+Aa-
    Zalo

    Những lưu ý quan trọng để bảo vệ sức khỏe khi trời lạnh, nhiệt độ giảm sâu

    (ĐS&PL) - Để tiết trời lạnh không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, mọi người cần lưu ý đến các thói quen sinh hoạt, tránh những hành vi có thể dẫn đến ốm đau, bệnh tật.

    Nhiệt độ thấp vào mùa đông, thay đổi nhiệt độ đột ngột, trời lạnh buốt là một nguyên nhân khiến bệnh tật và các vấn đề sức khỏe trở nên trầm trọng hơn. Mọi người cần chú ý bảo vệ bản thân để phòng nguy cơ mắc một số bệnh trong thời tiết lạnh.

    Để bảo vệ sức khỏe và tránh xáo trộn đời sống, bạn nên lưu ý những điều sau:

    Những lưu ý khi thời tiết chuyển lạnh

    nhung luu y quan trong de bao ve suc khoe khi troi lanh nhiet do giam sau 41
    Những lưu ý quan trọng để bảo vệ sức khỏe khi trời lạnh, nhiệt độ giảm sâu.

    Tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, đặc biệt khi trời lạnh dưới 15 độ C. Hạn chế ra khỏi nhà trong những thời điểm trời lạnh nhất, tốt nhất nên ở trong nhà, trong phòng làm việc là những nơi kín gió.

    Người cao tuổi, trẻ em, người sức khỏe kém… nên ở nhà.

    Mặc quần áo ấm phù hợp, đội mũ len, đeo găng tay, đi giầy, đi tất. Sử dụng nhiều lớp quần áo (thay vì một lớp áo ấm), phù hợp với nhiệt độ của môi trường xung quanh (trong nhà hoặc bên ngoài). Vào thời điểm này trong năm, hãy mặc nhiều lớp "như củ hành". Tránh mặc quần áo bó sát vì chúng cản trở quá trình lưu thông máu.

    Đi giày thoải mái và ấm áp, có độ bám tốt để tránh té ngã, đặc biệt là trên nền đất ẩm ướt.

    Tăng cường bảo vệ đầu, mặt và các chi (tay và chân), sử dụng găng tay, mũ lưỡi trai, tất ấm và khăn quàng cổ (tốt nhất là bằng len, cotton).

    Chú ý chăm sóc da, đặc biệt ở những vùng da hở, nếu cần, hãy thoa kem dưỡng ẩm.

    Duy trì thói quen tập thể dục tốt nhưng tránh tập thể dục cường độ cao ngoài trời khi thời tiết lạnh.

    Những việc nên làm khi trời chuyển lạnh

    Đối với trẻ em

    Cho trẻ vui chơi nơi kín gió nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng.

    Cần kiểm tra nhiệt độ cơ thể của trẻ thường xuyên, nhất là ban đêm. 

    Hàng ngày nên mát-xa nhẹ nhàng để giữ cơ thể bé luôn ấm áp.

    Giữ ấm cơ thể (mặc ấm, mang tất, đội mũ trùm tai) khi chở trẻ ngoài đường.

    Cho trẻ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

    Không nên cho trẻ ra ngoài chơi khi nền nhiệt ngoài trời dưới 15 độ C, có gió, mưa ẩm hay buốt giá. Cha mẹ chú ý (hoặc dạy trẻ) chơi đùa mà toát mồ hôi cần cởi áo, hoặc dùng khăn mềm lau mồ hôi, tránh bị cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi… 

    nhung luu y quan trong de bao ve suc khoe khi troi lanh nhiet do giam sau 2
    Những lưu ý quan trọng để bảo vệ sức khỏe khi trời lạnh, nhiệt độ giảm sâu.

    Đối với người già

    Kiểm soát huyết áp của mình, tránh uống rượu bia, ăn ít mỡ và kiểm tra mỡ trong máu định kỳ.

    Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc ấm, đội mũ, mang tất chân, tay…

    Để phòng bệnh tăng huyết áp, người già nên ăn nhiều bữa trong ngày để cung cấp đủ năng lượng; ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa, bột dinh dưỡng; ăn nhiều rau quả tươi; uống các vitamin tổng hợp, đặc biệt là vitamin C và uống đủ nước.

    Tắm ở nơi kín gió và tránh tắm quá lâu. Đặc biệt, người có tuổi nên hạn chế tắm và gội cùng lúc tránh biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe.

    Nên tránh ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm 

    Đối với người khỏe mạnh

    Chúng ta cũng không nên chủ quan. Bạn cũng cần ăn uống ưu tiên các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng. Vệ sinh cá nhân hàng ngày nhưng phải ở nơi kín gió và có thiết bị sưởi hoặc ủ ấm để tránh nhiễm lạnh. Giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh; rèn luyện sức khỏe hàng ngày...

    Những việc cần tránh khi trời chuyển lạnh

    Uống rượu để làm ấm người

    Nhiều người lầm tưởng uống rượu có thể giữ ấm cơ thể vào mùa đông nhưng sự thật được "vạch trần" là rượu thực sự khiến bạn cảm thấy lạnh hơn.

    Chỉ một ly đồ uống có cồn có thể khiến bạn cảm thấy ấm hơn, nhưng trên thực tế, nó lại làm giảm nhiệt độ cơ thể và làm tăng nguy cơ hạ thân nhiệt. Lý giải bởi vì uống rượu làm đảo ngược quá trình và phản xạ bình thường kiểm soát nhiệt độ cơ thể của con người. 

    Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Y học hoang dã (Wilderness Medicine), rượu làm suy yếu khả năng run rẩy của cơ thể. Trong khi đó, run rẩy lại là biểu hiện những cách quan trọng nhất để cơ thể giữ ấm.

    Đi tất 24/24 giờ

    Đôi chân luôn là bộ phận mà chúng ta cần hết sức chú ý giữ gìn, nhất là trong những ngày trời rét đậm rét hại. Tuy nhiên, không phải thế mà bạn nên đi tất suốt cả ngày lẫn đêm.

    Thói quen đi tất ngay cả khi đi ngủ có thể khiến đôi chân bị bí hơi, mồ hôi không thoát ra được khiến ảnh hưởng giấc ngủ, thậm chí về lâu dài có thể gây bệnh thấp khớp.

    Mặc nhiều quần áo khi ngủ

    Thời tiết lạnh giá, nhiều người có thói quen mặc nhiều quần áo ngay cả khi đi ngủ và điều này không có lợi. Mồ hôi sẽ không thể thoát ra ngoài và ngấm ngược vào da khiến bạn ngủ không ngon giấc, thậm chí gây cảm lạnh.

    Bên cạnh đó, việc mặc quần áo dày hoặc mặc nhiều quần áo khi ngủ sẽ khiến bạn khó chịu, đau mỏi. Tốt nhất là chọn bộ quần áo làm bằng chất liệu thoáng khí, độ dày vừa phải để tạo cảm giác thoải mái khi ngủ.

    nhung luu y quan trong de bao ve suc khoe khi troi lanh nhiet do giam sau 5
    Những lưu ý quan trọng để bảo vệ sức khỏe khi trời lạnh, nhiệt độ giảm sâu.

    Tắm nước lạnh

    Dù có chịu lạnh giỏi, bạn cũng không nên tắm nước lạnh vào những ngày giá rét. Nếu cơ thể bị nhiễm lạnh bất ngờ thì hậu quả có thể nghiêm trọng, chẳng hạn như bất tỉnh, hôn mê, thậm chí đột quỵ và tử vong. Khi nhiệt độ giảm thấp, bạn nên tắm nước ấm và tắm nhanh, đặc biệt không nên tắm khuya. Bên cạnh đó, bạn nên tránh gội đầu ban đêm hoặc khi cơ thể đang mệt mỏi. Sau khi gội, hãy nhanh chóng lau khô tóc và sấy phần tóc sát da đầu trước tiên. Tuyệt đối không được để tóc ướt đi ngủ.

    Tập thể dục ngoài trời lạnh

    Tập thể dục ngoài trời rất tốt cho cơ thể và tâm trí, bất kể thời gian nào trong năm. Tuy nhiên nếu thời tiết quá lạnh thì bạn không nên tập ngoài trời, đặc biệt là vào sáng sớm hoặc buổi tối lạnh lẽo. Nếu muốn tập thể dục để giữ gìn sức khỏe, bạn có thể tập trong nhà. Nếu tập ngoài trời thì phải khởi động lâu hơn hoặc chờ đợi thời tiết bớt khác nghiệt để bắt đầu bài tập của mình.

    Đốt than củi, than tổ ong để sưởi ấm

    Đây là việc cần tránh khi trời chuyển lạnh mà bạn phải đặc biệt lưu ý. Đã có nhiều người tử vong do sưởi ấm bằng than củi, than tổ ong trong phòng kín. Khi đốt than, củi trong không gian kín càng làm tiêu hao O2, đồng thời sản sinh ra hai khí cực độc là CO2 và CO. Khí CO2 khiến người bệnh nhanh chóng đi vào hôn mê, lịm dần và tử vong chỉ sau vài phút. Vì vậy, việc đốt than củi, than tổ ong để sưởi ấm vào mùa đông cần hết sức cẩn trọng, tránh nguy cơ xảy ra những điều không mong muốn.

    Ngoài ra, việc đặt than trong nhà, phòng để sưởi cũng có thể gây hỏa hoạn, bỏng do cháy quần áo, chăn đệm.

    Để bụng đói khi đi ra ngoài

    Nếu để bụng quá đói mà đi ra ngoài trời lạnh thì cơ thể của bạn sẽ nhanh bị nhiễm lạnh, thậm chí còn dễ hạ thân nhiệt, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Trong những ngày lạnh, bạn nên chú ý bổ sung năng lượng đầy đủ từ các bữa ăn, tránh để bụng đói khi ra đường và tuyệt đối không bỏ bữa sáng.

    Ăn uống đồ lạnh

    Nhiều người có thói quen ăn uống đồ lạnh bất kể mùa đông hay mùa hè. Khi trời lạnh, thói quen này sẽ làm tăng khả năng mắc các bệnh về hô hấp. Do đó, bạn nên tránh dùng thức ăn đã bị lạnh, uống nước ấm hoặc sử dụng rất ít đá.

    Uống nước quá nóng trước khi ra ngoài

    Nhiều người nghĩ rằng, uống trà nóng hay một số loại nước nóng khác trước khi ra ngoài có tác dụng giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, thực tế các đồ uống này sẽ làm cho mạch máu mở rộng, Khi ra ngoài trời lạnh, nhiệt độ cơ thể sẽ nhanh chóng giảm xuống, gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, chúng ta chỉ nên uống nước ấm, không nên uống nước quá nóng trước khi ra ngoài.

    Che mũi và miệng bằng khăn quàng

    nhung luu y quan trong de bao ve suc khoe khi troi lanh nhiet do giam sau 1
    Những lưu ý quan trọng để bảo vệ sức khỏe khi trời lạnh, nhiệt độ giảm sâu.

    Trong thời tiết lạnh, hơi nước chúng ta thở ra có thể trở nên lạnh nhanh chóng, hoặc biến thành băng nếu nó bị chặn bởi một chiếc khăn quàng hoặc áo khoác. Không khí sau đó sẽ đi qua các lớp bảo vệ lạnh lẽo đó, rồi vào mũi, khiến bạn cảm thấy lạnh hơn. Điều này có thể gây ra cơn đau thắt ngực, viêm phế quản và gây kích ứng da. Nếu thực sự cần, hoàn toàn có thể che mặt, nhưng đừng che kín mũi trong thời tiết lạnh.

    Uống quá ít nước

    Vào mùa đông, nhiều người lười uống nước. Điều này khiến cơ thể không được cung cấp đủ nước, dẫn đến sức đề kháng bị suy giảm, làn da trở nên khô ráp, sạm hơn, thiếu độ căng bóng tự nhiên.

    Những lưu ý chế độ ăn uống khi trời lạnh

    Những ngày trời lạnh, cần duy trì trạng thái hydrat hóa tốt, uống đủ nước. Để giúp khởi động cả ngày, hãy uống đồ uống nóng (nước, sữa và trà) và thức ăn nóng (ví dụ như súp, cháo, phở). Ăn ít nhất một bữa ăn nóng mỗi ngày. Tránh đồ uống có cồn và cố gắng ăn ít nhất năm phần trái cây và rau quả hàng ngày.

    Thực phẩm tốt cho sức khỏe nên ăn khi trời lạnh

    Một trong những điều tốt nhất để tăng cường hệ thống miễn dịch và cải thiện tâm trạng là bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin C. Đây là những thực phẩm như trái cây họ cam quýt, cam, xoài, chanh, kiwi, bông cải xanh, ớt chuông và dâu tây.

    Những lựa chọn thực phẩm sau đây không chỉ tốt cho sức khỏe mùa đông mà còn có thể cải thiện tâm trạng:

    - Rau củ: Các loại rau củ như cà rốt tăng cường beta-carotene hoặc luộc củ cải để cung cấp vitamin C và A.

    - Bông cải xanh và súp lơ: Những loại rau họ cải này có thể là biện pháp bảo vệ hàng đầu giúp bạn chống lại bệnh tật mùa đông. Bông cải xanh và súp lơ đều chứa nhiều vitamin C, có liên quan đến việc tăng cường chức năng miễn dịch.

    nhung luu y quan trong de bao ve suc khoe khi troi lanh nhiet do giam sau 6
    Những lưu ý quan trọng để bảo vệ sức khỏe khi trời lạnh, nhiệt độ giảm sâu.

    - Thực phẩm giàu vitamin D: Nên bổ sung vào thực đơn trong những tháng mùa đông. Nguồn vitamin D tuyệt vời là nấm hương, cá hồi, lòng đỏ trứng, ngũ cốc tăng cường, sữa và thịt đỏ.

    - Cháo bột yến mạch: Cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết trong mùa đông. Bột yến mạch có thể được thay đổi bằng cách thêm các loại gia vị ấm như quế, bạch đậu khấu và nhục đậu khấu mà không cần thêm calo, chất béo, đường hoặc muối. Bột yến mạch có nhiều kẽm (quan trọng đối với chức năng miễn dịch thích hợp) và chất xơ hòa tan (có liên quan đến sức khỏe tim mạch).

    - Canh, súp: Súp là món ăn hoàn hảo của mùa đông, có thể nấu súp, canh từ nước luộc gà, nước luộc rau, thêm nhiều rau, đậu vào súp để bổ sung thêm protein không béo cũng như nhiều chất xơ cần thiết. Protein và chất xơ đều hạn chế sự thèm ăn bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa và kiểm soát lượng đường trong máu, điều này có thể giúp kiểm soát cơn đói và cải thiện tâm trạng.

    - Đồ ăn nhẹ tăng cường tâm trạng: Hãy chọn khoai lang, củ cải đường và quả óc chó.

    Như Quỳnh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-luu-y-quan-trong-de-bao-ve-suc-khoe-khi-troi-lanh-nhiet-do-giam-sau-a608429.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan