+Aa-
    Zalo

    Nỗi lòng của người đàn ông trước cảnh “được con, mất vợ”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vợ qua đời sau khi sinh, để lại cho anh 3 đứa con nhỏ. Anh xoay mòng mòng giữa gánh nặng cơm áo, bỉm sữa, học hành và khoản nợ không biết đến hết đời có trả nổi không.

    Vợ qua đời sau khi sinh, để lại cho anh 3 đứa con nhỏ. Anh xoay mòng mòng giữa gánh nặng cơm áo, bỉm sữa, học hành và khoản nợ không biết đến hết đời có trả nổi không.

    Ngôi nhà chưa kịp hoàn thiện ngập trong mùi khói hương. Khuôn mặt anh Dư Văn Trí, trú tại xóm 7, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) vẫn hằn lên nỗi đau mà cha con anh vừa mới trải qua. Bà Nguyễn Thị Bơ (mẹ anh Trí) bật khóc: “Tôi gần 80 tuổi rồi mà phải thay con dâu chăm cháu. Mẹ nó chết rồi, bố nó lóng ngóng quá, thành thử, chỉ có tôi và bác dâu nó chăm thôi. Khổ thân thằng bé, chưa được bú mẹ lấy một lần nhưng được cái ngoan lắm, chỉ có ăn với ngủ thôi, cấm có thấy khóc bao giờ”. Bà cụ gạt giọt nước đọng trên đôi mắt đã mờ đục vì khổ cực cả đời người.

    Anh Dư Văn Trí bên cạnh đứa con mới hơn 10 ngày tuổi của mình

    Vợ chồng anh Trí sinh được 2 đứa con gái, đứa lớn năm nay 15 tuổi, đứa nhỏ 12. Vùng bãi bồi ven sông Lam không phụ sức lao động của con người nhưng bố mẹ già yếu nên theo gợi ý của người anh trai cả, vợ chồng anh Trí dọn về trong đê để phụng dưỡng bố mẹ già. 5 năm trước, chị Nguyễn Thị Thoa bị chẩn đoán sỏi mật tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau nên không thể phẫu thuật lấy khối sỏi ra.

    Chị Thoa gắng sức chịu đựng con đau để chồng vào tận Quảng Nam làm thuê, nuôi con ăn học. Đầu năm, do “vỡ kế hoạch”, chị Thoa mang bầu đứa thứ 3. “Khi thai được gần 8 tháng thì mự ấy kêu đau bụng dữ dội. Chúng tôi đưa đến bệnh viện thì các bác sỹ phát hiện mự Thoa bị sỏi mật và viêm tụy cấp cần phải phẫu thuật ngay nên cho sinh chỉ huy để cứu cả hai mẹ con.

    Thằng bé thiếu tháng, lọt lòng mẹ phải đưa vào lồng ấp còn mẹ nó thì phải chuyển vào phòng phẫu thuật vì bị băng huyết. Vào phòng phẫu thuật, các bác sỹ phát hiện mự ấy bị hoại tử tủy”, người chị dâu kể.

    Chị Thoa ra đi khi chưa được ôm đứa con trai của mình vào lòng

    Ngày chị Thoa vào mổ cấp cứu anh Trí còn ở trong Quảng Nam, người nhà phải thay anh ký các giấy tờ liên quan đến phẫu thuật. Nhận được tin báo, anh Trí tức tốc cắt rừng đi ra đường lớn (công ty anh Trí xây dựng các công trình ở trong rừng – PV) mà không kịp ứng tiền công. Ra đến quốc lộ thì hết tiền, phải cắm cái điện thoại cho nhà xe mới đủ tiền về đến Vinh. Về đến nơi, biết vợ đang nguy kịch, anh lặng đi một lúc mới nhớ ra mình phải làm gì.

    Anh Trí tiếp lời: “Tình trạng nguy cấp, các bác sỹ khuyên gia đình chuyển Thoa ra Hà Nội. Chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai nhưng tình hình không khá lên mà có chiều hướng xấu đi rất nhanh. Tiền cạn, sức mòn, tôi đành xin cho vợ về nhà. Về đến cổng thì cô ấy trút hơi thở cuối cùng khi chưa được một lần cho con trai bú”.

    Thương đứa cháu mồ côi mẹ khi vừa mới ra đời, người bác dâu phải sang cùng mẹ chồng phụ em trai chăm cháu

    Ma chay chu tất cho vợ xong cũng là khi anh Trí bắt đầu nghĩ về những ngày gian khó sắp tới. Cô con gái Dư Thị Ly (15 tuổi) đã đủ lớn để cảm nhận được nỗi đau mất mẹ nhưng nhìn cô con gái Dư Thị Hà Vi (12 tuổi) ngây thơ hỏi sao mọi người lại đưa mẹ ra đồng, anh Trí không dám trả lời con.

    Bé Dư Nguyễn Mạnh Tuệ sau gần 1 tháng nằm lồng ấp được bác sỹ cho về nhà. Trộm vía, dường như Tuệ biết thiệt thòi của mình nên rất ngoan ngoãn. Thằng bé cứ bú no rồi ngủ, chẳng mấy khi thấy khóc. Có đứa con mọn khi đã bước qua ngưỡng 40 tuổi, anh Trí lóng ngóng khi bế một sinh linh còn đỏ hỏn. Thương cảnh người đàn ông vụng về chăm con mọn, người bác dâu phải sang, phụ với mẹ chồng chăm cháu.

    Trong khi những đứa trẻ khác còn chưa biết lo thì Hà Vi đã phải phụ bố công việc gia đình sau khi mồ côi mẹ.

    “Bé Tuệ phải ăn sữa ngoài, thương cháu, nhiều bà con, xóm giềng đến, người cho hộp sữa, người cho trăm bạc nên giờ không có gì đáng lo lắm. Nhưng về lâu, về dài không biết tính răng. Từ hồi mẹ các cháu mất, tôi cũng phải bỏ việc ở nhà trông nom các con, hương khói cho vợ.

    Còn hơn 200 triệu tiền nợ đợt đưa mẹ nó đi viện, giờ không biết trông đâu khi mà đến mái nhà che nắng, che mưa cho các con hiện cũng đang ở nhờ của bác cả…”, anh Trí nén tiếng thở dài, nhìn mông lung ra chái nhà xập xệ. Những gì còn sót lại của căn nhà ngoài bãi khi dỡ mang về đây để dựng nhà mới nhưng chưa biết đến bao giờ mới dùng đến.

    Một tay chăm 3 đứa con cùng gánh nặng hơn 200 triệu tiền nợ chữa bệnh cho vợ, anh Trí đang lâm vào cảnh khó khăn chồng chất

    Con bé Hà Vi đi học về sớm, lủi thủi vào làm rau rồi giặt bộ quần áo ngâm ở chậu. Bác nó trêu: “Hay Hà Vi nghỉ học lấy tiền mua sữa cho em Tuệ?”. Con bé giãy nảy: “Không. Hà Vi không nghỉ học, chị Ly cũng không nghỉ học. Bố nghỉ làm ở nhà mà nuôi em. Hà Vi không đòi quần áo mới mô, bố đừng bắt Hà Vi nghỉ học”. Anh Trí lặng thinh, còn bà Bơ thì bật khóc.

    Tiếng thằng bé trở mình dậy đòi sữa, anh Trí lật đật chạy vào, bà Bơ cũng đi theo. Thằng bé mở đôi mắt ra nhìn rồi lại nhắm tít lại, đôi môi bé xíu ngậm chặt bình sữa, mút lấy mút để như thể đói lắm rồi. Bà Bơ cất tiếng ru, tiếng ru tắc nghẹn như lạc giữa mênh mông nắng…

    Mọi đóng góp của các nhà hảo tâm xin gửi về:

    - Anh Dư Văn Trí

    Xóm 7, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An

    ĐT 0166 299 1688




    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-long-cua-nguoi-dan-ong-truoc-canh-duoc-con-mat-vo-a109156.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.