+Aa-
    Zalo

    Những khía cạnh pháp lý vụ “hàng trăm học sinh nhập viện sau khi uống sữa miễn phí”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên quan đến vụ "hàng trăm học sinh nhập viện sau khi uống sữa miễn phí", chuyên gia pháp lý nhận định, việc sử dụng thực phẩm một cách bất cẩn có thể xem xét ở các khía

    Liên quan đến vụ "hàng trăm học sinh nhập viện sau khi uống sữa miễn phí", chuyên gia pháp lý nhận định, việc sử dụng thực phẩm một cách bất cẩn có thể xem xét ở các khía cạnh vi phạm khác nhau. Tuy nhiên cần có sự điều tra, làm rõ để xác định các vi phạm theo các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm và pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

    Vụ việc hàng trăm học sinh của hai trường tiểu học ở Hậu Giang bị đau bụng, nôn ói… và phải nhập viện cấp cứu sau khi uống sữa miễn phí được pha sẵn đang khiến dư luận xôn xao.

    Báo Tri thức trực tuyến dẫn nguồn thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hậu Giang cho hay, trước khi phát sữa miễn phí cho học sinh, Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo M.C. (đơn vị được Công ty TNHH Nestle Việt Nam ủy quyền) trình giấy tờ cho Sở Y tế Hậu Giang là chỉ cho các cháu uống miễn phí duy nhất loại sữa Milo.

    Tuy nhiên, qua kiểm tra kho hàng tại nơi pha sữa ở thị trấn Cây Dương (Phụng Hiệp, Hậu Giang), cảnh sát và lực lượng quản lý thị trường phát hiện thêm một loại sữa khác.

    Ông Lê Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang cho biết: "Tại nơi lưu trữ và pha sữa có hai loại, trong đó có một loại mình đâu cho phép nhưng họ lấy pha với Milo, còn hạn sử dụng thì ổn", ông Khởi chia sẻ.

    Sau khi pha Milo với một loại sữa khác, thức uống được cho vào bồn inox 30-40 lít có van vặn rồi chở đến trường học. Lực lượng chức năng đã thu giữ hàng chục thùng cho mỗi loại sữa tại kho của Công ty M.C., chờ xử lý.

    Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia pháp lý Châu Việt Vương - Công ty Luật Hợp danh FDVN nhận định, mặc dù chưa có kết luận cụ thể và chính xác đối với nguyên nhân do sữa hết hạn, nhiễm khuẩn hay vì lý do khác dẫn đến ngộ độc đối với các học sinh. Tuy nhiên, theo những thông tin ban đầu trên báo chí thì đối với hành vi được cho là pha Milo với một loại sữa khác của Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo M.C. thì đã có hành vi gian dối đối với Sở Y tế Hậu Giang.

    Nếu đúng, hành vi này không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến uy tín của Công ty M.C. đối với Công ty TNHH Nestle Việt Nam (vì thực chất Công ty Nestle chỉ ủy quyền cho Công ty M.C. phát sữa và trả phí dịch vụ), đối với cam kết với Sở Y tế Hậu Giang khi không thực hiện đúng nội dung đã cam kết mà hành vi phát hành sữa không đảm bảo của Công ty M.C. còn để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, không thể lường trước được…

    Chuyên gia pháp lý Châu Việt Vương - Công ty Luật Hợp danh FDVN 

    Theo chuyên gia pháp lý Châu Việt Vương, liên quan đến vấn đề pháp lý, việc sử dụng thực phẩm một cách bất cẩn nêu trên có thể xem xét ở các khía cạnh vi phạm khác nhau. Tuy nhiên cần có sự điều tra, làm rõ để xác định các vi phạm theo các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm và pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

    Thứ nhất, theo quy định của Luật an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010 thì nghiêm cấm đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm.

    Việc không đảm bảo an toàn thực phẩm để sản xuất, chể biến thực phẩm của tổ chức có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định Số: 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức trừ một số trường hợp quy định.

    Thứ hai, theo Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 nêu rõ một trong những quyền cơ bản và quan trọng của người tiêu dùng là “được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp”.

    Luật này cũng quy định, người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. Đồng thời, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Chuyên gia pháp lý cho biết, nếu có cơ sở xác định rõ đối với sữa do Công ty M.C. cung cấp không đảm bảo về tính mạng, sức khỏe thì trong trường hợp này các bậc phụ huynh của các cháu bị ngộ độc có quyền yêu cầu Công ty M.C. bồi thường. Việc bồi thường sẽ được thực hiện áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể thiệt hại do sức khỏe bị xam phạm (Điều 590), thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm (Điều 591) và được hướng dẫn cụ thể tại Mục II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

    “Chúng tôi cho rằng cần xem xét kỹ các vấn đề chứng cứ liên quan để xác định trách nhiệm một cách cụ thể đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm để tránh có các giải pháp cứng rắn nhằm tránh các sự việc không đáng có như thế xảy ra trong tương lai” – Chuyên gia pháp lý Châu Việt Vương nhấn mạnh.

    Trâm Anh (ghi)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-khia-canh-phap-ly-vu-hang-tram-hoc-sinh-nhap-vien-sau-khi-uong-sua-mien-phi-a207004.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan