế độ, và nếu bị bắt, chúng tôi phải đảm bảo mình không bị bắt sống”, ông nói.

    Trong một bài phỏng vấn với CNN, ông nói rằng ông từng bị một sĩ quan Hàn Quốc bắn trọng thương năm 1995, khi đang làm nhiệm vụ ở Seoul. Do đó, ông không thể tự tử, và gia đình ông ở Triều Tiên đã bị xử tử, như một hình phạt dành cho ông vì không tự kết liễu số phận mình. Mặc dù vậy, CNN đã không thể xác minh tuyên bố này của ông Kim.

    NGÂN LINH(tổng hợp) 

    Xem thêm video: 

    [mecloud]QmXcvk7vy[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-cuu-diep-vien-tiet-lo-gi-ve-nghe-gian-diep-a110903.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.