+Aa-
    Zalo

    Những vụ đòi nợ kiểu "xã hội đen" khiến chủ nợ vướng vòng lao lý

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian qua xảy ra không ít trường hợp mâu thuẫn chuyện tiền bạc, bên cho vay đã cùng các đối tượng khác đòi tiền theo kiểu "xã hội đen". Khi mọi chuyện đi quá tầm kiểm

    Thời gian qua xảy ra không ít trường hợp mâu thuẫn chuyện tiền bạc, bên cho vay đã cùng các đối tượng khác đòi tiền theo kiểu "xã hội đen". Khi mọi chuyện đi quá tầm kiểm soát, các “chủ nợ” ngỡ ngàng khi biết mình vướng vòng lao lý.

    Điển hình như vụ việc đòi nợ xảy ra mới đây, theo báo An ninh Thủ đô, anh Nguyễn Xuân Giang (SN 1976, trú ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) muốn sở hữu chiếc ô tô hiệu Range Rover đã qua sử dụng. Do không biết ai bán nên dù chỉ quen biết sơ sơ nhưng Giang vẫn nhờ anh Lê Quốc Toàn (SN 1983, trú ở quận Hoàng Mai) tìm mua giúp.

    Ngày 26/9/2016, tại một quán cà phê trên đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy), Giang giao trước 260 triệu đồng cho anh Toàn. Tuy nhiên, sau nhiều ngày, người này không mua được và cũng chưa trả lại tiền.

    Bực tức vì bị lừa, Giang tìm gặp Nguyễn Anh Tuấn (SN 1971, trú ở phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đòi tiền từ anh Toàn giúp.

    Tuấn bắt anh Toàn phải viết giấy nhận nợ Giang số tiền 260 triệu đồng đã nhận “cọc”, đồng thời yêu cầu 2 ngày sau phải thanh toán đầy đủ. Khi Giang không nhận được tiền từ anh Toàn, Tuấn sai “đàn em” nhiều lần ném chất bẩn vào nhà “con nợ".

    Trước sức ép của Tuấn, trong các ngày cuối tháng 11 và giữa tháng 12/2016, anh Toàn buộc phải trả lại người muốn mua chiếc ô tô 170 triệu đồng. Đến đầu tháng 1/2017, biết Giang vẫn chưa lấy lại được nốt 90 triệu đồng nên Tuấn lôi kéo thêm nhiều đối tượng đi tìm anh Toàn.

    Hình minh họa - Nguồn: Internet

    Theo đó, ngày 5/1/2017, Tuấn cùng La Văn Lợi (SN 1987, ở xã Đức Ninh, Hàm Yên, Tuyên Quang) và Chu Bảo Trung (SN 1993, trú ở xã Thái Hòa, Ba Vì, Hà Nội) đã tìm được anh Toàn khi đang đi xe máy trên phố Xã Đàn.

    Chúng ép anh Toàn đến một quán cà phê ở quận Cầu Giấy rồi vừa đánh đấm, vừa bắt anh Toàn liên hệ với người thân mang 90 triệu đồng đến chuộc. Nhận được thông tin bắt được “con nợ”, Giang cũng nhanh chóng có mặt để đòi nợ bằng bạo lực.

    Chiều cùng ngày nêu trên, khi Tuấn cùng đồng bọn đang nhận 50 triệu đồng từ tay người thân anh Toàn tại quán cà phê thì bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ. Ngoài nhận 50 triệu đồng, nhóm Tuấn còn tiếp tục ép anh Toàn viết thêm giấy nhận nợ 40 triệu đồng còn thiếu.

    Một vụ tương tự khác, theo báo Công an Nhân dân, ngày 25/3 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết đã kết luận điều tra vụ án cướp tài sản, đồng thời đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 3 bị can gồm: Nguyễn Văn Minh; Phạm Đức Quang; Nguyễn Quang Tùng, cả 3 đối tượng hiện đang tạm trú tại TP Hà Nội.

    Theo đó, đầu tháng 5/2016, một người đàn ông nước ngoài cùng chị L. trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội ký hợp đồng thuê phòng của Nguyễn Văn Minh tại một ngôi nhà ở Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội với giá 2,4 triệu đồng/tháng và đã thanh toán đến tháng 7/2016.

    Đến giữa tháng 8/2016, người đàn ông này và chị L. chuyển đến nơi ở mới. Thấy 2 người này chuyển đi không báo trước và thanh toán tiền điện nước cùng nửa tháng tiền nhà nên Minh đi tìm để đòi tiền.

    Sau khi bắt gặp, Minh liền tra tấn rồi lấy đi chiếc máy tính của chị L. Thấy nhóm của Minh mang máy tính bỏ đi, chị L. đuổi theo đòi lại tài sản thì bị Minh tát vào mặt. Thấy bạn gái bị đánh, người đàn ông nước ngoài lao tới đánh trả và bị ba đối tượng dùng mũ bảo hiểm hành hung.

    Một vụ việc xảy ra mới đây tại tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã gây bất ổn về tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

    Theo ANTV, vụ việc xuất phát từ việc anh Bùi Trường Giang, ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn có vay của Phạm Thị Miên, trú ở xã Minh Châu, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên 390 triệu đồng từ tháng 1/2012.

    Theo lời khai anh Giang, từ tháng 10/2013 - 11/2015, mỗi tháng gia đình anh trả cho Miên 20 triệu đồng/ tháng. Do kinh tế gặp nhiều khó khăn, từ tháng 12/2015 đến nay, anh không trả đủ khoản tiền trên. Anh Giang đề nghị được trả 5 triệu đồng/tháng song Miên không chấp thuận.

    Sau đó, gia đình anh liên tục bị đe dọa bằng nhiều chiêu trò, thủ đoạn gây ảnh hưởng đến cuộc sống cùa gia đình anh và nhiều người xung quanh.

    5 đối tượng liên quan đến vụ việc này đã bị Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội bắt giữ. Phương thức hoạt động của nhóm tội phạm này đã được làm rõ, bọn chúng được chủ nợ thuê đòi món nợ này. Sau đó, chúng liên tiếp đe dọa, uy hiếp nạn nhân bằng mọi chiêu trò như dán cáo phó, mở nhạc đám ma, ném chất bẩn vào nhà nạn nhân.

    Trước đó, theo báo Thanh Niên, khoảng 5h30 ngày 9/6/2013 Trần Bá Hào (trú tại P.Hội Phú, TP.Pleiku), Vũ Hoài Anh (trú tại P.Hoa Lư, TP.Pleiku) và một số người khác đến nhà anh Võ Thanh Dân (trú P.Hội Phú, TP.Pleiku) để đòi nợ số tiền 40 triệu đồng.

    Do anh Dân chưa có tiền trả nên nhóm này đã bắt anh Dân lên xe máy chở đến một quán cà phê (tại xã Diên Phú, TP.Pleiku) để ép gia đình anh Dân trả tiền và sau đó đưa anh Dân giam giữ tại nhà anh rể của Hoài Anh.

    Đến khoảng 0h ngày 10/6, khi biết bị công an phát hiện, Anh đã chở anh Dân đến Công an P.Hoa Lư (TP.Pleiku) đầu thú.

    Làm thế nào để đi đòi nợ mà không bị vướng vòng lao lý?

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên báo VOV, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, nếu đúng pháp luật, quy trình đòi nợ phải như sau: Chủ nợ khởi kiện con nợ, sau khi có phán quyết của tòa án thì con nợ phải trả nợ cho chủ nợ.

    Trong trường hợp con nợ không tự nguyện thi hành bản án, chủ nợ đề nghị cơ quan thi hành án cưỡng chế thu hồi tài sản từ con nợ để trả cho chủ nợ.

    Bên cạnh đó, còn có biện pháp khác là chủ nợ khi thấy con nợ ở đâu thì trình báo cơ quan chức năng, ví dụ như công an phường sở tại, công an quận…, hoặc thậm chí tố cáo hành vi chây ỳ, trốn tránh việc trả nợ của con nợ… Nếu như vậy, chủ nợ sẽ không vướng phải vòng lao lý.

    Báo Vnexpress dẫn phần tư vấn của thạc sỹ, Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội cho hay, theo điều 474 Bộ luật dân sự, khi đến hạn, người vay tiền có nghĩa vụ trả lại cho bạn số tiền đã vay (tiền gốc và tiền lãi - nếu có thỏa thuận). Tuy nhiên, theo thư của bạn, việc vay tiền lại được thực hiện dưới danh nghĩa “chung vốn làm ăn”. Do đó, việc đòi lại số tiền này có thể xảy ra một trong hai trường hợp:

    a. Nếu khi giao, nhận tiền, hai bên có lập thành văn bản, ghi mục đích của việc giao tiền là góp vốn kinh doanh thì việc bạn rút vốn sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận của hai bên (nếu có) hoặc theo quy định của pháp luật.

    b. Nếu khi giao, nhận tiền, hai bên có lập thành văn bản, trong đó ghi rõ mục đích của giao dịch này là “vay tiền” thì đây chỉ là giao dịch vay và cho vay thông thường (không phải là việc góp vốn làm ăn chung). Do vậy, việc thu hồi số tiền vay sẽ được tiến hành theo một trong hai phương thức sau đây:

    - Nếu người vay tiền có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi tẩu tán tài sản, bỏ trốn... nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả thì hành vi của người đó có dấu hiệu tội phạm (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Trong trường hợp này, bạn cần làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra, đề nghị điều tra, xử lý người vay. Theo Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Nếu cơ quan điều tra xử lý người vay bằng biện pháp hình sự thì quá trình giải quyết vụ án sẽ giải quyết đồng thời việc bồi thường cho những người bị hại do hành vi phạm tội đó gây ra.

    - Trường hợp người vay tiền không có dấu hiệu phạm tội, đây chỉ là giao dịch dân sự bình thường, việc không trả được nợ đúng hạn là do làm ăn thua lỗ hoặc do các tác động khách quan khác..., bạn có quyền khởi kiện người vay ra tòa án, đề nghị xử buộc trả lại tiền (cả gốc và lãi nếu có thỏa thuận). Đây là giao dịch vay tài sản không có tài sản bảo đảm nên sau khi bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án tuyên buộc bên vay phải trả tiền cho bạn thì những tài sản của người vay (nếu có) sẽ được cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại để trả cho những người bị hại. Nếu tài sản của người phải thi hành án đã được đem cầm cố, thế chấp để vay vốn ngân hàng thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ ưu tiên trả các khoản nợ có bảo đảm cho ngân hàng, khoản tiền còn thừa mới được trả nợ cho bạn và những người bị hại khác.

    Lưu ý, bạn không được đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” vì đó là vi phạm pháp luật. Người tự mình đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” hoặc thuê “xã hội đen” đòi nợ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản hoặc tội Cưỡng đoạt tài sản...

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-vu-doi-no-kieu-xa-hoi-den-khien-chu-no-vuong-vong-lao-ly-a208009.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan