+Aa-
    Zalo

    Những sự kiện chính trị - xã hội ấn tượng năm 2018

    • DSPL
    ĐS&PL Năm 2018 là một năm có nhiều thành quả đáng tự hào. Dưới đây là những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội ấn tượng năm qua mà báo ĐS&PL bình chọn.

    Năm 2018 là một năm có nhiều thành quả đáng tự hào. Dưới đây là những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội ấn tượng năm qua mà báo ĐS&PL bình chọn.

    1. Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước.

    Ngày 23/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước với tỉ lệ tán thành 99,79%. Phát biểu trước Quốc hội ngay sau khi tuyên thệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: "Có người muốn hỏi, muốn biết tâm trạng tôi lúc này như thế nào. Tôi nói thực là vừa mừng vừa lo. Mừng vì được Quốc hội và nhân dân tin cậy yêu mến, lo làm thế nào hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình trước đất nước".

    2. Tăng trưởng GDP cao nhất 10 năm, ước đạt 7%

    Tin vui này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018. GDP ước đạt 7%, cao nhất trong 10 năm qua kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.

    Có được mức tăng trưởng này là nhờ các ngành công nghiệp chế biến chế tạo; ngành dịch vụ; nông, lâm thủy sản tăng trưởng tốt. Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ. Giá dịch vụ y tế giảm, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng chậm lại và tín dụng được kiểm soát tốt cũng đã giúp lạm phát đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu năm.

    3. Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP

    CPTPP được đánh giá là một Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

    Chiều 12/11 Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, gọi tắt là Hiệp định CPTPP) với 100% đại biểu có mặt tán thành.

    Nghị quyết nêu rõ, áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định CPTPP, trong đó áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định CPTPP tại phụ lục 2. Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà hiệp định CPTPP đem lại. Đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP.

    Như vậy, Việt Nam là nước thứ 7 thông qua Hiệp định. Trước đó New Zealand, Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico và Singapore đã thông qua.

    4. Năm đột phá của công tác phòng chống tham nhũng

    “Có lẽ đây là năm mà hoạt động phòng, chống tham nhũng gặt hái được nhiều kết quả tích cực nhất từ trước đến giờ”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhận xét phiên thảo luận tại hội trường ngày 13/11.

    Những chỉ đạo sắc nét của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như sự vào cuộc của các cơ quan, ban ngành, sự ủng hộ của người dân cả nước đã và đang góp phần quyết liệt vào cuộc chiến này. Trong năm qua, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ tẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản”. Công tác chống tiêu cực, tham nhũng đã cho thấy quyết tâm, nói được, làm được và niềm tin của nhân dân đã được khôi phục mạnh mẽ.

    5. Hàng ngàn người đăng ký hiến tặng mô, tạng

    Bé Hải An và mẹ.

    Tháng 2/2018, bé gái Hải An ở Hà Nội vừa bước qua tuổi thứ 7 được 3 tháng nhưng đã phát hiện mắc ung thư thần kinh thể sao. Đến trưa 22/2, khi thấy con gái khó qua khỏi, mẹ bé đã gọi điện đến Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia về hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người để xin được hiến tạng con. Trước khi bé qua đời, mẹ bé đã nói chuyện với bé về cái chết và việc hiến giác mạc cho bạn khác và được bé đồng ý. Giác mạc của bé sau đó đã được ghép cho 2 người khác thành công.

    Hành động của bé Hải An và gia đình gây xúc động mạnh và được nhiều người trân trọng. Ngay sau đó, rất nhiều người đã đến Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia để đăng ký hiến tạng khi chết não. Sau 5 năm hoạt động, đến nay, cả nước đã có trên 19.300 người đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chết não. Hiện nay, nước ta đã thực hiện thành công nhiều ca điều phối tạng, ghép tạng xuyên Việt.

    Thành Huế
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật số Tết
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-su-kien-chinh-tri---xa-hoi-an-tuong-nam-2018-a260466.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan