+Aa-
    Zalo

    Những thực phẩm bổ trí não dành cho các sĩ tử vào mùa thi

    • DSPL
    ĐS&PL Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang tới gần. Ngoài việc đôn đốc học tập thì các bậc cha mẹ cũng cần chú ý tới việc cân bằng dinh dưỡng hợp lý cho con mình.

    Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang tới gần, ngoài việc đôn đốc học tập thì các bậc cha mẹ cũng cần chú ý tới việc cân bằng dinh dưỡng hợp lý cho con mình.

    Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) cho rằng một chế độ dinh dưỡng cân đối và hợp lý sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng, các vi chất cần thiết cho các sĩ tử; đồng thời kết hợp lối sống, nếp sinh hoạt khoa học sẽ đảm bảo có một sức khỏe tổng thể tốt, giúp trí não tỉnh táo, nhận thức và tư duy nhanh.

    Trung bình một ngày, bộ não tiêu hao 400 Kcalo chiếm 1/5 năng lượng cơ thể. Vì vậy, thực phẩm tốt cho trí não cần được ưu tiên hàng đầu đối với các sĩ tử mùa thi.

    1. Trứng

    Quan niệm kiêng trứng vì sợ điểm thi giống quả trứng đã khiến sĩ tử có thể thiếu nhiều chất dinh dưỡng, vì trứng hoặc trứng vịt lộn là món ăn rất giàu protein.

    Trong trứng gà, HDL-cholesterol cần thiết và có lợi cho cơ thể cùng nhiều chất dinh dưỡng khác như vitamin B12, D, E, riboflavin, folate...

    Đặc biệt, vitamin E, acid béo omega-3 của trứng khi liên kết với nhau sẽ có tác dụng tích cực trong nhiều bệnh tim mạch, stress, suy nhược, kích thích tiêu hóa, chống táo bón, tăng khả năng thải độc của gan, bổ não, nâng cao trí lực, phòng ngừa suy não, nâng cao năng lực trí tuệ...

    Trứng gà còn là nguồn cung cấp nhiều acid amin cần thiết, đặc biệt là lysin, 1 trong 8 acid amin đặc biệt cần thiết cho cơ thể, tham gia tích cực vào sự phát triển của cơ thể.

    2. Nấm

    Trong nấm có 16 loại axít amin trong đó có 8 loại cần thiết cho cơ thể con người, nó chứa nhiều lysin và kẽm giúp trí nhớ và trí lực của trẻ phát triển.

    Thường xuyên ăn nấm có thể phòng và trị bệnh gan, bệnh viêm loét dạ dày, có tác dụng chống mệt mỏi, tăng sức đề kháng, chống khuẩn tiêu viêm, bài tiết các kim loại nặng khỏi cơ thể…

    3. Long nhãn

    Y thư cổ Khai bảo bản thảo cho rằng long nhãn có khả năng "quy tỳ nhi ích trí" (bổ tỳ mà có ích cho trí tuệ).

    Sách Bản thảo cương mục cũng viết: "Long nhãn khai vị ích tỳ, bổ hư trường trí" (long nhãn kiện tỳ vị, bồi bổ hư nhược và làm khỏe tinh thần). Nghiên cứu hiện đại cho thấy, long nhãn có khả năng điều chỉnh hoạt động của vỏ não và cải thiện khả năng ghi nhớ. Để phòng chống tích cực chứng kiện vong, dân gian thường dùng long nhãn 500g, đường trắng 500g, nấu thành cao đặc, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-15 ml.

    4. Hạt hồ đào, óc chó, mắc-ca, hạnh nhân

    Các loại hạt trên có giá trị dinh dưỡng rất cao, cứ mỗi 100g có chứa 58-74g chất béo, chủ yếu là các acid béo không no, 18g chất đạm, 10g chất vô cơ, nhiều loại vitamin như: B1, B2, C, E... và các nguyên tố vi lượng như: Ca, P, Fe, Zn, Mg... một lượng lớn photpholipid và lysine rất cần cho cấu trúc và hoạt động của não bộ.

    Bởi vậy, đây là một trong những thực phẩm - vị thuốc rất có lợi cho việc cải thiện khả năng ghi nhớ. Cách dùng đơn giản là kiên trì ăn hàng ngày hoặc dùng nấu cháo ăn cùng với gạo tẻ.

    5. Cá

    Cá không những là nguồn cung cấp đạm mà còn cung cấp các axit béo (hay còn gọi là omega) đặc biệt là Omega 3 đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc đối với cấu trúc tế bào thần kinh, cũng là yếu tố không thể thiếu để đảm bảo sự sức bền của các màng tế bào này.

    Không chỉ vậy, cá còn rất giàu kẽm. Nguyên tố vi lượng này được đánh giá là tốt cho não bộ và có tác dụng nâng cao trí nhớ. Một tuần nên ăn ba bữa cá, ưu tiên các loại cá thu, cá mòi, cá hồi... Ngoài ra, mùa hè có thể ăn thêm canh cua, ngao hoặc hến là nguồn cung cấp đạm và chất khoáng rất dồi dào.

    6. Óc lợn

    Theo thuyết "dĩ tạng bổ tạng" (lấy tạng bổ tạng) của Y học cổ truyền, não lợn vị ngọt, tính bình, có công dụng ích thận bổ não, bổ cốt tủy, được dùng để chữa các chứng tâm căn suy nhược (suy nhược thần kinh), kiện vong (hay quên), huyễn vựng (chóng mặt hoa mắt)... Thường dùng dưới dạng hấp cách thủy ăn đơn thuần hoặc phối hợp với kỷ tử và hoài sơn.

    7. Các loại trái cây

    Nên ưu tiên các loại quả có màu vàng, đỏ để cung cấp nhiều vitamin A cho mắt. Ít nhất cũng ăn một quả chuối và một quả táo hoặc một cốc nước cam, quýt mỗi ngày để cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

    8. Hạt sen

    Hạt sen vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ tỳ chỉ tả, ích thận cố tinh, dưỡng tâm an thần. Y thư cổ Thần nông bản thảo kinh viết: "Liên nhục, bổ trung, dưỡng thần, ích khí lực, trừ bách bệnh, cửu phục khinh thân nãi lão" (hạt sen bổ tỳ vị, có lợi cho thần khí, trừ được trăm bệnh, dùng lâu làm nhẹ người và kéo dài tuổi thọ). Thường được dùng dưới dạng chế biến thành các món ăn - bài thuốc như: Mứt sen, chè hạt sen, cháo hạt sen...

    9. Các loại rau xanh

    Các loại rau có màu xanh đậm có nhiều sắt và vitamin nhóm B rất tốt cho các sĩ tử như rau ngót, rau dền, rau bó xôi, súp lơ xanh...

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-thuc-pham-bo-tri-nao-danh-cho-cac-si-tu-vao-mua-thi-a277445.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan