+Aa-
    Zalo

    Những nhà sư phạm không bao giờ thành… nhà giáo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mỗi năm nơi đây có đến hàng ngàn sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không tìm được chỗ dạy học. Thậm chí có người học thêm văn bằng thứ hai mà vẫn bị thất nghiệp.

    Học ngành sư phạm và có thiện chí đi bất cứ đâu để được dạy học - nguyện vọng từng một thời là khát khao của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cách đây không xa, giờ đây đã trở nên “xa xỉ” với nhiều người tốt nghiệp sư phạm.

    Những nhà sư phạm không bao giờ thành… nhà giáo

    Bà Nguyễn Thị Hà với rổ bánh bò nuôi người chồng bị tai biến và 4 con học và trở thành cử nhân sư phạm.

    Hiện, mỗi năm nơi đây có đến hàng ngàn sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không tìm được chỗ dạy học. Thậm chí có người học thêm văn bằng thứ hai mà vẫn bị thất nghiệp và đối mặt với nguy cơ không bao giờ trở thành nhà giáo…

    Học, học nữa và… thất nghiệp mãi

    Trở lại Đồng Tháp lần này, điều khiến chúng tôi bất ngờ đến không thể tin là chuyện cựu sinh viên Nguyễn Thành Nhân (xã Long Khánh A, thị xã Hồng Ngự) - người thất nghiệp nổi tiếng vì có đến 3 bằng đại học, cao đẳng, trong đó có bằng đại học sư phạm, vẫn chưa tìm được việc làm sau khi đã học thêm bằng cấp thứ 4. Không phải thiếu tích cực, kén chọn, cũng không phải đòi hỏi được làm việc ở đô thị lớn, suốt hai năm qua, Thành Nhân đã chạy vạy nộp đơn vào nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh và ngoài tỉnh, với quyết tâm: Tình nguyện đi bất cứ địa bàn nào, nhưng vẫn chưa tìm được chỗ dạy học.

    Sau thời gian thất nghiệp, ở nhà phụ giúp dệt khăn choàng tắm, Thành Nhân được gia đình bán phần đất “gia bảo” cuối cùng để lên TPHCM học thêm bằng sửa chữa máy tính để tự kiếm sống trong lúc chờ xin được chỗ dạy học. Tuy nhiên, nỗ lực này trở nên vô nghĩa khi năm học 2013-2014 này, ngành GDĐT Đồng Tháp gần như không có chỉ tiêu tuyển mới giáo viên dạy học cấp THCS và THPT, trong khi đó toàn tỉnh còn hơn 2.000 sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm đang xếp hàng.

    Để có tiền “phục kích” cơ hội kế tiếp, Thành Nhân phải chấp nhận làm nhân viên bảo trì phòng game với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền rất thấp, vì nó bao gồm luôn cả tiền thuê nhà trọ, chi phí đi lại toàn tỉnh Đồng Tháp theo thoả thuận, nhưng vẫn phải làm, vì đó là chiếc “phao cứu sinh” duy nhất hiện có.

    “Tính từ lúc tôi có bằng cấp thứ nhất đến bằng cấp thứ tư hiện nay, ngoài tiền mặt từ nguồn dệt gia công khăn choàng tắm, gia đình đã phải bán đứt 5/5 công đất của ông bà lấy tiền đóng học phí...” - Thành Nhân gạt nước mắt trút tâm sự tại quán nước ven đường nội ô thành phố Cao Lãnh.

    Những nhà sư phạm không bao giờ thành… nhà giáo
    Thu Thảo và Thanh Thảo, 2 cử nhân sư phạm sử - địa phải đi làm việc vốn chỉ cần trình độ phổ thông.

    Đây cũng là mẫu số chung của hàng ngàn sinh viên ngành sư phạm ở ĐBSCL trong những năm gần đây. Thậm chí có người sau khi bị thất nghiệp với bằng sư phạm thứ nhất đã tiếp tục học thêm bằng sư phạm thứ hai, nhưng vẫn tiếp tục thất nghiệp. Điển hình là trường hợp của Nguyễn Thành Tâm (SN 1989) ở ấp An Tài, xã An Phước (huyện Tân Hồng - Đồng Tháp).

    Năm 2010, Thành Tâm tốt nghiệp sư phạm ngành sử tại Trường Đại học Đồng Tháp, nhưng sau nhiều lần “chạy đôn chạy đáo” nhiều nơi trong và ngoài tỉnh vẫn không xin được chỗ dạy, anh ở nhà phụ giúp mẹ trông coi quán nước giải khát - nguồn thu nhập chính của gia đình. Sau đó được nhiều giáo viên đang dạy học tư vấn, phân tích và gợi ý học thêm bằng sư phạm tiểu học sẽ dễ tìm được chỗ dạy học và được sự ủng hộ của mẹ, Thành Tâm khăn gói trở lại trường cũ học thêm bằng sư phạm thứ hai. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp, anh lại rơi vào tuyệt vọng khi các địa phương đồng loạt loan báo: Nhu cầu tuyển dụng giáo viên tiểu học đã “bão hoà”.

    Thành Tâm lại ở nhà tiếp tục phụ mẹ trông coi quán nước giải khát để chờ cơ hội được làm nhà giáo. Thế rồi 9 tháng trước, mẹ của Thành Tâm (bà Trần Thị Hoàng, SN 1966) trong lúc ngồi trông quán thì một gã say rượu tông xe vào làm bà chết tại chỗ. Mất chỗ dựa duy nhất, anh đành đi làm công nhân giữ kho cho doanh nghiệp để tự nuôi sống mình và có cơ hội giúp cha nuôi em gái út. Và cánh cửa nhà giáo vĩnh viễn khép lại với chàng trai trẻ nhiệt huyết.

    “Tôi suy nghĩ kỹ rồi, học xong chương trình phổ thông, tôi sẽ cho con gái đi làm công nhân, vì nhà nghèo chỉ có thể đủ sức cho con học ngành sư phạm, nhưng anh nó học đến 2 bằng mà vẫn chưa tìm được việc, nếu tiếp tục cho con gái đi học sư phạm là “tàn nhẫn” với tương lai của nó” - ông Nguyễn Văn Trí - cha của Thành Tâm - cay đắng.

    Bây giờ cho tới bao giờ?

    Thật ra, không phải đến bây giờ câu chuyện “học sư phạm khó tìm được việc làm” mới bùng phát, trở thành gánh nặng và nỗi nhức nhối cho toàn xã hội, mà từ nhiều năm qua nó đã làm đau đầu các nhà quản lý, tuyển dụng và dồn đẩy nhiều gia đình nghèo ở nông thôn... vào tận cùng đau khổ. Bởi không chỉ đối mặt với khoản nợ không biết đến bao giờ mới có thể hoàn trả, nhiều gia đình còn rơi vào trạng thái hụt hẫng.

    Những nhà sư phạm không bao giờ thành… nhà giáo
    Sau khi học thêm bằng sư phạm thứ 2, Nguyễn Thành Tâm vẫn thất nghiệp và chấp nhận đi làm nhân viên quản lý kho cho doanh nghiệp gần nhà.

    Cách đây 7 năm, Đồng Tháp như nức lòng trước sự kiện gia đình nghèo sống bằng nghề mua gánh, bán bưng của vợ chồng bà Nguyễn Thị Hà và ông Đặng Văn Hùng ở xã An Phước (Tân Hồng, Đồng Tháp) có 4 người con cùng đỗ vào ngành sư phạm tại Đại học Đồng Tháp, gồm: Đặng Thị Hiếu (1986) - ngữ văn, Đặng Thanh Thảo (1988) - vật lý, Đặng Thị Thu Thảo và Đặng Thị Thanh Thảo (1989) - sử, địa. Hơn ai hết, bà Hà là người hạnh phúc nhất, vì trong lúc chồng bị tai biến mà vẫn một mình nuôi 4 con vào đại học, được xã, huyện và tỉnh tuyên dương danh hiệu “Gia đình hiếu học”.

    Năm 2011, khi cả 4 người con đồng loạt ra trường thì đột nhiên bà Hà trở thành “người mẹ đau khổ nhất”, vì các con cùng bị thất nghiệp. Dù nhiều lần mang hồ sơ đến hàng chục cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh với cam kết: “Chấp nhận đi bất cứ nơi đâu”, nhưng cả 4 người con bà Hà chỉ nhận được lời hứa: Sẽ tuyển dụng khi có nhu cầu.

    Sau đó, ngoài Thanh Thảo được tuyển vào làm việc theo chương trình sinh viên tình nguyện trong thời hạn 2 năm, còn lại 3 chị em phải xin vào làm nhân viên và công nhân tại nhà máy chế biến thuỷ sản để chờ cơ hội. Đầu năm học này, Hiếu may mắn được tuyển dụng vào dạy tại trường THCS ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp), thì Thanh Thảo lại sắp hết hạn hợp đồng làm việc và chưa biết sẽ làm gì trong tương lai.

    Trong khi đó, 2 cô em cùng tên Thảo thì do việc làm không ổn định vì ngành chế biến cá gặp khó, phải lên tận TPHCM làm nhân viên trực tổng đài cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải với mức thu nhập đủ sống qua ngày. Hiện bà Hà đang ôm cục nợ trên 100 triệu đồng từ nguồn vay vốn của 4 người con mà không biết đến bao giờ mới có thể trả dứt.

    Đây cũng là tình cảnh của hàng ngàn hộ ở ĐBSCL đã trải qua và hàng ngàn hộ sẽ phải nếm trải trong tương lai. Bởi theo thống kê, hiện Đồng Tháp có trên 3.000 sinh viên tốt nghiệp sư phạm chưa tìm được việc làm và dự báo trong 3 năm tới, sẽ có thêm trên 8.000 sinh viên ngành sư phạm đang theo học tại ĐH Đồng Tháp ra trường, trong đó có đến 60-70\% là người Đồng Tháp.

    Còn ở An Giang, chỉ từ Trường ĐH An Giang, mỗi năm cũng dư khoảng 300-500 cử nhân sư phạm. Đó là chưa kể đến đội quân không nhỏ theo học tại hàng chục trường đại học trong khu vực và TPHCM. Có lẽ vì vậy mà việc tìm được chỗ dạy đã trở nên khắc nghiệt đến mức tại cuộc thi tuyển giáo viên năm học 2013-2014 do Sở GDĐT An Giang tổ chức vào tháng 8.2013, đã có ứng viên mang cả tài liệu trái phép vào phòng thi...

    Hệ luỵ của nạn nhiều thầy cô giáo đứng bên lề chính sách nhà giáo thì ai cũng rõ, nhưng làm gì và làm thế nào để khắc phục tình trạng này thì không đơn giản, bởi đó là bài toán khó đòi hỏi lời giải phức hợp từ nhiều phía, thậm chí còn là trưng cầu ý kiến của Quốc hội để điều chỉnh, bổ sung những vấn đề liên quan đến chính sách đãi ngộ, thi đua...

    Thói thường, lâu nay nhiều người hay đổ lỗi cho các trường sư phạm đào tạo vô tội vạ. Bởi ai cũng nghĩ trong số gần 30 trường đại học tại ĐBSCL, phần lớn xuất phát điểm từ trường sư phạm nên để duy trì hoạt động, dù muốn hay không họ vẫn phải mở ngành sư phạm. Tuy nhiên, nếu nhìn toàn cục thì các trường này cũng chỉ là nạn nhân...

    Ông Phan Văn Sơn - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GDĐT An Giang - chứng minh: Nếu căn cứ theo dự báo nguồn nhân lực dài hạn thì đến giai đoạn 2000-2015, An Giang cần đến 60.000-70.000 giáo viên. Vậy mà đến năm 2013, toàn tỉnh chỉ mới có hơn 40.000 nhưng đã xuất hiện tình trạng “vừa tốt nghiệp sư phạm đã thất nghiệp” thì thật khó để “kêu” các trường đào tạo thừa.

    Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đệ, trong lúc chờ sự điều chỉnh chung, trước mắt có thể giải quyết bài toán này bằng giải pháp liên kết đào tạo dưới sự chỉ huy của vị “nhạc trưởng vùng” là Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Theo đó, bên cạnh thống nhất sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện hành theo hướng chuẩn hoá thực chất và mạnh dạn loại trừ những người không đáp ứng được nhu cầu... các trường sẽ ngồi lại bàn bạc để đánh giá thế mạnh từng môn, từng ngành của nhau trước khi đi đến thống nhất chọn đơn vị đứng ra lãnh trách nhiệm đào tạo môn, ngành đó trên cơ sở tiếp nhận các chuyên gia nổi bật từ các đơn vị bạn cùng tham gia giảng dạy. “Điều này không chỉ làm giảm tốc độ thất nghiệp do thừa số lượng, mà còn góp phần tăng chất lượng đầu ra của sinh viên ngành sư phạm” - PGS Đệ hy vọng...

    Theo Lao Động

    Xem thêm clip Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép tuyển sinh lại một số ngành đào tạo:

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-nha-su-pham-khong-bao-gio-thanh-nha-giao-a25239.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan