Những mùa Tết cuối đầy hy vọng ở “nhà Nhân Ái”


Thứ 7, 25/01/2020 | 13:30


Cách trung tâm TP.Hồ Chí Minh 200km, có một bệnh viện còn được gọi là “nhà Nhân Ái” - Ngôi nhà cuối đời của những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

Cách trung tâm TP.Hồ Chí Minh 200km, có một bệnh viện còn được gọi là “nhà Nhân Ái” - Ngôi nhà cuối đời của những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Dù được mệnh danh là “nơi tận cùng của sự sống” nhưng cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, nơi đây vẫn đong đầy tình yêu thương.

Những bệnh nhân giai đoạn cuối được bác sĩ tận tụy chăm sóc ngày Tết.

Tết nghĩa là vẫn còn hy vọng

Đã thành thông lệ, chiều 30 Tết đã trở thành ngày hội chung của nhân viên y tế và bệnh nhân bệnh viện Nhân Ái. Mở đầu là hoạt động thi gói bánh chưng sôi nổi giữa các khoa, phòng.

Vốn khéo tay, bệnh nhân L.M.T (55 tuổi) năm nào cũng được phân công là tay gói bánh chủ lực của đội thi Khoa Nội 2. Vừa thoăn thoắt gói bánh, anh T. vừa “chỉ đạo” các thành viên khác trong đội của mình thực hiện gói bánh sao cho vừa chặt tay, đẹp mà lại nhanh. “Tôi đón Tết ở bệnh viện Nhân Ái được 5 lần và lần nào cũng rất vui vì bệnh viện tổ chức nhiều hoạt động tập thể để chúng tôi vơi đi nỗi nhớ gia đình, người thân”, anh T. chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc bệnh viện Nhân Ái cho biết, cứ mỗi độ Tết đến xuân về bệnh viện lại không quên tổ chức các hoạt động cho bệnh viện và nhân viên y tế. Cũng giống như bao người, Tết là lúc con người ta khát khao sum vầy, đoàn viên và hy vọng vào một tương lai tươi đẹp hơn. Để xua đi những ảm đạm của một bệnh viện dành cho bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối, Tết ở bệnh viện Nhân Ái cũng đủ đầy với gói bánh chưng, mâm ngũ quả, chưng đào, mai, đón giao thừa...

Ngôi nhà của tình yêu thương

Được thành lập từ năm 2006, bệnh viện Nhân Ái (đóng trên địa bàn xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) là bệnh viện chuyên khoa tuyến Thành phố với nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu – chăm sóc và điều trị hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS, cung cấp các dịch vụ y tế, điều trị có hiệu quả bằng thuốc kháng virus HIV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Tiên phong trong việc chống lại sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Nơi đây đã từng chăm sóc, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối trước khi họ trở về với cát bụi.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Long, bệnh viện Nhân Ái hiện có 17 phòng/khoa, trong đó 6 khoa trực tiếp chăm sóc và điều trị bệnh nhân với quy mô 350 giường bệnh. Theo thống kê, bệnh viện đang điều trị, chăm sóc toàn diện cho gần 500 bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối. “Nói chăm sóc toàn diện bởi bệnh nhân ở đây rất đặc thù, đều không có người thân, tất cả phó mặc cho nhân viên y tế từ tắm rửa, thay quần áo, thay tã, ăn cơm, ăn cháo... đến cả những chuyện tâm tình buồn vui trong cuộc sống cũng đều đến tìm đến nhân viên y tế”, bác sĩ Long cho biết.

Điều đặc biệt, nếu đâu đó ngoài kia cộng đồng, xã hội vẫn còn kỳ thị những người nhiễm H, thì tại đây họ được chào đón, được xem như những người bình thường khác. Lâu dần, khoảng cách giữa nhân viên y tế và bệnh nhân ngày một xóa nhòa. Họ coi nhau như người thân, người trong gia đình và vì thế, những dịp lễ, Tết cũng trở thành ngày sum họp của “đại gia đình Nhân Ái”.

Tự bao giờ, nơi đây không còn là bệnh viện mà đã trở thành nhà của bệnh nhân nhiễm HIV. “Gia đình chối bỏ chúng tôi, xã hội chối bỏ chúng tôi nhưng các bác sĩ ở đây đã dang rộng vòng tay đón chúng tôi, điều trị và chăm lo cho chúng tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Ơn này của các cô các thầy làm sao chúng tôi quên được”, anh N.V.T, một bệnh nhân đã ở bệnh viện Nhân Ái từ năm 2006 đến nay chia sẻ.

Với tính chất đặc thù đối tượng bệnh nhân phần lớn đã một thời lầm đường lạc lối, và họ đã mất đi phương hướng, niềm tin vào cuộc sống, mất đi gia đình và mất luôn cả hy vọng. Thế nhưng đến với bệnh viện Nhân Ái, kỳ diệu thay, được sống trong bầu không khí ngập tràn tình yêu thương, nhiều người đã trở về với cộng đồng, với cuộc sống đời thường như chưa từng mắc bệnh. Nhiều người trước khi rời Nhân Ái đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc, tự tin nói rằng: “Tôi đã được hồi sinh”. “Đó chính là động lực để chúng tôi – những nhân viên y tế tiếp tục bám trụ ở mảnh đất heo hút này, ngày đêm chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm HIV và gieo cho họ niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào tương lai”, bác sĩ Nguyễn Đức Long chia sẻ.

Hành trình gieo những mầm hy vọng sống của tập thể nhân viên bệnh viện Nhân Ái đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng mỗi khi Tết đến xuân về. Không khí Tết đã rộn ràng khắp nơi, một mùa xuân nữa lại về với bệnh viện Nhân Ái. Mùa xuân đến thắp lên niềm hy vọng sống cho những con người tưởng chừng như đã bị đóng sập cửa cuộc đời. Bởi vì, như một bệnh nhân đã nói, Tết đến là biết rằng mình đã sống thêm được một năm nữa, còn Tết là vẫn còn hy vọng

Nguyễn Lành
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống và Pháp luật số 11+12+13+14+Số 3+4 (Chủ nhật)+Số 3 (Tháng)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-mua-tet-cuoi-day-hy-vong-o-nha-nhan-ai-a308580.html