+Aa-
    Zalo

    Những vụ án oan sai kinh điển: Trầy trật để được lời xin lỗi

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ai cũng nghĩ tương lai của những người bị oan sẽ trở nên tươi sáng sau ngày được minh oan, nhưng kỳ thực, nó mới chỉ là một khởi đầu cho hành trình gian nan.

    (ĐSPL) - Trên thực tế, ai cũng nghĩ tương lai của những người bị oan sẽ trở nên tươi sáng sau ngày được minh oan, nhưng kỳ thực, nó mới chỉ là một khởi đầu cho hành trình gian nan đòi... bồi thường.
    Việc sửa sai có trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong những vụ án oan là điều đáng được ghi nhận trong nỗ lực cải cách tư pháp, song trong không ít vụ án, hành trình công dân tìm đến bồi thường không đơn giản như người ta nghĩ...
    Đoạn trường ai qua... mới thấu!
    Chắc hẳn câu chuyện về ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) vẫn khiến dư luận quan tâm sau 10 năm tù oan. Con số hàng chục tỉ đồng bắt đầu được dư luận đưa ra về khoản tiền mà ông Chấn sẽ đòi Nhà nước bồi thường cho những tổn thất vô cùng lớn mà cả gia đình ông phải chịu suốt 10 năm qua. Thế nhưng, cũng từ đây, một “cuộc chiến” pháp lý bắt đầu “dậy sóng” về cái gọi là “bằng chứng” để chứng minh người  bị oan đáng được hưởng.
    Những vụ án oan sai kinh điển: Trầy trật để được lời xin lỗi
    Tô Phương Trọng mang án oan hiếp dâm gần 6 năm trời khi mới là học sinh lớp 7. Dù đã được tuyên vô tội  hôm 13/5/2014 khi đã là thanh niên 19 tuổi, nhưng Trọng vẫn chưa nhận được bản án.
    Hãy xin tạm gác vụ ngồi tù oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn, báo Đời sống và Pháp luậtnêu điển hình một câu chuyện khác mà PV thu thập được. Đó là trường hợp về một “đại gia” từng một thời lừng lẫy ở Ninh Bình có tên Phạm Hồng Thái. Nếu được gọi chính xác cho nhân vật ở thời điểm này thì ông đúng hiệu một “đại gia” của... nỗi oan khuất.
    Trở lại với quá trình đi tìm sự công bằng của ông, sau một năm lãnh án với tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, năm 1990, ông Thái được tuyên vô tội, song không có một cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho ông, ngay cả những tài sản bị thu giữ của ông cũng không được trả lại. Năm 2003, Nghị quyết 388 có hiệu lực, nhưng với nhiều lý do đưa ra, các cơ quan tố tụng tỉnh Ninh Bình đã cho rằng, trường hợp của ông không nằm trong đối tượng được áp dụng Nghị quyết để giải quyết đền bù thiệt hại. Chỉ đến khi có sự “can thiệp” của TAND Tối cao, TAND huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình mới ra quyết định công khai xin lỗi ông Phạm Hồng Thái vào cuối năm 2006. Cực chẳng đã, ông Thái quyết định khởi kiện TAND huyện Gia Viễn, nhưng ông chỉ nhận được vỏn vẹn có 55 triệu đồng (bằng 1/5 mức bồi thường mà trước đó TAND huyện Gia Viễn đã đưa ra thương lượng với ông).
    Sau gần 20 năm đi đòi công bằng cho những gì đã mất, cái ông Thái có được trong tay lúc này là một “kỷ lục” của ngành bưu chính. Bởi trong suốt 20 năm qua, hàng ngàn đơn thư chuyển phát nhanh đã được ông gửi đi. Trong khoảng thời gian đó, chỉ tính riêng tiền đi lại, gửi đơn thư đòi oan, cũng đã ngốn đi của ông khoảng 200 triệu đồng. Nhưng đây chưa phải là con số cuối cùng vì đến nay, ông vẫn phải tiếp tục hành trình đòi lại những gì đã mất.
    Bức tranh án oan và bồi thường án oan lại tiếp tục có một sự vụ khác cũng nghiệt ngã không kém: Anh Nguyễn Minh Hùng (quê Tây Ninh) được “rửa” oan sau hai lần bị tuyên án tử hình vì cáo buộc vận chuyển trái phép 25 bánh heroin. Sau hơn bốn năm ròng rã kêu cứu, anh may mắn thoát tội chết khi kẻ cầm đầu đường dây vận chuyển ma túy phản cung, xin tòa tha tội cho anh. Thế nhưng, sau hơn bốn năm đằng đẵng chờ đợi công lý trong trại giam và đối diện với bản án tử hình, khi được minh oan, anh Hùng chỉ được cơ quan chức năng công khai xin lỗi tại địa phương và bồi thường hơn 100 triệu đồng!?
    Vẫn còn những quy định máy móc, gây khó cho người bị oan
    Vẻ mặt khắc khổ của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Chấn trong buổi làm việc với toà Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội về đề nghị bồi thường sau 10 năm tù oan (ảnh Cao Tuân)
    Người bị oan phải có “bằng chứng” để đòi bồi thường?
    “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, chẳng may vướng phải vòng lao lý, người bị oan sẽ mất rất nhiều: Mất vật chất, mất tinh thần, sức khỏe do suy sụp vì bị ngồi tù; mất uy tín, danh dự vì bị mang tiếng oan... Để đi tìm công lý, những người không may bị hàm oan phải trải qua ba đoạn trường khốn khổ để có thể đòi lại công lý cho mình: Bị làm oan; chứng minh mình vô tội, nhận được quyết định của cơ quan chức năng xác nhận mình vô tội và hành trình đi đòi bồi thường thiệt hại.
    Trở lại với sự vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, mới đây nhất, sau buổi làm việc chính thức giữa gia đình và đại diện TAND Tối cao, ông Chấn cho biết, sẽ yêu cầu cơ quan chức năng bồi thường số tiền lên tới 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn tin mà PV báo Đời sống và Pháp luật xác nhận được từ TAND Tối cao, buổi làm việc với gia đình ông Chấn, đại diện của cơ quan này đã không bàn gì về mức tiền bồi thường. Thay vào đó phía tòa đã giải thích cặn kẽ cho ông Chấn cũng như người nhà về các quy định bồi thường án oan và hướng dẫn ông Chấn hoàn tất những thủ tục giấy tờ có liên quan, cũng như chi tiết về những khoản bồi thường còn thiếu.
    Luật sư Lê Quang Đạo (đoàn Luật sư Hà Nội) chia sẻ: Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì có năm loại thiệt hại được bồi thường là: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 45), thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 46), thiệt hại do tổn thất về tinh thần (Điều 47), thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (Điều 48) và thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe (Điều 49). Đối với mỗi loại thiệt hại này, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã nêu khá rõ nhiều khía cạnh cụ thể, chi tiết cũng như cách xác định mức thiệt hại cụ thể của từng loại đó. Nghị định và Thông tư liên tịch tiếp tục cụ thể hóa chi tiết năm loại thiệt hại này cũng như các vấn đề có liên quan đến việc xác định thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.
    Cũng theo luật sư Đạo, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải có đơn yêu cầu, phải cung cấp các giấy tờ, hồ sơ tài liệu liên quan đến vụ án khi được bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, ai cũng hiểu khi vướng lao tù, không một ai có đủ bình tĩnh để có thể “sưu tầm” đủ hết giấy tờ, tài liệu lưu trữ để chờ ngày minh oan, trong khi chính cơ quan Nhà nước thì bắt buộc phải lưu trữ hết những tài liệu có liên quan đến vụ án. Yêu cầu này rất hành chính, máy móc và gây khó khăn cho người bị oan.
    Với nhiều năm gắn bó trong lĩnh vực pháp chế của bộ Công an, TS. Dương Mạnh Hùng nhìn nhận: Theo Điều 4 của Nghị quyết 388 trước đây (hiện Nghị quyết 388 đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị oan, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai, còn thủ tục giải quyết việc bồi thường sẽ được tiến hành sau khi người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ có đơn yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, người bị thiệt hại theo khoản 1, 2 và 3 Điều 26 của luật này, hoặc người đại diện hợp pháp của họ lại chỉ có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn ba tháng “kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật”. Điều này vô tình đã kéo dài thời gian được tổ chức xin lỗi, khôi phục danh dự cho người bị oan.
    “Như vậy, với quy định hiện hành, việc xin lỗi được thực hiện sau khi hoàn tất việc thỏa thuận bồi thường giữa Nhà nước và người bị oan. Tức là, khi người oan sai chấp nhận mức bồi thường thì việc xin lỗi mới được tiến hành. Trên thực tế, quá trình thương lượng để đi đến thống nhất số tiền bồi thường rất dài và trong thời gian ấy thì người bị oan tiếp tục gặp khó khăn khi quay trở về cuộc sống vì chưa nhận được lời xin lỗi chính thức”, TS. Dương Mạnh Hùng chia sẻ.
    “Lời gan ruột” của người tù oan Nguyễn Thanh Chấn về hành trình chuẩn bị giấy tờ để hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường: "Nhiều khi tôi cũng thấy sức cùng, lực kiệt"
    Chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật về hành trình đi thu thập tài liệu, hóa đơn, chứng từ để được nhận bồi thường, ông Nguyễn Thanh Chấn nói: "Nhiều khi cứ nghĩ đến gia đình phải chuẩn bị những giấy tờ trong suốt 10 năm mình lại cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, khó khăn thế nào thì cũng phải cố hoàn thiện vì quy định của pháp luật như vậy chứ biết than ai. Thời điểm này gia đình tôi rơi vào cảnh khó khăn và túng quẫn khi vợ tôi ốm nặng, con trai thì vẫn chưa có việc làm, con gái đang lang thang nơi đất khách chưa biết khi nào được về. Một "mớ" khó khăn như vậy cũng khiến tôi cảm thấy sức cùng lực kiệt. Việc đi đòi bồi thường với đủ thủ tục nhiêu khê. Nhiều khi chán nản muốn buông xuôi, nhưng nếu mình bỏ cuộc thì cả gia đình sẽ sụp đổ theo. Chỉ cầu mong các cơ quan có thẩm quyền xét cho cái lý, cái tình".
    Đừng đổ mọi thứ lên đầu dân
    Luật gia Cao Văn Hoài chia sẻ: “Thực tế, người bị làm oan vẫn phải trầy trật trong hành trình tìm kiếm lời... xin lỗi và bồi thường từ Nhà nước. Những thủ tục, quy trình ấy có vẻ như vẫn đi theo một lối mòn đến vô cảm khi dồn hết trách nhiệm đòi xin lỗi, bồi thường oan với đủ thứ giấy tờ đơn từ... lên đầu những người dân thấp cổ bé họng”.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-vu-an-oan-sai-kinh-dien-tray-trat-de-duoc-loi-xin-loi-a48351.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan