+Aa-
    Zalo

    Những sự kiện thiên văn đáng mong chờ trong năm 2023

    ĐS&PL Mưa sao băng, nhật thực một phần hay siêu trăng là những sự kiện thiên văn đáng chú ý của năm 2023.

    Mưa sao băng

    Năm mới 2023 bắt đầu với mưa sao băng Quadrantids, đạt cực đại vào đêm mùng 3 rạng sáng mùng 4/1. Được tạo nên từ những hạt bụi sót lại của sao chổi 2003 EH1 khi đi qua quỹ đạo trái đất, mưa sao băng Quadrantids là trận mưa sao băng trên trung bình với tần suất cực đại có thể đạt 40-60 vệt sao băng/giờ.

    Sau mưa sao băng Quadratids, hai trận mưa sao băng được mong chờ nhất năm là mưa sao băng Perseids và Geminids.

    Có nguồn gốc từ sao chổi Swift-Tuttle, được phát hiện năm 1862, mưa sao băng Perseids xuất hiện trên bầu trời trong khoảng ngày 17/7 đến 24/8 hàng năm, đạt cực đại vào đêm 12, rạng sáng ngày 13/8. Đây là một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất năm với tần suất cực đại có thể lên tới 60-80 vệt/giờ. Trận mưa sao băng này cũng nổi tiếng với những vệt băng sáng và dài.

    nhung su kien thien van dang mong cho trong nam 2023 dspl 1
    Những sự kiện thiên văn đáng mong chờ trong năm 2023. Ảnh minh họa 

    Mưa sao băng Geminids diễn ra từ ngày 7 đến ngày 17 tháng 12 hàng năm, đạt cực đại vào đêm 13 rạng sáng ngày 14 với tần suất có thể đạt tới 100 vệt sao băng/giờ.

    Cũng trong năm 2023, người yêu thiên văn có cơ hội chiêm ngưỡng thêm nhiều trận mưa sao băng nhỏ hơn như mưa sao băng Lyrids diễn ra vào đêm 22, rạng sáng 23/4. Mưa sao băng Eta Aquarids đạt cực đại đêm 6 rạng sáng 7/5. Mưa sao băng Delta Aquarids đạt cực đại đêm 28 rạng sáng ngày 29/7. Mưa sao băng Orionids diễn ra vào đêm 21, rạng sáng 22/10.

    Nguyệt thực

    Vào đêm mùng 5 rạng sáng ngày 6/5, người yêu thiên văn Việt Nam có thể quan sát nguyệt thực nửa tối. Hiện tượng xảy ra khi mặt trăng đi vào vùng bóng nửa tối của trái đất và chuyển màu đỏ nhạt. Lần nguyệt thực này có thể quan sát ở một khu vực rộng lớn gồm toàn bộ châu Úc, phần lớn Châu Á và một phần Châu Âu. Việt Nam cũng có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng này.

    Sau đó, khoảng đêm 28, rạng sáng ngày 29/10, người yêu thiên văn Việt Nam cũng có thể quan sát hiện tượng nguyệt thực một phần. Tuy nhiên, đây là lần nguyệt thực có độ che phủ thấp (khoảng 12%).

    Siêu trăng

    Đêm 30/8 (rằm tháng 7 âm lịch), người yêu thiên văn Việt Nam sẽ được quan sát lần siêu trăng duy nhất trong năm 2023 khi mặt trăng về gần trái đất nhất. Quan sát từ trái đất, mặt trăng sẽ to hơn và sáng hơn bình thường.

    Đáng chú ý, đây là lần trăng tròn thứ 2 trong cùng một tháng nên siêu trăng lần này còn được gọi là trăng xanh. Tuy nhiên, đây là tên gọi mang tính văn hóa, mặt trăng không chuyển màu xanh.

    nhung su kien thien van dang mong cho trong nam 2023 dspl 2
    Ảnh minh họa 

    Nhật thực

    Nhật thực toàn phần xảy ra vào sáng và trưa 20/4 (giờ Hà Nội) là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất năm nay trên thế giới. Tuy nhiên chỉ khu vực Úc, Nam Cực và một phần của Đông Nam Á có thể quan sát được hiện tượng này.

    Tại Việt Nam, các tỉnh từ Đà Nẵng đến hết miền Nam có thể quan sát được nhật thực một phần. Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ không thể quan sát sự kiện này.

    Sao chổi

    Theo NASA, một sao chổi mới biết đến vào tháng 3/2022 sẽ lần lượt tiếp cận Mặt Trời và Trái Đất ở khoảng cách gần nhất vào ngày 12/1 và 2/2 năm nay. Sao chổi có tên là C/2022 E3 (ZTF), được phát hiện bởi các nhà thiên văn học sử dụng công cụ khảo sát bầu trời trường rộng Zwicky Transient Facility tại Đài quan sát Palomar ở San Diego, California, Mỹ.

    Thiên thể có thể nhìn thấy qua ống nhòm trên bầu trời vào buổi sáng trong hầu hết tháng 1 đối với những người ở Bắc bán cầu và vào đầu tháng 2 đối với những người ở Nam bán cầu.

    Hầu hết các năm đều có 12 lần trăng tròn, mỗi lần một tháng, nhưng vào năm 2023 sẽ là 13 lần, trong đó có 2 lần diễn ra vào tháng 8 (ngày 1/8 và 30/8).

    Trăng xanh

    Lần trăng tròn thứ hai trong một tháng được gọi là trăng xanh, theo NASA . Thông thường, trăng tròn diễn ra sau mỗi 29 ngày, trong khi hầu hết các tháng dương lịch kéo dài 30 hoặc 31 ngày, vì vậy các tháng và tuần trăng không phải lúc nào cũng thẳng hàng. Điều này dẫn đến một trăng xanh cứ sau 2,5 năm.

    Thủy Tiên (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-su-kien-thien-van-dang-mong-cho-trong-nam-2023-a562344.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan