+Aa-
    Zalo

    Những người mang ong đánh mật khắp Việt Nam

    • DSPL
    ĐS&PL Khi hoa nhãn Hưng Yên nở bung cũng là lúc người nuôi ong khắp các tỉnh ùn ùn đổ về đây đánh mật....

    Khi hoa nhãn Hưng Yên nở bung cũng là lúc người nuôi ong khắp các tỉnh ùn ùn đổ về đây đánh mật....

    "Đánh mật" là từ chỉ mùa khai thác mật ong từ các loại hoa, thường bắt đầu trước Tết Nguyên đán, đến khoảng tháng 5. Người nuôi sẽ mang ong đến những nơi có hoa đang nở rộ nhất để khai thác mật.

    Trước khi đến mùa hoa nhãn Hưng Yên, những đội nuôi ong lớn trong cả nước đã thu hoạch mật hoa cà phê, cao su, vựa hoa quả ở đồng bằng sông Cửu Long, hoa vải Bắc Giang... Hiện trong những khu vườn nhãn bạt ngàn ở Hưng Yên có hơn 60 đội đánh mật. Mỗi đội mang 400-600 thùng ong.

    Anh Hoàng Văn Hoài (38 tuổi) huyện Krong Păk (Đăk Lăk) mang đàn ong đến triền đê xã Hoàng Hanh (thành phố Hưng Yên) một tuần nay và đang thu hoạch lứa mật ong nhãn đầu tiên.

     Những người mang ong đánh mật khắp Việt Nam
    Vợ chồng anh Hoài cùng 4 người anh em lập thành một tổ nuôi ong lấy mật. 10 năm nay, họ rong ruổi nhiều tỉnh thành trong cả nước để khai thác mật hoa. Ảnh: Phan Dương.

    Tất bật từ sáng đến chiều, nhóm anh Hoài thu hoạch mật từ hơn 200 thùng trên tổng số 400 thùng mang theo. "Năm nay mưa nhiều, hoa nhãn kém, chúng tôi chắc chỉ lấy được 2 lứa rồi phải đi", anh nói. Quay 200 thùng ong, nhóm anh Hoài thu được khoảng 1,4 tấn mật ong hoa nhãn. Giá bán tại đây là 70.000 đồng một kg.

    Từ 10 năm trước, anh Hoài đã bắt đầu hành trình mang ong đi đánh mật. Khi hoa cà phê nở bung khắp cánh rừng Tây Nguyên là vào vụ khai thác. Đến tháng 2, nhóm của anh bắt đầu mang đàn ong ra Bắc, cho ong hút mật vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn lồng Hưng Yên, rồi cứ thế xuôi các tỉnh miền Trung, thu mật keo, tràm, cao su, hoa dẻ rừng...

    Cuối tháng 5, khi mưa xuống, hoa thưa, đội của anh Hoài sẽ kết thúc hành trình tại Đăk Lăk, bắt đầu vào mùa nuôi dưỡng đàn ong. Để đi lại, nhóm anh Hoài thuê 2 chiếc xe tải 8 tấn.

    "Nghề nuôi ong mật không khó, nhưng cực", người đàn ông có nước da sạm nắng nói. Nuôi ong giống như nuôi con mọn, hàng ngày nhóm anh Hoài phải kiểm tra thùng ong để biết chúng có lấy đủ phấn, xem ong có khỏe mạnh, thường xuyên đảo cầu để mật lên đều. Mọi sự thay đổi thời tiết sẽ ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của ong nên nếumưa nhiều, ong không đi lấy mật, bắt buộc phải đổ đường cho ăn.

    Đây cũng là nghề phải nếm mật nằm gai, chịu đựng được thời tiết. Suốt 6 tháng trời, người huấn luyện ong phải ở trong những lán trại, chịu đựng cảnh sinh hoạt thiếu thốn.Vợ chồng anh Hoài còn mang theo con gái 3 tuổi.

    Thời gian đầu bé ốm suốt vì đối diện với nhiều kiểu thời tiết. Sau vài tháng, bé đã quen dần, nước da bánh mật và khỏe khoắn. "Thương con nhưng để nó ở quê thì nhớ lắm. Vợ chồng tôi không yên tâm giao gửi cháu cho ai", anh tâm sự.

     Những người mang ong đánh mật khắp Việt Nam
    Các chủ vườn vải, nhãn rất chào đón đàn ong về hút mật, bởi nó sẽ giúp thụ phấn cho hoa, dọn rác và còn tiết một loại chất đặc biệt giúp dễ đậu quả hơn. Ảnh: Phan Dương.

    Đàn ong 600 thùng của anh Nguyễn Văn Xuân (20 tuổi) và 5 anh em cùng góp vốn cũng đặt ở Hưng Yên hơn một tuần nay, sắp thu lứa mật thứ hai. Lứa đầu, tổ anh quay được hơn 4 tấn mật. Ngoài bán tại chỗ, số mật sẽ được đóng vào can, mang về Đăk Lăk, nhập cho các công ty ở đó.

    Hết mùa hoa nhãn, đoàn của Xuân sẽ đưa đàn ong về vùng Cẩm Thủy, Thanh Hóa dưỡng cho ong khỏe, và vẫn có thể thu được phấn hoa ngô. Trung bình khoảng chục ngày dưỡng ong, có thể mang lại vài tấn phấn hoa, với giá bán 100 nghìn đồng một kg.

    Nghề nuôi ong giống như đánh bạc với trời. Tìm được nơi nhiều hoa, gặp thời tiết tốt thì chẳng mấy chốc thành tỷ phú.Có những vụ hoa nhãn xum xuê, trời nắng đẹp, mùa hoa kéo dài, lại nhiều mật, cứ 2-3 ngày là thu được một lứa mật. Lúc đó như nhận được lộc trời, người thợ ráng sức mà khai thác.

    "Nhưng chẳng mấy khi được như vậy. Hành trình của chúng tôi thường gặp mưa, nóng, lạnh thất thường. Có những mùa vượt hàng nghìn km nhưng đến nơi thì gặp mưa ròng rã, không thể thu hoạch, lại phải đổ đường cho ong ăn. Chi phí thuê xe, tiền sinh hoạt, thức ăn cho ong xem như là thất thu mùa ấy", Xuân bộc bạch.

    Theo Xuân, nuôi ong có những kỹ thuật cơ bản, chỉ cần tiếp xúc một vài ngày là nắm hết. Cái khó của nghề là đánh giá thời tiết. Đến đúng mùa hoa nở và đi lúc nó chưa tàn, nếu không các chủ hộ sẽ phun thuốc đậu quả, nguy hiểm cho đàn ong.

    "Ra đây mà gặp phải trời lạnh giá thì ong chết hàng loạt. Năm nay không lạnh, nhưng mưa kéo dài, mật vải, nhãn cũng kém lắm", Xuân cho biết. Quá trình vận chuyển, thu hoạch cũng làm ong yếu, tản mác đi. Nhóm của Xuân phải bỏ 18 thùng vì ong chúa chết.

     Những người mang ong đánh mật khắp Việt Nam
    Một nhóm thợ đang thu hoạch mật ong. Ảnh: Phan Dương.

    Học xong cấp 3, chàng trai Nguyễn Văn Lanh (20 tuổi, Lục Nam, Bắc Giang) cùng 2 người anh họ được bố mẹ cho 350 thùng ong lập nghiệp. Đây là năm thứ hai Lanh đưa ong đến Hưng Yên lấy mật nhãn.

    Theo Lanh, chủ vườn hoa quả rất chào đón ong về. Ong lấy mật, thụ phấn cho cây, dọn rác và còn tiết ra một chất đặc biệt giúp đậu quả cao hơn. Tuy nhiên, cũng có những nơi chủ vườn không chào đón, người nuôi ong phải bỏ chi phí để được đặt thùng.

    Hết mùa thu hoạch, Lanh phải mang ong vào Đăk Lăk dưỡng đàn suốt 6 tháng. Đây là lúc ong không đi kiếm ăn, người chăn nuôi phải cho ăn đường. 350 đàn ong của Lanh phải đầu tư 7-8 tấn đường mỗi năm.

    "Chúng tôi là những hộ chăn nuôi tự phát, không được bảo hộ. Càng nuôi nhiều, rủi ro càng cao, nên tôi chỉ duy trì ở mức 350 đàn ong thôi", Lanh cho biết thêm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-nguoi-mang-ong-danh-mat-khap-viet-nam-a30385.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan