+Aa-
    Zalo

    Những ngôi làng "ma ám": Sự thật hay thêu dệt?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Sau những vụ việc ngẫu nhiên, không bình thường, như hai anh em trong một nhà đều treo cổ chết hay những vụ tai nạn xảy ra hàng năm tại bến sông..., những lời đồn thổi do bị “ma ám” lại được tung ra khiến nhiều người hoang mang.

    (ĐSPL)- Có nhiều vụ việc ngẫu nhiên, không bình thường, như hai anh em trong một nhà đều treo cổ chết hay những vụ tai nạn xảy ra hàng năm tại bến sông, chuyện cả làng không nuôi được con  vật bốn chân nào trong cả chục năm... xảy ra lâu năm, không tìm được nguyên nhân khiến người dân hoang mang.
    Và sau đó là những lời đồn thổi do bị  “ma ám” được tung ra dẫn đến nhiều hệ lụy buồn. Vậy đâu là sự thật?
    Hoảng sợ đổ hết... cho “ma”
    Ngôi làng Bằng Lãng, xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy,  Thừa Thiên-Huế) bao năm nay vốn bình yên bỗng trở nên xáo trộn khi liên tiếp xảy ra những cái chết “không rõ nguyên nhân”  và kèm theo đó là  những câu chuyện ly kỳ được đồn thổi.
    Câu chuyện bắt đầu từ ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Phước có bốn người thân lần lượt ra đi trong vòng 18 tháng mà chưa có lý giải thỏa đáng. Cũng trong thời gian này, có nhiều chuyện “lạ” xảy ra tại ngôi làng như có nhiều nhà đào thấy nhiều hài cốt người, khiến nhiều người điên (?!), một số người bỏ nhà tha hương. Sau đó nhiều gia đình đi “xem thầy” và được biết vùng  đất họ đang ở bị... “ma ám”  nên mới có nhiều sự lạ như vậy.
    Câu chuyện về gia đình ông H., vợ ông  đang khỏe mạnh, bình thường, bỗng dưng bị chứng mất ngủ. Thăm khám nhiều bác sỹ, bệnh viện nhưng bệnh không giảm, mà ngày càng nặng hơn, người xanh xao. Đêm ngủ, vợ ông H. thường mộng mị, thấy nhiều người đi lại trong nhà. Trong lúc vợ ông H. đổ bệnh thì cuộc sống, việc làm ăn của gia đình xuống dốc. Sợ hãi, gia đình mời “thầy” về xem đất. “Thầy” phán dưới nền nhà có cốt của người xưa, muốn yên ổn phải dời hết xương cốt đi nơi khác. Tin lời “thầy”, gia đình ông H. thuê người tìm cốt, dời đi nơi khác, cúng bái... tốn mấy chục triệu đồng. Sau đó, ông H. bỏ xứ vào Nam. Người vợ ám ảnh chuyện ma quỷ, không dám ở nhà, cũng đi theo chồng. Các con của họ học ở Huế, thuê nhà trọ, gia đình mỗi người một nơi.
    Nhiều người dân ở Bằng Lãng kể lại, gia đình ông D. cũng nhờ “thầy” xem đất. “Thầy” phán mấy cái am thờ trước nhà không tốt, cần phải dỡ bỏ ngay. Chưa kịp thấy việc tốt đến, chừng mười ngày sau con gái cả ông D. phát bệnh, nói lung tung suốt ngày, chữa chạy đến nay vẫn chưa khỏi. Thấy con bỗng dưng bị điên, nghĩ đất nhà mình bị “ma ám”, gia đình ông D. sợ hãi, chuyển sang nhà bố mẹ làng bên ở nhờ(?!).
    Nhiều người dân trong vùng nửa tin nửa ngờ, không biết thực hư thế nào nhưng cũng hoang mang trước những thông tin trên. Ngoài gia đình ông H. và ông D., không dám ở nhà mình, ba gia đình lân cận, cũng lâm vào tình cảnh bỏ đi nơi khác làm ăn, sinh sống vì tin đất mình ở có “ma ám”.
    Một vụ việc cũng được nhiều người dân quan tâm, đó là việc gần 20 hộ dân của làng Bút Tưa của xã Sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam lũ lượt bỏ nhà của mình đến tá túc nhà người thân ở các khu vực lân cận, hay dựng chòi tạm ngay bên đường đi vào làng để ở, không những vậy mọi đồ đạc, tài sản cũng được mang theo vì lo sợ có... ma.
    Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân xuất phát của nỗi lo này là chỉ trong vòng một tháng, tại làng Bút Tưa có hai người tự tử. Trường hợp của ALăng Nghĩa bị bệnh tâm thần đã bốn năm, bất ngờ vào một buổi trưa đến nhà anh trai chơi, nói năng lung tung, rồi sau đó không hiểu sao ALăng Nghĩa đi tìm sợi dây treo cổ chết. Ngay sau đó dân trong làng cho rằng con ma đã thâm nhập vùng đất này, chưa hết bởi dòng họ nhà ALăng Nghĩa đã có năm người tự tử trong tư thế treo cổ, làm cho sự việc bị thêu dệt rùng rợn hơn, nỗi sợ hãi bao trùm cả làng. Chính quyền địa phương đã vào cuộc tuyên truyền và bà con cũng đã ổn định tâm lý. Song không hiểu sao một số người vẫn hoang mang, hoảng sợ.
    Vén bức màn sự thật về chuyện “ma ám”: Những câu chuyện rợn người
    Nhiều người dân tin ngôi làng bị “ma ám” nên đã đập phá nhà cửa rồi bỏ đi. 
    Lời đồn về bến sông “ma ám”
    Một câu chuyện mang màu sắc liêu trai được nhiều người dân sống gần ngôi đền Cả  nằm cạnh bến sông thuộc thượng nguồn sông La (xã Bùi Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh), được cho là nơi của những cái chết trẻ kỳ bí truyền lại. Theo lời kể của người dân địa phương, vào năm 2003, một bé trai chừng 3 tuổi theo mẹ giặt đồ ở bến sông. Khi người mẹ đang lúi húi với đống đồ thì nghe tiếng bõm, bé bị rơi xuống dòng nước đang chảy xiết. Đứa trẻ mất hút trong làn nước mặc cho người mẹ kêu gào thảm thiết. Tròn một năm sau, người dân thôn Hạ Tứ lại ứa nước mắt bởi cái chết thương tâm của cô học trò nghèo Trần Thị Hiền khi mới 16 tuổi. Hiền dắt trâu ra bến sông tắm, đến tối, mẹ của Hiền không thấy con về. Linh tính có chuyện chẳng lành, bà mẹ tất tả chạy đi tìm. Khi đến bến Cả chỉ thấy con trâu mà không thấy người. Bà cùng mọi người xuống bến sông mò mẫm, đến đêm người ta vớt được xác cô bé lên.
    Rồi năm 2006, người dân làng Cả lại phải đưa tang cho bà Phạm Thị Định. Một buổi trưa tháng 7, bà Định mang đồ ra bến giặt, bất ngờ trượt chân. Vốn là dân sống vùng sông nước từ nhỏ nhưng do dòng nước chảy xiết, lại không có chỗ bấu víu nên bà cứ đuối sức dần rồi mất hút xuống đáy sông. Gần đây nhất là cái chết của bé gái Nguyễn Thị Trang (5 tuổi). Trang cùng đám bạn nhỏ chơi trò trốn tìm ở bãi đất cạnh đền. Sau một hồi không thấy Trang đâu, chúng bạn bổ đi tìm thì thấy một chiếc dép của bé nằm sát mép sông, nhiều ngày sau người ta tìm thấy xác bé nổi cạnh bến Cả.
    Vén bức màn sự thật về chuyện “ma ám”: Những câu chuyện rợn người
    Sau hơn chục năm không nuôi được trâu bò, giờ người dân ở xóm Đầu, Bắc Giang đã chăn nuôi trở lại.
    Câu chuyện làng bị “ma ám” được người dân xóm Đầu, thôn Sơn Quả (xã Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang) truyền tai nhau từ  những năm 1996 đến năm 2006, tại địa phương, gia súc chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Hơn 34 hộ dân trong xóm đã mua đủ các loại thuốc để phòng trị bệnh nhưng không có kết quả. Điều lạ là chỉ gia súc của người dân xóm Đầu bị chết còn các xóm bên chỉ cách nhau con đường bê tông lại không hề hấn gì. Người dân trong xóm rất hoang mang và nghĩ ngay tới chuyện xóm bị... “ma ám”. Nhiều gia đình đã  tìm thầy về cúng giải hạn nhưng gia súc vẫn chết.
    Sự việc đã được người dân phản ánh lên Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang với mong muốn các nhà khoa học về làng tìm ra lời giải đáp và có cách giúp dân thoát cảnh... “ma ám”. Ngay sau đó  các cơ quan chức năng của Bắc Giang đã vào cuộc giải thích trên cơ sở khoa học để người dân yên tâm. Vài năm trở lại đây người dân xóm Đầu  đã phục hồi được việc chăn nuôi gia súc, ổn định cuộc sống.   

    Con đường “ma ám” hay sự bất cẩn của con người?

    Có dịp đi ngang qua tỉnh lộ 419 chạy qua thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm (Mỹ Đức - Hà Nội), khách phương xa thường chú ý đến một chiếc miếu nhỏ ngày đêm đỏ đèn nhang nằm bên vệ đường. Theo quan sát của PV, đây là một đoạn đường đẹp, một bên là hàng cây tươi tốt, bên kia là dãy núi Rặng cao sừng sững. Hỏi ra mới biết, đấy là ngôi miếu có xuất xứ kỳ lạ, từ trước đến nay vẫn được người dân trong vùng sùng bái kiêng nể bởi nơi đây gắn với những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trùng hợp ngẫu nhiên, khó lý giải.

    Nhiều bậc cao niên của thôn Đồng Mít kể rằng: Vào những năm 1945 – 1946, nhiều người dân trong thôn và các địa phương lân cận chết đói rồi chất xác thành đống tại khúc cua trên đoạn đường này. Thêm vào đó, sau này người ta khai thác đá ở núi Rặng, nhiều tai nạn lao động đã xảy ra, làm chết không ít người, như cái chết của  chị H. và chị T. đều ở xã Đồng Tâm. Rồi vụ bà V. đi kiếm củi trên núi bị ngã mất mạng... Chính vì những cái chết liên tiếp ở gần một địa điểm như vậy mà người dân đồn thổi đoạn đường này có “ma ám” và nặng âm khí.

    ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Công an xã Đồng Tâm cho biết, vài năm trước tại khúc cua này, năm nào cũng xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông mà đa số dẫn tới tử vong, số người sống sót sau tai nạn là rất ít. Nạn nhân chủ yếu bị chấn thương vùng đầu và đa số là thanh niên trai tráng, tuổi từ 17 – 40.

    Quá khiếp sợ với những hiện tượng xảy ra với sự trùng hợp hết sức ngẫu nhiên như vậy nên gần đây các cụ cao niên thôn Đồng Mít đã xây một ngôi miếu tại khúc cua để cầu siêu cho những người xấu số và cầu mong thượng lộ bình an cho những phương tiện tham gia giao thông khi qua đây. ông  Lê Đình Quảng, chủ cửa hàng tạp hóa gần đó cho biết: “Tôi không tin vào chuyện ma quỷ nhưng đoạn đường đó là khu đất rất thiêng, trước đây cũng có nhiều người chết với các nguyên nhân khác nhau. Kể từ khi ngôi miếu được xây dựng thì tai nạn giảm hẳn, mà có tai nạn thì cũng chỉ bị chấn thương nhẹ, không có vụ nào gây tử vong”.

    Theo ông Trần Quang Long – phó Bí thư xã Đồng Tâm, những tin đồn ma trêu, quỷ ám gì đó... là không có căn cứ. Nguyên nhân chủ yếu của những vụ tai nạn là do ý thức của người tham gia giao thông kém, chạy quá tốc độ, lượn lách đánh võng, uống rượu bia. Thậm chí có vụ khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện đang trong tình trạng phê ma túy. Sau nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, ý thức của người tham gia giao thông đã tốt hơn. Cũng theo ông Long, người dân địa phương không nên đồn đoán một cách mê tín dị đoan về khúc cua tại đoạn đường thôn Đồng Mít khiến dư luận hoang mang gây nên tâm lý không tốt. Từ khi  ngôi miếu ở đó được xây dựng, tai nạn ít xảy ra là do người tham gia giao thông qua đây nhìn thấy miếu, nghĩ đến những vụ tai nạn trước mà đi chậm lại, câu chuyện cung đường này bị “ma ám” chỉ là những câu chuyện thêu dệt đồn đoán không căn cứ.

     

    Con đường “ma ám” hay sự bất cẩn của con người?
    Đoạn đường cua bị đồn là bị... “ma ám” ở Thủ đô.

    Chuyện kỳ bí là do người dân thêu dệt nên

    Trước những lời đồn về khúc cua đầy âm khí, ông Nguyễn Trọng Điệp – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho rằng, đó chỉ là do người dân thêu dệt nên, bản thân ông không thấy có gì bất ổn ở khúc cua này và ông không tin có chuyện ma quỷ. Chẳng hạn như trước đây, trong lúc đêm tối, một số người đi làm về qua khúc cua này thấy bóng người lập lờ nói năng lảm nhảm thì tưởng là ma hiện hình, nhưng thực ra đó là do một người đàn ông bị bệnh tâm thần điên loạn đi lang thang khắp thôn khiến mọi người nhầm tưởng.

     
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-ngoi-lang-ma-am-su-that-hay-theu-det-a34965.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.