+Aa-
    Zalo

    Những "dũng sĩ" giải cứu đồ ăn thừa ở Singapore

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nghị sĩ Anthea Ong đánh giá cao hành động của các nhóm giải cứu thực phẩm, cho rằng nó phản ánh sự thay đổi trong tư duy người Singapore.

    Nghị sĩ Anthea Ong đánh giá cao hành động của các nhóm giải cứu thực phẩm, cho rằng nó phản ánh sự thay đổi trong tư duy người Singapore.

    Gary Lee (trái) và Eunice Leow đang cố gắng giảm thiểu lượng chất thải thực phẩm ở Singapore. Ảnh: SCMP

    Mỗi tuần hai lần, Gary Lee (36 tuổi), giám đốc một công ty vận tải, sẽ tới trung tâm chăm sóc trẻ em gần nhà, ngay trung tâm thành phố Singapore, để thu thập các đồ ăn thừa.

    Mỗi chuyến đi như vậy, anh Lee thường thu thập được hai thùng gạo, một ít súp rau và một hộp cá tuyết thái lát với nước sốt.

    Ước tính lượng thực phẩm này đủ để gia đình 5 người của anh sử dụng trong 9 bữa ăn, tương ứng với 3 ngày.

    Anh Lee thuộc một nhóm người ở Singapore hiện đang sống và tham gia các hoạt động theo cách riêng của họ để giảm thiểu lượng rác thải tại thành phố.

    Quốc đảo sư tử giàu có đã tạo ra hơn 763.000 tấn chất thải thực phẩm trong năm 2018, tăng 34% so với năm 2008, khi con số này ở mức 568.000 tấn. Tỷ lệ tái chế chất thải thực phẩm vẫn ở mức thấp, không quá 17%.

    Khi chính phủ nhận ra được điều này và coi chất thải thực phẩm là một vấn đề quốc gia, các phong trào sống xanh giống như anh Lee làm đang ngày càng được nhân rộng.

    Các cá nhân đã tự tổ chức các sự kiện, hoạt động thông qua phương tiện truyền thông xã hội, tìm kiếm sự sáng tạo để giảm lãng phí thực phẩm, như thu gom thực phẩm chưa nấu chín và chế biến rồi dùng tiếp, hoặc cho đi.

    Giải cứu thực phẩm

    Hơn 763.000 tấn chất thải thực phẩm trong năm 2018 ở Singapore. 

    Anh Lee phát hiện ra số thức ăn còn sót lại của trung tâm chăm sóc trẻ em thông qua một nhóm có tên  Food Rescue Singapore (Giải cứu Thực phẩm Singapore). Nhóm hoạt động chủ yếu trên ứng dụng trò chuyện Telegram và nhằm mục đích thu gom thức ăn chín còn sót lại từ các quán ăn và các sự kiện.

    Mỗi ngày, mọi người đăng thông tin chi tiết về thức ăn thừa mà họ nhìn thấy, với hy vọng rằng những người trong khu vực lân cận có thể thu thập chúng.

    Ví dụ một bài đăng vào ngày 22/5 cho thấy hình ảnh của những chiếc bánh sandwich còn sót lại, chả giò, pizza và cánh gà nướng được bỏ lại từ bữa tiệc buffet tại sự kiện của một công ty. Thành viên đăng bài đã chỉ rõ địa chỉ và nói: “Hãy vui lòng mang theo hộp đựng. Thực phẩm thừa sẽ được bỏ đi sau 18h”.

    “Mục đích của chúng tôi là giải cứu thực phẩm và không lãng phí nó. Miễn là thực phẩm được ăn và không bị vứt đi, đó là điều tuyệt vời”, ông Den Teo (40 tuổi), người sáng lập Food Rescue Singapore cho biết.

    Nhóm Food Rescue Singapore bắt đầu hoạt động chỉ với 10 thành viên vào năm 2017. Hiện tại, tổ chức này nó có hơn 2.540 thành viên.

    Ông Den Teo cho biết, ông đã quan sát những nỗ lực hướng tới môi trường tương tự được nhen nhóm và cất cánh trong các trường đại học địa phương. Nhưng không có kênh nào để kết nối tất cả mọi người trong nước, nên ông đã tìm cách thu hẹp khoảng cách đó.

    Những khó khăn

    Hai lần một tuần, Gary Lee đến một trung tâm chăm sóc trẻ em để thu thập thực phẩm thừa. Ảnh: SCMP

    Số lượng thức ăn thay đổi theo ngày, đôi khi chỉ đủ cho một người đàn ông ăn tối, những có những lúc nó có thể nuôi sống hàng tá lao động. Điều này là thách thức chính trong việc giải cứu thực phẩm.

    Đã có những trường hợp sau thu thập những túi cơm từ một nhà hàng, các tình nguyện viên đã nấu lại và thêm trứng, rau và thịt để biến nó thành một bữa ăn hoàn chỉnh, rồi phân phát cho những người lao động nhập cư tại các công trường xây dựng, ông Den Teo nói.

    Một thách thức khác là việc giải cứu thực phẩm thành công phụ thuộc phần lớn vào thời gian và địa điểm. Nhóm nhận thấy sự quan tâm và tỷ lệ phản hồi cao hơn vào cuối tuần và các địa điểm trong trung tâm thành phố.

    Ông Teo đã và đang tiến tới các cuộc giải cứu được lên kế hoạch từ trước để giảm thiểu vấn đề khó lường. Anh ấy khuyến khích các thành viên trong nhóm trò chuyện trước với anh ấy về các sự kiện, để anh ấy có thể sắp xếp một vài nhân viên giải cứu thực phẩm.

    Trung tâm chăm sóc trẻ em là một ví dụ về một cuộc giải cứu được lên kế hoạch trước bắt đầu từ tháng 1/2019. Người quản lý trung tâm cho biết kể từ khi bắt đầu hoạt động này, cô không phải vứt bỏ thức ăn thừa nữa.

    Các công nhân nhận thực phẩm từ các hoạt động của nhóm Food Rescue Singapore. Ảnh: SCMP

    Ông Teo cũng đã tìm đến Eunice Leow, một gia sư 39 tuổi, đã kết hôn vào tháng 3/2019. Cả hai đều là thành viên trong một nhóm Facebook tập trung vào lối sống không lãng phí.

    Leow rất muốn giải cứu thức ăn thừa từ đám cưới của cô, nhưng không biết chắc mình phải làm thế nào.

    “Sau đó, Den tiếp cận tôi và nói với tôi về những điều anh ấy đang làm, đồng thời hỏi tôi có quan tâm đến nhóm của anh ấy, và cần họ giải cứu thức ăn trong đám cưới của tôi không. Tôi nói tất nhiên rồi”, cô Leow nói.

    Cô Leow đã chọn các bữa tiệc buffet cho cả bữa trưa và bữa tối, được tổ chức tại khách sạn và quán cà phê, như vậy việc đóng gói thức ăn sẽ dễ dàng hơn.

    Hai người đã sắp xếp các tình nguyện viên và họ xuất hiện tại các địa điểm khi lễ kỷ niệm kết thúc với các container để đóng gói thức ăn về nhà.

    Trong khi cô dâu và chú rể vui mừng vì đồ ăn tại tiệc cưới của họ không bị lãng phí, thì khách sạn và quán cà phê đã chống lại ý tưởng này một cách đáng ngạc nhiên. Khách sạn còn bắt tình nguyện viên ký giấy đảm bảo không truy cứu trách nhiệm nếu đồ ăn thừa có vấn đề gì.

    "Cả hai nơi đều không ủng hộ. Dường như họ thà bỏ phí đồ ăn còn hơn là để người ta đóng gói và mang nó về nhà", cô Leow nói.

    Giải pháp là gì?

    Nhóm SG Food Rescue thu gom rau củ và hoa quả. Ảnh: Facebook/SCMP

    Phản ứng của khách sạn và quán cà phê cho thấy những vấn đề liên quan đến xử lý thực phẩm thừa. Các cơ sở chế biến thực phẩm, ngay cả những nơi muốn cho đi thay vì vứt bỏ, có thể không làm như vậy vì lo lắng những nguy cơ tiềm tàng.

    Daniel Tay, 41 tuổi, người điều hành một chương trình giải cứu thực phẩm tình nguyện khác tập trung vào các loại rau và trái cây dư thừa, đã đưa ra một đề nghị: Chính phủ có thể ban hành luật để bảo vệ các doanh nghiệp quyên góp thực phẩm dư thừa và thức ăn thừa.

    “Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng phải có hiểu biết và kiểm tra mùi vị trước khi ăn bất cứ thứ gì. Nếu bạn tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, bạn sẽ được an toàn”, anh Tay nói, “Chúng ta cần học cách chịu trách nhiệm cá nhân nhiều hơn đối với thực phẩm chúng ta ăn”.

    Tay hiện đang điều hành nhóm SG Food Rescue (Cứu hộ Thực phẩm SG). Các tình nguyện viên thường đi đến các chợ bán buôn để thu gom rau và trái cây không bán được để phân phối chúng đến các gia đình và tủ lạnh cộng đồng. Nhóm của Tay đã thu thập được hơn 100.000kg trái cây và rau quả vào năm 2018.

    Nghị sĩ Anthea Ong đã đưa ra đề xuất tương tự trước quốc hội Singapore hồi tháng hai.

    Bà đề nghị sửa đổi luật, tăng mức phí với doanh nghiệp vứt đồ ăn thừa, buộc họ phải tìm giải pháp thay thế. Đồng thời, các doanh nghiệp nên được khuyến khích quyên góp thức ăn thừa của họ, ví dụ bằng cách nhận giảm thuế khi họ tặng thực phẩm.

    Bà Ong đánh giá cao hành động của các nhóm giải cứu thực phẩm, cho rằng nó phản ánh sự thay đổi trong tư duy người Singapore. "Tôi nghĩ rằng ý thức người dân đang thay đổi từ 'Tôi sẽ không lãng phí thực phẩm' sang 'Tôi sẽ mua vừa đủ thực phẩm'", bà nói. ‘

    Một phong trào nữa đang nổi lên là người dân tự trao đổi đồ ăn của mình, bao gồm những thứ đã sử dụng một nửa hoặc những thứ đã hết hạn. Mọi người đăng lên Facebook đồ mình không muốn nữa và người nào muốn có thể liên lạc để nhận xin.

    Mộc Miên (Theo SCMP)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-dung-si-giai-cuu-do-an-thua-o-singapore-a279876.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Giáo viên ăn đồ ăn thừa của sinh viên

    Giáo viên ăn đồ ăn thừa của sinh viên

    Thực hiện chương trình tiết kiệm, tránh lãng phí thực phẩm, 6 lao công cùng một giáo viên trường Đại học Yên Đài, Trung Quốc ăn lại đồ thừa của sinh viên, việc này đã gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng.